Search Suggest

BÀN VỀ RANH GIỚI


Đề bài:
Nhà văn Nguyễn Khải, trong tác phẩm Mùa lạc đã cho rằng: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
Còn nhà văn Ma Văn Kháng, trong Mùa lá rụng trong vườn thì bày tỏ: “Cuộc sống bao giờ cũng có ranh giới. Ai không phân biệt nổi ranh giới thì kẻ đó còn ở trong trạng thái bản năng”.
Anh/chị hiểu “ranh giới” trong những nhận định trên như thế nào? Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về những ranh giới trong cuộc sống.


GỢI Ý THÂN BÀI
I. Giải thích
- Ranh giới” theo cách hiểu đơn thuần nó là đường phân chia giới hạn giữa hai khu vực.
- Thế nhưng, cuộc sống không đơn thuần chỉ là những đường phân chia giới hạn như thế. Cuộc sống luôn thách thức, đấu trí với bản lĩnh của con người. Thế nên, “ranh giới” còn là lằn ranh giữa sự thất bại và thành công, sự sống và cái chết, sự bao dung và lòng ích kỉ…
- Đối với Nguyễn Khải, cuộc sống không có “đường cùng” mà chỉ có những “ranh giới” ==>“Ranh giới” ở đây chính là những khó khăn, những nghịch cảnh, những giới hạn kìm hãm bản thân con người đến với hạnh phúc.
- Đối với Ma Văn Kháng, nếu không nhận ra ranh giới con người chỉ ở “trạng thái bản năng” – u mê tăm tối về tâm hồn đạo đức ==>“Ranh giới” ở đây chính là những rào cản cần thiết để con người có thể giữ vững những giá trị làm người. Đó có thể là đạo đức, là pháp luật.
- Vấn đề nghị luận: Như vậy, trong cuộc sống, con người cần lựa chọn giữa việc vượt qua ranh giới hay tôn trọng những ranh giới.
II. Bàn luận
1. Cách sống vượt qua ranh giới (Bàn luận về câu nói của Nguyễn Khải)
- Vượt qua ranh giới, con người có thể tưởng thành hơn, vươn tới những kì tích trong cuộc sống. DC: Nick Vujicic, Nguyễn Ngọc Kí…
- Vượt qua ranh giới, con người có thể làm nên những thay đổi vĩ đại mang tới hạnh phúc cho nhân loại. DC: Việc đòi quyền bình đẳng giới cho phụ nữ, việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc…
- Vượt qua ranh giới của tư duy, con người có thể sáng tạo để làm nên những điều kì diệu. DC: Những phát minh mà con người chưa từng nghĩ là sẽ làm được như bóng đèn điện, máy bay, tàu vũ trụ… đều khởi đầu từ những người dám vượt qua ranh giới.
- Vượt qua ranh giới của định kiến, ta sẽ biết tôn trọng sự đa dạng và trân trọng người khác để sống có ý nghĩa hơn.
- Nhược điểm: Nếu cực đoan phá vỡ mọi ranh giới, ta sẽ chới với mất phương hướng trong cuộc sống.
2. Cách sống tôn trọng các ranh giới (Bàn luận về câu nói của Ma Văn Kháng)
- Tôn trọng ranh giới của đạo đức, ta sẽ giữ cho mình không bị sa ngã, để có thể đứng vững trước những cám dỗ của cuộc sống.
- Nếu mọi người tôn trọng ranh giới của luật pháp thì xã hội sẽ ổn định và phát triển.
- Nếu các quốc gia đều tôn trọng các ranh giới đó là các công ước và luật pháp quốc tế thì sẽ có thể giữ được nền hòa bình và có thể làm nên những thay đổi tích cực cho nhân loại. DC: Công ước về biến đổi khí hậu được kí tại Pháp năm 2016 với sự khai sinh của khái niệm “công lý khí hậu”.
- Nhược điểm: Nếu lúc nào cũng khép nép giữ gìn mọi ranh giới, ta sẽ thu mình vào trong vỏ ốc của bản thân và sống một cuộc đời mờ nhạt.
3. Bàn luận mối quan hệ giữa hai cách sống
- Hai cách sống tưởng như đối lập với nhau nhưng thực ra là hai mặt của một vấn đề, trong cuộc sống con người cần tỉnh táo để biết lựa chọn cách sống cho phù hợp.
- Khi nào ta cần vượt qua các ranh giới? Khi các ranh giới đó kìm hãm những quyền chính đáng của con người, kìm hãm con người vươn tới hạnh phúc, kìm hãm sự phát triển của xã hội, thì đó là ranh giới cần phải được phá bỏ.
- Khi nào ta cần tôn trọng các ranh giới? Khi các ranh giới đó giúp duy trì sự ổn định của xã hội và giúp bảo vệ, duy trì đạo đức. Ta cần tôn trọng các ranh giới khi biết chắc rằng việc vượt qua ranh giới ấy sẽ gây đau thương, tổn hại cho người khác.
- Để lựa chọn đúng, ta cần một trí tuệ sáng suốt để hiểu rõ bản chất vấn đề và nắm bắt được sự vận động, phát triển của xã hội. Nhận biết được những quyền lợi chính đáng của bản thân đồng thời biết tôn trọng mọi người, biết sống hài hòa giữa cá nhân và tập thể, ta sẽ có được sự lựa chọn đúng.
4. Phê phán: Phê phán những kẻ nổi loạn phá vỡ mọi ranh giới và làm hại xã hội, những kẻ sống nhạt nhòa vì giữ gìn ranh giới một cách thái quá…
III. Liên hệ bản thân: Học sinh nêu bài học nhận thức và hành động. Yêu cầu: cụ thể, khả thi.

Đăng nhận xét