Search Suggest

“KHI MÂY ĐEN KÉO TỚI”: VÌ TA CẦN THẬT NHIỀU SỨC MẠNH, THẬT NHIỀU YÊU THƯƠNG





“Tôi đã nghĩ mình sẽ viết thật đơn giản và vui vẻ, theo cái cách mà chúng ta hay bắt gặp truyền thông vẫn làm là “truyền cảm hứng”, nhưng tôi đã không làm như thế, bởi từ tâm khảm tôi hiểu rằng, thật khó có được cảm hứng khi chúng ta đang gặp khó khăn đến nhường này”.

PGS. TS Nguyễn Phương Hoa đã viết lời mở đầu cho cuốn sách của mình như thế. Những lời bộc bạch chân tình này khiến tôi tin tưởng và quý mến cuốn sách vô cùng, dù chưa đọc hết, nó cho thấy cuốn sách được viết bởi một người trong cuộc, một người chí ít đã trải và đã hiểu những khó khăn, khổ sở, vất vả cả về tâm lẫn thân, của những người đang phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm.

“Khi mây đen kéo tới – cùng con vượt qua cơn trầm cảm” là người  bạn đồng hành chân thành và hữu ích đối với những người mắc căn bệnh trầm cảm, và cả những có người thân yêu đang phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm. Cuốn sách mỏng, chỉ vẻn vẹn 127 trang, nhưng trong đó tác giả đã cố gắng trình bày một cách cô đọng và hàm súc những vấn đề cơ bản, thiết yếu mà chúng ta cần biết để đối mặt với căn bệnh trầm cảm.

Cuốn sách là 30 câu chuyện nhỏ xoay quanh một người mẹ có cậu con trai phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm, cuối mỗi câu chuyện là một ghi chú tóm tắt lại những lưu ý cần biết về căn bệnh và cách đối mặt với căn bệnh.

Phần một của cuốn sách, “Khi mây đen kéo tới”, tác giả đã trình bày những cơ sở lý thuyết cần biết về bệnh. Thế nào là trầm cảm? Trầm cảm khác với đau buồn ra sao? Trầm cảm có biểu hiện gì? Trầm cảm với lo âu liên quan thế nào? Chúng liên hệ với nhau ra sao?

Phần hai, “Những ngày bão giông”, qua hành trình của người mẹ đã theo sát con trai trong suốt những tháng năm cậu chống chọi với căn bệnh trầm cảm, người đọc đã hình dung được những giai đoạn của bệnh, những việc cần làm trước, trong, và sau khi cơn bệnh trầm cảm kéo tới.

Phần ba, “Bình an đi qua cơn đau”, có lẽ là một lời tâm tình gửi đến người thân của những người mắc bệnh trầm cảm, an ủi, động viên, khích lệ, và quan trọng hơn tất cả là nắm tay họ mà thủ thỉ tâm tình: Đừng bao giờ bỏ cuộc! Chương ba này bàn về vai trò của những người thân yêu nhất đối với việc chữa trị căn bệnh trầm cảm: cha, mẹ, bạn bè, và cả thú cưng nữa. Điều quan trọng nhất, là khi mắc tâm bệnh, người ta không thể chống chọi với căn bệnh một mình mà luôn cần lắm sự hỗ trợ từ những người yêu thương. Mỗi vai trò, lại có những ưu thế và khó khăn riêng, nhưng quan trọng nhất là sau tất cả, hãy yêu thương đúng cách và đừng buông tay.

Một cuốn sách khoa học viết bằng tất cả tình yêu thương, khi đóng lại trang sách cuối cùng, mình vẫn cảm nhận được sự ấm áp chân thành và biết bao niềm tin cậy đọng lại trong tâm trí. “Khi mây đen kéo tới” – đúng vậy, căn bệnh trầm cảm chính là như thế, một màn mây che mờ tâm trí, ngăn trở ta tìm đến niềm vui và đẩy ta vào tận cùng tăm tối của cuộc đời. Trầm cảm là bệnh, không phải là cảm xúc. Ta có thể thất vọng khi không đạt được điều mình muốn, đau buồn khi một tình yêu tan vỡ, tiếc nuối khi vụt mất một cơ hội. Nhưng như mọi cảm xúc trong cuộc đời, sau những ngày mưa gió là nắng sẽ lên hong khô nước mắt.

Nhưng trầm cảm thì khác. Đó là một căn bệnh tâm lý, lỗi của nó là do sự trục trặc của hệ thần kinh trong việc xử lý thông tin. Trầm cảm không tự hết, mà cần được điều trị, cần được sự trợ giúp của các chuyên gia. Khi trầm cảm, tâm trí ta bị ốm, và ta phải đi khám.

Đây là một điều rất quan trọng cần phải biết về trầm cảm. Một số người xung quanh mình vẫn chỉ nghĩ đơn giản rằng trầm cảm là một loại cảm xúc, suy nghĩ này, dẫu đi kèm với một ý tốt thuần túy, thì vẫn sẽ đẩy người trầm cảm vào tình trạng khốn đốn, đau khổ hơn rất nhiều.

Là một người giáo viên trong thế kỉ XXI đầy biến động này, mình đã luôn chuẩn bị tinh thần sẽ phải làm việc với học sinh có vấn đề về tâm lý. Và bệnh trầm cảm luôn nằm trong danh sách dự phòng. Đã từng biết bao câu chuyện đau lòng xảy ra, những đứa trẻ kết thúc mạng sống của chúng, không phải vì chúng muốn chết, mà chỉ vì muốn kết thúc sự đày ải mà chúng phải chịu đựng. Đó là những cái chết cô độc vô cùng vì trong những khoảnh khắc tăm tối và cùng cực của cuộc đời, họ đã không được thấu hiểu, không có ai ở bên sẻ chia, không được cứu vớt. Có những người sở dĩ phải chọn cái chết, là vì họ không thể chịu nổi những đày ải của căn bệnh trầm cảm. Là một người giáo viên, hơn ai hết chúng ta phải luôn chuẩn bị tâm lý trong tình huống này để nhận diện, trợ giúp kịp thời, và để thảm kịch đừng xảy ra.

(Cũng cần phải cực kì lưu ý, vai trò của người giáo viên trong những trường hợp này không phải là nhà trị liệu. Người giáo viên không thể thay thế một chuyên gia tâm lý. Người giáo viên không có quyền chẩn bệnh, mà là người theo dõi, phát hiện vấn đề và kết nối học sinh, phụ huynh với các chuyên gia).

Trong những tình huống như thế, ta cần rất nhiều sự yêu thương, rất nhiều sự kiên trì, nhưng quan trọng hơn tất cả, ta cần có sự hiểu biết. Thiếu đi hiểu biết, tình yêu thương rất nhiều cũng chỉ là những bất lực đau đớn, và chỉ như vậy thôi. Cho nên, những sự trợ giúp như cách tác giả Nguyễn Phương Hoa đã làm trong cuốn “Khi mây đen kéo tới” là vô cùng quý giá. Từ góc nhìn một người trong cuộc, đưa vào những tình huống thực tiễn và cụ thể, tác giả, một chuyên gia, đã cho chúng ta lời khuyên hữu ích cho từng tình huống.

“Hơn ai hết, tôi cũng hiểu rõ rằng nếu không có sự thấu cảm, nhất định không thể giúp người trầm cảm giảm bớt gánh nặng lo âu, đau khổ, đẻ có thể chiến thắng bệnh tật. Còn tôi, tôi có sự thấu cảm. Tôi cảm nhận được sự đau khổ, và có những lúc tưởng chừng như bế tắc của bạn. Tôi hiểu không phải bạn không muốn thoát ra, mà là bạn không thể, phải không?”

Nếu bạn đang ở tận cùng tuyệt vọng mà không biết phải tìm sự trợ giúp ở đâu, nếu người thân của bạn đang mắc kẹt trong những ngày “mây đen kéo tới” và bạn loay hoay trong tình thế đầy nghiệt ngã này, tôi nghĩ, cuốn sách này là một sự khởi đầu tốt.

Trần Lê Duy

THÔNG TIN VỀ CUỐN SÁCH
Tên sách: “Khi mây đen kéo tới – cùng con vượt qua cơn trầm cảm”
Tác giả: PGS. TS Nguyễn Phương Hoa
Phát hành:ANBOOKS và NXB VĂN HÓA VĂN NGHỆ

Đăng nhận xét