Search Suggest

ĐỌC "TRUYỆN KIỀU – SO SÁNH VÀ LUẬN BÌNH"

(Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu.
NXB Văn học, H., 1276 trang)

                              

 Truyện Kiều – so sánh và luận bình là công trình biên soạn, tuyển chọn công phu, tư liệu phong phú, cấu trúc chặt chẽ, giàu ý tưởng học thuật. Xin nhấn mạnh, việc tuyển chọn, biên soạn thực chất là sự tiếp nhận, lựa chọn các bài viết của nhiều người để thể hiện ý đồ khoa học của người tuyển soạn.
1. Tuyển chọn, biên soạn sách quan trọng nhất là ý tưởng khoa học thể hiện trong kết cấu công trình và trong việc tuyển chọn các bài nghiên cứu. Với cấu trúc ba phần: Truyện Kiều trong văn mạch dân tộc và thể loại truyện Nôm - So sánh truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện - Truyện Kiều trong tương qua văn học Đông Á và thế giới, công trình đã thể hiện khá rõ ý đồ khoa học của người tuyển soạn về vấn đề nghiên cứu Truyện Kiều từ góc độ so sánh. Trước hết, người tuyển soạn nhấn mạnh Truyện Kiều là sản phẩm của truyền thống văn hóa - văn học Việt Nam, hấp thu nguồn mạch tinh hoa truyền thống dân tộc. Khi đã có nhận thức vững chắc trên cơ sở này, người tuyển soạn mới tiến tới truy tìm nguồn ảnh hưởng, quan tâm đến vấn đề tiếp thu, sáng tạo từ nguồn văn hóa ngoại lai. Rõ ràng, người tuyển soạn đã nghiên cứu Truyện Kiều từ góc độ so sánh trên cơ sở khẳng định giá trị bản địa của tác phẩm. Cách làm này góp phần xác lập tư thế, vị trí của chủ thể tiếp nhận trong tương quan với văn hóa nguồn. Sau khi xác nhận đặc điểm truyền thống văn học bản địa và nguồn ảnh hưởng, người tuyển soạn mới tiến hành mở rộng so sánh với các tác phẩm văn học trong khu vực và trên thế giới theo phương pháp so sánh song song, tìm ra nét tương đồng và khác biệt trên phương diện loại hình. Như vậy, kết cấu của cuốn sách đã thể hiện phương pháp tiếp cận Truyện Kiều từ góc độ nghiên cứu so sánh khoa học, toàn diện, có lớp lang, vừa bao quát, vừa cụ thể, mang đến cho người đọc một cái nhìn tương đối toàn diện, thấy được vị trí của Truyện Kiều trong văn học Việt Nam và thế giới. Nhưng dù là so sánh ảnh hưởng hay so sánh song song thì người tuyển chọn biên soạn vẫn tập trung khẳng định giá trị bản địa của Truyện Kiều.
Bên cạnh đó, người tuyển soạn đã dành khá nhiều công phu tuyển chọn các bài nghiên cứu, bài viết của các tác giả thuộc nhiều thế hệ khác nhau, các quốc gia khác nhau, tạo nên cái nhìn đa chiều về cả không gian lẫn thời gian, cái nhìn đa chủ thể về cùng một vấn đề.
2. Để khẳng định Truyện Kiềutrong dòng mạch dân tộc và tương tác với thể loại truyện Nôm, người tuyển soạn đã lựa chọn 8 bài viết của cả các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài, nhấn mạnh cái “tài tình” (Mộng Liên Đường chủ nhân), nhấn mạnh Truyện Kiều là “quốc hồn”, “quốc túy” của Việt Nam (Phạm Quỳnh), khẳng định Truyện Kiều gắn với “hoàn cảnh xã hội chính trị bi đát” thế kỷ XVIII-XIX ở Việt Nam (N.I. Niculin), “đối với người Việt Nam trước kia, Truyện Kiềulà hình ảnh những nỗi đau khổ của họ” (J. Buđaren), khẳng định ưu thế của thể thơ lục bát dân tộc (Lưu Thế Đức – Lý Tu Chương), nhấn mạnh tương tác giữa Truyện Kiều và các tác phẩm về đề tài kỹ nữ ở Việt Nam (Lại Nguyên Ân)…  Rõ ràng, người tuyển soạn đã thông qua những bài được tuyển chọn, khẳng định Truyện Kiều là sản phẩm của lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam.
3. Người tuyển soạn đã dành khá nhiều công phu vào vấn đề so sánh Truyện KiềuKim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Thông qua 32 bài viết, người tuyển soạn đã khẳng định Truyện Kiều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đồng thời chỉ ra sự kế thừa và sáng tạo của Nguyễn Du, khẳng định Truyện Kiều không phải là một bản dịch thuần túy. Trong khi tuyển chọn, người tuyển soạn đã lưu tâm tái hiện sự phong phú, đa dạng các dòng ý kiến, đồng thời cũng chú ý đến sự vận động, phát triển của việc vận dụng phương pháp nghiên cứu so sánh ảnh hưởng. Người tuyển soạn đã không che đậy dấu ấn chủ quan từng tồn tại trong nghiên cứu về vấn đề này. Một số ít nhà nghiên cứu Trung Quốc và Việt Nam đã để cho lòng tự tôn dân tộc thái quá lấn át tinh thần khách quan trong nghiên cứu khoa học. Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc ra sức ca ngợi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, chê Truyện Kiều của Nguyễn Du, trong khi một số nhà nghiên cứu Việt Nam thì làm ngược lại. Đây là những biểu hiện có thể thông cảm nhưng không nên cổ vũ. Cần phải có một cách nhìn khách quan dựa trên những căn cứ khoa học. Một số nhà nghiên cứu dựa trên những khảo cứu cụ thể về các phương diện nội dung, cốt truyện, nhân vật, tư tưởng… và đã đưa ra những kết luận thuyết phục. Riêng La Sơn Nguyễn Hữu Sơn đã giải quyết vấn đề này từ góc độ thể loại và tư duy nghệ thuật. Ông đã giải thích một cách thuyết phục việc Truyện Kiều giản lược những chi tiết tự sự, gia tăng các đoạn miêu tả thiên nhiên, miêu tả nội tâm và tiếng nói trữ tình ngoại đề là do sự chi phối của thể loại thơ ca. Tất nhiên, thể loại thơ ca đã quy định việc cắt bỏ hay giữ lại, phát triển hay không phát triển một số yếu tố trong tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, nhưng cắt bỏ như thế nào, tăng cường, phát triển như thế nào cho hay, cho hấp dẫn thì vẫn cần phải đến tài năng cá nhân của nhà thơ. Có thể thấy, quan điểm của La Sơn Nguyễn Hữu Sơn đã góp tiếng nói khách quan hơn trong đánh giá cả về Truyện Kiều lẫn Kim Vân Kiều truyện, thể hiện một bước tiến trong nghiên cứu so sánh về Truyện Kiều dưới ảnh hưởng của hướng nghiên cứu nội tại văn bản. Ngoài ra, người tuyển soạn còn chú ý tái hiện những tiếng nói tranh luận, những quan điểm, ý kiến trái chiều của Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Huệ Chi với nhà nghiên cứu Trung Quốc Đổng Văn Thành, hay ý kiến trao đổi của Nguyễn Hữu Sơn với Trần Mạnh Hảo,… phần nào tái hiện được không khí sôi động trong đời sống học thuật trong và ngoài nước xoay quanh Truyện Kiều.
          4. Bên cạnh phương pháp so sánh ảnh hưởng, người tuyển soạn cũng đã chú ý đến hướng nghiên cứu so sánh song song, chủ ý đặt Truyện Kiều trong tương quan với văn học Đông Á và thế giới, trong tương quan với những nền văn học đương thời không có quan hệ giao lưu, ảnh hưởng trực tiếp nhằm chỉ ra quy luật loại hình trong sự phát triển văn học khu vực và thế giới. Trong phần này người tuyển soạn lựa chọn khá nhiều bài viết của các học giả nước ngoài để tái hiện Truyện Kiều trong cái nhìn từ bên ngoài biên giới. Các học giả đã đặt Truyện Kiềutrong văn hóa Á Đông để thấy được sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây (R. Crayxác). Có người đã táo bạo so sánh Truyện KiềuFaust của Goethe (Nguyễn Tri Nguyên), Truyện KiềuLe Cid của Pierre Corneille (Trần Thị Phương Phương). Bên cạnh đó còn có sự só sánh giữa Truyện KiềuTruyện Xuân Hương của Triều Tiên để thấy rằng, không cùng chịu ảnh hưởng của Thanh Tâm Tài Nhân, cũng không có giao lưu, ảnh hưởng trực tiếp nhưng hai truyện lại có những nét tương đồng do bối cảnh văn hóa, xã hội tạo nên (Bae Yangsoo). Điều khá thú vị là cùng chịu ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện nhưng Phong tục Kim Ngư truyện của Bakin (Nhật Bản) lại có nhiều điểm khác biệt so với Truyện Kiều. Trong phần này, người tuyển soạn cũng đặc biệt chú ý chọn lựa những bài viết bàn về việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hung, tiếng Đức… Bản thân dịch thuật cũng thể hiện rất rõ sự tiếp xúc văn hóa – nền tảng văn hóa của bản gốc và của bản dịch – kể cả những khó khăn của việc dịch thuật và “tầm đón nhận” bản dịch của độc giả cũng phần nào tái hiện được sự tương đồng và khác biệt văn hóa.
          Có thể thấy, Truyện Kiều – so sánh và luận bình tuy là một công trình tuyển chọn biên soạn nhưng mang nhiều tố chất của một chuyên luận về nghiên cứu Truyện Kiều từ góc độ so sánh. Việc tuyển chọn trên tinh thần giữ nguyên bản gốc khiến cho nhiều bài có những phần không thực sự trùng khớp với ý đồ cấu trúc của cuốn sách, đây là điều khó tránh khỏi trong quá trình biên soạn, và cũng là điều khác biệt giữa biên soạn và chuyên luận. Nhưng bù lại, các ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề đã khiến công trình có giá trị đối thoại cao, tạo nên nhiều góc nhìn, nhiều tiếng nói. Nhìn chung, tính chặt chẽ về kết cấu, khoa học về phương pháp, phong phú về tư liệu tuyển chọn đã giúp công trình không chỉ có giá trị tư liệu mà thực sự còn có nhiều gợi mở khoa học.


ĐỖ VĂN HIỂU
(Tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 8 năm 2016)

Đăng nhận xét