Search Suggest

Phân tâm học và văn học [6]: Đọc một người (phần 1/2)

Từ bây giờ chúng tôi sẽ giới hạn lại đối tượng cho rõ hơn, đó là nhà văn và tác phẩm. Để bù lại, sẽ phải phân biệt về góc độ tiếp cận. Suốt năm mươi năm sau khi công bố những tác phẩm lý luận quan trọng đầu tiên của Freud, hầu như chỉ có các nhà phân tâm là nghiên cứu văn học.
Bellemin-Noël, Jean - 
"Chỉ có một trong hai điều xảy ra: hoặc chúng ta đã diễn tả thành bức biếm họa thực sự khi gán cho một tác phẩm nghệ thuật vô hại những ý đồ mà ngay cả tác giả của nó cũng không dự cảm được - do đó một lần nữa chứng minh việc tìm thấy những cái ta tìm kiếm và bản thân ta tin chắc vào đấy thật là dễ biết bao [...] hoặc tiểu thuyết gia có thể hoàn toàn không biết đến những diễn tiến và ý đồ ấy nên anh ta thực lòng phủ nhận đã biết chúng, tuy nhiên, chúng ta đã không tìm thấy trong tác phẩm của anh ta bất cứ thứ gì vốn không có ở trong đó. Chắc chắn chúng ta khai thác cùng một nguồn, chúng ta nhào trộn cùng một thứ bột, mỗi thứ theo phương thức riêng của chúng ta". (S. Freud, DRG, 241-242)
Họ làm điều đó vì bận tâm đến tác giả. Do vậy, từ khoảng mười lăm năm nay, một số phê bình văn học hình thành theo lối phân tích tâm lý có xu hướng đánh giá cao những giá trị vô thức mà diễn ngôn văn học đưa vào trong tác phẩm.
Sự phân chia kép đó vẫn chưa đủ. Trong số những người từng nhắm tới và nay vẫn luôn nhắm tới tác giả, người ta nhận thấy mối quan tâm đã được dịch chuyển từ con người cá nhân (cứ cho là: thiên tài và chứng thần kinh của anh ta) sang nhà văn. Có hai thái độ cùng song song tồn tại: hoặc người ta quan tâm đến toàn bộ sáng tác nổi tiếng của người sáng tạo cũng như những chứng cớ bên ngoài về cuộc đời người đó nhằm vạch ra bản tiểu sử đầy đủ nhất của anh ta; hoặc người ta lựa chọn chỉ nghiên cứu các tác phẩm văn học nhằm lọc ra cái đặc sắc ngầm ẩn của một tác phẩm, so sánh tác phẩm đó với những nguyên lý do tác giả lập nên. Ngoài ra, có một số độc giả kỳ cục "nghe" các tác phẩm, thậm chí không đếm xỉa gì khác ngoài việc chúng là những tác phẩm nằm trong toàn bộ một sự nghiệp văn chương; song ở đấy người ta vẫn có thể đặt một bên là thái độ nhằm giải mã ý nghĩa tượng trưng của một tác phẩm, và bên kia là thái độ hướng tới quan sát chính hoạt động của cái vô thức trong văn bản. Vậy thì đây là nhãn dán trước khi làm cho bản trình bày trở nên tinh tế: bệnh lý học; phân tâm học tiểu sử; phê bình phân tâm học; phân tâm học văn bản, mà đối tượng nghiên cứu của chúng là tính hiện thực của một văn bản hoặc việc hiện thực hóa một tình thế đặt ra trong văn bản. Lẽ dĩ nhiên giản đồ này đáp ứng trước hết cho ước muốn trình bày sáng sủa, bởi vì phần lớn các nghiên cứu chồng chéo hai hay nhiều trục và đưa ra ở các hướng rẽ của chúng một số nhận xét vốn có thể tìm được chỗ ở nơi khác.
1. Bị lôi kéo vào thứ mình đọc
Từ tất cả những điều chúng ta đã nói ở các chương trước có thể suy ra rằng, đọc theo kiểu phân tâm học không so được với các kiểu đọc khác. Đọc phân tâm học đòi hỏi phải có sự đầu tư của cá nhân người đọc. Không những cần kỹ năng thành thạo lý thuyết Freud, chẳng hạn phải hiểu biết thấu đáo về lịch sử thời đại hoặc về ngôn ngữ, mà còn đòi hỏi một sự đầu tư vô thức. Trong toàn bộ phương pháp đó có một phần về huy động cảm xúc mà cường độ ở đấy cực mạnh. Các hiện tượng bóp méo quy kết cho độc giả có vẻ trầm trọng lên từ thực tế những thái độ kháng cự hoặc nhiệt tình hăng hái: một phản ứng chuyển dịch ngược [45] có thể xuất hiện, các quá trình hình thành sự thỏa hiệp có trong chúng cái mà từ đó khơi mào cho phản ứng dây chuyền hoặc xây dựng nên bức tường mù quáng thực sự.
Người ta biết các nhà phân tích chỉ là nhà phân tích bởi họ đã thực hiện cuộc phân tích cụ thể của riêng họ (đôi khi được gọi là phân tích "chuyên môn") nhằm duy trì sự tiếp xúc tương đối tự do với vô thức của họ và chế ngự các phản ứng của họ trước sự chuyển dịch của bệnh nhân. Mặt khác, khi cuộc phân tích chuyên môn kết thúc thì nó cũng không làm dứt được tình trạng tự quan sát ráo riết; nó được kéo dài thành cuộc tự-phân tích ít nhiều mang tính thường xuyên (và định kỳ được kiểm tra đối chứng với một đồng nghiệp). Cuộc tự-phân tích này đạt mức tập luyện tốt nếu có sự tu chỉnh thường xuyên của học thuyết. Công tác lâm sàng tự hoàn thiện trong việc lấy lại thăng bằng và đặt vấn đề xem xét lại những khái niệm đã học. Mọi nhà phân tích đều vừa là nhà thực hành vừa là nhà lý thuyết. Chính vì vậy, một số nhà phân tâm học đòi hỏi phải có luật cho ai đó có kiến thức mà muốn vận dụng những công cụ của Freud. Cần phải là nhà phân tích - có lẽ trong thực tế, là người được phân tích thôi thì không đủ chăng? - để một mặt có được sự "chú ý bồng bềnh" càng ít bị bó buộc càng hay [46], và mặt khác, để có quyền hội nhập và sắp xếp những khái niệm mà sự tiếp thu chúng thực sự chuyển sang việc lý thuyết hóa chung, còn việc lý thuyết hóa này lại chuyển sang thực hành [47].
Dĩ nhiên, nếu có được những nhà phân tâm học đoạn tuyệt với mọi đòi hỏi khắt khe của việc đọc văn học và những nhà phê bình có thời gian rảnh rỗi để làm phân tích thì đấy sẽ là điều lý tưởng. Cần phải là một nhà hiện thực chủ nghĩa và phải biết chấp nhận việc thông thường chỉ gặp được một sự thiếu hụt kép. Ngoài ra và xin nhớ cho: không một phương cách nào làm nổi rõ được chân lý. Hãy lấy một trường hợp cụ thể. Người ta vẫn biết cái đoạn trong cuốn sách Tự thú, Rousseau kể lại rằng ông ta đã trưng ra trước các mỹ nhân dạo chơi trong vườn ở Turin "cái vật kỳ cục" chứ không phải là "cái vật tục tĩu". Khi đọc đoạn văn ấy với tư cách nhà phân tích [48], Guy Rosolato tuyên bố rằng Jean-Jacques chứng minh "là người đầu tiên, mặc dù ông phủ nhận" và rằng ông đã nói dối chúng ta về chuyện đó. Bằng chứng là: khi trở lại miền Savoie, trên đường đi ông kiếm tiền bằng cách "phô ra trước những kẻ hiếu kỳ một cỗ máy thủy lực làm ông mê mẩn, một đài nước của Héron, một cái máy phun tia nước tuyệt vời". Đấy là chưa kể trước đó ông đã từng đánh đổ bình nước lên váy của cô De Breil khi dọn bàn ăn cho cô [49]... Lần theo sợi dây nghiên cứu tiểu sử tâm lý [50], Pierre-Paul Clément quả quyết tin vào nhà văn: ông ấy phô mông ra vì đấy là chỗ ông đặc biệt ưa thích. Bằng chứng là: những cái đét vào mông để cười không thể quên được của cô Lambercier và cô Goton trẻ trung... Vậy thì: đằng trước hay đằng sau? Dối trá hay thú nhận chân thành? Làm sao quyết định được điều đó? Ai dám cả gan nói rằng nhà phân tích có lý chống lại nhà phê bình, vì lẽ mỗi người đã có sự lựa chọn của mình trong lúc hiểu rõ những luận cứ mà người kia dựa vào? Các ví dụ cụ thể chỉ có thể đem lại một câu trả lời nước đôi, được chỉnh sửa lại cho hợp với hoàn cảnh, trường hợp. Mỗi độc giả sẽ lựa chọn tùy ý hoặc là cái anh ta ưa thích hơn (và làm sao có thể trách cứ được anh ta về điều đó?), hoặc là cái tương ứng sít sao nhất với thực tiễn thói quen của anh ta (có thể hiểu là thói quen đọc sách), hoặc nữa là cái hòa nhập tốt nhất với quãng thời gian đọc hiện tại của anh ta, với cách nhấn đặc biệt từng từ. Còn gì nữa nhỉ?
Các yếu tố trả lời dường như cho phép trao giải thưởng nào đó cho công trình của một người không phải nhà phân tích tâm lý (tuy nhiên người đó được giả thiết không phải là người hoàn toàn mù tịt về phân tâm học) đã hiện rõ trong thớ chẻ chia tách được gợi nhắc ở trên, một người hoặc nhiều văn bản. Rosolato dễ dàng hợp với giả thiết về sự chối bỏ hơn bởi vì công việc thực tiễn khiến ông hàng ngày phải đương đầu với những ấn tượng kiểu như vậy, và còn bởi vì, do được đảm bảo chắc chắn về quyền lực của mình, nếu không muốn nói là về tính tự chủ bản thân, ông ít do dự hơn nhà phê bình trong việc xem xét xem văn bản có tính chối bỏ hay không: nếu như thường xuyên có biểu hiện một người phân tích chối bỏ (anh ta đã từng bộc lộ, anh ta sẽ tự bộc lộ ra), song phải có can đảm mới quyết định được rằng một phát biểu bằng văn bản là đáng nắm lấy mặt sau, vì việc kiểm tra (tế nhị) hoàn toàn thuộc phận sự của độc giả xuất phát từ một số nhất định các phát biểu. Hơn nữa, nhà phân tích tâm lý vốn quen "bàn về" con người - những người chỉ có thể đúc rút lại thành các lời nói qua phương pháp loại suy và dù sao đi nữa, họ có thể sản sinh vô tận những lời nói khác; nhà phân tích vật lộn với cả những kháng cự đang diễn ra trước mặt hoặc đang âm vang trong anh ta; anh ta tác động tới cả hai, trong không gian biệt lập của buồng làm việc. Còn nhà phê bình thì không có công chuyện gì với những con người sống động, mang tính thời điểm và khó lường trước; anh ta làm việc với những diễn ngôn quen thuộc, bất biến; anh ta hoàn toàn đơn thương độc mã làm toàn bộ công việc phân tích, đưa ra cho văn bản các câu hỏi và trả lời mà chúng sẽ còn trở lại với anh ta, mặt khác, anh ta đồng thời vận hành cả ba thứ: nguồn gốc vô thức của văn bản, những tác động của cái vô thức của nhà phê bình, sự hiện hữu thường xuyên của vị độc giả của riêng anh ta, nhà phê bình. Đây là yếu tố cơ bản: giữa quyển sách, cái bàn và bài nghiên cứu phân tích được viết ra không có sự bí mật như giữa chiếc đivăng và ghế phôtơi. Nhà phê bình miệt mài với phân tâm học văn bản làm việc với cái mọi người đều đã biết, đã thấy, anh ta công bố công trình của mình bằng văn bản, mỗi người đều có thể phán xét về văn bản đó. Anh ta mạo hiểm, chắc chắn là những mạo hiểm vô biên so với những mạo hiểm của nhà phân tâm, bởi vì tuy anh ta không có quan hệ gì đến số phận tương lai của một con người, song theo cách nào đó anh ta lại có quan hệ đương nhiên với chất lượng thành tích của mình về phê bình và do đó, với sự định giá năng lực của anh ta. Anh ta thường xuyên phải chịu sự kiểm soát, điều đó khiến anh ta phải thăm dò, nghiên cứu một cách "nghiêm túc" và "quang minh chính trực" nhất mọi khía cạnh của những giải thích mà anh ta sẽ cả gan đưa ra trước sự kiểm soát của nhiều người khác, cả nhà phê bình lẫn nhà phân tâm.
2. Phân tích tâm lý tác giả: những bậc tiền bối vĩ đại
Vấn đề ở đây không phải là vội vàng giải quyết dứt điểm trận cãi vã vô cớ và bột phát. Bối cảnh phân tích trước một sự kiện văn học không hề có điểm chung với bối cảnh phân tích tâm lý trị bệnh, ngay cả khi hiện tượng dồi dào của văn học phân tích dành cho nghiên cứu các nghệ sĩ đến một lúc nào đó có thể sẽ đem lại sự thay đổi.
Chúng ta sẽ không sa đà về những đóng góp của Freud. Một sự đóng góp liên quan đến kỷ niệm thời thơ ấu trong cuốn sách Dichtung und Wahrheit của Gœthe (1917) xứng đáng được lưu ý: người ta tự hỏi tại sao nó lại có mặt trong các Tiểu luận về phân tâm học ứng dụng (tập sách của Marie Bonaparte), nếu không vì dựa vào tên tuổi uy tín của Gœthe; vấn đề đấy là về nhà văn vĩ đại nhất viết bằng tiếng Đức, nhưng đấy cũng có thể là về người hàng xóm cùng cầu thang với bạn. Freud quan tâm đến một kỷ niệm của nhà thơ từ hồi ông này bốn tuổi (ông đã từng ném bát đĩa của nhà qua cửa sổ để ngầm phản đối việc mẹ đẻ thêm em trai) trong viễn cảnh của ký ức - màn chắn [51], so sánh nó với dăm bảy chứng cớ tương tự của những bệnh nhân của ông. Phần đóng góp mang tên Một kỷ niệm thời thơ ấu của Léonard de Vinci (1910) có vẻ không phù hợp chút nào khi nói về một họa sĩ kiêm kỹ sư; mặt khác, nó chứa đựng sự mở đầu lý thuyết hóa các xung năng xuất phát từ ham muốn hiểu biết vốn đã bắt rễ trong thái độ tò mò về tính dục, điều này lý giải tính hữu ích của nó theo nhãn quan các nhà phân tâm. Nhưng theo chúng tôi, từ đó có cái mở ra con đường dẫn tới những hiểu lầm tồi tệ, đồng thời mở ra một sự vận hành hoàn toàn tích cực.
Những sự hiểu lầm: Freud không chỉ xây dựng nên một kết cấu mạo hiểm dựa trên các yếu tố vay mượn (hình ảnh con chim kền kền ở váy của nữ thánh Anne bắt nguồn từ Pfister) và mang tính phiêu lưu (chim "kền kền" trong văn bản tiếng Italia là "nibbio", tức là con chim cắt, nó biến thành hư vô nếu đối sánh với các huyền thoại Ai Cập), ông còn căn cứ vào các trang phục Vinci sắm cho đám thợ học nghề trẻ tuổi của mình cũng như căn cứ vào khuôn mặt ái nam ái nữ của thánh Jean để đưa ra chẩn đoán về tình trạng đồng tính luyến ái (có tính chất "thụ động thuần khiết"), đấy là người và là cái minh xác một sự cắm chốt có vẻ như là với người mẹ... Thực tiễn tích cực hơn, ấy là phân tích những "nụ cười của Léonard" so sánh với nàng Mona Lisa như sự phát hiện muộn màng về quá trình hình thành huyễn tưởng, ở đó trình bày về người mẹ vắng mặt và ở đó biểu lộ một dạng quyến rũ không phải của người mẹ, cũng không phải của người mẫu; sự quyến rũ ấy trở nên khả dĩ bởi vì "toàn bộ cảm xúc đã được đầu tư trước bằng ham muốn"[52]; nếu như nụ cười thứ nhất thoáng có chút lo âu, ấy là bởi đã có sự trở lại của một kẻ bị dồn nén: sự dồn nén một khi được cởi bỏ (và đã được cởi bỏ một lần) thì những nụ cười tiếp theo sẽ hé lộ "dịu dàng hơn và thanh thản hơn", như Freud nhận xét (SLV, 106). Người ta tìm thấy ở đó mầm mống cái tương đương lối đọc kiểu phê bình phân tâm bằng phương pháp xếp chồng văn bản.
Trong số các môn đệ của Freud, có hai người sau này sẽ minh họa cho cái mà ta có thể gọi là "sử dụng yếu tố y học" vào nghiên cứu nhà văn. Người thứ nhất theo phương thức triệt để, do đó nằm ngoài lề so với các đối tượng của nghiên cứu văn học: đó là René Laforgue, người quan tâm tới "trường hợp" một nhà thơ trong cuốn sách mang cái tên đầy ý nghĩa, cuốn Sự thất bại của Baudelaire (Denol & Steele, 1931). Nhiều tác phẩm và tài liệu phục vụ cho tiến trình mô tả lâm sàng về chứng bệnh loạn thần kinh do thất bại: tác giả của tập thơ ác hoa cũng không bị đối xử khác đi so với người hàng xóm cùng chiếu nghỉ với ông.
Phong phú hơn nhiều, bứt lên được nhờ có nhiều quan điểm với tham vọng tâm bệnh học, cuốn sách của Marie Bonaparte dành viết về Edgar Poe (E.P., cuộc đời, tác phẩm, Denoel & Steele, 1933; PUF, 1958) là một công trình hoành tráng của phê bình phân tâm học, hết sức tiêu biểu về những chủ định cũng như về ngôn ngữ của các bạn đồng hành và kế tục kề cận của Freud. Là công trình để thăm viếng, nó đáng được khử đi mọi bụi bặm. Phân tâm học tiểu sử và phê bình phân tâm học tìm được ở đấy cái để mà thỏa mãn, bởi đối tượng cũng như bởi phương tiện tiến hành - người mẹ, sớm qua đời, được chuyển đặt vào các chu trình: người mẹ chết - sống, phong cảnh (biển, sữa, băng), người đàn bà bị sát hại; sự bất lực tình dục bị tiền tệ hóa trong một môtíp lặp đi lặp lại về què cụt chân tay hoặc môtíp bị chôn sống v.v...-, còn loại phê bình thời sự hơn thì làm nổi lên ở đó mối quan tâm xem xét một cách hệ thống những tác động của quá trình sơ khởi và làm sáng tỏ những hình thức thích hợp (chẳng hạn loại truyện kể kỳ ảo). Chúng ta phải bái phục nói rằng tài năng của nhà phân tâm đã vượt xa điều mà Marie Bonaparte mong muốn và định làm.
3. Các nhà "phân tâm học tiểu sử"
Cũng có thể nói về tài năng như thế khi nhắc tới bốn tên tuổi lớn (theo ý chúng tôi) của phân tâm học, đó là: Delay, Laplanche, Moré và Fernandez. Hai thầy thuốc thực hành, hai nghiên cứu văn học, nhưng có biết bao uốn lượn cá biệt. Jean Delay[53] căn cứ vào lý thuyết phân tâm học các chứng loạn thần kinh để giải thích về sự sáng tạo có thể trở thành một giải pháp cho những xung đột vô thức, một cơ chế bảo vệ có hiệu quả:
"Một tác phẩm như tác phẩm của André Gide là một cách giải tỏa ức chế tâm lý thực sự; chính xác là như vậy bởi vì nó chỉ được viết ra khi tác giả của nó gặp một số khó khăn cá nhân. Anh ta đã đạt được trong và qua các nhân vật của mình một sự khách quan hóa toàn bộ khuynh hướng của anh ta; đã thực hiện những nhận thức và chuyển dịch (tích cực hoặc tiêu cực) đối với các song trùng của mình; và cuối cùng đã hiện thực hóa một quá trình tự phân tích thực sự" (t. II, tr. 646).
Bệnh lý không còn dẫn đến thất bại nữa mà nó cho phép có sự bùng nở về nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật trở thành một thứ "sức khỏe nhân tạo"; sẽ nhận ra điều ấy nếu sau khi miêu tả xong bối cảnh gia đình và trạng huống thời thơ ấu, ta xếp đặt các giai đoạn hoạt động văn học kề cận với các sự kiện của tiểu sử và quá trình phát triển ý thức tâm lý - ở trường hợp của Gide, ta thấy điều đó khá rõ. Đến mức có thể thu được một bức chân dung tác giả hoàn chỉnh hơn cả bức mà Sainte-Beuve hằng mơ ước và một bản khái lược về những điều mà các công trình của tác giả muốn trình bày về mình.
Jean Laplanche [54] lại chú ý tới Hửlderlin với một hiện tượng tế nhị theo cách khác so với hiện tượng một chứng loạn thần kinh đã kết luận chắc chắn, ấy là: nhà thơ người Đức đã trải qua ba mươi sáu năm, tức là nửa cuộc đời, trong nỗi cô đơn của cái "tháp" Tỹbingen, nơi chứng bệnh tâm thần phân liệt của ông đang thiêm thiếp ngủ. Đứng trước tác giả (đối tượng phân tích - B.T.) của mình, nhà phân tích trù tính "hiểu được tác phẩm và quá trình phát triển hướng tới ở trong chứng điên thể hiện qua một lối vận động duy nhất; cái lối vận động này có lẽ được nhấn mạnh như một logic biện chứng và nó đa tuyến như một đối trọng" (13). Công cuộc dẫn dắt tới sự hiểu biết, trong trường hợp này, đã diễn tiến tốt đẹp với sự pha trộn đáng khâm phục giữa tinh thần thẩm mĩ và tinh thần hình học. Tuy nhiên, dự án tầm xa của việc nghiên cứu này nhắm tới mục tiêu "giải thích tác phẩm theo một số khái niệm nhất định về chứng loạn tâm ít hơn là nghe hiểu được và làm sáng tỏ lối nói thi ca của chứng điên" (14). Mục đích của thầy thuốc lâm sàng và mối bận tâm của nhà phê bình là không thể tách rời.
Marcel Moré [55] ít được biết đến bao nhiêu thì tác giả ưa thích "của ông" lại nổi tiếng bấy nhiêu. Những cuốn sách ông viết về Jules Verne được hình thành từ nhiều bài nghiên cứu rải rác, có lợi thế về sự ít tính giáo điều cũng ngang với bất lợi về cách sắp xếp để lại nhiều lỗ hổng. Moré đã quan sát tỉ mỉ thời thơ ấu và tuổi thanh niên của nhà tiểu thuyết tương lai, đủ để kết luận về những khó khăn bên phía hình ảnh của người bố và để đoán trước sự tồn tại một chuyện "bí mật" mà chúng ta ghi nhận được những tác động của nó thông qua nỗi ám ảnh ở Verne về các thông điệp đã bị mã hóa, các câu đố và câu nói khó hiểu khác. Các giải thiết do nhà phê bình tưởng tượng ra đáng phải thận trọng và với chúng ta đáng giá bằng hàng trăm cuộc dạo chơi giữa "khu rừng hoang sơ rậm rạp" của Những chuyến du hành kỳ thú. Lần này nhà tiểu thuyết đã tìm được một độc giả ngang tầm với anh ta, ấy là người quan sát, bao dung độ lượng và tinh ranh xảo quyệt hơn ta tưởng.
Về cuốn Thất bại của Pavese của Dominique Fernandez (Grasset, 1967) - thật đáng tiếc cái tên này khiến liên tưởng tới tên cuốn sách của Tiến sĩ Laforgue về Baudelaire - chúng tôi sẽ ít nói đến sự việc; để nhấn mạnh vào phần "Nhập môn phân tâm học tiểu sử" của cuốn sách (NRP, 1, 1970). Trước khi tiến hành khảo sát về tác giả cuốn Mùa hè tươi đẹp, ông viện dẫn Marie Bonaparte, Delay, Laplanche làm mẫu, đối lại với Bachelard và Mauron; ông sử dụng phương pháp phức hợp, khéo léo chơi những con bài chủ nghĩa chiết trung của mình; phương pháp ấy kết hợp hiện tượng luận về sự tưởng tượng (nước và nhất là không khí) với lối đọc những văn bản hư cấu vừa muốn theo "chiều ngang" (lịch đại, Delay), vừa muốn theo "chiều dọc" (xếp chồng văn bản, Mauron); phương pháp ấy kết hợp cái vị trí xác định đã được gán cho "những chấn thương trong thời thơ ấu" với mối quan tâm lần theo dấu vết những điều dối trá hay che đậy của nhà văn liên quan tới quá khứ riêng của anh ta - bao gồm cả việc anh ta khước từ công nhận mình đã từng đọc Freud! Từ những chứng cứ đầu tiên cho đến thời điểm tự tử, quãng đời tồn tại của Cesare Pavese đã được định vị, được chỉnh sửa, lấy thêm sức sống và trả lại cuộc đối thoại của anh với toàn bộ tác phẩm.
Phan Ngọc Hà dịch
(Còn nữa)
Phần 12 345
____________________
Chú thích:
[45] Sự kháng cự: "Tất cả những gì trong hành động và lời nói của người đang phân tích ngăn cản con đường tới vô thức của anh ta" (VLP, 420); phản ứng chuyển dịch ngược: "Toàn bộ những phản ứng vô thức của nhà phân tích tác động lên người đang bị phân tích và nhất là lên sự chuyển dịch của anh ta" (như trên, tr. 103).
[46] V.A. Green, "Giải liên kết", tác phẩm đã dẫn, tr. 35: "[...] mở ra được lĩnh vực cái Vô thức, trước hết và trước tiên là vô thức của anh ta (tức nhà phân tích - ND) - điều kiện cơ bản để nói về vô thức của những người khác-, có nghĩa là mở ra được lĩnh vực vô thức của văn bản văn học.
[47] Victor Smirnoff, "Tác phẩm đã đọc", NRP, 1, 1970, tr. 53: "[những người không phải nhà phân tích] bị buộc phải hoặc chấp nhận, hoặc từ chối khái niệm này khác mà không thể có bất cứ phương cách nào đóng góp tạo ra khái niệm".
[48] Người đi tiên phong, cuộc thử nghiệm và hệ tác phẩm của anh ta, NRP, 1, 1970, tr. 27.
[49] Xem Jean Starobinski, "Bữa tối ở Turin", Quan hệ phê bình, tr. 98-153.
[50] J.-J.R., Từ Eros tội lỗi đến Eros vinh quang, Neuchâtel, La Baconnière, 1976, tr. 10, đoạn tuyên bố trung thành với phương pháp tiểu sử tâm lý, và tr. 107, đoạn nói về phô bày.
[51] Hãy nhớ lại, ký ức-màn chắn là sự hình thành thái độ thỏa hiệp, một sự pha trộn giữa phòng vệ và dồn nén. Nó liên kết với huyễn tưởng ở cái được sinh ra sau đó: "Cảnh tượng chim kền kền này không phải là một kỷ niệm của Léonard mà là một huyễn tưởng ông tự xây dựng về sau và thế là ông ta ném nó vào thời thơ ấu của mình" (SLV, 50).
[52] Sarah Kofman, Tuổi thơ nghệ thuật, tr. 109-117, trong đó nhấn mạnh huyễn tưởng của nghệ thuật không phải là sự tái chế từ một chất liệu vốn đã có từ trước, mà mỗi lần nó đều được làm mới, tuy nhiên có tính chất lặp lại.
[53] Tuổi trẻ của André Gide, Gallimard, 1956.
[54] Hoelderlin và vấn đề của người cha, PUF (1961), tái bản 1969. Xin lưu ý cuốn sách này là cuốn đầu tiên (và duy nhất ở đề mục đó) đã sử dụng thứ ngôn ngữ của Lacan một cách vừa sáng rõ, vừa khúc chiết để bàn về một hiện tượng thuộc mỹ học. Cuốn sách đề cập chứng loạn tâm của nhà thơ bằng các thuật ngữ lỗ thủng ở thực thể chủ quan, về sự thiếu vắng ở chuỗi những "cái biểu đạt": chính Tên-của-người-Cha là cái đã bị vứt bỏ, bị "truất quyền" khỏi hệ thống biểu nghĩa tạo nên chủ thể; sự lao động thơ của ngôn ngữ cũng như môtíp cảnh lưu đày do vậy được đặt trong mối quan hệ với phạm vi cái phủ định. Một việc khác đáng ghi nhận: cuốn sách lúc đầu nằm dưới sự bảo trợ của Jean Delay, do ngẫu nhiên cuối cùng nó tuyên bố tất cả muốn dừng lại "ở giới hạn một nghiên cứu miêu tả tâm bệnh học", điều này làm nổi bật lên chỗ không rõ ràng của các phạm trù này, và nêu ra sự xâm phạm ở những điểm nào của lĩnh vực bệnh tâm trí đối với các nghiên cứu phân tâm học tiểu sử.
[55] Jules Verne, con người kỳ lạ, Gallimard, 1960, và Những cuộc thám hiểm mới của J.V., như trên, 1963. Nếu như cái tên Jules Verne có dịp dẫn ra trong cuốn Thời trai trẻ của J.V. (Minuit, 1974), thì chương sách nhan đề "Oedipe - Người đưa tin" là nơi Michel Serres với niềm hứng khởi rõ ràng và sự khéo léo hoàn hảo khai thác tác phẩm Michel Strogoff vô cùng nổi tiếng nhằm xác định ở đó những môtíp giết cha, kịch cảnh nguyên thủy, bị móc mắt, tóm lại là Oedipe, mặc dù Michel Serres vẫn luôn phủ nhận một báo cáo nào đó về số lượng bệnh lý trong dân cư dựa theo thuyết Freud như hệ thống lý giải. Nhưng Serres nhấn mạnh đến việc "cuốn tiểu thuyết được phóng chiếu trên một huyền thoại nên nó có một số tàn dư, cuốn Michel dựa thái quá vào truyền thuyết" (tr. 53) và ông rút ra hệ quả bằng cách đọc lại lượt khác.
NGuồn: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/phan-tam-hoc-va-van-hoc-6-doc-mot-nguoi-phan-12-1973753.html

Đăng nhận xét