Search Suggest

Phê bình sinh thái ở Trung Quốc - nhìn từ Việt Nam

TÓM TẮT
Ở Việt Nam, năm 2011 mới có học giả nước ngoài đến nói chuyện về Phê bình sinh thái, thì ở Trung Quốc trước đó hơn khoảng 15 năm đã bắt đầu giới thiệu, dịch thuật, nghiên cứu, và đến nay đã đạt được thành tựu nhất định. Đối với Việt Nam và Trung Quốc, phê bình sinh thái đều là thứ lí thuyết ngoại lai, và cơ sở tiếp nhận lí thuyết này của hai nước có nhiều điểm tương đồng, như: tư tưởng về sự hài hòa giữa con người và tự nhiên thời trung đại, thơ điền viên đậm tinh thần sinh thái; tiếp nhận lí thuyết văn học phương tây hiện đại trên nền tảng tư tưởng Mác xít, hướng tới đa nguyên hóa… Vì thế, tìm hiểu phê bình sinh thái ở Trung Quốc sẽ mang lại những gợi ý bổ ích cho nghiên cứu, phát triển phê bình sinh thái ở Việt Nam. Phê bình sinh thái ở Trung Quốc đã đi qua những chặng như giới thiệu, dịch thuật, nghiên cứu, vận dụng và phát triển. Trong lịch trình đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc luôn có ý thức xuất phát từ thực tiễn xã hội, văn hóa văn học trong nước, khám phá tư tưởng sinh thái vốn có trong di sản văn hóa truyền thống, tiến hành điều chỉnh, phát triển lí thuyết phê bình sinh thái. Bài viết này hướng tới tái hiện diện mạo, đặc điểm, thành tựu của Phê bình sinh thái ở Trung Quốc, từ đó đề xuất ý tưởng cho sự phát triển phê bình sinh thái ở Việt Nam.
Từ khóa: Phê bình sinh thái, Trung Quốc, Việt Nam, Phương Tây

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ra đời với sứ mệnh góp phần giải cứu cho nguy cơ môi trường toàn cầu, đến khoảng giữa thập niên 90 của thế kỉ 20 Phê bình sinh thái đã thực sự trở thành một khuynh hướng nghiên cứu văn học có ảnh hưởng rộng rãi ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, ở Việt Nam, Phê bình sinh thái mới được chú ý trong vòng vài năm gần đây. Mốc thời gian có thể tính từ bài nói chuyện tại Viện Văn học của Karen Thornber tháng 3 năm 2011. Đến nay, ngoại trừ chuyên luận Con người và tự nhiên trong văn xuôi sau năm 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái (2016) của Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Lưu Oanh Nguyễn và Rừng khô, suối cạn, biển độc và văn chương (2017) của Nguyễn Thị Tịnh Thy thì ở Việt Nam, viết về Phê bình sinh thái chủ yếu là các bài dịch, giới thiệu và vận dụng một cách tản mạn. Trong khi đó, ngay cạnh chúng ta, một đất nước có nhiều nét tương đồng về tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị – Trung Quốc – thì ngay từ những năm 90 đã bắt đầu quan tâm đến Phê bình sinh thái và đến nay đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Trong bài viết này, người viết tiến hành tái hiện tình hình phát triển Phê bình sinh thái ở Trung Quốc trên các phương diện:giới thiệu, dịch thuật, xây dựng lí thuyết và vận dụng vào nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể, từ đó đề xuất giải pháp phát triển phê bình sinh thái ở Việt Nam.
  1. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
            Từ giữa thập niên 90, phê bình sinh thái với tư cách là một khuynh hướng nghiên cứu văn học mới thực sự xuất hiện ở Trung Quốc. Bài viết Bàn về Mĩ học sinh thái của Lí Hân Phục và Suy tư triết học về mĩ học sinh thái của Xa Chính Vinh năm 1994 có thể coi là bài viết sớm nhất bàn về Mĩ học sinh thái ở Trung Quốc. Nếu lấy đây làm mốc thì tính đến nay Phê bình sinh thái ở Trung Quốc đã có hơn 20 năm phát triển[1], quá trình đó thể hiện nỗ lực xây dựng một hướng nghiên cứu văn học mới của các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc.
  1. Giới thiệu và dịch thuật
            Đối với lí thuyết ngoại lai, học giả Trung Quốc rất chú trọng việc dịch giới thiệu các trước tác kinh điển cũng như tình hình nghiên cứu phê bình sinh thái ở nước ngoài nhằm giúp giới nghiên cứu trong nước có được cái nhìn tổng quan và nắm bắt được bản chất của lí thuyết. Phê bình sinh thái cũng không ngoại lệ. Sớm nhất là những bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành, sau đó là chuyên luận giới thiệu, nghiên cứu và những bản dịch công phu. Chẳng hạn như bài Phê bình sinh thái: phát triển và nguồn cội (2002) của Vương Nặc, Khảo bình nghiên cứu phê bình sinh thái(2004) của Lưu Bội… Tiếp đó là những chuyên luận công phu như giới thiệu và nghiên cứu phê bình sinh thái nước ngoài như: Phê bình sinh thái Âu Mĩ (2008) của Vương Nặc; Nghiên cứu lí luận và thực tiễn phê bình chủ nghĩa nữ quyền sinh thái Mĩ (2011) của Ngô LâmNghiên cứu phê bình văn học sinh thái Mĩ (2013) của Tiết Tiểu Huệ, Lịch sử phê bình sinh thái phương Tây (2015) của Hồ Chí Hồng. Công trình Phê bình sinh thái Âu Mỹ của Vương Nặc đã giới thiệu một cách hệ thống về phê bình sinh thái với những nội dung sau: “Khái luận phê bình sinh thái” (sứ mệnh của phê bình sinh thái; Sự phát triển của nghiên cứu phê bình sinh thái Âu Mỹ, Đặc trưng tư tưởng của phê bình sinh thái; Nguyên tắc mĩ học của phê bình sinh thái; Giới thuyết về phê bình sinh thái; Đối tượng của phê bình sinh thái; Cống hiến và hạn chế của phê bình sinh thái), “Cơ sở triết học của nghiên cứu văn học sinh thái”(Tư tưởng sinh thái của Rousseau, Darwin, Engels; Tư tưởng sinh thái của Heidegger, Quan niệm hài hòa và công bằng sinh thái, Tư tưởng liên chủ thể của phê bình sinh thái); Trọng điểm nghiên cứu của phê bình sinh thái (phê hán chủ nghĩa nhân loại trung tâm; Phê phán quan niệm chinh phục và khống chế tự nhiên; Phê phán lí luận coi dục vọng là động lực phát triển, Phê phán chủ nghĩa coi phát triển là trên hết; Phê phán quan niệm coi khoa học kĩ thuật là tối cao; Phê phán văn hóa tiêu dùng, Quan niệm chỉnh thể sinh thái; thẩm mĩ sinh thái). Đây là công trình mang lại cái nhìn tổng quan về phê bình sinh thái Âu Mĩ, làm cơ sở để tham chiếu trong quá trình nghiên cứu. Công trình Lịch sử phê bình sinh thái phương Tây của Hồ Chí Hồng là công trình mang lại cái nhìn bao quát toàn bộ lịch trình phát triển của phê bình sinh thái phương Tây. Công trình này hướng tới làm rõ: diễn biến lịch sử tư tưởng phê bình sinh thái phương Tây, Tổng quan về phê bình sinh thái phương tây (bối cảnh học thuật dẫn đến sự ra đời của phê bình sinh thái, Lịch trình ra đời và phát triển, Đặc trưng chủ yếu của phê bình sinh thái, Các giai đoạn phát triển), Trong đó tác giả đã tập trung làm rõ Giai đoạn phê bình sinh thái theo mô hình chủ nghĩa sinh thái trung tâm; Sự ra đời và phát triển của Phê bình sinh thái công bằng môi trường. Đồng thời giới thiệu một số tác giả tiêu biểu như: “Lawrence Buell: từ sinh thái trung tâm sang công bằng môi trường”, “Edward A. Murphy – Người đề xướng phê bình sinh thái đa nguyên văn hóa”, “Scott Slovic – người thực hiện đối thoại phê bình sinh thái liên văn hóa”, “Jonathan Bate – người đặt nền móng cho phê bình sinh thái Anh”, “Phê bình nữ quyền sinh thái”…
Một số công trình Phê bình sinh thái quan trọng đã được dịch ra tiếng Trung như cuốn Going Away to think – Engagement, Retreat, and Ecocritical responsibility của Scott Slovic do Vi Thanh Kỳ dịch; Environmental crisis and literary imagination của Lawrence Buell do Lưu Bội dịch; Literature, Biology, and the Environment của Glen A.Love được Hồ Chí Hồng, Vương Kinh Dân, Dư Thường Dũng dịch (cả hai cuốn đều công xuất bản vào tháng 5-2010); cuốn The machine in the Garden – Technology and the Pastoral ideal in America của Leo Marx do Mã Hải Lương và Lôi Nguyệt Mai dịch năm 2011… Những bài viết và công trình dịch, giới thiệu như vậy có giá trị rất lớn trong việc vận dụng nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành xây dựng lí thuyết, bổ sung những hạn chế trong hệ thống lí thuyết phê bình sinh thái phương Tây.
  1. Hệ thống hóa lí thuyết, nỗ lực xây dựng phê bình sinh thái Trung Quốc
            Bên cạnh những công trình dịch giới thiệu, học giả Trung Quốc đã chú trọng hệ thống hóa lí thuyết theo quan điểm riêng. Theo Lý Khiết, cuốn Văn nghệ học sinh thái của Lỗ Khu Nguyên và cuốn Dẫn luận sinh thái học văn nghệ của Tăng Vĩnh Thành xuất bản năm 2000 “có vai trò đặt nền móng trong lịch sử phê bình sinh thái Trung Quốc”[2]. Cuốn của Lỗ Khu Nguyên khẳng định “Văn học nghệ thuật bước vào lĩnh vực sinh thái học”, “Vị trí của văn học nghệ thuật trong hệ thống sinh thái trái đất”, “Văn học nghệ thuật là hệ thống mở đang sinh thành phát triển”, “Văn học nghệ thuật và sinh thái tự nhiên”, “Văn học nghệ thuật và sinh thái xã hội”, “Văn học nghệ thuật và sinh thái tinh thần”, “Hậu hiện đại là thời đại sinh thái học”, “Chủ đề con người và tự nhiên trong tác phẩm văn học”, “Góc nhìn sinh thái học của phê bình văn nghệ”… Còn cuốn Dẫn luận sinh thái học văn nghệ của Tăng Vĩnh Thành lại nghiên cứu vấn đề Chủ nghĩa Mác và vấn đề sinh thái văn nghệ, Bản chất sinh thái của hoạt động thẩm mĩ văn nghệ, Quan niệm và phạm trù tư duy sinh thái văn nghệ, Chức năng sinh thái của hoạt động thẩm mĩ văn nghệ, Hoạt động văn nghệ và vấn đề sinh thái tự nhiên, Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và sinh thái văn nghệ. Ngoài ra còn có các chuyên luận khác như: Luận cương sinh thái nghệ thuật Trung Quốc (2000) của Khương Trừng Thanh, Mĩ học sinh thái (2000) của Từ Hằng Thuần; Tự nhiên và nhân văn(2006) do Lỗ Khu Nguyên chủ biên, Triết học nghệ thuật sinh thái (2007) của Viên Đỉnh Sinh, Dẫn luận mĩ học sinh thái (2010) của Tăng Phồn Nhân. Bên cạnh việc hệ thống tư tưởng sinh thái theo quan điểm riêng, giới nghiên cứu Trung Quốc cũng chú ý hệ thống phương pháp nghiên cứu của phê bình sinh thái, trong đó đáng chú ý nhất là công trình Lí luận phê bình sinh thái: phạm trù và phương pháp (2009) của Lưu Văn Lương. Tác giả đã hệ thống một số phạm trù cơ bản của phê bình sinh thái như phạm trù “Hài hòa”, “Tự nhiên”, “Vấn đề sinh tồn”, “Cảm hứng bi ai”. Trong phạm trù “hài hòa”, tác giả đã phân tích lập trường của phê bình sinh thái là “thiên nhân hợp nhất”, đã chỉ ra hạt nhân hợp lí và hạn chế của “chủ nghĩa nhân loại trung tâm” và “chủ nghĩa sinh thái trung tâm”, đặt ra vấn đề” lấy “con người làm gốc” hay “lấy sinh thái làm gốc”. Đồng thời tác giả cũng chỉ ra phê bình sinh thái sử dụng phương pháp liên ngành, kết hợp với chủ nghĩa nữ quyền, diễn giải tác phẩm kinh điển, truy tìm ý thơ của tự nhiên, phê phán biểu hiện nhân loại trung tâm, phân tích tự sự… Đây là nỗ lực của một nhà nghiên cứu trẻ trước tình hình quá phồn tạp của phê bình sinh thái.
Đối diện với lí thuyết phương Tây, học giả Trung Quốc luôn có xu hướng trên cơ sở tiếp thu lí thuyết ngoại lai, nỗ lực tìm cách xây dựng một thứ lí thuyết mang màu sắc Trung Quốc. Và một trong những cách để học giả Trung Quốc ý tưởng đó là quay về tìm kiếm biểu hiện tương đồng và khác biệt trong tài nguyên lí luận trong nước so với lí thuyết của phương tây, và căn cứ trên thực tiễn sáng tác trong nước để điều chỉnh, bổ sung cho hệ thống lí thuyết nghiên cứu văn học của phương tây. Thực ra, Trung Quốc có một thực tiễn lí luận và sáng tác rất phong phú tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh bổ sung lí thuyết ngoại lai. Đối với phê bình sinh thái, một hướng nghiên cứu khá nổi bật là đi tìm cơ sở triết học và mĩ học trong văn luận cổ đại Trung Quốc, ví dụ như bài Quan niệm về “sắc xanh” trong văn học cổ đại Trung Quốc (1999) của Vương Tiên Bái, Hàm nghĩa sinh thái trong triết học cổ đại Trung Quốc (2012) của Ngô Châu. Trong công trình Tự nhiên và nhân văn do (2006) 2 tập, do Lỗ Khu Nguyên chủ biên đã dành một phần để sưu tầm những tài liệu thể hiện tư tưởng sinh thái trong Chu dịch, Thượng thư, Chu lễ, Lễ kí, Lão tử, Khổng Tử, Mặc tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Đổng Trọng Thư, Tư Mã Thiên, Vương Sung, Lưu Hiệp, Chung Vinh, Bạch Cư Dị, Vương Phu Chi… Đây là công trình mang tính chất sưu tầm tài liệu, nhưng cũng cho thấy sự phong phú của tư tưởng sinh thái trong văn luận cổ đại Trung Quốc, làm tiền đề cho nghiên cứu. Theo hướng này, đáng chú ý là công trình Trí tuệ sinh thái của Nho, Phật, Đạo và yêu cầu của nghệ thuật (2012) của Trần Viêm, Triệu Ngọc, Lý Lâm. Trong công trình này, tác giả đã chỉ ra trí tuệ sinh thái của Nho, Phật, Đạo. Theo nhóm tác giả, dù các học giả Nho gia cổ đại không có quan điểm sinh thái một cách tự giác, nhưng họ đã coi thế giới là một chỉnh thể hữu cơ. Nho gia đưa ra mô hình cá nhân ->gia tộc ->quốc gia ->thiên hạ, trong đó tu dưỡng cá nhân là khởi điểm. Từ quốc gia đến thiên hạ, nhận thức của Nho gia về quan hệ huyết thống đã vượt qua phạm vi đồng loại, hướng tới các quần thể khác loại. Nó không chỉ bao gồm những người trong một dòng tộc, quốc gia, mà còn bao gồm cả các dân tộc khác, không chỉ bao gồm động thực vật có sinh mệnh mà bao gồm tất cả tự nhiên vô cơ. Do đó, trong quan hệ huyết thống được mở rộng hóa, vạn vật trong thiên hạ đã trở thành đồng bào, chân tay, thiên hạ trở thành phụ mẫu của con người và vạn vật. Như vậy, chữ “nhân” xây dựng trên cơ sở huyết thống không chỉ bao gồm tình cảm cha con phụ tử, tình cảm anh em, tình yêu nhân dân, mà còn bao gồm cả tình yêu đối với vạn vật. Như vậy, chữ Nhân của Nho gia trên thực tế bao gồm yêu người thân, yêu người trong cùng một nước và yêu vạn vật “thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật”(Mạnh Tử). Nho gia coi người và vạn vật là đồng bào, dùng quan hệ cha con để nhìn toàn bộ thế giới tự nhiên. Logic đó thể hiện ít nhiều ý nghĩa sinh thái học. Lí luận chỉnh thể hữu cơ của Nho gia coi “bốn biển là một nhà”(Tuân Tử. Vương Chế), “vạn vật nhất thể” (Vương Dương Minh) có giá trị bổ sung cho quan niệm sinh thái học hiện nay. Từ tình cảm với người thân đến tình cảm với nhân dân, rồi đến vạn vật không chỉ là sự thừa nhận huyết thống cộng đồng,  mà còn là sự kính trọng cội nguồn sinh mệnh. Khi Nho gia mở rộng quan hệ huyết thống đến vạn vật, truy tìm khởi nguồn đầu tiên của sinh mệnh là “thiên hạ” thì “thiên” đóng vai trò của “cha”, trở thành nguồn chung của sinh mệnh. “Trời, là tổ tiên của vạn vật, vạn vật không thể sinh ra nếu không có trời”(Xuân Thu phồn lộ. Thuận mệnh). Quan điểm vạn vật cùng một nguồn gốc là quan niệm cơ bản trong tư tưởng của Nho gia. Mặc dù trọng tâm chú ý của Nho gia là xã hội loài người chứ không phải là vũ trụ tự nhiên, nhưng phương thức nhìn thế giới của Đạo gia và Nho gia lại không hoàn toàn khác nhau,  đều chú ý đến quan hệ giữa vật và vật, đây là điều gần gũi với quan điểm sinh thái học hiện đại….
Nhóm tác giả Trần Viêm, Triệu Ngọc, Lý Lâm cũng chỉ ra trí tuệ sinh thái của Đạo gia: Khác với Nho gia, trọng điểm quan tâm của Đạo gia lại không phải là xã hội loài người mà là vũ trụ tự nhiên, tập trung suy tư về vũ trụ, vì thế, trí tuệ sinh thái trong tư tưởng Đạo gia phong phú hơn Nho gia rất nhiều. Nếu khởi điểm lí luận của trí tuệ sinh thái Nho gia là “người” thì khởi điểm của Đạo gia lại là “đạo”, và mô hình suy luận của nó là: đạo – > âm dương -> vạn vật tự nhiên (bao gồm cả con người). Đạo gia cũng nhấn mạnh vấn đề quan hệ giữa vạn vật trong trời đất. Đạo gia cho rằng “đạo” sinh ra vạn vật trong trời đất, do đó, vạn vật có chung quan hệ huyết thống, toàn bộ thế giới vật chất là một chỉnh thể hữu cơ mà các bộ phận tương thông với nhau. Đạo gia cũng quan niệm thế giới là một quá trình động. Đạo gia cho rằng các thành viên trong thế giới bình đẳng. Bởi vì Đạo gia cho rằng vạn vật đều là sản phẩm của Đạo, là kết quả vật chất hóa trong quá trình vận hành của Đạo, vì thế, trên lập trường chỉnh thể, con người và vạn vật, tức là các sinh vật hữu cơ và vô cơ trên thế giới, đều có giá trị và địa vị bình đẳng, không phân cao thấp: “dĩ đạo quan chi, vật vô quý tiện”(Trang tử. Thu thủy). Đạo gia thể hiện sự tôn trọng đối với vạn vật trong thế giới tự nhiên, biểu hiện rõ nhất ở tư tưởng “vô vi”. Trên một ý nghĩa nào đó, tư tưởng “vô vi” của Đạo gia đã hàm chứa một tiền đề, đó là thừa nhận vạn vật tự nhiên với tư cách là một cá thể, bản thân nó đã có năng lực tự tổ chức, tự sinh thành. Khi xử lí quan hệ giữa con người và tự nhiên, nếu con người làm được đến mức “vô vi”, thì “vạn vật sẽ tự hóa”(Lão tử, chương 37). Như vậy, vạn vật tự nhiên có đủ năng lực để tự điều tiết, tự tổ chức, tự sinh tồn, do vậy, nhân loại “hữu vi” đương nhiên là không cần thiết, thậm chí là thừa. Như thế, có thể nói, tư tưởng “vô vi” của Đạo gia hoàn toàn là sự lựa chọn tôn trọng vạn vật tự nhiên. Không những tôn trọng tính tự chủ của vạn vật tự nhiên, Đạo gia còn tôn trọng tính tự chủ của hệ thống sinh thái vĩ mô. Điều này có ý nghĩa lớn trong việc duy trì sự cân bằng của hệ thống sinh thái…
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc coi việc nghiên cứu liên hệ giữa ý thức sinh thái của các tác gia cổ đại với văn nghệ sinh thái đương đại là một nhiệm vụ quan trọng, từ đó góp phần xây dựng nền lí luận văn học mới. Trên cơ sở tìm hiểu lí thuyết phê bình sinh thái phương Tây, kết hợp với phát hiện tư tưởng sinh thái trong văn luận cổ đại, giới nghiên cứu Trung Quốc luôn tìm cách điều chỉnh, bổ sung cho lí thuyết ngoại lai. Chẳng hạn, sau khi liệt kê 5 định nghĩa về phê bình “có ảnh hưởng tương đối lớn”, đó là định nghĩa của James S. Hans, Scott Slovic, Cheryll Glotfelty, Wiliam Howarth và Lawrence Buell, Vương Nặc đã đưa ra định nghĩa của riêng mình: “Phê bình sinh thái là phê bình văn học nghiên cứu bàn luận về quan hệ giữa văn học và tự nhiên dưới sự chỉ đường của tư tưởng chủ nghĩa sinh thái, đặc biệt là của chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái. Nó “phải làm rõ tư tưởng sinh thái ẩn tàng trong tác phẩm văn học”, phơi bày căn nguyên văn hóa tư tưởng dẫn đến nguy cơ sinh thái được phản ánh trong tác phẩm văn học, đồng thời cũng phải khám phá thẩm mĩ sinh thái và biểu hiện nghệ thuật của nó trong văn học”[3]. Sau bài viết của Vương Nặc, Tăng Phồn Nhân cũng xuất phát từ thực tế của Trung Quốc nói riêng và các nước đang phát triển nói chung bàn luận về vấn đề coi trọng động vật hoang dã trong phê bình sinh thái Mĩ. Ông cho rằng, có nhiều thứ có thể thực hiện được ở Mĩ nói riêng và các nước phát triển nói chung, nhưng chưa thể thực hiện được ở Trung Quốc nói riêng và các nước đang phát triển nói chung. Chính vì thế, trên cơ sở tiếp thu thành tựu của các nhà nghiên cứu nước ngoài, chúng ta có thể xác lập một quan niệm riêng về phê bình sinh thái sao cho phù hợp với thực tiễn văn học trong nước[4].
  1. Nghiên cứu hiện tượng văn học
            Mặc dù rất chú trọng giới thiệu, dịch, hệ thống và bổ sung điều chỉnh lí thuyết, nhưng chiếm vị trí chủ đạo trong nghiên cứu văn học sinh thái vẫn là vận dụng lí thuyết vào nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể. Kỷ Tú Minh đã hệ thống được 4 hình thức nghiên cứu hiện tượng văn học cụ thể là: đọc lại ý nghĩa sinh thái trong những tác phẩm kinh điển truyền thống (nước ngoài); phân tích tác phẩm tiểu biểu của nhà văn sinh thái nước ngoài; phân tích tác phẩm văn học sinh thái Trung Quốc; bình luận về quan niệm của nhà văn sinh thái[5]. Đối với nghiên cứu hiện tượng văn học nước ngoài, có thể kể đến công trình Văn học sinh thái Anh (2008) của Lý Mỹ Hoa và Văn học sinh thái viết bằng tiếng Đức (2001) của Giang Sơn. Trong công trình của mình, Lý Mỹ Hoa đã nghiên cứu ý thức sinh thái trong văn học Anh trước thời văn nghệ phục hưng, Thời văn nghệ phục hưng, văn học thế kỉ 18, văn học thế kỉ 19, văn học thế kỉ 20. Khung triển khai trong công trình của Giang Sơn về cơ bản cũng triển khai trên các thời kì tương tự. Các công trình nghiên cứu tác giả tác phẩm cụ thể từ góc độ phê bình sinh thái trong văn học Trung Quốc vô cùng phong phú, nhưng đáng chú ý nhất là các chuyên luận mang tính khái quát, như: Văn học hiện đương đại Trung Quốc dưới góc nhìn phê bình sinh thái (2009) của Vương Hỷ Nhung, Phê bình sinh thái và nghiên cứu văn học dân tộc (2012) của Lý Trường Trung,Văn học Trung Quốc thế kỉ 20 dưới góc nhìn phê bình sinh thái (2014)của Ngô Cảnh Minh… Trong công trình của mình Ngô Cảnh Minh đã nghiên cứu về Trí tuệ sinh thái tiềm ẩn trong văn học thời kì Ngũ Tứ, Chủ nghĩa nhân văn sinh thái tiềm ẩn trong văn học thập niên 30, Sự truy tìm tồn tại sinh mệnh trong văn học thập niên 40, Tự nhiên bị chinh phục và cải tạo trong bối cảnh chính trị dị hóa thừi kì những năm 70 và cách mạng văn hóa, Phát hiện tự nhiên và sự nổi bật của ý thức sinh thái trong văn học thời kì mới đến cuối thập niên 80, Phê phán và phản tư văn minh hiện đại từ góc độ sinh thái trong văn học từ thập niên 90 đến nay… Chuyên luận Văn học hiện đương đại Trung Quốc dưới góc nhìn phê bình sinh thái (2009) của Vương Hỷ Nhung lại chú ý đến Tản văn, thơ ca của Băng Tâm và tự nhiên, Tự nhiên trong Nữ thần của Quách Mạc Nhược, Tư tưởng sinh thái trong sáng tác của Thẩm Tùng Văn, Trương Thừa chí và thảo nguyên Mông Cổ, Nhìn nhận lại tiểu thuyết của thanh niên trí thức Trung Quốc từ góc độ phê bình sinh thái, Bàn về đột phá mới trong tiểu thuyết viết về động vật ở Trung Quốc.
Có thể nói, phê bình sinh thái ở Trung Quốc phát triển tương đối nhanh, trong đó có một phần không nhỏ của việc chính phủ cấp các tài trợ cho các công trình nghiên cứu về phê bình sinh thái, các luận án tiến sĩ và các cuộc hội thảo, các chuyên mục trên tạp chí. Ví dụ Năm 1999 Thông tấn sinh thái tinh thần được sáng lập ở tỉnh Hải Nam, đăng nhiều bài viết liên quan đến sinh thái như Sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội của Trần Gia Kỳ, Văn nghệ vốn trong sinh thái, sinh thái không nằm ngoài văn nghệ của Trương Hạo, Tuyên ngôn chủ nghĩa sinh thái Trung Quốccủa Vương Hiểu Hoa. Các cuộc hội thảo như: Toạn đàm học thuật Xây dựng văn nghệ học sinh thái (28-3-2001) do Đại học sư phạm Hoa Trung tổ chứcHội thảo Mĩ thuật mĩ học sinh thái toàn quốc lần thứ nhất (11-2001) do Hội nghiên cứu mĩ học trẻ toàn quốc, trung tâm nghiên cứu phát triển môi trường Đại học sư phạm Thiểm Tây, viện văn học và phòng nghiên cứu nhân văn đại học sư phạm Thiểm Tây  tổ chức, Hội thảo xây dựng văn nghệ học sinh thái Trung Quốc lần thứ nhất (2002) do Đại học Tô Châu tổ chức,  Hội thảo quốc tế Con người và tự nhiênMĩ học và văn học trong tầm nhìn văn minh sinh thái đương đại (8-2005) do Trung tâm nghiên cứu mĩ học nghệ thuật đại học Sơn Đông tổ chức; Hội thảo Nghiên cứu tâm thái nhà văn và sinh thái văn hóa văn học thế kỉ 20 ở Trung Quốc do Đại học sư phạm Triết Giảng tổ chứcHội thảo quốc tế Mĩ học sinh thái và không gian phê bình sinh thái (2015) được tổ chức tại đại học Sơn Đông… Bên cạnh đó đã xuất hiện nhiều trung tâm, cơ sở nghiên cứu nhằm phát triển hướng phê bình này, như trường đại học, viện nghiên cứu, phòng nghiên cứu văn hóa, các tạp chí như văn học đương đại nước ngoài, nghiên cứu văn nghệ, văn học nước ngoài, lí luận và phê bình văn nghệ.
Mặc dù đạt được những thành tựu lớn lao, nhưng theo giới nghiên cứu Trung Quốc, phê bình sinh thái ở Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế. Chu Vĩ Lộ trong Phê bình sinh thái Âu Mĩ tại Trung Quốc[6] (2010) cho rằng phê bình sinh thái ở Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn là chuyển dịch từ phương tây; tính liên ngành trong nghiên cứu chưa cao, vẫn còn nhiều học giả hoài nghi về hướng nghiên cứu này. Còn Kỷ Tú Minh lại cho rằng lí luận và sáng tác chưa thực sự ăn khớp[7]. Vi Thanh Kỳ cho rằng giữa tư tưởng và hiện thực trong phê bình sinh thái ở Trung Quốc vẫn còn khoảng cách khá xa[8]. Những vấn đề còn tồn tại của Phê bình sinh thái được nhắc đến 5-6 năm trước, đến nay tuy đã có chút cải thiện, nhưng cũng chưa thực sự rõ nét.

III. KẾT LUẬN
Đến giữa thập niên 90 phê bình sinh thái mới chính thức xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng hướng phê bình này phát triển với tốc độ khá nhanh ở quốc gia này, đặc biệt là vào những năm đầu của thế kỉ 21. Những thành công và hạn chế của quá trình phát triển phê bình sinh thái ở Trung Quốc đều có giá trị gợi ý cho việc phát triển hướng nghiên cứu này ở Việt Nam. Với chúng ta, Phê bình sinh thái cũng là lí thuyết ngoại lai, do vậy, công việc đầu tiên và cũng là công việc cần thường xuyên duy trì là dịch, giới thiệu thành tựu nghiên cứu phê bình sinh thái trên thế giới. Giới thiệu lí thuyết cũng như những công trình nghiên cứu của nước ngoài là cách để chúng ta không chỉ học được lí thuyết mà còn học được cả phương pháp nghiên cứu của họ. Ngoài dịch, giới thiệu, chúng ta cũng cần có những công trình nghiên cứu một cách có hệ thống, hướng tới bổ sung, điều chỉnh lí thuyết sao cho phù hợp với thực tiễn trong nước. Để có thể bổ sung, điều chỉnh lí thuyết phê bình sinh thái thì việc tìm kiếm tư tưởng sinh thái trong di sản văn học truyền thống là điều cần thiết. Ở Việt Nam, tuy Nho, Phật, Đạo cũng là thứ ngoại lai, nhưng đã tồn tại ở Việt Nam trong một khoảng thời gian khá lâu, và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần, văn hóa văn học trong nước, do đó, việc tìm hiểu tư tưởng sinh thái trong ba triết thuyết này có giá trị không nhỏ. Từ hạn chế của phê bình sinh thái ở Trung Quốc, chúng ta thấy, ở Việt Nam cũng cần tăng cường đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành, gắn phê bình sinh thái với hoạt động thực tiễn để phát huy sứ mệnh cao cả của hướng nghiên cứu này, đồng thời tạo cơ sở để hoàn thiện khung lí thuyết.
Nghiên cứu ứng dụng luôn là hướng nghiên cứu phổ biến ở Việt Nam khi tiếp thu lí thuyết nghiên cứu văn học nước ngoài. Để có thể nghiên cứu ứng dụng hiệu quả thì trước hết cần làm tốt các công đoạn đã nêu ở trên, đồng thời xác lập thao tác nghiên cứu. Ở Việt Nam, chúng ta có thể vận dụng phê bình sinh thái nghiên cứu theo từng giai đoạn văn học, từng tác giả, thậm chí từng tác phẩm, nhưng cũng có thể nghiên cứu theo trào lưu, theo phạm vi đề tài… Đối với văn học trung đại, có thể nghiên cứu thơ văn của các nhà Nho, đặc biệt là các nhà Nho ở ẩn, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… Chúng ta có thể tiến hành nghiên cứu vẻ đẹp của thế giới tự nhiên trong tác phẩm thơ văn trung đại; nghiên cứu mối quan hệ gắn bó giữa con người và tự nhiên; nghiên cứu triết lí sống của họ…; có thể tiến hành lí giải các biểu hiện đó từ nền văn hóa lúa nước, từ truyền thống văn hóa bản địa cũng như sự ảnh hưởng tư tưởng sinh thái từ triết học Nho, Đạo, Phật. Đối với văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ 20 đến 1945, chúng ta có thể nghiên cứu  ý thức sinh thái của các nhà văn nhà thơ được thể hiện trong tác phẩm văn học; có thể khai thác ý thức về nơi chốn của các nhà thơ lãng mạn, thể hiện mối quan hệ tương tác giữa con người và môi trường sống, như làng quê, vườn tược, thành thị; khám phá thế giới tự nhiên như có linh hồn trong thơ Mới… Cũng có thể nghiên cứu những trang viết về nông thôn, thành thị trong văn học hiện thực phê phán hoặc nghiên cứu mảng du kí. Trên Nam kì tuần báo, Nam phong tạp chí, Công luận báo, Tràng An báo, Phong hóa, Tri tân tạp chí…xuất hiện nhiều tác phẩm du kí viết về các địa phương trong cả nước, trong đó khắc họa các bức tranh phong phú sắc màu và cũng vô cùng độc đáo của một vùng địa – văn hóa rộng lớn. Văn học giai đoạn 1945-1975 cũng có nhiều không gian cho phê bình sinh thái. Có thể nghiên cứu sự tàn phá của chiến tranh xâm lược đối với môi trường sống, môi trường tự nhiên của Việt Nam. Đặc biệt, văn học giai đoạn này có rất nhiều tác phẩm viết về sự gắn bó giữa con người với tự nhiên ở các miền quê nhất là những tác phẩm văn học thiếu nhi, như Đất rừng phương nam của Đoàn Giỏi, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa hay tác phẩm thể hiện sự tương thông giữa con người và động vật như Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài… Bên cạnh đó, mảng sáng tác về đồng bào dân tộc thiểu số cũng thể hiện sự gắn bó một cách hồn nhiên giữa con người và thế giới tự nhiên… Ngay mảng văn học xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, quan hệ giữa con người và tự nhiên cũng có những nét rất đặc thù, con người vừa khai thác tự nhiên, vừa gắn bó với tự nhiên… Văn học Việt Nam sau 1975, đặc biệt là sau 1986 cảm hứng sử thi nhường chỗ cho cảm hứng thế sự đời tư, nhu cầu nhìn nhận lại chiến tranh trở nên bức thiết, không những thế, sau thời kì đổi mới, kinh tế thị trường cùng sự đô thị hóa tăng nhanh đã làm nảy sinh nhiều vấn đề bức thiết trong xã hội khiến vấn đề mà văn học quan tâm có nhiều thay đổi so với thời kì trước. Tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, tăng trưởng dân số và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng gây áp lực không hề nhỏ đến môi trường sinh thái…Chính vì thế, có thể vận dụng phê bình sinh thái để nghiên cứu văn học sau 1975 và chắc chắn sẽ tìm ra rất nhiều giá trị bổ ích.
Khác với thời trung đại, thời hiện đương đại, Việt Nam và Trung Quốc đều tiếp thu lí luận phê bình văn học nước ngoài, đặc biệt là lí luận phê bình văn học Âu Mỹ. Do đó, không chỉ đối với phê bình sinh thái, với nhiều hướng nghiên cứu khác, chúng ta đều có thể tiến hành nghiên cứu so sánh tình hình tiếp nhận lí thuyết nước ngoài ở Trung Quốc và Việt Nam, trên cơ sở đó bổ sung, học hỏi lẫn nhau.
Đỗ Văn Hiểu
(Bài in trong Kỉ yếu hội thảo quốc tế Phê bình sinh thái, tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Nxb Khoa học xã hội, 2017. tr181-195)
[1] Trong bài viết Phê bình sinh thái ở Trung QuốcTổng thuật 17 năm phát triển (Tạp chí khoa học Đại học Lan Châu, số 6-2005), Lý Khiết lấy mốc 1987; trong bài Tổng thuật gần 30 năm nghiên cứu văn học sinh thái Trung Quốc (Tạp chí khoa học Đại học Liêu Ninh, số 1-2009), Kỷ Tú Minh lại lấy mốc năm 1979, nhưng trước 1994, những luận bàn về vấn đề sinh thái chưa phải là Phê bình sinh thái theo đúng nghĩa của nó.
[2] Lý Khiết: Phê bình sinh thái ở Trung QuốcTổng thuật 17 năm phát triển, Tạp chí khoa học Đại học Lan Châu, số 6-2005
[3] Vương Nặc: Phê bình sinh thái Âu Mỹ, Nhà xuất bản Học lâm, 2008, tr 67
[4] Tăng Phồn Nhân: Dẫn luận mĩ học sinh thái, Thương vụ ấn thư quán, 2010
[5] xem Kỷ Tú Minh: Tổng thuật gần 30 năm nghiên cứu văn học sinh thái Trung Quốc, Tạp chí Khoa học Đại học Liêu Ninh, sô 1-2009
[6] Chu Vĩ Lộ: Phê bình sinh thái Âu Mĩ tại Trung Quốc, Tạp chí khoa học học viện sư phạm An Dương, số 4 – 2010
[7] xem Kỷ Tú Minh: Tổng thuật gần 30 năm nghiên cứu văn học sinh thái Trung Quốc, Tạp chí Khoa học Đại học Liêu Ninh, sô 1-2009
[8] Vi Thanh Kỳ: Mười năm phê bình sinh thái Trung Quốc, Tạp chí khoa học Viện Văn học Đại học Nam Kinh, số 4 năm 2011

Đăng nhận xét