Search Suggest

THỦ PHÁP SONG QUAN VÀ YẾU TỐ TỤC - THANH TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG



Cơ chế của nghệ thuật trào phúng Hồ Xuân Hương đó là dựa vào thủ pháp song quan, xây dựng những hình tượng mang ý nghĩa sóng đôi, gắn với yếu tố cái tục để làm vũ khí châm biếm. Yếu tố cái tục có thể hiểu là những yếu tố nội dung có liên quan đến vấn đề tính dục . Thủ pháp song quan là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong thi pháp Trung đại. Song quan là hai cánh cửa, ám chỉ việc sử dụng một hình tượng đa nghĩa để biểu đạt nhiều đối tượng khác nhau, mỗi cánh cửa mở ra một đối tượng (Như Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến – một cánh cửa mở ra bài vịnh món đồ chơi thiếu nhi rất sinh động, cánh cửa khác là phê phán những vị tiến sĩ không thể lo cho vận mệnh của đất nước, của thời cuộc, trong đó phảng phất chút tự trào của nhà thơ. Có thể nói, việc sử dụng thủ pháp song quan với yếu tố cái tục chiếm một phần lớn trong mảng thơ trào phúng Hồ Xuân Hương.
Yếu tố cái tục biểu hiện trong  thơ Hồ Xuân Hương cũng rất đa dạng. Trước hết có thể kể đến yếu tố cái tục gắn với thủ pháp song quan, tạo nên liên tưởng hai chiều, nửa thanh, nửa tục nhằm tạo hiệu quả trào phúng:
VỊNH CÁI QUẠT I
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa,
Duyên em dính dán tự bao giờ,
 Chành ra ba góc da còn thiếu,
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.
Mát mặt anh hùng khi tắt gió,
Che đầu quân tử lúc sa mưa.
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng,
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
VỊNH CÁI QUẠT II
Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng dời tay.
Mỏng dày từng ấy, chành ba góc
Rộng hẹp dường nào, cẵm một cay.
Càng nóng bao nhiêu thời càng mát,
Yêu đêm chưa phi lại yêu ngày.
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy.
Chúa dấu vua yêu một cái này.

QUẢ MÍT
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dày
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay”
ỐC NHỒI
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi”
Có thể thấy điểm chung của những bài thơ này đó là đều dựa vào yếu tố cái tục cùng thủ pháp song quan, để từ đó mỉa mai, nói móc, nói kháy vua, chúa, hay bọn hiền nhân quân tử.
Bên cạnh đó, yếu tố cái tục cùng thủ pháp song quan, cũng được nữ sĩ họ Hồ sử dụng để miêu tả thiên nhiên:
“Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom”
(Động hương tích)
“Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu”

(Đèo ba dội)
Riêng bản thân yếu tố cái tục cũng được sử dụng rất đa dạng,  có khi nó được dùng để miêu tả vẻ đẹp của cơ thể nữ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non”
(Bánh trôi nước)
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh
Xiếu mai chi dám tình trăng gió
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ
Trách người thợ vẽ khéo vô tình
(Đề tranh tố nữ)
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm,
Một mạch Đào Nguyên suối chửa thông.
(Thiếu nữ ngủ ngày)

Có thể thấy, hình tượng cơ thể nữ trong thơ Hồ Xuân Hương hiện nên tràn trề sức sống. Hình tượng cơ thể nữ trong thơ Hồ Xuân Hương mang đậm màu sắc của chủ nghĩa phồn thục. Là một người phụ nữ, nhận thức được vẻ đẹp của người phụ nữ, hơn nữa lại có cách thể hiện, ngợi cả vẻ đẹp ấy một cách táo bạo, ấn tượng, đó chính là sự thức tỉnh cái tôi cá nhân mạnh mẽ của nữ sĩ họ Hồ.
Bên cạnh đó, yếu tố cái tục còn xuất hiện như một tình huống, để nhân trong thơ bộc lộ số phận của mình:
Hỡi chị em ơi có biết không ?
Một bên con khóc một bên chồng .
Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dước hong
Tất cả những là thu với vén
Vội vàng nào những bống cùng bông .
Chồng con cái nợ là như thế
Hỡi chị em ơi có biết không ?
(Thân phận người phụ nữ)
“Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng/Thằng bé hu hơ khóc dước hong”, đó là một hình ảnh trớ trêu, dở khóc, dở cười. Cái hỗn loạn, ngược ngạo của hoàn cảnh khiến người đọc thấy hài hước. Nhưng đó lại là cái cười ra nước mắt, thân phận người phụ nữ quá éo le, quá đau khổ.
Nhu vậy, rốt cuộc, thơ Hồ Xuân Hương là thanh, hay tục?
Trước hết cần phải khẳng đỉnh rõ: Thơ Hồ Xuân Hương có yếu tố tục, nhưng không thô tục. Lí do đơn giản nhất ta có thể thấy, nghệ thuật vốn là một lĩnh vực có sức đào thải mãnh mẽ, thời gian là một người sàng lọc khắc nghiệt nhưng công bằng. Cùng với thời gian, những tác phẩm kém giá trị, những tác phẩm tồi sẽ bị quên lãng. Nếu chỉ đơn thuần là thô tục, thì liệu rằng thơ Hò Xuân Hương có thể tồn tại cho đến ngày hôm nay?
Mặt khác, cũng cần phải thấy rõ rằng, yếu tố tục trong thơ Hồ Xuân Hương chỉ đóng vai trò là một thủ pháp.  Điều gì làm nên giá trị đích thực của tác phẩm văn học? Tố Hữu từng nói: “Cuộc đời là điểm khởi đầu và điểm đi tới của văn chương”, Thạch Lam đã từng nói: “Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thể giới xấu xa, tàn nhẫn, vừa làm cho tầm hồn người đọc trong sạch hơn, phong phú hơn”. Theo quy luật của quá trình sáng tạo, tác phẩm nghệ thuật không kết thúc ở trang cuối, mà đó là lúc nó cuộc sống của nó thật sự bắt đầu, là lúc nó, thông qua bạn đọc, đi vào đời sống, và cải tạo cuộc sống. Văn học cải tạo cuộc sống để thực hiện chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ của mình, thông qua những cung bậc, tình cảm, tư tưởng mà mình gửi gắm. Chủ nghĩa Mác cho rằng: “Vũ khí phê phán, không thể thay thế phê phán bằng vũ khí, chỉ có những lực lượng vật chất mới có thể đánh đổ được lực lượng vật chất”. Văn học, một lực lượng phi vật chất, sẽ tác động vào một lực lượng vật chất khác, đó là con người. Thông qua văn học, con người được mở rộng đầu óc, được rèn luyện để có một nhân sinh quan tiến bộ, thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu chính bản thân mình, bứt phá khỏi giới hạn không gian và thời gian để  được sống nhiều hơn, phong phú hơn với nhiều cuộc đời khác, trái tim họ được rung  để từ đó có động lực, có sức mạnh, có khao khát, có lý tưởng cải tạo cuộc sống. Như vậy ta thấy rằng, giá trị đích thực của một tác phẩm văn học, trước hết nằm ở chiều sâu tư tưởng và tình cảm của nó, tiếp theo sau đó mới đến hình thức, thủ pháp nghệ thuật.
Nói vậy, không có nghĩa ta phủ nhận vai trò của thủ pháp nghệ thuật. Nội dung và hình thức là hai mặt không thể tách rời, nội dung là nội dung của hình thức, hình thức là hình thức của nội dung. Yếu tố cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương cũng đã chứng tỏ được là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, bộc lộ được hết chiều sâu tư tưởng của tác nhà thơ. Cụ thể là, thông qua yếu tố cái tục, bút pháp trào phúng được hiện lên mãnh liệt, yếu tố cái cười và yếu tố đả kích được đẩy lên đỉnh điểm, khiến đối tượng bị đả kích đau điếng, tức tối, nhưng không thể làm gì khác hơn là tâm phục, khẩu phục.
Mặt khác, thơ Hồ Xuân Hương tục mà thanh: yếu tố cái tục chỉ là cách để diễn đạt lòng khát khao sống, của sự thức tỉnh ý thức cái tôi, sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp con người.
Với tư cách là một nghệ thuật sáng tạo cá thể mang tính đặc thù, văn chương đòi hỏi cái tôi của mỗi người nghệ sĩ. Gorki từng khuyên các nhà văn trẻ: “Anh có thể học ở bất kì nhà văn nào, nhưng nếu không có giọng điệu riêng, anh không bao giờ là nhà văn cả”, Nam Cao nói: “Văn học không cần những người thợ khéo tay, làm theo những kiểu mẫu đưa cho, văn học cần một người biết đào sâu, khơi những nguồn chưa ai khơi, tìm ra những gì chưa có”. Ta có thể thấy, mỗi nhà văn, để thành công và ghi dấu trong lòng bạn đọc, cần phải định hình cho mình một phong cách riêng, một thứ vân tay nghệ thuật không thể nhầm lẫn, không lặp lại người khác, và không lặp lại chính mình. Với các nhà văn trong đại thế kỉ XVIII, sự thức tỉnh của cái tôi mạnh mẽ đã làm nến những cá tính đặc biệt trong văn học, khiến họ có những vị trí quan trọng trong tiến trình văn học của Việt Nam. Với Hồ Xuân Hương, yếu tố cái tục như một thứ vân tay nghệ thuật, làm nên đặc trưng phong cách của bà.  Yếu tố cái tục, về một phương diện nào đó, chính là biểu hiện của sự thức tỉnh cái tôi, là biểu hiện cho những phong cách độc đáo, mới lạ.
Mặt khác, yếu tố cái tục còn là chìa khóa để khám phá vẻ đẹp cơ thể nữ. “Cái đẹp cứu chuộc thế giới” Dovtoiepsky, văn học là quá trình sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Tìm đến văn học, là tìm đến cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, khám phá các vẻ đẹp của cuộc đời, để từ đó trái tim con người rung lên những khoái cảm thẩm mỹ, để trau dồi khả năng cảm thụ cái đẹp, và đỉnh điểm là khả năng sáng tạo cái đẹp.  Cái đẹp trong văn học có nhiều dạng thức khác nhau, dù có những dạng thức tưởng như khó chấp nhận nhất. Hình tượng cơ thể nữ, đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến, là một cái đẹp như vậy. Đó là lí do người ta quy chụp cho nó cái tục. Nhưng nếu cảm nhận nó bằng đôi mắt xanh của nghệ thuật, ta chỉ thấy một vẻ đẹp thiên tính nữ vĩnh cửu, ta thấy một sức sống tràn trề, một khả năng sinh sản và tái tạo vô hạn của cuộc sống. Nếu cảm nhận được cái đẹp ấy – ta lại thấy đó là cái thanh.
Thơ Hồ Xuân Hương tục mà thanh – thanh mà tục, trong tục có thanh, trong thanh có tục. Chính cái yếu tố tục – thanh và hình tượng song quan đã biến thơ Hồ Xuân Hương thành những tấm gương chiếu yếu rọi thẳng vào tâm hồn con người. Người đọc sẽ có lúc cảm thấy khó khăn khi tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng, khi tiếp  nhận thơ Hồ Xuân Hương họ đã thất bại ngay từ đầu, vì có những địa hạt thầm kín họ chỉ có thể cảm nhận, mà không thể gọi tên ra, chỉ cần dùng từ ngữ mà chạm vào địa hạt ấy, thì đã là một sự thất bại. Như vậy đấy, sự cảm nhận ở đây, theo chừng mực nào đó, liệu có thể so sánh với giây phút đốn ngộ của thơ Thiền, chúng đều có những điều rất thanh, rất thuần khiết ẩn sâu bên trong, mà chỉ có thể cảm nhận một cách cảm tính, bằng trực giác, chứ không thể dùng lí trí, hay ngôn từ.
Yếu tố tục và thanh trong thơ Hồ Xuân Hương cũng mang những ý nghĩa hết sức lớn lao. Thứ nhất là ý nghĩa về mặt xã hội,  thơ Hồ Xuân Hương chính là một cách đấu tranh quyết liệt, táo bạo và khôn khéo của nữ sĩ họ Hồ trước hệ tư tưởng phong kiến. Chuyện phòng the ân ái, trong quan niệm phương Đông, vốn dĩ không phải là chuyện nên mang ra để bàn tán công khai. Thế nhưng cái xã hội ấy cứ kìm kẹp con người, cấm con người cả những nhu cầu bản năng nhất, cướp đi tự do của con người. Trong khi ấy, bọn hiền nhân quân tử, bọn vua chúa phong kiến, những kẻ đại diện cho xã hội, thì đeo lên mình mặt nạ đạo đức giả, ở bên trong vẫn đang vi phạm trắng trợn những điệu lệ mà mình rao giảng. Chính vì thế, bọn chúng càng cấm, càng không muốn nói, Hồ Xuân Hương càng nói, càng đụng chạm. Mà cách nói song quan, ỡm ờ mới đặc sắc làm sao! Tôi cứ nói nước đôi, nếu tâm anh trong sạch, anh sẽ thấy nó trong sạch, nếu tâm anh đen tối, anh sẽ thấy nó đen tối, cách hành xử của anh, sẽ cho biết anh là ai. Phải chăng vì lẽ đó, mà thơ Hồ Xuân Hương đã vượt qua vòng kiểm duyệt của phong kiến, và được nhân dân lưu truyền, bảo vệ qua con đường trí nhớ?
Mặt khác, về mặt nội dung tư tưởng, yếu tố cái tục chính là biểu hiện của một tấm lòng khao khát sống, khao khát hạnh phúc, khao khát tự do của chính bản thân nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhưng đồng thời đó cũng là lời thay mặt cho toàn thể phụ nữ trong xã hội, cất lên tiếng nói đòi quyền sống cho chính họ. Ở điểm này, thơ Nôm Hồ Xuân Hương, thông qua thủ pháp cái tục, đã chạm đến tinh thần nhân văn cao cả của văn học. Chính tinh thần nhân văn ấy khiến cho tác phẩm có giá trị bất diệt, là tác phẩm của mọi thời, mọi người.

Đăng nhận xét