Search Suggest

Phê bình phân tâm học

Trong hệ thống các phương pháp nghiên cứu văn học, phân tâm học có vị trí tương đối đặc biệt cùng một thân phận đầy “trắc trở, éo le”. Vì vậy, nên mở đầu bài viết này, thay vì mô tả những công dụng, đóng góp mà phân tâm học đem lại cho ngành nghiên cứu văn học nói riêng và khoa học xã hội nói chung, chúng ta hãy điểm qua những khó khăn của bộ môn này, để từ đó có một cái nhìn toàn cảnh và quan trọng hơn là công bằng, khách quan về vấn đề chúng ta bàn luận (tức là phân tâm học phê bình văn học).


Khó khăn đầu tiên xuất phát từ đối tượng nghiên cứu – mà có nó phân tâm học mới ra đời: Vô thức. Không nghi ngờ gì nữa, vô thức là lĩnh vực vô cùng phức tạp. Đến giờ vẫn có nhiều vấn đề về vô thức chưa được giải quyết dứt điểm, và như chúng ta đều biết, các trường phái phân tâm xưa nay vốn khác nhau như “mặt trăng, mặt trời”. Đây mới chỉ là câu chuyện ở phân tâm học chính thống, chuyên nghiên cứu thần kinh bệnh lý. Khi “ánh xạ” sang nghiên cứu văn học thì vấn đề trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Sự phức tạp này bắt nguồn từ những đặc điểm khác biệt to lớn giữa phân tâm học và văn học. Như chúng ta đã biết, văn chương là nghệ thuật ngôn từ. Mà ngôn từ (hay ngôn ngữ) là công cụ biểu đạt một cách rõ ràng, hiệu quả và chính xác nhất của tư duy, ý thức – lĩnh vực cùng với vô thức tạo thành cặp phạm trù đối nghịch. Như vậy, tìm hiểu vấn đề vô thức ở một trong những phương tiện hữu hiệu nhất của ý thức, phân tâm học phê bình văn học quả đúng là làm một công việc tựa như vào hang cọp bắt cọp con khi cọp mẹ ở cạnh bên. Rất khó, nhưng không phải là không thể. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập một luận điểm nổi tiếng của nhà phân tâm học người Pháp Lancan: Vô thức có cấu trúc như một ngôn ngữ. Luận điểm này phản ánh được rất nhiều điều. Nó không những khẳng định ngôn ngữ là một trong những công cụ giúp vô thức biểu hiện mà còn chỉ ra cơ chế, cách thức vận hành cũng như những đặc điểm để nhận dạng vô thức trong ngôn ngữ. Tất cả nằm ở từ “cấu trúc”. Chúng ta đều biết ngôn ngữ là công cụ biểu đạt của tư duy, vậy để có thể tồn tại ngay “trong lòng địch”, không có cách gì khác là vô thức phải tuân thủ theo đúng “cấu trúc” của ngôn ngữ, nhằm ngụy trang để tồn tại. Đấy là cơ chế hoạt động tồn tại song song. Nghĩa là vô thức sẽ “lén lút” tham gia vào quá trình lựa chọn ngôn ngữ biểu đạt của tư duy sao cho ngôn ngữ đó vừa biểu đạt được tư duy vừa biểu đạt được ham muốn của mình. Để tiện hình dung, chúng ta hãy tưởng tượng ngôn ngữ như một chiếc máy đa chức năng “n trong 1”. Cấu tạo chiếc máy này – ngôn ngữ – bảo đảm cho máy thực hiện một chức năng chính – biểu đạt tư duy – và một hoặc nhiều chức năng phụ đi kèm – biểu đạt vô thức – vậy. Do đó để lần phát hiện ra những biểu hiện – trong nhiều trường hợp là dấu hiệu – của vô thức, thì không gì hữu hiệu hơn là chúng ta “lần” theo những đặc điểm trong cấu trúc của ngôn ngữ[1], tìm ra những nét “ngụy trang” và bắt vô thức hiện nguyên hình. Tất nhiên đây là một công việc không dễ dàng. Sự thất bại xảy đến nhiều khi không phải do trình độ kỹ thuật kém hay chúng ta thiếu ý chí, nghị lực trong công việc mà bởi vì nó – vô thức không xuất hiện thật. Đấy là khó khăn thứ hai của phân tâm học phê bình văn học. Khó khăn về phạm vi ứng dụng lý thuyết. Khác với các phương pháp nghiên cứu khác, phân tâm học là một phương pháp kén đối tượng. Chúng tôi tin rằng các nhà phân tâm không hề có ảo tưởng rằng phương pháp mình theo đuổi có thể áp dụng đại trà cho tất cả các tác phẩm văn học. Phân tâm học dành cho một số lượng hữu hạn tác phẩm mà ngay từ đầu bằng trình độ, kinh nghiệm thậm chí cả cảm quan của mình, nhà phân tâm nhận ra – dù còn lờ mờ - một vài dấu hiệu của vô thức. Lúc đó thì nên kiên nhẫn khảo cứu, bằng không cách tốt nhất là “dẹp” phân tâm học sang một bên. Làm theo kiểu “cố đấm ăn xôi” sẽ chỉ đem lại cho chúng ta sự mệt mỏi, và tệ hơn là một kết quả chứa đầy tính ảo tưởng, võ đoán mà thôi. Khó khăn thứ ba bắt nguồn từ sự lệch pha giữa chuẩn mực nghiên cứu văn học và bản chất của vô thức. Quá trình nghiên cứu – hay phê bình – văn học, thường là quá trình nhà nghiên cứu đi tìm cái chân – thiện – mỹ trong tác phẩm, qua đó thấy được tài năng và nhân cách của tác giả. Dẫu rằng trong quá trình nghiên cứu có thể nêu lên một vài khuyết điểm, hạn chế về các mặt nội dung, nghệ thuật, chỉ ra một vài điểm bảo thủ, thậm chí là phản động trong tư tưởng của tác giả trong tác phẩm song về cơ bản nghiên cứu, phê bình vẫn đề cập đến khía cạnh nhân văn, khía cạnh “người”. Trái lại, vô thức là một lĩnh vực thiên về bản năng, về những góc khuất, những mảng tối trong tâm hồn con người. Những điều này không hẳn là xấu hoàn toàn - thậm chí trong đó còn lấp lánh ánh sáng của tâm hồn, trí tuệ - nhưng nhìn chung vẫn là một điều gì đó không hẳn là trái chiều nhưng là khác biệt với ba giá trị kể trên. Vậy nên, nhà phân tâm học cần thận trọng phải cân nhắc kỹ trong quá trình nghiên cứu. Nếu những điều mình phát hiện ra hợp với ba giá trị kể trên thì không có gì đáng bàn, song trong trường hợp ngược lại – thường là về vô thức của tác giả - (Có một thực tế là ba giá trị chân – thiện – mỹ không hẳn là bất biến. Mỗi thời đều có những tiêu chí khác nhau về ba giá trị này. Do vậy những góc khuất, mảng tối, hay vấn đề bản năng trong con người cũng sẽ được nhìn nhận, đánh giá lại.) thì nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định có  công bố hay không[2].Vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến tác giả và quan hệ giữa nhà nghiên cứu và tác giả đó. Khó khăn thứ tư, cũng là khó khăn dễ vượt qua nhất là định kiến xã hội về phân tâm học. Song theo thời gian, đây ngày càng trở thành vấn đề không đáng cho chúng ta phải bận tâm. Khó khăn thứ năm là thách thức lớn nhất thuộc về kỹ năng phân tích. Ở đây chúng ta đụng phải hàng loạt vấn đề cần giải quyết về mặt kỹ thuật. Trước nhất, cần phải phân biệt giữa vô thức tác giả trong tác phẩm và tác giả sử dụng yếu tố vô thức trong tác phẩm. Trường hợp đầu tiên là thuộc về vô thức thuần túy, trong khi viết vô thức của tác giả theo cách thức chúng ta phân tích ở trên len lỏi vào từng dòng chữ, từng trang viết thể hiện song song bên cạnh những chủ đề, tư tưởng, nhân vật, kết cấu tác phẩm…Trường hợp này rất khó phát hiện, và nếu có phát hiện ra cũng rất khó nói như chúng ta đã phân tích ở trên. Trường hợp thứ hai là việc nhà văn sử dụng các yếu tố thuộc vô thức – một cách có ý thức, có mục đích (PTD nhấn mạnh) vào tác phẩm văn học, nhằm tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ nhất định, hay để truyền đạt một tư tưởng nào đó. Trường hợp này không phải thuộc về lĩnh vực vô thức mà thuộc về ý thức, về dụng công nghệ thuật thuần túy. Do vậy trường hợp này dễ phát hiện và dễ phân tích hơn nhiều so với trường hợp đầu tiên. Vấn đề thứ hai về mặt kỹ thuật là đòi hỏi về sự tích hợp, liên ngành trong nghiên cứu. Khi tiến hành nghiên cứu bằng phân tâm học, các nhà nghiên cứu buộc phải trải qua hai thao tác sau:

- Dùng lý thuyết phân tâm để chỉ ra được những yếu tố vô thức trong tác phẩm.
- Chỉ ra và làm rõ được những công dụng hay đóng góp của những yếu tố vô thức trên đối với tác phẩm trên các bình diện nội dung, nghệ thuật.
Thao tác thứ nhất là thao tác nhà nghiên cứu sử dụng thuần túy phân tâm học. Nhưng ở thao tác thứ hai buộc nhà nghiên cứu phải sử dụng các phương pháp (hay công cụ) hỗ trợ nhằm đánh giá và định vị đúng vai trò của các yếu tố vô thức trong mối tương quan với các yếu tố khác cũng như chỉnh thể tác phẩm ví như các yếu tố vô thức này có liên quan gì đến việc xây dựng nhân vật, kết cấu tác phẩm; sử dụng yếu tố vô thức ở chương đoạn này sẽ làm tác phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn ở chương đoạn khác hay các yếu tố khác ở chỗ nào… Để thực hiện tốt những công việc như trên, đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có biết vận dụng các kiến thức về văn học so sánh, thi pháp, loại hình[3]… Do vậy nhu cầu tích hợp liên ngành vốn đã là một đòi hỏi cần thiết trong nghiên cứu văn học thì trong nghiên cứu phân tâm càng là một yêu cầu mang tính sống còn. Và trên thực tế, không có một công trình nghiên cứu phân tâm nào thuần túy. Có chăng chỉ là những công trình nghiên cứu lấy phân tâm làm nền tảng tư duy, lý luận cuối cùng sau khi dựa trên hàng loạt những thao tác thuộc các phương pháp khác như so sánh, thống kê, phân tích, đối chiếu…Ở đây điều làm bận tâm nhất là thao tác thứ hai là một thao tác thật sự khiến chúng ta phải hao tổn nhiều tâm trí. Phát hiện những yếu tố vô thức là một việc tuy không thể nói là dễ dàng nhưng vẫn làm được, song đánh giá các yếu tố này trên phương diện văn học – nghệ thuật lại là một việc khác. Nhiều trường hợp phát hiện được những yếu tố vô thức nhưng lại không thấy hoặc lúng túng trong cách đánh giá những tác động của các yếu tố này đối với tác phẩm. Điều này có nghĩa là công việc chúng ta tiến hành không đạt hiệu quả như mong muốn.
Trên đây là những khó khăn vừa chủ quan vừa khách quan mà phân tâm học đã và đang phải đối mặt. Đến đây có một câu hỏi đặt ra là: Vậy tại sao chúng ta lại phải quan tâm đến phân tâm học khi mà bản thân nó phải đối mặt với quá nhiều vấn đề như vậy? Và câu trả lời khẳng định của chúng ta dựa trên các cứ liệu sau. Trước nhất là những xu hướng biến đổi trong bút pháp hiện nay rộng ở thế giới và hẹp ở Việt Nam trong những năm gần đây. Những tác phẩm đoạt giải Noben như Linh Sơn, Tình ơi là tình… đều mang nhiều yếu tố huyền ảo, vô thức. Còn ở trong nước, qua các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương và đặc biệt là qua sáng tác của một vài nhà thơ trẻ như Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… chúng ta thấy đang hình thành một lối viết đào sâu về bản thể, về cõi u minh trong con người. Điều này phản ánh rằng đang có một xu hướng, thậm chí là một trào lưu, viết về vô thức ở văn đàn trong nước và (nếu có thể là trên thế giới)[4]. Như vậy có nghĩa là khi tiến hành phân tích các tác phẩm dạng này, phân tâm học là phương pháp đắc dụng. Mặt khác, điều khiến chúng ta phải lưu ý đến phân tâm học là vì trong nhiều trường hợp phân tâm đưa ra những cách kiến giải khá thú vị về tác phẩm và tác giả. Xin lấy một vài ví dụ chứng minh. Trong bài Phan Thiết! Phan Thiết! của Hàn Mặc Tử, có sự xuất hiện của hình tượng chim phượng hoàng.
Mỉa mai thay cho phượng hoàng si dại”
          (Phan Thiết! Phan Thiết!)

Để giải mã được hình tượng này, trước nhất chúng ta hãy trở lại hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Bài thơ ra đời vào thời điểm Mộng Cầm chia tay Hàn Mặc Tử. Bị người yêu bỏ rơi, Hàn Mặc Tử vô cùng đau khổ, tuyệt vọng. Tâm trạng đau đớn, thất vọng này được bộc lộ ngay trong bài Phan Thiết! Phan Thiết!
Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư
          (Phan Thiết! Phan Thiết!)

Sau đó chúng ta đi tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của chim phượng hoàng. Trong quan niệm của phương Đông và phương Tây, phượng hoàng là loài chim biểu trưng cho sự tái sinh. Đến đây, dựa vào tình yêu sâu nặng Hàn Mặc Tử dành cho Mộng Cầm cùng ý nghĩa khách quan của biểu tượng, chúng tôi cho rằng hình tượng chim phượng hoàng trong bài Phan Thiết! Phan Thiết!tượng trưng cho niềm hy vọng vào tình yêu của Hàn Mặc Tử. Từ đáy lòng, Hàn Mặc Tử vẫn mong muốn Mộng Cầm quay lại với mình, mong muốn tình yêu giữa mình với Mộng Cầm sẽ hồi sinh như ý nghĩa biểu trưng  của loài chim phượng hoàng. Mong ước kín đáo này có lẽ chính Hàn Mặc Tử cũng không biết, và nó chỉ xuất hiện trong chiều sâu tâm khảm của nhà thơ chứ không hiển hiện lên trực tiếp thông qua câu chữ. Đây là vô thức của tác giả thể hiện trong thơ mà chính tác giả cũng không biết. Một ví dụ khác,  trong tiểu thuyết Ngồi, Nguyễn Bình Phương đã xây dựng nhân vật Khẩn với đầy những yếu tố thuộc về vô thức: Những giấc mơ, những ám ảnh, những băn khoăn về sự “thiêu thiếu” giữa mình và Kim. Và rồi tất cả những canh cánh trong lòng bao năm đó chợt sáng tỏ bằng một điều giản dị: Khẩn chưa “quan hệ” với Kim lần nào. Cái khát khao nguyên sơ đó không hiện hình trực tiếp mà hóa thân thành những ảo mộng, những khắc khoải trong Khẩn. Để rồi khi nhận chân ra sự thật về tình yêu với Kim, Khẩn bàng hoàng ngồi dựa vào cột đèn. Nhìn từ phân tâm, có thể nói Nguyễn Bình Phương đã giải thiêng tình yêu. Tình yêu tưởng là đẹp thế, mộng mơ thế, trong trắng là thế mà bắt nguồn từ những điều trần trụi nhất. Tận cùng của ánh sáng là bóng tối, tận cùng của lý trí là bản năng. Mô hình hai thế giới người ta nhắc đến trong Ngồi được thể hiện rõ nhất ngay chính trong con người Khẩn. Đây là kiểu tác giả sử dụng yếu tố vô thức vào tác phẩm. Ngoài hai yếu tố trên, vô thức cũng xuất hiện kín đáo ở khía cạnh cấu trúc tác phẩm. Bài thơ Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu là bài thơ tình buồn, trong đó cụm từ anh và em xuất hiện với tần xuất cao. Khảo sát mối quan hệ giữa cặp từ bằng phương pháp phân tích số chúng ta thấy:


Anh: xuất hiện 7 lần
Em: Xuất hiện 6 lần

Hai con số này gợi lên nhiều điều. Đây là một số chẵn và một số lẻ. Chúng tuy gần nhau, sát nhau nhưng lại lệch nhau, không cân xứng. Hơn nửa tổng của hai số này là 13. Một con số rất không đẹp, một con số nhiều người kiêng ngại. Hai điểm này gợi liên tưởng về một điểm bất an, trắc trở về mối tình giữa hai nhân vật anh và em. Gần nhau thật đấy, yêu sát nhau thật đấy nhưng xét về tổng thể lại không hợp, lại thiếu một chút gì tựa như là duyên, là phận, là hòa hợp để đi xa hơn nữa. Cứ cho rằng sự xuất hiện của những con số dù là ngẫu nhiên vì trong nhiều bài thơ hiện tượng này cũng xảy ra. Nhưng trong một văn cảnh, một cảm hứng cụ thể tất yếu chúng sẽ phải mang ý nghĩa của cảm hứng cụ thể đó. Ở bài thơ này là nỗi buồn. Còn trong bài thơ khác, dựa vào cảm hứng chủ đạo của bài thơ đó, chúng có thể mang ý nghĩa khác.  Tiếp theo, chúng ta hãy nhìn vào trật tự phân bố của cặp từ anh – em theo chiều dọc toàn văn bản. Đây là trình tự xuất hiện của chúng. (Xin ghi tắt thay cho anh, E thay cho em)


A-E-E-E-A-A-A-E-A-E-A-A-E
1-2-3-4-5-6-7-8-9-10-11-12-13


Người xưa từng nói Thi trung hữu nhạc. Vậy chúng ta hãy xem nhạc tính của “đoạn nhạc” trên như thế nào? Nếu coi trình tự xuất hiện này như một đoạn nhạc thì ở đây người nhạc sĩ đã ghi sai một nốt. Chỉ một nốt thôi những đã làm cả đoạn nhạc sai nhịp. Nốt nhạc sai đó nằm ở vị trí mười hai. Từ nốt đầu đến nốt thứ mười phân bố rất cân xứng, hài hòa.


A-E-E-E-A-A-A-E-A-E(1:3; 3:1; 1:1)


Về lý để đảm bảo sự hài hòa, cân đối của đoạn nhạc thì khi A xuất hiện ở vị trí thứ mười một, vị trí thứ mười hai phải là E. Và vị trí mười ba - vị trí cuối là A. Khi đó chúng ta sẽ có một đoạn nhạc như sau:


A-E-E-E-A-A-A-E-A-E-A-E-A


Đoạn nhạc khởi đầu là A, kết thúc cũng là A, phân bố nhịp nhàng và đối xứng, gợi nên âm hưởng du dương, êm ái. Nhưng đáng tiếc điều chúng ta mong muốn đã không xảy ra. Vì trí mười một là A và vị trí mười hai cũng là A. Vậy là hỏng cả đoạn nhạc. Sự trúc trắc ở cuối đoạn nhạc này còn gợi nên điều gì khác ngoài sự trúc trắc trong tình duyên của hai người. Hơn nửa, vị trí của nốt nhạc sai này chiếu theo bài thơ thì rơi vào những câu


Nhưng làm sao tới được
bến bờ anh tim dội sóng không cùng
đến bây giờ trăng vẫn cứ xanh
cứ một nửa như đời anh một nửa


Trái tim là biểu tượng của tình yêu, biểu tượng của một mối tình trọn ven. Sự trúc trắc xảy ra ở nhịp quan trọng nhất này đã phản ánh rõ ràng tình yêu của anh và em không bao giờ kết thúc theo dạng Happy end. Sự sai nhịp này lỗi theo chúng tôi có dấu ấn có sự linh cảm về một điều không lành của tác giả và có sự chi phối của vô thức. Chính xác hơn vô thức đã tạo nên cho bài thơ một kết cấu khá đặc biệt như vậy.

Sau cùng, trong những trường hợp đặc biệt, phân tâm học là cách kiến giải hợp lý nhấtđể tìm ra cái chân – thiện – mỹ của tác phẩm, mà các phương pháp khác khó (hoặc không) nhận ra được. Xin đơn cử trường hợp tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Sau khi ra đời, tác phẩm này đã gây ra những phản ứng trái chiều cùng những cuộc tranh luận nóng bỏng trên văn đàn khoảng hai năm trước đây, trong đó tựu trung vào vấn đề tư tưởng của tác phẩm là gì? Đây có phải là tác phẩm miêu tả tình dục tầm thường hay không?  Nhìn ở khía cạnh phân tâm, chúng  ta thấy có sự xuất hiện của mô hình nhân cách con người của Freud trong tác phẩm này. Trong đó khát vọng bản năng tính dục của nhân vật tôi là biểu tượng của Id. Suy nghĩ của nhân vật tôi là cái bản thể Ego, sau hình ảnh bàn tay luôn nâng đỡ cho nhân vật tôi là biểu trưng cho Super Ego. Như vậy, Bóng đè là câu chuyện đấu tranh giữa ba lực lượng trên trong một con người. Chi tiết kết truyện là hình ảnh bàn tay nâng đỡ làm tâm hồn nhân vật tôi bình tĩnh, thanh thản trở lại sau những phút giây cuồng loạn đến mất trí lại là biểu trưng của sự chiến thắng của Super Ego trước cái Id. Như vậy, bằng phân tâm, chúng ta thấy ý nghĩa của t câu chuyện (mà đôi lúc tác giả viết cũng không nhận thấy) đó là trong con người luôn có sự đấu tranh giữa lương tri và dục vọng. Cuộc đấu tranh đó là cuộc đấu tranh quyết liệt song cuối cùng  lương tri, lý trí của con người sẽ chiến thắng. Con người cần tin vào lương tri, lý trí của bản thân mình. Một ý nghĩa không thật sự mới mẻ. Tìm được tư tưởng của truyện ngắn, soi tư tưởng đó trên góc độ phương pháp, kỹ thuật thực hiện chúng ta thấy rằng Đỗ Hoàng Diệu chưa thật tinh tế trong cách thể hiện tư tưởng, hơi quá chú trọng đến phần bản năng mà chưa khai thác đúng mức và thể hiện đến tận cùng tâm trạng của bản thể Ego và lương tâm Super Ego trong con người nhân vật tôi. Điều này vừa làm tác phẩm không vươn lên được tầm cao cần thiết vừa khiến tác giả bị hiểu lầm. Đây quả là điều đáng tiếc cho Bóng đè và Đỗ Hoàng Diệu.


Như vậy, chúng ta vừa điểm qua một vài nét chính về phê bình phân tâm học trong văn hoc.  Không chỉ riêng văn học mà trên thực tế, tiềm năng ứng dụng của phân tâm vào các ngành thuộc khoa học xã hội vô cùng to lớn. Hy vọng rằng phương pháp nghiên cứu này sẽ ngày càng có nhiều người sử dụng vào công cuộc nghiên cứu và trong một tương lai không xa chúng ta sẽ được đọc nhiều công trình thật sự có giá trị về văn học nói riêng và khoa học xã hội nói chung do phân tâm học đem lại.

Nguồn: VNQĐ


 Chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở phần sau.
 Nghiên cứu về vô thức của tác giả, trước khi công bố, tốt nhất nên đưa cho tác giả xem trước (như trường hợp Đỗ Lai Thúy viết về tập Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm)
 Đặc biệt đối với vấn đề vô thức tác giả, thì phương pháp tiểu sử có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
 Chúng tôi không chắc về điểm này. Đây đơn thuần là sự phỏng đoán cá nhân.
 
http://vietvan.vn/vi/bvct/id663/Phe-binh-phan-tam-hoc/

Đăng nhận xét