Search Suggest

Nghiên cứu sản nghiệp sáng tạo văn hoá

Đỗ Văn Hiểu*
Dẫn luận
Trong những năm gần đây, ở Trung Quốc, cùng với vấn đề “Quyền lực mềm”(soft power), vấn đề “Sản nghiệp sáng tạo văn hóa” (cultural and creative industries) xuất hiện và phát triển với tốc độ chóng mặt, được sự ủng hộ của chính phủ và thu hút được sự quan tâm của đông đảo người nghiên cứu, chỉ riêng tháng 11 năm 2010, tại Bắc Kinh diễn ra trên dưới 30 hội thảo, diễn đàn cấp quốc gia và quốc tế về vấn đề Sản nghiệp sáng tạo văn hóa.
Cách mạng phương tiện truyền thông, chuyển hướng hình ảnh thị giác và sự phát triển của hình thái ý thức tiêu dùng cấu thành bối cảnh cho sự xuất hiện của vấn đề sản nghiệp văn hóa. Hiện nay, sự phát triển văn hóa nếu như không kết hợp với khoa học kĩ thuật tiên tiến và sự đột phá mang tính cách mạng của kinh tế thì sẽ bị thế giới hiện thực phát triển như vũ bão đào thải. Vì thế, xây dựng hình thái văn hóa hài hòa với hình thái kĩ thuật, hình thái kinh tế mới của thế giới tương lai là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của sự phát triển văn hóa. Sự ra đời của công nghệ kĩ thuật cao và sự phát triển của công nghiệp hiện đại không chỉ dẫn đến sự thay đổi của tất cả hình thái nghệ thuật truyền thống mà còn tạo nên hình thái nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ
Sản nghiệp sáng tạo hiện nay tất yếu phải dựa vào hiện thực phát triển của văn hóa kinh tế và sự phát triển của khoa học kĩ thuật. Sự biến đổi của hình thức truyền thông chủ đạo không chỉ dẫn đến sự biến đổi toàn diện của cục diện sinh thái vốn có của nghệ thuật, mà còn thay đổi kết cấu kinh tế của toàn bộ xã hội. Đã đến lúc chú ý đến vấn đề: văn hóa chính là kinh tế, văn hóa chính là thị trường. Văn hóa đã trở thành động lực tích cực nhất trong sự phát triển sức sản xuất. Có thể nói, phương tiện truyền thông mới đã tạo nên sự suy thoái của một số ngành nghệ thuật truyền thống như nghệ thuật kịch, làm mất đi một số loại hình nghệ thuật dân gian. Vì thế chúng ta cần phải nhìn nhận loại vai trò của văn hóa nghệ thuật trong toàn bộ xã hội trong điều kiện lịch sự mới, cải cách thể chế văn hóa phù hợp với tình hình mới, xây dựng chính sách bảo hộ văn hóa đương đại phù hợp với sáng tạo văn hóa, xây dựng phương thức vận hành văn hóa mới. Hiện nay, đặc trưng quan trọng nhất của sức sản xuất là “kinh tế hóa văn hóa” và “văn hóa hóa kinh tế”, dẫn đến nhất thể hóa kinh tế và văn hóa. Đây là sản phẩm của thời đại điện tử. Văn hóa hóa kinh tế ở tầng ý nghĩa sâu xa của nó chính là nó đại diện cho khuynh hướng phát triển của kinh tế trong tương lai. Kinh tế phát triển đến một mức độ nhất định sẽ đặt trọng tâm vào phục vụ, tri thức, thông tin… Khi xã hội phát triển đến một mức độ nhất định thì con người càng coi trọng nhu cầu tâm lí, tinh thần, văn hóa. Vì thế, yêu cầu đối với sản phẩm văn hóa tăng cao hơn, như nhu cầu đối với sách vở, âm nhạc, điện ảnh, sản phẩm nghệ thuật, phục vụ vui chơi giải trí, thông tin, internet. Hiện nay ngay cả ăn, ở, đi lại cũng yêu cầu văn hóa hóa. Về ăn mặc, không chỉ chú trọng mặc ấm, mặc bền, mà chú trọng hơn đến thẩm mĩ, thời thượng, thương hiệu…
1. “Sản nghiệp văn hóa”
“Sản nghiệp văn hóa” là một khái niệm mở, tổng hợp đa vĩ độ, đa tầng thứ và có tính sinh thành. Sản nghiệp văn hóa có thể phân thành hai bộ phận lớn là: sản nghiệp văn hóa với tư cách là lí luận - hình thái ý thức của quan niệm chính trị, triết học; và sản nghiệp văn hóa có tính ứng dụng, tính thao tác của mô hình phát triển, chế độ độ kinh tế. “Sản nghiệp văn hóa với tư cách là lí luận - hình thái ý thức” tập trung ở lí luận mĩ học, triết học và văn hóa chính trị, có tính phê phán mãnh liệt, có sắc thái phủ định; lí luận, nghiên cứu sản nghiệp văn hóa có tính ứng dụng là lí luận được đúc rút từ thực tiễn của sản nghiệp văn hóa, có khuynh hướng đi sâu vào quá trình truyền bá, giao lưu, sản xuất.
 “Sản nghiệp văn hóa với tư cách là lí luận - hình thái ý thức” là khái niệm có tính phê phán và tính phủ dịnh của trường phái Frankfurt. Khái niệm “Sản nghiệp văn hóa” (Culture Industry) được tìm thấy trong bài “Sản nghiệp văn hóa” tinh thần khai sáng lừa dối công chúng (Enlightenment as Mass Deception) viết năm 1944 của Max Horkheimer và Theodor Adorno của trường phái Frankfurt chủ nghĩa Mác phương Tây, sau đó được tập hợp trong cuốn Phép biện chứng khai sáng(Dialectic of Enlightenment). Trước những năm 90, ở Trung Quốc khái niệm “Culture Industry” được dịch thành “Công nghiệp văn hóa”, hiện nay dịch thành “sản nghiệp văn hóa”.
Đặc trưng lí luận của Sản nghiệp văn hóa
Max Horkheimer và Theodor Adorno cho rằng sự thống trị của kĩ thuật hiện đại đã khiến “sản nghiệp văn hóa” dần dần phát hiện ra tính sao chép và tính đồng chất của nó, hình thành nên phong cách nghệ thuật “đồng nhất”, hủy diệt nghệ thuật lấy sự sáng tạo độc đáo làm cơ sở. Trong “sản nghiệp văn hóa” ý chí hành vi thay thế cho logic sự vật, khiến cho nghệ thuật từ nội dung cho đến hình thức đều duy trì trạng thái không có sự khác biệt, nghệ thuật và xã hội đã nhất thể hóa cao độ.
“Sản nghiệp văn hóa” có tính thương mại và tính tiêu dùng. Sự phân biệt chủ yếu giữa “Sản nghiệp văn hóa” và văn hóa thông tục trước kia nằm ở sự sản xuất văn hóa được tiến hành dưới sự điều khiển tư bản, ở đâu cũng có thể cảm nhận thấy một bàn tay tư bản vô hình thao túng phía sau. Dưới sự điều khiển của tư bản, “Sản nghiệp văn hóa” trở thành một loại thị trường hóa, thành sản xuất văn hóa hàng hóa hóa, đồng thời cũng là sản xuất văn hóa mang tính kĩ thuật.
“Công nghiệp văn hóa” có chức năng giải trí. Sản nghiệp văn hóa không giống với văn hóa thông tục hoặc văn hóa dân gian truyền thống trong quá khứ, sản nghiệp văn hóa là văn hóa đại chúng do thời đại công nghiệp hiện đại sản sinh ra. Sản nghiệp văn hóa và văn hóa đại chúng đương đại trên thực tế là hai mặt của một vấn đề. Taibo cho rằng “công nghiệp văn hóa” là sự kết hợp của “văn hóa đại chúng và phương tiện truyền thông đại chúng”. (Chủ nghĩa Mác Mới, Gorman). Trên thực tế, nếu như truy tìm về cội nguồn thì sản nghiệp văn hóa không phải là hiện tượng và quan niệm đến trường phái Falankefu thế kỉ 20 mới có, mà là thực tiễn hiện thực được sản sinh cùng với cách mạng công nghiệp, cách mạng in ấn và văn hóa thị trường tư bản chủ nghĩa phương Tây. “Sản nghiệp văn hóa với tư cách là lí luận hình thái ý thức” tập trung ở lí luận mĩ học triết học và văn hóa chính trị, có tính phê phán mãnh liệt, có sắc thái phủ định; từ trừu tượng cao độ trực tiếp chỉ ra căn bản của sản nghiệp văn hóa. Điều này có ý nghĩa gợi mở rất lớn để chúng ta nhận thức sản nghiệp văn hóa đương đại trong xã hội tiêu dùng trong bối cảnh toàn cầu hóa đương đại.
Sản nghiệp văn hóa với tư cách là ứng dụng thao tác thực tiễn kinh tế xã hội
Khác với trường phái kinh viện khi phân tích nội dung sản phẩm do sản nghiệp văn hóa tạo ra, lí luận và nghiên cứu ứng dụng sản nghiệp văn hóa phương Tây lại tập trung vào nghiên cứu quá trình sản xuất, lưu thông, truyền bá của sản nghiệp văn hóa; lí luận của phái kinh viện tập trung vào hình thái ý thức, những người đi sau lại tập trung vào sự vận hành kinh tế; khái niệm của những người đi trước sử dụng phần lớn là triết học, chính trị học, ngôn ngữ học, nhưng khái niệm của người đi sau lại chủ yếu là danh từ kinh tế học, xã hội học và quản lí học, như sản nghiệp, bản quyền, tiết mục, tìm việc, sản xuất, truyền bá, mậu dịch, thị trường, phân phối…
Nhìn từ góc độ ứng dụng sản nghiệp văn hóa đương đại, sản nghiệp văn hóa có một số thuộc tính mà sản nghiệp thông thường đều có. Đối với tính chất mà nó đem lại cho hàng hóa, sản nghiệp văn hóa có thể được lí giải là sản phẩm tinh thần cung cấp cho người tiêu dùng, hoặc là ngành phục vụ; đối với tính chất quá trình kinh tế của nó, sản nghiệp văn hóa có thể định nghĩa là “một hệ thống hoạt động sản xuất, tái sản xuất, bảo tồn và phân phối hàng hóa và phục vụ”.
Sản nghiệp văn hóa có nội hàm chủ yếu sau:
Sản nghiệp văn hóa đương đại là kinh tế văn hóa và sản nghiệp trong hình thái xã hội tiêu dùng và trong điều kiện toàn cầu hóa. Đặc trưng quan trọng hàng đầu của sản nghiệp văn hóa đương đại là dựa trên sự sáng tạo văn hóa, là hình thái sản nghiệp lấy sáng tạo chủ. Sản nghiệp sáng tạo, kinh tế sáng tạo (Creative Industry, Creative Economy) là quan niệm, trào lưu, thực tiễn kinh tế được phát triển trong bối cảnh xã hội tiêu dùng trong thời kì toàn cầu hóa, thúc đẩy, đề cao sáng tạo, sức sáng tạo của cá nhân, kĩ xảo, tài năng, nhấn mạnh sự ủng hộ, sự thúc đẩy mới của văn hóa nghệ thuật đối với kinh tế, là ngành nghề thông qua mở mang vận dụng quyền sản xuất tri thức, phong phú tính sáng tạo và tiềm lực thu hút công việc. Nó bao hàm quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật và giao dịch văn vật, sản phẩm thủ công mĩ nghệ, thiết kế, thiết kế thời trang, điện ảnh, phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phát thanh truyền hình. Coi sáng tạo là số một, cho thấy sản nghiệp văn hóa không giống như hình thái sản nghiệp của sản nghiệp vật chất trong quá khứ, nó chú ý hơn đến sáng tạo văn hóa và tinh thần, coi sự sáng tạo này là động lực, là hạt nhân của sự phát triển sản nghiệp.
Sản nghiệp văn hóa đương đại được xây dựng trên cơ sở thu - phát kĩ thuật cao, lấy nội dung văn hóa làm chủ thể. Sản nghiệp nội dung (sản nghiệp chương trình, tiết mục) bao gồm các loại nội dung sản phẩm ấn loát được truyền bá của các phương tiện truyền thông (báo chí, thư tịch, tạp chí) và nội dung xuất bản điện tử (phục vụ chế phẩm âm nhạc, hình ảnh, trò chơi điện tử…), nội dung truyền bá âm thanh hình ảnh (truyền hình, video, truyền thanh, nhà hát) và các loại phần mềm tiêu dùng khác… Vì thế, sản nghiệp nội dung giữ vài trò chủ đạo là truyền thông nghe nhìn. Hiện nay, sản nghiệp nội dung được nâng lên thành sản nghiệp nội dung kĩ thuật số.
Sản nghiệp văn hóa đương đại là sản nghiệp lấy phương thức truyền bá kĩ thuật cao để thu hút sự chú ý của công chúng. Cùng với sản nghiệp sáng tạo, sản nghiệp nội dung, thế giới đương đại bước vào thời kì kinh tế nhãn cầu và kinh tế của sự chú ý. Xét về góc độ phương thức truyền bá ảnh hưởng và hình tượng đô thị, cạnh tranh giữa các thành thị là cạnh tranh chiếm lĩnh sự chú ý. Năm 1997 Michael H.Goldhaber người Mĩ trong bài viết Người mua bán sự chú ý đã cho rằng, ngày ngay, bản chất của “nền kinh tế mới” lấy internet làm cơ sở là “kinh tế của sự chú ý”, trong hình thái kinh tế này, tài nguyên quan trọng nhất không phải là tiền tệ trên ý nghĩa truyền thống, cũng không phải là bản thân thông tin, mà là sự chú ý của con người”. Bản thân sự chú ý chính là tiền tài.
Sản nghiệp văn hóa đương đại có tính vui chơi giải trí, là sản nghiệp chú trọng thể nghiệm. Cùng với sự phát triển của kinh tế, và sự nâng cao của mức độ tiêu dùng, người tiêu dùng càng ngày càng mong muốn có được sự thể nghiệm phong phú. Vì thế, khi phát triển thành thị, không chỉ chú ý đến các giai tầng của người sáng tạo và sự sáng tạo phong phú, mà còn chú ý đến xây dựng một thành phố tiêu dùng và thể nghiệm sáng tạo.
Sản nghiệp văn hóa là sản nghiệp có đặc trưng kinh tế căn bản. Nó vận hành trong khuôn khổ tư bản, đặt trọng tâm ở sự khuếch đại lợi nhuận kinh tế. Nội dung sản phẩm văn hóa chứa đầy mâu thuẫn, một mặt, sản phẩm văn hóa có động lực thúc đẩy mở rộng thị trường, nó luôn xuất hiện dựa trên cơ sở mở ra hàng loạt loại tiêu dùng văn hóa và thu được sự chú ý của công chúng. Một trong những giá trị sử dụng của sản phẩm văn hóa là mang đến những thứ mới mẻ, khác lạ để công chúng thể nghiệm. Như thế, sản phẩm văn hóa cũng cự tuyệt khuynh hướng đồng chất hóa. Mặt khác, không giống như những hàng hóa khác, nó không bị hủy hoại trong quá trình tiêu dùng, từ đó có thể sử dụng lại nhiều lần, ví dụ như những tác phẩm văn học nghệ thuật kinh điển. Người sản xuất sản nghiệp văn hóa thông qua nhiều phương thức nhằm hạn chế tiếp nhập, như chính sách độc quyền, bản quyền, từ đó tạo nên sự khan hiếm, và từ sự khan hiếm đó sẽ tạo nên lợi nhuận cao nhất(Garnham Nicholas).
2. Sản nghiệp sáng tạo
Sản nghiệp sáng tạo là sản nghiệp mới lấy sáng tạo làm hạt nhân, mang lại cho đại chúng sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, tinh thần, tâm lí, vui chơi giải trí. Trong thế giới đương đại, sản nghiệp sáng tạo đã không chỉ là một khái niệm, mà là hiện thực trực tiếp có hiệu quả lợi ích kinh tế lớn lao. Hàng loạt những sản phẩm sáng tạo, hàng hóa, phụ vụ của các nước phát triển đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, hình thành làn sóng kinh tế sáng tạo to lớn. Sản nghiệp sáng tạo của mỗi quốc gia dựa trên khuynh hướng, lĩnh vực, phương thức phát triển riêng, đặc thù của nước mình, thể hiện một bối cảnh mạnh mẽ của sự hưng thịnh sản nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Nhà lí luận kinh tế văn hóa Caves nhận định: Sản nghiệp sáng tạo mang lại cho chúng ta sản phẩm có quan hệ rộng rãi với văn hóa, nghệ thuật, hoặc chỉ là vui chơi giải trí và phục vụ cho chúng bao gồm nhà xuất bản, tòa soạn, nghệ thuật thị giác (hội họa, điêu khắc), nghệ thuật biểu diễn (kịch, ca kịch, hội âm nhạc, vũ đạo), chế phẩm ghi âm, điện ảnh truyền hình, đồ chơi và trò chơi.
Nội hàm của lí luận sản nghiệp sáng tạo bao gồm:
a. Sản nghiệp sáng tạo thúc đẩy sự ra đời, phát triển của các loại sản nghiệp mới mẻ có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống xã hội và thúc đẩy sự nâng cấp của sản nghiệp văn hóa truyền thống, hình thái sản nghiệp của sự biến đổi. Sản nghiệp sáng tạo trước tiên là hình thái sản nghiệp mới thích hứng với sự hưng thịnh của một loạt các loại sản nghiệp văn hóa mới ra đời do yêu cầu của hiện thực. Nước Anh từng đưa ra 13 loại sản nghiệp sáng tạo gồm các sản phẩm văn hóa như phim hoạt hình, trò chơi, nghệ thuật kĩ thuật số, phần mềm thiết kế giải trí, quảng cáo…, cũng bao gồm các loại hình được sử dụng từ lâu như điện ảnh, truyền hình, báo chí, thiết kế công nghiệp, thiết kế thời trang, nhưng nội hàm của nó đã có biến đổi lớn, trở thành điện ảnh kĩ thuật số, truyền hình kĩ thuật số, thiết kế kĩ thuật số, thiết kế thông tin.
b. Động lực của sự phát triển sản nghiệp sáng tạo là điều chỉnh, chuyển hướng và nâng cao kết cấu trong sự phát triển của sản nghiệp.
c. Kĩ thuật mới và kĩ thuật cao là căn cứ quan trọng nhất của việc sản phẩm sáng tạo vượt qua sản nghiệp văn hóa truyền thống, nó bồi tạo lên cơ sở khoa học của sự phát triển nhảy vọt của sản nghiệp sáng tạo. Công nghệ máy tính, internet, công nghệ thông tin phát triển đã thúc đẩy và ủng hộ cho sản nghiệp nội dung. Chính công nghệ kĩ thuật số đã thúc đẩy sản nghiệp hóa văn hóa, cải tạo phương thức truyền thông, sản xuất của văn hóa truyền thống, từ đó phát triển và nâng cao toàn diện sản nghiệp sáng tạo văn hóa.
d. Sáng tạo, mới mẻ là hạt nhân của sản nghiệp sáng tạo, nghiên cứu phát triển thiết kế sáng tạo là linh hồn của toàn bộ sản nghiệp . Dường như tất cả các sản nghiệp đều cần tính sáng tạo, vậy tại sao vẫn cần phải đề ra sản nghiệp sáng tạo? Trong các ngành nghề, lĩnh vực truyền thống, sáng tạo chỉ giữ địa vị phụ thuộc vào sản phẩm chứ không phải là địa vị hạt nhân của sản phẩm, nhưng ở đây, sáng tạo được coi là hạt nhân của phương thức sản nghiệp đặc chỉ xu hướng thị trường. Tính sáng tạo trở thành huyết mạch của sản nghiệp sáng tạo. Phương thức vận hành của xã hội tiêu dùng đương đại, văn hóa trào lưu thời thượng đã khiến tính mới mẻ của sản phẩm văn hóa, tính tạm thời và đặc trưng không gian mãnh liệt (thị giác) xuất hiện. Sản nghiệp sáng tạo bao gồm quảng cáo, kiến túc, nghệ thuật và văn vật, sản phẩm thủ công mĩ nghệ, thiết kế thời trang, điện ảnh, phầm mềm giải trí tương tác, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phần mềm, truyền thanh truyền hình, trò chơi game online, phim hoạt hình, DV, Flash, dịch vụ tin nhắn, điện thoại, tivi internet, đều phải dựa trên sự sáng tạo, thiết kế mới.
Liên quan mật thiết đối với sự sáng tạo chính là bản quyền tri thức của người sáng tạo. Bản quyền tri thức và bảo hộ bản quyền tri thức là điều kiện, tiền đề tất yếu để sản nghiệp sáng tạo có thể phát triển. Mấu chốt của sự phát triển của sản nghiệp sáng tạo văn hóa là tập thể sáng tạo, đặc biệt là nhân tài sáng tạo cao cấp. Lợi ích cơ bản của người sáng tạo được tôn trọng và bảo hộ sẽ hình thành bối cảnh thị trường và không khí xã hội phổ biến của sáng tạo mới mẻ, để thu hút và thúc đẩy nhân tài không ngừng phát triển, thông qua toàn xã hội thúc đẩy phát triển sáng tạo để thúc đẩy sáng tạo cải cách cơ chế xã hội.
e. Với tư cách là ngành nghề phụ vụ hiện đại, sản nghiệp sáng tạo liên quan đến hoạt động phục vụ mang tính tâm lí, tinh thần như nghệ thuật, văn hóa, thông tin, giải trí, thư nhàn…thỏa mãn nhu cầu giải trí văn hóa tinh thần của con người, là mô hình mới phát triển kết hợp giữa tiêu dùng tinh thần và kinh tế giải trí ở thành thị, là một bộ phận cấu thành ở trình độ cao của ngành nghề phục vụ hiện đại. Trong hình thái tổng thể của ngành phục vụ, sản nghiệp sáng tạo văn hóa khai thác sự phát triển sản nghiệp mới mẻ của loại hình nghệ thuật, loại hình tinh thần, loại hình tri thức, loại hình tâm lí, loại hình nghỉ ngơi, loại hình giải trí, hình thành thị trường tiêu thụ văn hóa mới, hình thành một quần thẻ tiêu dùng sáng tạo, thích ứng với nhu cầu mới của thời đại tiêu dùng toàn cầu hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế văn hóa với hình thái mới.
f. Trên mô hình vận hành sản nghiệp, sự phát triển của sản nghiệp sáng tạo càng động thái hóa hơn, nó là phương thức cao của vận hành kinh tế thị trường, xa rời phương thức kinh tế kế hoạch trong quá khứ, dựa nhiều hơn vào sự thúc đẩy của bản thân tiêu dùng và thị trường, đồng thời không ngừng thiết kế thị trường, hoạch định thị trường, bồi dưỡng thị trường, kích thích thị trường. Cũng có thể nói, trong thời đại tiêu dùng toàn cầu hóa hiện nay, tính toàn cầu của thị trường, tính toàn cầu của truyền thông, tinh thần hóa, tâm lí hóa, cá tính hóa, độc đáo hóa của tinh thần, thời thượng hóa, trào lưu hóa, của tiêu dùng, khiến sáng tạo là sản nghiệp, về căn bản thay đổi mô hình phát triển công nghiệp trong trạng thái tính cố định hóa của quá khứ.
3. Sản nghiệp sáng tạo văn hóa
Tại sao Bắc Kinh, Đài Loan, Hồng Kông lại đưa ra khái niệm “sản nghiệp sáng tạo văn hóa”? Vì về mặt lí luận, Sản nghiệp sáng tạo văn hóa là khái niệm có tính phổ bién, tính bao quát lớn, bao gồm cả sản nghiệp văn hóa truyền thống và sản nghiệp sáng tạo đang phát triển, thể hiện đặc điểm phát triển sản nghiệp của giai đoạn quá độ từ sản nghiệp văn hóa sang sản nghiệp sáng tạo. Về mặt thực tiễn, với tư cách là thành phố phát triển sau, các loại hình sản nghiệp văn hóa tương đối truyền thống vẫn chiếm phần lớn như văn hóa nghệ thuật truyền thống, truyền thanh truyền hình, xuất bản, cho đến du lịch văn hóa, trong giai đoạn phát triển đầu tiên của sản nghiệp vẫn là bộ phận cấu thành chủ yếu của hình thái sản nghiệp. Thế nhưng những hình thái mới mà sản nghiệp sáng tạo chú trọng thúc đẩy như trò chơi trực tuyến, phim hoạt hình, truyền hình internet, dịch vụ di động … đã phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa, thể hiện sức sống mãnh liệt và dần dần hình thành điểm tăng trưởng mới và chủ thể của sản nghiệp, định hướng phát triển của sản nghiệp. Cho nên dùng khái niệm mang tính tổng thể “Sản nghiệp sáng tạo văn hóa” chính là sự lựa chọn hợp lí xây dựng trên cơ sở hiện trạng phát triển sau, cơ sở sản nghiệp, và tích cực tiến vào xu thế phát triển toàn cầu hóa hiện nay. Đây cũng là một gợi ý trong nghiên cứu sản nghiệp văn hóa ở nước ta.
Phạm vi của nghiên cứu sản nghiệp sáng tạo văn hóa
Vì thế, nghiên cứu sản nghiệp sáng tạo văn hóa có thể hướng tới nghiên cứu cách mạng truyền thông và sự chuyển hướng của văn hóa chuyển hướng văn hóa thị giác; nghiên cứu văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa; nghiên cứu kĩ thuật hóa văn hóa, văn hóa hóa kĩ thuật; nghiên cứu vấn đề xây dựng đô thị và sự cạnh tranh giữa các đô thị; nghiên cứu việc xây dựng các khu sản nghiệp sáng tạo văn hóa; đề xuất cải cách thể chế văn hóa và xây dựng chế độ sản nghiệp văn hóa mới; từ đó cũng bàn đến sự bảo hộ văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh kinh tế thị trường…
Kết luận
Việc nghiên cứu sản nghiệp sáng tạo văn hóa gắn trực tiếp với thực tiễn đời sống, là hoạt động tham gia trực tiếp, tích cực vào việc xây dựng bộ mặt văn hóa của đất nước, thúc đẩy sản xuất, kinh tế phát triển. Nếu được chính phủ ủng hộ, thì công việc nghiên cứu và hiệu quả của nó là vô cùng to lớn. Bằng chứng là với sự ủng hộ của chính phủ, hoạt động nghiên cứu sản nghiệp sáng tạo văn hóa đã góp phần tích cực khiến các thành phố của Trung Quốc phát triển với tốc độ chóng mặt, nhanh chóng trở thành những thành phố hiện đại, không thua kém gì các thành phố ở các nước phát triển trên thế giới, như thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến…. Ở nước ta, hiện nay, cũng có thể bắt tay vào nghiên cứu sản nghiệp văn hóa. Khuynh hướng nghiên cứu này có thể góp thêm phần đưa khoa học nhân văn tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh tế, sản xuất, xây dựng đất nước. 
Đ.Đ.H
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.金元浦:文化创意产业概论”。高等教育出版社。北京, 2010年



(Theo: Thông báo văn hóa 2011 - 2012)

Đăng nhận xét