Search Suggest

Sự ra đời và phát triển của khoa văn học so sánh

Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Xuân

      LỊCH SỬ

     Sự vật và từ ngữ

     “ Văn học so sánh” là một thuật ngữ vừa tùy tiện lại vừa tất yếu, cũng giống như các thuật ngữ “ lịch sử văn học” và “kinh tế học chính trị”. Người ta thường nghe hỏi rằng: “ Các anh so sánh những thứ văn học nào?” bởi vì, ngay từ đầu, theo logic,  thuật ngữ này tự nhiên là được hiểu ở số nhiều;  mặt khác, cách hiểu này đang được sử dụng ở một số trường đại học  Pháp. Nhưng bất chấp logic  và nguyên tắc, cách hiểu theo số ít lại phản ánh một quan điểm khác, vốn đòi hỏi nhiều cách giải thích khác nhau, và đây chính là đối tượng của cuốn sách này. Vả chăng, dù  được hiểu theo số ít hay số nhiều, “văn học so sánh” cũng đã xác định một phương diện bền vững của trí tuệ con người được áp dụng vào việc nghiên cứu văn chương, một nhu cầu tồn tại rất lâu trước khi người ta sáng tạo ra cái từ ngữ quái quỉ này.
      Đây là một thuật ngữ mang tính tùy tiện vì nó vốn mơ hồ -- nhưng  lại mang tính tất yếu, vì lẽ nó đã được sử dụng hàng trăm năm nay  -- vậy phải chăng nó có thể được thay thế bằng một từ ngữ khác ít rắc rối và ít bí hiểm hơn? Tuy nhiên, tất cả những từ được đề nghị thay thế, vì chúng quá dài hay chúng quá trừu tượng; nên đã không được chấp nhận. Và nhiều ngôn ngữ trên thế giới cũng gặp những khó khăn tương tự, vì đã mô phỏng theo tiếng Pháp: letteratura comparata (tiếng Ý), literatura comparada ( tiếng Tây Ban Nha), hikaku bungaku ( tiếng Nhật ). Trong tiếng Anh  thì viết   comparative literature (“ littérature comparative”, là cụm từ mà từ điển Littré muốn dùng); còn tiếng Đức thì lại rõ ràng hơn:vergleichende literaturwissenschaft (khoa học so sánh  về văn học). Tiếng Hà Lan vergelijkende literaturwetenschap thì dựa theo tiếng Đức… Đến đây, chúng ta không trở lại vấn đề này nữa: thuật ngữ này đã có quyền tồn tại hợp pháp của nó.
     Marc Bloch từng viết: “Dù cho sự vật và sự việc có trước, sự đăng quang của một tên gọi bao giờ cũng là một sự kiện trọng đại, vì tên gọi đánh dấu một giai đoạn của  nhận thức”. Điều này không hoàn toàn xác thực đối với văn học so sánh, vốn là ngành văn học đã tồn tại trong những trạng thái mơ hồ của những đối chiếu văn học trước khi khái niệm ra đời, và sau khi khái niệm được khai sinh, trong vài thập niên, nó đã trải qua một tuổi ấu thơ nhuốm màu tài tử và chưa thật sự tự ý thức.
     Thời  phôi thai của văn học so sánh rất dễ bị tưởng là thời kỳ ngắn ngủi: ngay từ khi những nền văn học cạnh tranh với nhau để tồn tại, người ta đã so sánh chúng với nhau để đánh giá những thành quả: văn học Hi Lạp và văn học La tinh, văn học Pháp và văn học Anh ở thế kỷ 18 và 19. Dù khẳng định hay phủ định tính ưu việt của dân tộc, văn học so sánh trong kỷ nguyên thực chứng và khoa học vẫn luôn luôn không quên những cội nguồn của chúng. Sự phục hồi chủ nghĩa dân tộc là điều đáng kết án, hơn nữa, về mặt chính trị, nó thường lại song hành với những ý đồ tự tôn dân tộc. Sự phê phán của Đức Quốc xã đối với “ nghệ thuật suy đồi “là phù hợp với sự tiêu diệt một cách hệ thống những người Do Thái ở Đức và ở Châu Au. Những người đứng lên chống lại thái độ phản nhân đạo này đã khai mở cho đồng bào của họ thấy rằng những nguồn mạch ngoại lai đã phục hưng nền văn học và phát triển  kho tàng tư tưởng của  dân tộc họ: Du Bellay nhấn mạnh đến sự mô phỏng Hi Lạp, La Mã của nước Ý thời kỳ Phục hưng; Voltaire chỉ ra rằng ở Anh, tư tưởng khoan dung đã phát triển và chính với Shakespeare, một động lực mạnh mẽ đã thúc đẩy bi kịch cổ điển vượt qua những trở ngại của lối mòn, dù với những thận trọng và đôi khi hơi tỉ mẩn; Lessing là người gán cho Shakespeare thói sùng bái Pháp nặng nề mà người Đức vào năm 1760 đã tỏ ra ưa thích. Bà De Stặl, người đã từng dâng tặng những tài nguyên văn hóa ở vùng đất bên kia sông Rhin cho vương triều Napoléon đệ I, đã bị  Bộ trưởng Bộ nội vụ ra lệnh hủy cuốn sách Về nước Đức  của mình, với lý do: “ Chúng ta chưa cần phải đi tìm những hình mẫu trong các dân tộc mà chúng ta thán phục ”. Điều đó chứng tỏ rằng không phải là không nguy hiểm khi người ta đề nghị với đồng bào của mình hãy tự làm phong phú đời sống tinh thần của họ.
    Thoạt tiên, văn học so sánh là một phương tiện trong nhà trường, dùng để đánh giá bản sắc của mỗi nền văn học, bằng sự thực hành mang tính kinh viện để tìm sự  tương đồng qua những bản đối chiếu. Khi ấy văn học so sánh xứng đáng với cái tên  “nghiên cứu so sánh các nền văn học dân tộc”, thuật ngữ mà Etiemble đã lấy lại trong bản chỉ dẫn của Bách khoa toàn thư. Chắc hẳn rằng, so sánh các nền văn học, đó không phải là làm văn học so sánh. Tuy nhiên, dù sao đó cũng vẫn  là sự chuẩn bị cần thiết và có lẽ cũng cần phải quy vào sự so sánh ấy, nếu người ta muốn xác định mối quan hệ không thể thay thế được của mỗi nền văn học dân tộc với nền tảng chung của văn học thế giới.
      Để thuật ngữ “văn học so sánh” ra đời, cái mà người ta cho là tinh thần châu Au không đủ, mà phải là tinh thần thế giới, tinh thần tự do, tinh thần bao dung, phải khước từ cả chủ nghĩa cực đoan lẫn chủ nghĩa “cô lập”, tinh thần ấy đã được gợi ý từ Voltaire, Rousseau, Diderot, đặc biệt mạnh mẽ hơn từ Gœoethe; tinh thần đó đã liên kết chung quanh bà De Stặl những người Thụy Sĩ, những người Pháp, những người Đức, những người Anh, vốn đã lâm vào tình trạng đối đầu liên tục. Cũng phải thấy rằng người Pháp đã không còn tuyên bố về tính ưu việt của thị hiếu cổ điển và cũng không áp đặt nó trên toàn châu Âu nữa; người ta cũng phải thừa nhận sự tồn tại của các thị hiếu khác nhau cùng với tính tương đối của chúng, và người ta đã phải cố gắng lý hội hơn là phán xét, ca ngợi hơn là kết án, tóm lai, người ta đã có thể nói như Benjamin Constant rằng: “ Cảm nhận vẻ đẹp có mặt ở khắp nơi, đó không phải là một sự tinh tế bị sa sút mà là một năng lực được phát triển”. Đặc biệt, phải thấy rằng trong thế kỷ của chủ nghĩa quốc gia, trong khi ca tụng ý nghĩa của lịch sử, của các truyền thống, của văn hóa dân gian, và đánh thức những nền văn học đã chết, mỗi dân tộc , mỗi bộ tộc  bắt buộc phải ý thức về tính đơn nhất của mình trong khuôn khổ cộng đồng nhân loại. Hãy nhớ đến Herder, đến anh em Grimm, anh em Schlegel, đến Fichte, đến Hégel, và ngay cả đến Bouterwek.
      Cuối cùng, có thể đưa ra một dẫn chứng cần thiết : đó là sự phát triển của thuyết  so sánh trong các ngành khoa học tự nhiên. So sánh những cấu trúc hay những hiện tượng tương đồng bị lãng quên trong các mối quan hệ chung hay các mối quan hệ của một bộ phận nào đó, để làm nổi rõ những đặc điểm chung và từ đó rút ra quy luật, ấy là một cố gắng đã xưa rồi, như Buffon viết: “Nếu không có loài vật thì con người sẽ hiểu được nhau ít hơn”. Các nhà khoa học N. Grew, M. Severino và Cuvier đã áp dụng phương pháp so sánh để xây dựng một ngành khoa học mới là giải phẫu học so sánh. Cũng từ động lực ấy mà ngành sinh lý học so sánh và ngành phôi học so sánh đã phát triển. Những tiến bộ ấy đã được quan tâm theo dõi bởi những nhà văn lớn ( như Gœthe, Balzac), những người từng lo là sẽ không để lại cái gì bên ngoài lĩnh vực của chủ nghĩa nhân văn và sự tương đồng sẽ khôi phục tính nhất thể của thế giới  . Từ năm 1821, François Raynouard, đã công bố cuốn Ngữ pháp so sánh các ngôn ngữ Châu Au trong mối quan hệ với ngôn ngữ của troubadour (tập 4 của bộ Tuyển tập thơ ca troubadour). Hẳn rằng, lòng ái quốc theo kiểu Provence đã làm cho tác giả này lầm lẫn khi cho rằng ngôn ngữ cổ xưa của những người troubadour ( những nhà thơ trữ tình phương Nam thế kỷ 12- 13) ,được  sinh ra từ một thứ tiếng Latinh suy đồi, là mẹ đẻ của tất cả những ngôn ngữ Roman.Tuy thế, cũng chính nhờ ông ta mà một “tư tưởng thiên tài đích thực ” đã sống lại, đó là: “ phương pháp so sánh sẽ đổi mới việc nghiên cứu lịch sử các ngôn ngữ” (Alfred Jeanroy). Sự tiến hóa thực sự của ngôn ngữ Roman được Friedrich Diez, người sáng lập ra ngành ngữ văn này, phác họa vào năm 1836, ông ta đã được Gœthe lưu ý về các công trình nói trên của Raynouard và luôn luôn giữ một lòng thán phục chân thành đối với người phát minh ra ngành Roman học. Huyền thoại học so sánh , lịch sử so sánh, địa lý học so sánh cũng đã phát triển từ đó.
     Giáo trình văn học so sánh là nhan đề chung của một tuyển tập  các bài viết được François Nol và các cộng tác viên chọn lựa cho học sinh ( 1816- 1825); giáo trình này chỉ mới đặt cạnh nhau những bài học tiếng Pháp, tiếng Latinh, tiếng Anh, tiếng Ý. Ngược lại, cùng thời điểm đó, Willem de Clercq, một nhà nghiên cứu Hà Lan, đã công bố những công trình nghiên cứu so sánh đích thực.
      Ở Pháp, những người sáng lập thực sự của văn học so sánh là Abel Villemain, Jean- Jacques Ampère và Philarète Chasles.

      Những người mở đường
     Trong học kỳ mùa hè năm 1828 và các học kỳ tiếp theo, ở đại học Sorbonne, Villemain đã giảng Giáo trình văn học Pháp mà một phần sẽ được công bố vào những năm 1828 - 1829 qua các bản ghi tốc ký được biên tập lại: ông đã khảo sát ảnh hưởng qua lại giữa Anh và Pháp và ảnh hưởng của Pháp đối với nước Ý vào thế kỷ 18. “Lời nhà xuất bản”  ở ngay đầu tập hai  chỉ ra rằng hướng đi mới của những nhà văn vào thế kỷ 18 đã cho phép phát triển thuận lợi  “ngành nghiên cứu so sánh các nền văn học, vốn là một thứ triết học về phê bình”. Mãi đến năm 1838, tập 4 của giáo trình mới xuất hiện và trong lời tựa, Villemain đã sử dụng thuật ngữ “ văn học so sánh”. Cũng chính trong giáo trình được giảng vào năm 1828 này, Villemain nói rằng, ông muốn chứng minh “bằng một bản so sánh mới những gì mà trí tuệ Pháp đã nhận được từ văn học nước ngoài và những gì mà nó hoàn trả ngược lại ”.Tiếc rằng Villemain đã bỏ qua nước Đức, bởi vì ông không biết tiếng Đức và cũng vì bà De Stặl  trước đó đã khai thác những tài liệu  này.
     Sau Paris, ở Marseille vào cuối thời kỳ Phục tích, một ngôi trường kiểu Athénée được thành lập, kế tục ngôi trường cổ Lycée de la Harpe, nghĩa là một loại khoa tự do, một diễn đàn để phổ biến những tư tưởng tự do, dưới vỏ bọc văn chương và khoa học. Vào ngày 12- 3 – 1830, Jean – Jacques Ampère đã trình bày một bài diễn từ khai giảng, qua đó ông tuyên bố rằng, nếu văn học là một khoa học, thì nó vừa thuộc về lịch sử, vừa thuộc về triết học. Ông cũng sớm tiến hành nghiên cứu các vấn đề triết học về văn học và nghệ thuật mà đối tượng là bản chất của cái đẹp (thuật ngữ “mỹ học” là một từ tiếng Đức sẽ từ từ thâm nhập vào nước Pháp sau). Ưu tiên cho lịch sử, ông viết: “Triết học về văn chương và nghệ thuật sẽ xuất phát từ chính lịch sử so sánh các nền nghệ thuật và văn chương của tất cả các dân tộc”. Hai năm sau, ông được mời về giảng dạy ở Sorbonne, nơi ấy ông sẽ viết bài thuyết trình nhan đề “Bàn về văn học Pháp trong các mối quan hệ với văn học nước  ngoài thời Trung cổ”. Cuối bài thuyết trình này, ông nhấn mạnh: “Thưa quý vị, chúng ta sẽ tiến hành nghiên cứu so sánh vì không có nó, lịch sử văn  học  sẽ không đầy đủ. Và trong sự tiếp cận theo phương pháp so sánh, nếu chúng ta nhận thấy một nền văn học nước ngoài mang đến cho chúng ta một vài điều nào đó thì chúng ta cũng sẽ nhận ra và cũng sẽ tuyên bố một cách công minh những lợi ích ấy; chúng ta rất lấy làm vinh dự để bị cám dỗ bởi những điều hay và chúng ta cũng đầy kiêu hãnh để thừa nhận rằng chúng ta đã sai lầm”.
      Cần lưu ý rằng , việc sáng tạo ra ngành văn học so sánh này là thuộc về những nhà tư tưởng tự do, theo nghĩa chính trị của từ này. Cuối cùng, cũng lưu ý rằng từ khởi thủy của nó, văn học so sánh không nghĩ rằng mình bị buộc phải chọn lựa giữa thời trung cổ và thời hiện đại; thật sự là khi ấy văn hóa và thuật hùng biện đã thường xuyên  cung cấp những lời giải thích rõ ràng và những xác minh cần thiết.
     Sainte –Beuve cho rằng Ampère là người đã vinh dự  sáng lập ra khoa lịch sử văn học so sánh, và là nhà du hành vĩ đại có một trí tuệ rất phóng khoáng, trong các bài báo trên tờ Tạp chí Hai thế giới (Revue des deux mondes) ngày 15- 2 -1840  và 1- 9 – 1868,. Trong bài giảng vào ngày 17- 1- 1835,  sau đó công bố trong Tạp chí Paris (Revue de Paris), Chasles viết: “Không có cái gì sống cô lập, sự cô lập thực sự đó là cái chết”;  “ Mọi người luôn luôn vay mượn của nhau: công trình vĩ đại của những niềm thiện cảm  là có tính phổ quát và ổn định”. Chasles đề nghị không nên tách rời lịch sử văn học với lịch sử triết học và lịch sử chính trị . Nói vắn tắt, ông muốn nghiên cứu lịch sử tư tưởng và muốn chứng minh rằng“các dân tộc hành động và tác động tương hỗ với nhau”, đó là những quan niệm mà ông sẽ thể  hiện trong các giáo trình ở Học viện Pháp quốc những năm 1841- 1873.
      Chasles cũng  tuyên bố vào năm 1835 rằng “một dân tộc không có giao lưu tinh thần với các dân tộc khác thì như một mắt lưới bị tách lìa khỏi một tấm lưới lớn”. Câu nói này sẽ được Ch. Louandre trích lại trong Tạp chí hai thế giới (Revue des deux mondes) ngày 15- 11- 1847 với sự hân hoan: “Hôm nay chúng ta đã tuyên bố về một sự trao đổi tự do”và ông còn thêm rằng: “Việc nghiên cứu các nền văn học đã làm chuyển động một loạt các tư tưởng mới”.  Trên Tạp chí hai thế giới ngày 01- 3 -1844, Blaze de Bury, cũng là một người đi tiên phong, đã mỉa mai rằng “những cuộc bàn luận về văn học so sánh đúng là một cái mốt của hôm nay”.Vào khoảng năm 1840, sự hiện diện của văn học so sánh được khẳng định bởi hằng loạt công trình: Lịch sử so sánh các nền văn học Tây Ban Nha và Pháp (Histoire comparée des littératures espagnole et française, 1843) của Aldolphe de Puibusque; Lịch sử văn chương (Histoire des lettres) của Amédée Duquesnel, lúc đầu có nhan đề phụ là Giáo trình văn học (Cours de littérature,1836- 1844) rồi sau đó tái bản từng phần với nhan đề Giáo trình văn học so sánh (Cours de littératures comparées,1845); Anh hưởng của nước Ý đối với văn học Pháp từ thế kỷ 13 đến triều đại Louis 14 (Influence de l’Italie sur les lettres françaises, depuis le XIIIè siècle jusqu’au règne de Louis XIV, 1853), của E. J. B. Rathery; Corneille, Shakespeare và Gœthe  của W. Reymond (1864, do Sainte Beuve đề tựa). Như vậy, kỷ nguyên của những kiến tạo lớn lao đã mở màn ở nước Pháp, nơi mà từ sau bài giảng của Sainte-Beuve, người ta bắt đầu thiên về khảo sát  sự vay mượn một cách chi tiết. Vì vậy, có thể nói, mọi khoa học đều bắt đầu từ những tổng hợp đầy tham vọng trước khi đi đến những phân tích kiên trì cần thiết. Vả chăng, nền đại học Pháp đã không nhận ra sự hiện diện của ngành khoa học trẻ này, qua  những  sáng tạo trên bục giảng, mà tự bằng lòng với việc giảng dạy những “nền văn học nước ngoài” riêng lẻ mà thôi.

      Những thành quả đầu tiên
     Như là trở về nguồn, trọng tâm của văn học so sánh lại chuyển dịch về Thụy Sĩ - miền nói tiếng Pháp, nơi đã chứng kiến sự ra đời của cuốn sách Về nước Đức  của bà De Stặl và tác phẩm Về văn học Trung Au ( 3 tập :1813, 1819, 1829) của Sismondi. Ở Viện Hàn lâm Lausanne, Joseph Hornung, một nhà lịch sử luật học so sánh, đã được mời đến giảng một giáo trình về văn học so sánh vào năm 1850. Từ năm 1858 ở Đại học Genève, Albert Richard, với chức danh giáo sư về văn học cận đại , và tiếp đó là giáo sư về văn học hiện đại so sánh, đã đảm nhận một chương trình giảng dạy tương tự. Marc Monier và Edouard Rod sẽ lần lượt kế tục công việc này từ 1886 đến1895. Nhờ vậy, Đại học Genève đã duy trì được môn học còn quá mong manh này, dù sau này cương vị này bị bỏ.
      Đến lượt nước Ý, De Sanctis được mời làm giáo sư văn học so sánh ở Naples từ năm 1863. Ông rời bỏ chức vụ này vào năm 1865 để tham gia hoạt động chính trị nhưng rồi lại trở về để giảng dạy văn học Ý từ năm 1871 đến năm 1877. Trong những năm 70, Emilio Teza đã giảng dạy ở đại học Pise về ngôn ngữ học và văn học so sánh, mà trọng tâm ngành ngữ văn Đức. Sau đó ít lâu, ở Turin, Arturo Graf đã mở ra một trường phái so sánh tích cực hơn, với những đối chiếu táo bạo.
      Ở Hunggari, tờ tạp chí đầu tiên xuất hiện vào ngày 15- 01 – 1877, do Hugo Meltzl, một giáo sư gốc Đức ở đại học Kolozsvár, bạn của Petofi và Nietzsche, phụ trách với sự cộng tác của Samuel Brassai. Được ấn hành bằng 6 rồi 10 thứ tiếng, tờ Tạp chí văn học so sánh này được thay thế vào năm 1882 bằng tờ Tạp chí so sánh văn học thế giới. Người ta cũng phải kể đến cuộc gặp gỡ đầu tiên về nghiên cứu văn học so sánh, đó là Hội nghị quốc tế các nhà văn tổ chức tại Paris ngày 16- 6- 1878 do Victor Hugo chủ trì, Tourguéniev phát biểu, cuộc gặp cốt để thể hiện  một tình hữu nghị giữa các nhà văn, tương tự như câu lạc bộ văn bút hiện nay. Tuy thế, ý tưởng về văn học so sánh cũng đã bước đầu được bộc lộ.
     Cũng chính những năm đó, văn học so sánh đã tự ý thức như một ngành khoa học ở nước Anh và nước Đức. Mathew Arnold, người đã dịch thuật ngữ văn học so sánh từ tiếng Pháp sang tiếng Anh vào năm 1848, đã đấu tranh chống lại việc sử dụng văn học so sánh chỉ như một phương tiện ; những người thừa kế ông (Morley, Saintsbury, Gosse, Lee) là một thế hệ các nhà sử học, những nhà phê bình có uy tín không ai sánh kịp lúc bấy giờ. Nhưng chính với cuốn Nhập môn văn học Châu Au thế kỷ 15, 16, 17 (Introduction to the Literature of Europe in the 15 th, 16 th, 17 th centuries) cuả Henry Hallam- một tác phẩm có thể sánh với các công trình lớn của Guizot- mà người ta lại phải ngược dòng để hiểu được ý định của Hutcheson M. Posnett, giáo sư Đại học Auckland, người đã công bố ở Luân Đôn vào năm 1886, cuốn Văn học so sánh (Comparative Literature) , một thứ tiểu luận lịch sử nói về nguồn gốc và sự phát triển của các nền văn học trên toàn thế giới; cuốn sách này đã sử dụng phương pháp loại suy để rút ra những quy luật phát sinh của các thể loại văn học như thể là chúng bị quy định bởi những cấu trúc xã hội . Thuyết quyết định luận này là sản phẩm cuả thời đại thực chứng, cũng như mục đích đạt đến sự tiến hóa là tài sản của thời đại chủ nghĩa tự do: sự phân biệt các tác phẩm dựa trên sự bừng nở của ý thức cá nhân vượt qua những ràng buộc mà tính tập thể đã áp đặt cho nó. Thật thú vị khi chúng ta nhận ra rằng Posnett mặc dù ưa thích nền văn minh Hy La, vẫn thường đi tìm những yếu tố so sánh cách xa châu Âu ở chính nước Mễ Tây Cơ và ông ta đã nhận ra quá trình của “văn học thế giới” ngay trong nền văn học An Độ và Trung Quốc. Sự can đảm đích thực  này sẽ bị quên lãng trong những công trình tổng hợp khác mà trong đó toàn bộ lịch sử các nền văn học phương Tây đã đựơc biên soạn vượt lên trên lịch sử riêng biệt của các nền văn học dân tộc. Chương trình đó sẽ được thực hiện vào đầu thế kỷ XX, bởi bộ sưu tập Các giai đoạn của văn học Châu Au Periods of Europian Literature) được công bố ở Edimbourg dưới sự chủ biên của G. Saintsbury, sau đó là bộ Lịch sử văn học của Châu Au và Châu Mỹ từ thời Phục hưng đến nay (Histoire littéraire de L’europe  et de l’Amérique de la Renaissance à nos jours) của Paul Van Tieghem ( 1941).
     Cùng thời kỳ mà Posnett mở ra con đường đi vào lịch sử văn học đại cương, thì ở Munich, Carrière đã công bố một loạt giáo trình và hội thảo về sự tiến hóa của thơ ca, qua đó ông đã tìm cách sáp nhập văn học so sánh vào trong lịch sử tổng quát của nền văn minh.
    Tiếp đó, công trình Lịch sử  ảnh hưởng văn hóa Đức trên văn hóa Pháp - những tác động đặc biệt trong văn học(Geschichte des Deutschen Kultureinflusses auf Frankreich mit besonderer Bercksichtigung der literarischen Einwirkung) của Th. Spfle được xem là tác phẩm cơ bản mà tư tưởng đã được tiếp biến và bổ sung bởi Virgile Rossel (Thụy Sĩ), người đã khẳng định cái thiên hướng tự nhiên của đất nước mình qua tác phẩm Lịch sử các mối quan hệ văn học giữa Pháp và Đức (Histoire des relations littéraires entre la France et L’allemagne, 1897). Trong khi được xác định từ việc nghiên cứu các ảnh hưởng, văn học so sánh đã triển khai các chủ đề và môtíp trên một phạm vi rộng lớn, đó là lĩnh vực đã được khai thác đặc biệt bởi những người Đức từ khoảng năm 1850.

      Văn học so sánh như là khoa học
     Hai khuynh hướng nghiên cứu trên đây đã được thể hiện trong tạp chí quan trọng đầu tiên Tạp chí Lịch sử văn học so sánh (Zeitschrift fr vergleichende Literaturgeschichte) do Max Koch sáng lập vào năm 1886 và đình bản vào năm 1910, gắn liền với với bộ sưu tập Những bài nghiên cứu lịch sử văn học so sánh  (Studien zur vergleichenden Literaturgeschichte).
     Năm 1895, xuất hiện hai luận văn, một của Louis Paul Betz nhan đề Heine ở Pháp (Heine in Frankreich) và một của Joseph Texte J. J. Rousseau và nguồn gốc của chủ nghĩa thế giới trong văn học  (J. J. Rousseau et les origines du cosmopolitisme littéraire). Năm sau, hai người này lần lượt được bổ nhiệm làm giáo sư văn học so sánh ở Zurich và ở Lyon. Texte mất sớm vào năm 1900. Fernand Baldensperger, tác giả cuốn Gœthe ở Pháp ( Goethe en France) là người kế tục ông ở vị trí này, trước khi được bổ nhiệm vào chức danh giáo sư ở Đại học Sorbonne vào năm 1910. Betz cũng mất sớm vào năm 1903, nhưng trước đó ông đã công bố thư mục đầu tiên về văn học so sánh vào năm 1897; còn bản thư mục thứ hai với 6000 đơn vị tài liệu tham khảo thì được Baldensperger hoàn tất vào năm 1904. Fédéric Loliée cũng đã vén mở ra trước công chúng một nền khoa học trẻ , đó là cuốn sách Sự tiến hóa lịch sử của các nền văn học, lịch sử các nền văn học so sánh từ khởi thủy đến thế kỷ XX (L’Evolution historique des littératures, histoire des littératures comparées des origines au XXè siècle), xuất bản năm 1904, bản dịch tiếng Anh, ở London và New York năm 1906, có một nhan đề sáng rõ hơn : Lược sử khoa văn học so sánh (A Short History of Comparative Literature).
     Ở nước Nga, một trong những nhà so sánh học đầu tiên là Alexandre Veselovski, chuyên gia về folklore vào những năm 70, người có khuyết điểm là muốn rút ra những quy luật hữu cơ từ những quan sát phân tán và muốn biến nghệ thuật so sánh thành một khoa học quá ư nghiêm nhặt. Tên tuổi của ông ngày nay vẫn còn gợi ra những cuộc tranh luận.
     Vào khúc quanh của thế kỷ, văn học so sánh đã đến với nước Mỹ. Các bộ môn về văn học so sánh đã được sáng lập ở Đại học Columbia năm 1899, ở Đại học Harvard năm 1904, rồi sau đó ở Học viện Dartmouth năm 1908. Năm 1903, George E. Woodberry đã xuất bản ở Columbia tờ Tạp chí văn học so sánh (Journal of Comparative Literature) nhưng nó chỉ ra được 3 số. Irving Babbitt, bằng cá tính sáng tạo và những công trình của mình, đã gây ra một ảnh hưởng nhất định, người ta nhớ đến các tác phẩm của ông như: Các bậc thầy của phê bình văn học Pháp (Masters of French Criticism,1913),Rousseau và chủ nghĩa lãng mạn (Rousseau and Romanticism, 1919), Tính cách Tây Ban Nha và các tiểu luận khác(Spanish Character and Other Essays, 1940). Sau một thời gian tạm ngưng do chiến tranh thế giới lần thứ nhất, việc nghiên cứu văn học so sánh lại tiếp tục phát triển. Những chức danh giáo sư về văn học so sánh lại được đặt ra ở Đại học Bắc Carolina(1923), Đại học Nam California(1925) Đại học Wisconsin(1927), trong đó, thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, hai trường đầu tiên chịu ảnh hưởng của Baldensperger.
     Như vậy, ở giai đoạn đầu của tiến trình khoa học, , nhờ những con người năng động ở Tây Au, Trung Au, cũng như ở Mỹ, ngành văn học so sánh đã đạt đến vị trí của một thứ văn chương cao quý: nó đã được giảng dạy đều đặn trong một số trường đại học, nó có tạp chí riêng và một thư mục nghiên cứu. Người ta thấy những sử gia lớn của các nền văn học dân tộc đã trợ thủ cho những cố gắng của các chuyên gia, với quan niệm rằng văn học so sánh xuất hiện như một ngành của lịch sử văn học. Ở trường Đại học Sư phạm Pháp những năm 1890- 1891, Brunetière đã giảng dạy một giáo trình về văn học so sánh; tại Hội nghị quốc tế về lịch sử văn học so sánh, tổ chức ở Paris trong thời gian có triển lãm thế giới năm 1900, Brunetière được bầu làm chủ tịch Phân ban lịch sử so sánh các nền văn học (Chủ tịch danh dự là Gaston Paris). Brunetière muốn người ta viết lịch sử các trào lưu văn học lớn trong thế giới phương Tây và cảm thấy rõ sự bất cập của lịch sử văn học dân tộc trước những câu hỏi lớn đặt ra cho chính nó . Liệu người ta có thể miệt mài theo đuổi chính trị quốc nội mà không quan tâm gì đến những tác động của chính trị thế giới đối với công việc trong nước hay không? Trong những năm này, Lanson đã quan tâm đến ảnh hưởng của văn học Tây Ban Nha đối với văn học cổ điển Pháp. Về sau này, việc xuất bản Những thư từ triết học, qua những lời bình luận, đã cho thấy đây là một công trình có giá trị vững chắc của một tác phẩm bậc thầy về văn học so sánh. Theo bước chân những người đi trước, nhiều giáo sư văn học Pháp, về lý trí và tình cảm, đều thấy phải trở thành những nhà so sánh giỏi; người ta có thể khắc bằng chữ vàng trên nhiều chiếc ghế giáo sư câu nói sau đây của Fabre: “Văn học so sánh là một môn học đã được đăng quang”. Sau Brunetière và Lanson, phải kể đến Faguet, giám đốc Tạp chí Latinh, xuất bản từ năm 1902 đến 1908, có một nhan đề phụ là Tạp chí văn học so sánh.
     Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, cảm thấy hưng phấn vì một ý chí hòa giải và tinh thần thế giới, một số người Pháp đã cho rằng văn học so sánh là một trong những môn học đặc biệt nhất đã mở ra  cánh cửa của các biên giới.  Vào thời điểm mà trên Tạp chí nước Pháp mới (Nouvelle Revue française) người ta liên kết chung quanh Gide để làm cuộc đối thoại về nước Đức của Ernst Robert Curtius và của Thomas Mann; thời điểm mà Robert de Traz đề cao Tạp chí Genève, một tạp chí sáng suốt và ôn hòa, thì Fernand Baldensperger và Paul Hazard cũng đã sáng lập Tạp chí Văn học so sánh năm 1921. Strasbourg từ năm 1919 đã nhận được một chức giáo sư về văn học so sánh, thêm vào những chức đã có ở Lyon và Paris do J.- M. Carée liên tục phụ trách.
      Những quốc gia mới ra đời nhờ hiệp ước Versailles đã hăng hái tham gia nghiên cứu văn học so sánh từ năm 1930, khi nhìn thấy ở đó dấu hiệu và đặc quyền của một nền văn hóa trưởng thành mà họ phải chờ đợi trong mỏi mòn và đau khổ. Tuy mới phác họa ra những nét còn mơ hồ của một nền văn học dân tộc, nhưng người ta vẫn cố gắng định nghĩa những mối quan hệ và ảnh hưởng cũng như cố gắng thâm nhập vào những dòng văn học lớn bên ngoài.
     Ở Liên Xô, từ 1917 đến 1929, văn học so sánh đã có một sự dung hợp tương đối, sau đó là kỷ nguyên vàng của chủ nghĩa hình thức cho đến năm 1945.
     Ở Olso, vào năm 1928, Hội nghị lần thứ sáu về khoa học lịch sử được khởi xướng bởi sáng kiến của Paul Van Tieghem, chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng đã thật hiệu quả khi đã sáng lập nên Uy ban quốc tế về lịch sử văn học hiện đại( Comission internationale d’histoire littéraire moderne) và đã công bố công trình tập hợp những bản tham luận có tênDanh mục biên niên các nền văn học hiện đại (Répertoire chronologique des littératures modernes, 1937), xuất bản dưới sự điều hành của những nhà văn học sử ở hơn 25 quốc gia. Sau các hội nghị ở Budapest ( 1931) và ở Amsterdam ( 1935), cuộc họp cuối cùng là ở Lyon, năm 1939,
      Vào năm 1939, văn học so sánh đã vinh dự có được một bản lược đồ to lớn với những đề mục chính: lịch sử của những cuộc giao lưu văn học thế giới, những nghiên cứu về nguồn gốc và ảnh hưởng có tính cá nhân hay tổng quát, những nghiên cứu về chủ đề và môtíp, về lịch sử khái quát của văn học phương Tây, qua những thời kỳ lớn hay qua các thể loại văn học…Tính chất hợp quy luật của những thành tựu này đã được tiên báo  từ 20 năm trước , khi người ta trách cứ những nhà so sánh học hy sinh mỹ học cho những nguyên tắc của một chủ nghĩa thực chứng cũ rích. Những cảnh báo này đã phần nào chính xác. Nhưng những gì đã làm và làm tốt thì xứng đáng được giữ lại. Những thành tựu gần đây nhất đã chịu ơn nhiều ở những nỗ lực và thành quả của những nhà nghiên cứu đầu tiên. Những gì còn lại sẽ được kế thừa và phát triển, và đó là lý do để người ta không hoàn toàn phủ nhận những điều trong quá khứ.
     Những nghiên cứu gần đây nhất đôi khi xuất hiện chỉ như là cốt để phô trương quan điểm. Tác phẩm của Benedetto Croce có trước thế chiến thứ hai khá lâu, cũng như những khởi đầu của Lukács. Nhưng phê bình của Croce đồng thời với những công trình đầu tiên của Texte và của Lanson lại chỉ thực sự làm xao xuyến những nhà so sánh học vào 40 năm sau, ít ra là  trừ nước Ý. Còn những công trình sau năm 1920 của Lukács thì từ năm 1945 mới gây được tiếng vang  trong dư luận. Cuối cùng, nếu chủ nghĩa hình thức Nga những năm 20 đã đến với chúng ta , đó là phần nào nhờ vào cuộc chạy tiếp sức của nhóm Phê bình mới Mỹ.
     Cũng không thể quên thời điểm của những thể nghiệm này, vì vậy cần kể đến bản tổng kết của hiện tại. Cũng cần chú ý áp dụng vào những nghiên cứu mang tính quốc gia, đồng thời với những quan điểm lý thuyết tổng quát. Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc đã vận dụng thuyết so sánh trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, nhưng cần có một độ lùi cần thiết để rút ra tính độc đáo của họ.

      HIỆN TẠI
     Sự phát triển của văn học so sánh thời kỳ hậu chiến
     Từ lúc chúng tôi viết những giòng này cho đến khi công chúng đọc được, chắc chắn sẽ diễn ra nhiều thay đổi, và một loại hình nghiên cứu vốn đã năng động sẽ tiến triển rất nhanh. Vì vậy chương này chỉ có tham vọng ghi nhận thoáng qua một bức tranh về một tình hình đang chuyển động.
     Dù mang tính quốc tế và tính phổ quát từ định nghĩa cũng như từ bản chất, văn học so sánh cũng chỉ mới thực sự có những hứa hẹn từ 30 năm nay. Nếu những người sáng lập khoa văn học so sánh, mà chủ yếu là người Pháp, ngày nay sống lại, hẳn họ sẽ nhận thấy rằng những thế hệ kế tục, xuất phát từ một mẫu hình  và từ một vài công trình tiêu biểu, đã xây dựng nên một ngành khoa học hoàn chỉnh và đào tạo những môn đồ tỏa ra nhiều nơi trên thế giới, cũng như đã tập hợp lực lượng trong những tổ chức năng động. Một sự bừng nở tốt đẹp diễn ra sau một sự trưởng thành tiệm tiến.
     Để có thể xóa bỏ tình trạng cô lập và thiếu hiểu biết lẫn nhau trên thực tế, điều mà văn học so sánh vào cuối thế kỷ 19 chỉ mới làm được trên bình diện lý thuyết, cần phải có những bước tiến trong giáo dục phổ cập các sinh ngữ, sự mở rộng  thói quen sử dụng hàng không thương mại nhờ những tiện nghi trong du hành, sự phát triển những phương thức kỹ thuật trong sản xuất và quản trị, sự sáng lập các cơ quan chuyên trách về văn hóa quốc tế, những văn phòng phiên dịch và xuất bản ở qui mô lớn, những thiết bị tin học; tóm lại, đó là những điều kiện có từ đời sống hiện tại , chúng góp phần thu nhỏ hành tinh lại cho vừa với kích thước của con người. Sau 50 năm đấu tranh dũng cảm để chống lại những hoàn cảnh vật chất bất lợi, cuối cùng những nhà so sánh đã sử dụng được các công cụ gần như tương xứng với tham vọng của họ. Nếu họ không phải lúc nào cũng rút ra được ưu thế đó, thì khuyết điểm là thuộc về những rào cản tinh thần không phải lúc nào cũng cho phép người ta dễ dàng vượt qua.

     Kỷ nguyên của những hội nghị quốc tế
     Sau một thời gian bị gián đoạn vì những biến cố chính trị, hoạt động văn học so sánh lại tiếp tục với đại hội lần thứ 4 của Uy ban quốc tế về lịch sử văn học hiện đại, tổ chức tại Paris năm 1948. Ở đó, lần đầu tiên có một đoàn đại biểu Mỹ tham dự.
     Ở đại hội lần thứ 5 tại Florence năm 1951, Ủy ban này đã trở nên lỗi thời nên đã nhường chỗ cho Liên đoàn quốc tế các ngôn ngữ và văn học hiện đại (Fédération internationale des langues et littératures modernes, viết tắt là F.I.L.L.M.), tập hợp khoảng 12 hội khoa học quốc tế về nghiên cứu văn học, từ đó đến nay tổ chức này đã không ngừng phát triển. Gắn liền với Hội đồng quốc tế về triết học và khoa học nhân văn, F.I.L.L.M đã tổ chức đều đặn các kỳ đại hội cứ 3 năm một lần, kể từ lần đại hội ở Oxford năm 1954 cho đến đại hội ở Phœnix( Arizona) năm 1981.
     Những chủ đề trong các cuộc gặp gỡ này chứng tỏ rằng ngay từ đầu người ta đã quan tâm nghiên cứu những vấn đề văn học lớn có tầm khái quát cao: đó là những vấn đề về phương pháp, về phong cách, về phê bình, về tương quan giữa những hình thức diễn đạt…Quan điểm so sánh ở đây để lại dấu ấn một cách tự phát mà không sâu. Từ đó nảy sinh ra khát vọng về một bộ môn chuyên biệt ở trình độ phổ quát mà những đường hướng lớn được phác thảo bên lề đại hội Oxford, dưới sự tác động của Charles Dédéyan và những quy chế được thông qua năm 1955 ở Venise, nơi diễn ra đại hội đầu tiên của một tổ chức còn rất trẻ là Hiệp hội quốc tế về văn học so sánh (Association internationale de littérature comparée, viết tắt là A.I.L.C.). Những đại hội tiếp theo, từ đại hội ở Chapel Hill năm 1958 cho đến đại hội ở New York năm 1982, đã chứng minh tính chất hợp quy luật của công việc và sức mạnh của ý tưởng này.
     Như vậy là một đoạn đường dài đã đi qua từ ý định ban đầu năm 1900. Ở thời đại chúng ta, một hội nghị quốc tế chắc hẳn là chuyện bình thường. Tất cả mọi nghề nghiệp, kể cả những nghề nghiệp kỳ cục nhất, cũng có thể tổ chức những hội nghị như vậy. Trào lưu chính trị và văn hóa của thế kỷ XX đang diễn ra theo chiều hướng ấy. Nhưng hơn tất cả những loại hình tư tưởng và hành động khác, văn học so sánh đã chứng tỏ một nhu cầu sống còn qua các hội nghị. Thiếu sự trao đổi, cô lập trong những quốc gia khép kín, văn học so sánh sẽ sống leo lét và đông cứng thành chủ nghĩa kinh viện. Phải chăng, làm nên những đối chiếu không phải là không dẫn đến sự một sự tầm thường nào đó, trong ý nghĩa của từ ngữ này.Tuy nhiên, đó là cái giá không tránh được của mọi sự giao lưu tinh thần rộng rãi.

     Sự phát triển của những hiệp hội trong nước
     Hiệp hội quốc tế về văn học so sánh không tự bằng lòng với việc tập hợp những thành viên riêng lẻ. Những người sáng lập hiệp hội đã nhận lãnh nhiệm vụ cổ vũ việc thành lập các hiệp hội trong nước. Năm 1954, Hội văn học so sánh Pháp đã được thành lập và đến năm 1973, hội này thông qua quy chế mới  và chuyển thành Hội văn học đại cương và văn học so sánh Pháp. Hội công bố một niên giám và những tập san. Những đại hội trong nước do Hội tổ chức từ đó đến nay đều diễn ra ở các tỉnh.
     Ở Mỹ, nơi những hội nghị và hội thảo khoa học ngày càng nhiều, đã hình thành một cách chính thức vào năm 1947, một Phân ban  so sánh của Hội ngôn ngữ học hiện đại, được sáp nhập vào đó cả Uy ban văn học so sánh (Comparative literature Committee) của Hội đồng quốc gia các giáo sư Anh ngữ. Năm 1960, Hội văn học so sánh Mỹ (American Comparative Literature Association, viết tắt là A.C.L.A) ra đời và tổ chức đại hội lần đầu tiên vào tháng 9 năm 1962. Nước Mỹ đã công bố 3 trong số 4 tập san nghiên cứu so sánh xuất bản định kỳ, được phổ biến trên toàn thế giới.
      Năm 1948, Hội văn học so sánh Nhật Bản được thành lập. Sức sống của khoa văn học so sánh Nhật Bản bộc lộ và phát triển từ năm 1945, và đã được chuẩn bị nhờ những quan hệ của nước Nhật hiện đại với phương Tây trong thời đại Meiji (1868- !912). Trào lưu quốc tế này đã cho phép công bố một số lượng lớn các bản dịch .
     Ngày nay, nhiều nước khác cũng đã có hội văn học so sánh của mình: Đức, Luxembourg, Thụy Sĩ, Anh, Canada, Úc, Tân Tây Lan, Hunggari, Ba Lan, Hòa Lan, Bỉ, Marốc, Nigêria, Nam Phi, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, An Độ.

     Chính sách của những trung tâm nghiên cứu
      Quan tâm đến những vấn đề nghiên cứu văn học so sánh, nhưng các hội văn học so sánh trong nước không thể thay thế cho các trung tâm nghiên cứu. Điều đó có nghĩa là một loại hình cấu trúc khác rất cần thiết cho sự phát triển của văn học so sánh. Nó tồn tại trong nhiều nước khác nhau. Về mặt này, nước Pháp hơi chậm trễ một chút. Nhưng vào những năm gần đây nhiều trung tâm đã được sáng lập ở Paris và các tỉnh. Khi thì chúng chuyên về nghiên cứu những mối quan hệ trong một khu vực ngôn ngữ, khi thì chúng được tổ chức xoay quanh một thể loại, một vấn đề, hay một phương pháp áp dụng vào việc nghiên cứu một thời kỳ.
     Trung tâm nghiên cứu văn học so sánh do Pierre Brunel thành lập năm  1981 ở Đại học Paris 4  đã quyết tâm trở thành một đơn vị liên đại học và liên ngành. Nó không chỉ tiếp nhận những nhà so sánh chuyên nghiệp mà cả những giáo sư văn học Pháp, cả những chuyên gia về ngôn ngữ học cổ điển và hiện đại, những triết gia, những nhà sử học. Trung tâm này liên kết nhiều nhóm theo 4 bộ môn: 1. Giao lưu văn học quốc tế  2. Các phương thức diễn đạt 3. Loại hình học và ký hiệu học so sánh 4. Các phương thức so sánh.

      Trường phái Pháp và trường phái Mỹ
      Văn học so sánh đã từng gây ra một cuộc tranh luận giống như phê bình mới.Trường phái Pháp trong một thời gian dài gắn liền với lịch sử văn học, với việc nghiên cứu những ảnh hưởng, và với việc khảo sát các sự kiện. Trong khi phản ứng lúc thì gay gắt, lúc thì điềm tĩnh chống lại những áp lực của sự trì trệ, chống lại một truyền thống đã trở thành lối mòn và chống lại chủ nghĩa thực chứng duy khoa học, nền văn học so sánh ngoài khu vực Đại Tây Dương dựa trên hai nguyên tắc: một là nguyên tắc tinh thần, phản ánh thái độ của một quốc gia lớn mở cửa ra thế giới bên ngoài, quan tâm đến việc hòa hợp với các nền văn hóa khác bằng một thiện cảm mang tính dân chủ, nhưng đồng thời cũng ý thức hơn đến nguồn gốc phương Tây của mình;hai là, nguyên tắc trí tuệ cho phép những người Mỹ có cái nhìn lui cần thiết với toàn cảnh rộng lớn từ thời cổ đại cho đến thế kỷ thứ XX để bảo tồn một cách nghiêm nhặt những giá trị thẩm mỹ và nhân văn của một nền văn học còn được xem như một cuộc chinh phục tinh thần đầy hứng khởi, và để dấn mình vào những kinh nghiệm về phương pháp và cách lý giải mang tính chiết trung mà không sợ bị lạc lối.
     Văn học so sánh Mỹ rất đáng chú ý do sự phong phú đa dạng của nó, và trước hết là do cả nguồn gốc của những giáo sư và những nhà nghiên cứu. Có ảnh hưởng lớn nhất là những người Tiệp Khắc như René Wellek (Đại học Yale), người Đức như Horst Frenz (Đại học Indiana), người Ý như Gian Orsini (Đại học Wisconsin), người Ba Lan như Zbigniew K. Fokjowski (Đại học Pennsylvanie), người Nga như Gleb Struve (Đại học Berkeley), người Thụy Sĩ như Werner Friederich hay gần đây nhất là François Jost.
     Ngay cả khái niệm văn học so sánh cũng trải qua sự sàng lọc bởi những học giả Mỹ trong những năm gần đây. Bằng chứng điển hình là cuốn sách của Robert J. Cléments  Văn học so sánh như một môn học hàn lâm: một tuyên ngôn về nguyên lý, thực hành và tiêu chuẩn (Comparative Literature as Academic Discipline: A Statement of Principles, Praxis and Standards, 1978), đã cố gắng lập lại trật tự trong sự phát triển đầy nhiệt tình nhưng đôi khi hơi độc đoán của ngành văn học so sánh trong các trường đại học Mỹ. Người ta càng nhấn mạnh vào tính thiết yếu của thực hành các ngôn ngữ khác nhau, thì trái lại, người ta càng chia sẻ phần quan trọng cho lý luận văn học. Có lẽ trên thực tế, văn học so sánh dao động giữa tính kỹ thuật và sự suy tưởng tổng quát đó.
      Từ năm 1968, nước Pháp đã không biết đến song đề này. Có lẽ đó là lý do tại sao mà cái gọi là “văn học đạ cương” đã chiếm lĩnh khu vực của văn học so sánh chính thống. Việc phát động này được đánh dấu bằng kỳ thi thạc sĩ văn chương hiện đại năm 1960, với hai bài thi về văn học so sánh làm trên các  văn bản tiếng Pháp và dịch sang tiếng Pháp. Tổ chức giáo dục đại học đệ nhất cấp (D.U.E.L. rồi D.E.U.G.) đã bị thay thế bằng những đơn vị học trình đại cương hơn là những đơn vị học trình thuần túy so sánh.Đôi khi, một chứng chỉ chuyên biệt bậc cử nhân -hay ngay cả bằng cử nhân chuyên nghiệp - những buổi thảo luận ở bậc cao học và nghiên cứu sinh vẫn duy trì việc nghiên cứu các văn bản bằng ngôn ngữ gốc.

     Những tiến bộ trong quá khứ và tương lai
     Sau một thời gian dài bị xem là ngành chuyên môn hiếm hoi, thậm chí là bí hiểm, có lúc còn bị ngờ vực hay mỉa mai, bây giờ đây văn học so sánh không còn là độc quyền của vài trường đại học tiên phong nữa. Ở khắp mọi nơi, văn học so sánh đã và đang đi vào truyền thống của khoa học hàn lâm.
      Số lượng những người chính thức mang danh hiệu nhà so sánh luận đang tăng lên một cách nhanh chóng. Nhưng điều còn đáng quý hơn nữa là tư tưởng so sánh ngày càng thu hút các chuyên gia của tất cả các ngành học khác. Những người chuyên nghiệp cũng như những người tài tử liên kết với nhau một cách tự do mà không bận tâm đến những biên giới trí tuệ hay chính trị. Hơn nữa, ở Pháp và ở Mỹ, tương lai được bảo đảm nhờ số lượng sinh viên ở các cấp ngày càng tăng lên, đó là nơi vườn ươm  sẽ đào tạo những nhà nghiên cứu hay những người ủng hộ văn học so sánh trong tương lai. Chúng ta nhìn thấy ở tính  chất phổ cập thực sự này một lý do rất đơn giản: văn học so sánh không phải là một kỹ thuật được áp dụng vào một lĩnh vực hạn hẹp và chính xác. Với tính chất bao quát và đa dạng, văn học so sánh phản ánh một trạng thái tinh thần luôn tìm tòi, một óc tổng hợp mở ra đến mọi hiện tượng văn học dù nó diễn ra lúc nào và ở đâu. Quả là một điều tốt và cần thiết nếu trong một giai đoạn học tập nào đó mọi sinh viên văn chương và ngôn ngữ đều biết đến và chia sẻ trạng thái tinh thần đó. Tuân thủ nguyên tắc và bản chất của nó, văn học so sánh ngày nay đã được phổ biến trên khắp hành tinh, nhưng nó vẫn được đa dạng hóa tùy theo các dân tộc . Những truyền thống tri thức của dân tộc, những nhu cầu bản địa, những nền văn minh khác nhau quy định diện mạo của nó. Khởi nguyên từ nước Pháp, giờ đây nó đã trở thành phổ quát trên toàn thế giới. Nói đúng ra, mọi đặc điểm dân tộc chỉ có ý nghĩa nếu nó thuần túy và đơn giản chỉ ra cái ngôn ngữ mà các công trình sử dụng để soạn thảo, ngôn ngữ đó không phải lúc nào cũng là tiếng mẹ đẻ của tác giả.
     Thật là một nhiệm vụ đầy nghịch lý khi mà người ta phải dần dần loại trừ chủ nghĩa dân tộc trong văn học mặc dù không có nó thì tư tưởng không thể phát sinh . Văn học, ngôn ngữ, dân tộc, đó là ba thực thể từ lâu độc lập đã hội tụ trong giòng lịch sử thế kỷ thứ 18 và nhất là đầu thế kỷ thứ 19 cho đến khi hình thành một thực thể duy nhất bao gồm cả ba khái niệm. Chống lại những thành tố bị cô lập theo cách mới, văn học so sánh đã dần dần vươn lên. Trong những nước có truyền thống đại học lâu đời thường thấm đẫm một chủ nghĩa nhân đạo khoan dung, văn học so sánh lúc đầu thâm nhập dễ hơn ở những quốc gia trẻ và nhỏ, nơi mà nền giáo dục đại học và nghiên cứu, sau những dò dẫm ban đầu, đã không do dự nghiêng về sự sùng bái di sản văn hóa bản địa. Trong mắt những quốc gia vốn tỏ ra cứng rắn và khép kín đến mức không thể tự nhận thức rõ hơn về mình, châu Au già nua và kiêu ngạo, ít có khả năng tỉnh ngộ, sẽ dễ dàng chuyển sang suy đồi.
      Từ chủ nghĩa quốc gia “sơ đẳng” này, đôi khi dẫn đến một trào lưu chủ nghĩa thế giới bình quân, văn học so sánh đã rút ra một chủ nghĩa quốc gia “thứ yếu”: đa dạng trong thống nhất, ý thức về những tương đồng và dị biệt, những mối liên hệ và đứt quãng. Vậy thì tiếp theo đó, người ta sẽ hy vọng những sự tiến hóa nào? Không ai là tiên tri, ngay cả ở bên ngoài xứ sở của mình. Dưới hình thức này hay hình thức khác, sự vận động hướng tâm và ly tâm vĩnh cửu này vẫn tiếp diễn, đó là nguyên tắc cơ bản của  đời sống văn học.
     Nét cuối cùng của văn học so sánh trên quy mô thế giới là hiện tượng trí tuệ này gắn liền với sự tiến hóa về tâm lý. Chắc hẳn đó là một công việc về kỹ thuật, đòi hỏi một tập thể các nhà bác học, nhưng nó cũng phản ánh một lao động tinh thần tiềm ẩn, nó không chỉ thuộc về sinh hoạt trí tuệ mà là về cuộc sống ngắn ngủi nói chung với những  phức tạp , những bản năng mù quáng, những bứt phá và vận động không ngừng. Trong cái tiểu vũ trụ so sánh này, như lịch sử các nước Đông Au đã chứng minh, người ta có thể đọc thấy những nỗi lo sợ và những niềm hy vọng, lòng căm ghét và tình yêu thương của các dân tộc, những cú sốc chính trị và ngay cả những bệ phóng tôn giáo của các quốc gia và các nền văn minh. Giống như khoa hàng không vũ trụ hay khoa vật lý hạt nhân, nhưng  có vẻ còn bí ẩn hơn, văn học so sánh có một số phận liên quan mật thiết với niềm đam mê của con người. Đó là lý do khiến không ai có thể nói được ngày mai nó sẽ ra sao.

(P.BRUNEL, CL.PICHOIS, A.M.ROUSSEAU : Qu’est - ce que la littérature comparée?, Armand Colin, Paris, 1983, p.15- 30)
Nguồn: http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2234:s-ra-i-va-phat-trin-ca-khoa-vn-hc-so-sanh&catid=64:vn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108

Đăng nhận xét