Search Suggest

BỘ PHIM OKURIBITO (NGƯỜI ĐƯA TIỄN) VÀ MỸ HỌC VỀ SỰ CHẾT CỦA NGƯỜI NHẬT DƯỚI GÓC NHÌN ĐIỆN ẢNH



Tác giả: Ths. Nguyễn Bích Nhã Trúc 
(Giảng viên văn học Nhật, Đại học Sư phạm Tp. HCM)

 

Điện ảnh Nhật Bản có lịch sử hình thành và phát triển trên 100 năm, trải qua nhiều thăng trầm cùng với những giai đoạn thịnh suy của nước Nhật, đến nay đã trở thành một trong những nền điện ảnh uy tín trong khu vực và thế giới.

Điểm lại các giải thưởng lớn về điện ảnh, thì dường như điện ảnh Nhật không thiếu một giải thưởng nào. Danh giá nhất phải kể đến giải Oscar. Kể từ bộ phim đoạt giải Oscar đầu tiên của Nhật ở hạn mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất là Rasomon (1953) của đạo diễn huyền thoại Kurosawa, sau đó là Jigokumon (1954) và Miyamoto Musakashi (1955)…cho đến bộ phim gần đây nhất đoạt giải Oscar năm 2008 cũng ở hạn mục này, là Okuribito (Người đưa tiễn/ Departures) của đạo diễn Yojiro Takita, điện ảnh Nhật một lần nữa chinh phục khán giả trên toàn thế giới. Điều đáng chú ý là thời điểm đoạt giải Oscar của ba bộ phim đầu, trong 3 năm liên tiếp : 1953, 1954, 1955 có khoảng cách khá xa so với bộ phim Okuribito (2008). Gần ngót nửa thế kỷ, điện ảnh Nhật mới có lại giải thưởng này. Đánh dấu sự trở lại của điện ảnh Nhật trên thảm đỏ Oscar, chính là kiệt tác Okuribito. Khi tên của bộ phim này được công bố, không ít người ngỡ ngàng bởi vốn Okuribito không phải là một phim đình đám vào thời điểm đó. Nhưng sau khi được chọn trao giải, khán giả mới chú ý và thực sự bị chinh phục bởi bộ phim xuất sắc của đạo diễn Yojiro Takita. 

Okuribito là câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Daigo Kobayashi – một nhạc công cello thất nghiệp sau khi dàn nhạc giao hưởng của anh bị giải thể vì không có khán giả. Cùng với việc bán đi cây đàn cello đắt tiền để trang trải cuộc sống ở Tokyo, Daigo gần như từ bỏ con đường sự nghiệp của một nhạc công chuyên nghiệp mà anh mơ ước. Daigo và vợ quyết định trở về quê, nơi anh sinh ra và lớn lên sinh sống. Tại đây, anh tìm việc làm và một lần, tình cờ, anh đã đọc được mẩu quảng cáo tìm người trên báo. Do sự hiểu lầm, Daigo tìm đến một công ty tổ chức dịch vụ mai táng nhỏ, chỉ có một ông chủ và một thư kí. Anh được nhận vào làm việc ngay vì nơi đó đang rất cần người. Không còn cách nào khác bởi không còn tiền trang trải cho cuộc sống, Daigo nói dối vợ, hàng ngày đến chỗ công ty dịch vụ mai táng làm việc trong bí mật. Những ngày đầu, Daigo không thể làm quen với công việc cực kì khủng khiếp là tiếp xúc với xác người chết. Anh rơi vào khủng hoảng trầm trọng một thời gian. Sau đó, Daigo dần quen với công việc và anh đã học hỏi nhiều điều từ ông chủ công ty, cũng là một người khâm liệm chuyên nghiệp. Khi Daigo đã bắt đầu yêu thích công việc và tìm thấy ý nghĩa từ việc khâm liệm người chết, cũng là lúc vợ anh phát hiện ra sự thật bị che giấu. Cô vợ Mika tức giận bỏ đi vì không thể chấp nhận chồng mình làm công việc này. Bạn bè, hàng xóm, những người biết anh làm nghề này cũng dần xa lánh anh. Daigo đối mặt với tất cả khó khăn của định kiến xã hội, anh tiếp tục làm công việc mà không ai muốn làm, không phải vì tiền mà bởi lúc này, anh đã tiềm thấy niềm vui, ý nghĩa thực sự cuộc sống của mình trong công việc đặc biệt này.

Cũng như hầu hết những bộ phim Nhật khác, Okuribito có cốt truyện giản dị, kể về cuộc sống của những con người bình thường (một anh chàng thất nghiệp, loay hoay với cuộc sống của mình). Kịch bản phim cũng không có nhiều kịch tính, nhịp điệu nhẹ nhàng, chậm rãi đúng kiểu phim Nhật, vốn thử thách khả năng tập trung của người xem. Cảnh quay giản dị, thường hướng về thiên nhiên… Kỹ xảo điện ảnh trong Okuribito cũng không có gì nhiều ngoài việc kể chuyện theo lối cắt ghép trong điện ảnh. Cảnh mở đầu phim là hình ảnh Daigo đang lái xe trên con đường mùa đông giá lạnh, đến nhà có người chết để làm công việc khâm liệm. Và sau đó là cảnh anh cùng người thầy Ikuei Sasaki khâm liệm cho một người chết đặc biệt, đó là một chàng trai chuyển đổi giới tính. Khi thực hiện nghi thức lau cơ thể người chết, Daigo đã dừng lại vì một sự cố. Phát hiện ra cô gái đó thực chất là nam, anh hơi lúng túng vì không biết phải trang điểm cho người chết theo phong cách nào. Sau đó là quãng thời gian quay ngược lại quá khứ, từ khi Daigo còn làm nhạc công ở Tokyo, rồi thất nghiệp, về quê, tìm đến công ty mai táng một cách tình cờ như thế nào, anh dần dần học việc và hành nghề ra sao…Cảnh kết thúc phim, là hình ảnh Daigo áp hòn đá cuội lên bụng vợ anh, nơi có một sinh linh bé nhỏ sắp chào đời. Mở đầu là cái chết, kết thúc là sự sống, nó như một ẩn dụ, ngụ ý cho vòng tròn sinh tử, luân hồi của kiếp người. Vậy, điều gì khiến cho Okuribito được yêu thích và trở thành lựa chọn cuối cùng của Ban tổ chức giải Oscar ? Điều gì khiến Okuribito chinh phục được khán giả, kể cả những người khó tính nhất ?... Có lẽ câu trả lời chỉ có thể tìm thấy ở tầng ý nghĩa sâu xa, thông điệp giàu giá trị nhân văn mà tác phẩm mang lại. Trên hết, Okuribito là bộ phim thể hiện xuất sắc vẻ đẹp văn hóa Nhật Bản, một nền văn hóa đặc thù, nơi cái Đẹp trở thành yếu tố được tôn thờ một cách tuyệt đối. Chủ nghĩa Duy mỹ độc đáo, đó chính là điều làm nên sức hấp dẫn của văn hóa, nghệ thuật Phù Tang. Okuribito là bộ phim ẩn chứa trong nó mỹ học về sự chết của người Nhật, được thể hiện dưới góc nhìn điện ảnh một cách mới mẻ và hoàn hảo.

 Sự chết là đối tượng nghiên cứu không chỉ của triết học mà còn  của rất nhiều loại hình nghệ thuật như: văn học, điện ảnh, hội họa… Albert Camus – nhà triết học hiện sinh vĩ đại Pháp thế kỷ XX đã từng cho rằng chỉ có một thứ triết học đáng quan tâm nhất đó là triết học về sự chết. Văn hóa Nhật Bản là nền văn hóa đặc thù, có những điểm độc đáo khác biệt với những nền văn hóa khác, trong đó, « tự sát » là một trong những khái niệm thể hiện rõ quan niệm nhân sinh của người Nhật. Hình ảnh những samurai thực hiện nghi thức « harakiri » (mổ bụng) đã không còn xa lạ với thế giới, nhưng vẫn luôn là điều  bí ẩn, khiến chúng ta vừa nể phục lại vừa kinh sợ. Văn học nghệ thuật Nhật Bản cũng là nền văn học lấy cái chết, sự tự sát làm đề tài chủ đạo. Hầu hết các nhà văn lớn Nhật Bản đều kết thúc cuộc đời mình bằng việc tự sát (Akutagawa ; Yukio Mishima, Kawabata, Dazai Osamu, …) Dân tộc Phù Tang đã từng là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ tự sát. Nhưng cũng chính đất nước ấy lại là quốc gia có tuổi thọ trung bình và số người sống thọ cao nhất thế giới. Đó là nghịch lí, sự đối lập trong thống nhất, hài hòa của văn hóa Phù Tang. Nói như thế để thấy rằng cái khái niệm về sự chết đối với người Nhật, đã trở nên quen thuộc, không còn xa lạ với con người nơi đây. Do đặc điểm vị trí địa lí riêng, Nhật Bản là nước phải chịu nhiều thiên tai khủng khiếp, có thể cùng lúc cướp đi mạng sống của hàng triệu người: động đất, núi lửa, sóng thần…Vì vậy, hơn ai hết, người Nhật cảm nhận rất rõ về sự mong manh của kiếp người. Văn hóa Nhật trong bản chất cũng là nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Phật giáo Thiền tông, nên người Nhật thấu hiểu triết lý vô thường. Họ không coi sự sống và cái chết là hai mặt đối lập gay gắt, không thể song tồn. Giống như Haruki Murakami, nhà văn đương đại Nhật Bản đã viết trong tiểu thuyết Rừng Nauy : “Sự chết tồn tại không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự sống. Bằng cách sống cuộc đời mình, chúng ta đang nuôi dưỡng sự chết. Hiển nhiên như vậy, nhưng đó lại là một chân lí duy nhất mà chúng ta phải học mới biết được”. Từ góc độ này, có thể thấy cách  nhìn của những nhà làm phim Okuribito cũng tiệm cận với quan niệm của Murakami Haruki.

Nghề khâm liệm hay một nghệ thuật tôn vinh người chết của những người đang sống:


Trong Okuribito, hoạt động khâm liệm, mai táng người chết cũng là một nghệ  thuật. Khâm liệm người chết hay chủ tang, điều hành một tang lễ từ lâu đã trở thành một nghề tồn tại trong xã hội như bao nghề khác. Nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường. Nếu như trước kia, những người thực hiện nghi lễ này thường là các thầy tế, thầy cúng – được cho là có mối giao cảm với thần linh, thì trong thời hiện đại, người khâm liệm có thể là những người bình thường. Trong xã hội hiện đại Nhật, do nhu cầu của đời sống mà nghề khâm liệm ngày càng chuyên nghiệp hơn. Trong phim, nơi Daigo làm việc có thể gọi là một công ty tư nhân nhỏ, vừa làm dịch vụ khâm liệm cho người chết, vừa kiêm dịch vụ bán hòm. Mặc dù đây là một nghề đã khá phổ biến nếu không nói là không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện đại nhưng nó vẫn còn chịu nhiều định kiến, kỳ thị. Khi biết Daigo làm nghề này, Mika, vợ anh rất sốc, cô đã khóc và van xin anh bỏ nghề. Cô không thể sống chung với một người tiếp xúc với xác chết hàng ngày. Sau khi không thuyết phục được Daigo, cô đã bỏ về nhà mẹ ruột sống. Một người bạn học của Daigo (con trai bà chủ nhà tắm công cộng), sau khi biết Daigo làm nghề khâm liệm, anh ta từ vui vẻ, nhiệt tình, liền thay đổi thái độ với Daigo (sau này, khi mẹ anh ta mất, chính Daigo là người thực hiện nghi thức khâm liệm)… Một nhân vật khác trong phim (người đàn ông trung niên khó tính, có người vợ ốm chết) cũng đã từng thốt lên với hai thầy trò Daigo: « Chẳng phải các anh làm việc này cũng chỉ vì tiền hay sao ? »… Câu nói ấy phần nào phản ánh suy nghĩ của nhiều người đối với nghề này. Bản thân Daigo, lúc đầu cũng có một nỗi e ngại khi biết công việc thực sự của mình, nhưng vì bất đắc dĩ nên Daigo không thể từ bỏ.

 Bằng những câu chuyện nhỏ ghép lại với nhau, những mảnh đời, những cái chết, những cuộc tiễn đưa, Okuribito đã lần lượt được bóc tách, mở ra cho người đọc nhìn thấy cái đẹp lấp lánh ẩn bên trong chiều sâu sự việc. Giống như hình ảnh củ hành tây, cứ một lớp áo xấu xí bên ngoài bong ra, thì lớp áo trắng tinh, nõn nà bên trong dần lộ diện… Cứ sau mỗi cái chết, sau mỗi cuộc khâm liệm, tiễn đưa, người xem lại ngạc nhiên bởi vẻ đẹp của nghề này. Bởi nó không đơn thuần chỉ là việc khâm liệm, đưa tiễn người chết về bên kia thế giới nữa mà thực sự đã trở thành một nghệ thuật – thứ nghệ thuật chạm đến đỉnh cao của cái Đẹp. Người nghệ sĩ sáng tạo ra cái đẹp ở đây, không ai khác là vị chủ tang, những người thực hiện nghi thức khâm liệm như Daigo và Sasaki.

Cái đẹp ẩn hiện trong từng động tác chỉn chu, chính xác, nhẹ nhàng, khi nâng niu cơ thể người chết của Daigo lúc anh làm công việc lau người, thay áo mới và trang điểm cho xác chết. Trong tay Daigo và Sasaki, khuôn mặt người chết từ xanh xám, trắng bệch hay tái nhợt, thiếu sức sống, bỗng trở nên tươi mới, xinh đẹp rạng ngời và như chất chứa sinh khí. Kinh ngạc, thán phục là cảm giác chung của tất cả những ai chứng kiến một khuôn mặt người chết sau khi được bàn tay Daigo biến hóa, nhất là các cô gái trẻ: đôi môi đỏ, làn da trắng, má hồng không ai nghĩ đó là xác chết mà chỉ là một người đang trong giấc ngủ bình yên. Đó cũng là lúc những người trong gia đình phải nức nở khi nhìn mặt người thân của mình đẹp như vậy trong phút cuối. Không ít lần gia chủ phải khóc hay cảm động thốt lên trước vẻ đẹp của người chết. Ở cái chết đầu tiên, cái chết của một chàng trai chuyển giới, sau khi được trang điểm theo kiểu nữ, người chết có một khuôn mặt vô cùng xinh đẹp. Khi nhìn đứa con trai duy nhất của mình trong hình hài nữ nhi lúc ấy, bà mẹ và ông bố đã bật khóc nức nở vì xúc động trước hình ảnh cuối cùng của con trai mình. Và bất chợt, ông bố hiểu ra sai lầm vì ông đã ngăn cản đứa con trai chuyển giới, không cho nó sống thật với giới tính của mình khi còn sống. Sức mạnh của cái Đẹp nơi khuôn mặt người chết đã đánh thức trái tim của người cha. Hay trường hợp một người chồng hối hận trong lễ tang của vợ. Khi vợ còn sống, ông thường vô tâm, hay nổi nóng với vợ mình. Khoảnh khắc ông ta nhìn vợ lần cuối trong khuôn mặt đã được Daigo trang điểm xinh đẹp, khiến ông bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Đến khi tiễn chân khách ra về, người chồng ấy mới thú nhận rằng chưa bao giờ ông thấy vợ mình xinh đẹp như vậy. Cứ như thế, cái Đẹp hiện diện nơi khuôn mặt, thần thái, tư thế nằm và trang phục người chết… tất cả đều trở thành những yếu tố làm thăng hoa nghệ thuật. Cái Đẹp ấy có khả năng cảm hóa, hòa giải mọi hiềm khích, hiểu lầm, xóa bỏ khoảng cách giữa người chết và những người thân trong gia đình. Chắc chắn không ít người đã khóc khi chứng kiến những giây phút trong phim. Đặc biệt và bất ngờ nhất là chi tiết Daigo nhận ra người cha ruột đã bỏ đi từ lâu của mình trong một lần anh làm công việc khâm liệm. Sau khi cạo bỏ lớp râu dày trên khuôn mặt người, Daigo sững sờ nhận ra đó là người cha bấy lâu nay anh vẫn không muốn nghĩ đến, vì lí do nào đó đã bỏ rơi hai mẹ con anh. Kí ức tuổi thơ ùa về. Và khi Daigo gỡ những ngón tay đang siết chặt của người chết, phát hiện ra có hòn đá kỷ vật của hai cha con anh năm xưa, anh đã bật khóc. Những giọt nước mắt tha thứ, yêu thương lăn trên gò má. Cái chết đã mang lại sự thấu cảm và xóa bỏ mọi khoảng cách của hai cha con. Bằng tất cả tình yêu thương của mình, anh đã trang điểm để cha có được khuôn mặt đẹp nhất trước khi về cõi vĩnh hằng. Đó là lí do vì sao mặc dù Okuribito xuất hiện rất nhiều cảnh chết chóc, hình ảnh gương mặt người chết nhưng người xem lại không có cảm giác sợ hãi, trái lại, những tác phẩm gương mặt người chết lại mang đến khoảnh khắc thăng hoa, rung cảm nghệ thuật cho người xem.

Một điều nữa cũng cần phải nhắc đến đó là thái độ, hình ảnh của người khâm liệm Daigo và Sasaki. Có cảm giác khi hành nghề, họ dồn toàn bộ tâm huyết vào công việc. Không chỉ là một bộ trang phục luôn đẹp, sạch sẽ, lịch sự, tác phong đúng giờ; mà còn là thái độ nhã nhặn chia sẻ, đồng cảm với nỗi đau buồn của gia quyến ; hay thái độ cam chịu dù đôi khi bị gia chủ quát tháo, to tiếng nhưng họ không có bất kì sự phản ứng nào. Cứ lặng lẽ, chăm chút, nâng niu và tôn kính, từng cử chỉ, động tác của Daigo tỏ rõ sự tôn trọng đối với người nằm xuống. Daigo như một người nghệ sĩ đơn độc chạm khăc tinh xảo từng chi tiết cho tác phẩm - xác chết của mình. Khi chứng kiến cảnh Daigo làm việc, có cảm giác như anh thăng hoa trong một nghi lễ vô cùng thiêng liêng. Nếu không có cái tâm trong sáng, nhiệt huyết và sự say mê với nghề, có lẽ Daigo cũng chỉ là một người khâm liệm bình thường như bao người khác. Nhưng ở đây, anh thực là một người nghệ sĩ vẽ nên sự sống, tình yêu và ánh sáng trên gương mặt người chết.

Hình ảnh Daigo và nghề khâm liệm của anh chất chứa thông điệp của người Nhật: không có nghề nào xấu xí, thấp hèn. Nếu mỗi người làm công việc bằng tất cả sự cố gắng và tâm huyết, đều xứng đáng được ngợi ca. Với Okuribito, một lần nữa khán giả thấy được sức sáng tạo thẩm mỹ không giới hạn của người Nhật. Cũng giống như những loại hình nghệ thuật khác như trà đạo, hoa đạo, kiếm đạo…, cái Đẹp đều được nâng lên mức tuyệt đối, trở thành Đạo của tâm linh. Nghề khâm liệm ở đây cũng vậy, qua góc nhìn điện ảnh, nó đã trở thành một thứ nghệ thuật chứa đựng nhiều giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc.

Mỹ học của sự chết hay hành trình hồi sinh sự sống con người :

Nói về cái chết và đau thương nhưng thông điệp mà Okuribito muốn gửi đến chúng ta là khát vọng sống và sự tái sinh. Dường như khi con người cận kề cái chết cũng là lúc họ nuôi trong mình khao khát sống mãnh liệt nhất. Trong phim, có những chi tiết chứa đựng ý nghĩa ấy. Ta nhớ lại chi tiết Daigo kết thúc ngày làm việc đầu tiên, sau khi thu dọn một cái xác đã thối rữa của một cụ bà, anh đã đến nhà tắm công cộng và cố gắng kì cọ cơ thể cho hết mùi người chết bám trên cơ thể. Sau khi trở về, nhìn thấy con gà sống vợ anh chuẩn bị để nấu bữa tối, Daigo đã nôn ói. Sau đó là chi tiết anh ôm lấy vợ, lần mò trên làn da, trên cơ thể Mika và gần như muốn quan hệ với cô. Nhưng vợ anh đã đẩy anh ra và tỏ ra ngạc nhiên, thắc mắc trước hành động kỳ quặc không đúng lúc này. Đây là chi tiết rất hay, lột tả tâm lí rất thật của Daigo : nỗi sợ cái Chết. Sự ám ảnh và nỗi sợ cái chết đã khiến Daigo muốn gần sự sống hơn bao giờ hết. Sự sống ấy không đâu xa, ở trên da thịt tươi mát của người vợ đang hiện hữu trước mặt anh. Hành động ôm ghì lấy vợ, hôn và lần  trên cơ thể cô thể hiện khao khát sống mãnh liệt của Daigo. Một chi tiết khác cũng mang thông điệp như vậy, đó là chi tiết căn phòng của ông chủ Sasaki. Căn phòng thật kì lạ với những ai lần đầu tiên bước vào. Nơi đó hoàn toàn là cây cỏ, hoa lá, đến nỗi không còn nhìn thấy một mảng tường bình thường, tất cả đều là những mảng xanh, có sự sống. Không phải ngẫu nhiên xuất hiện căn phòng ấy. Phải chăng, ông chủ Sasaki, người đã có mấy chục năm với nghề này – hơn ai hết là người khao khát sự sống nhất ? Hằng ngày, tiếp xúc với cái chết, với sự đau buồn, nếu cứ sống như những người khác mà không có một sự cân bằng, sẽ khó có thể tiếp tục công việc này. Việc để cho cỏ cây hiện diện khắp căn phòng mình chính là hành động cân bằng tâm lí cho chính mình của nhân vật Sasaki. Khi nghe kể về lí do tại sao ông đến với nghề, ta càng cảm phục con người ấy. Bởi nó không xuất phát từ động cơ lợi nhuận mà vì đó là « niềm vui », niềm vui khi ông tìm thấy hạnh phúc của mình trong lần ông quyết định trang điểm cho người vợ chết trẻ của ông. Khi làm nghề này, ông muốn mang lại niềm an ủi cho người khác, những gia đình phải chịu mất mát, tổn thương khi mất đi người thân như ông.

Sasaki đã dạy cho Daigo cách làm quen với xác chết bằng việc thuyết phục Daigo cùng ăn với mình những thức ăn sống. Chỉ có cách này mới giúp cho Daigo làm quen với xác người. Daigo đã dần vượt qua nỗi sợ. Nhưng trên hết, chỉ bằng tình yêu thương và sự cảm thông đối với con người mới giúp anh đi hết chặng đường chông gai ấy.

Với Okuribito, người đọc không chỉ tìm thấy thông điệp về sự sống và cái chết là hai mặt luôn song song tồn tại, không thể tách rời mà còn có một thông điệp khác : chết không phải là hết, nó là sự khởi đầu cho một hành trình mới của con người. Trong tất cả các cuộc đưa tiễn, dù cho mỗi người có một số phận bất hạnh riêng, nhưng khi ra đi, họ đều thanh thản, điều đó hiển lộ nơi khuôn mặt. Những hận thù, những khuất tất đều được hóa giải trước khi bắt đầu một giai đoạn mới. Chi tiết ông cụ làm nghề hỏa thiêu, trước khi bấm nút cho thiêu xác người bạn già là bà chủ nhà tắm công cộng, ông đã nói chỉ hai câu  ngắn gọn: « Cảm ơn » và « Hẹn gặp lại ». Đó chẳng phải là sự hứa hẹn cho cuộc hạnh ngộ, tái sinh trong tương lai sao ? Và như vậy, cái chết là sự bắt đầu cho một cuộc khởi hành mới ở kiếp sau. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm, ngoài cái tên « Người đưa tiễn » còn được dịch dưới một cái tên khác là « Khởi hành ». Chính ở điểm này, Okuribito đã nói lên quan niệm về cái chết của người Nhật nói riêng và của người Á Đông nói chung.

Với những thông điệp giàu giá trị, Okuribito đã mang về cho điện ảnh Nhật Bản giải thưởng danh giá Oscar. Chắc chắn rằng đây sẽ là bộ phim kinh điển về Cái chết mà người ta sẽ còn mãi nhắc đến. Điện ảnh Nhật trong tương lai sẽ còn gặt hái những thành công khác trên hành trình chinh phục thế giới nghệ thuật thứ bảy này. Trong sự khởi sắc ấy, có một phần bóng dáng Okuribito và dấu ấn của đạo diễn Yojiro Takita.

Đăng nhận xét