Search Suggest

DỰ ÁN NGỮ VĂN: "KỈ NIỆM 30 NĂM NGÀY MẤT XUÂN QUỲNH"




THÔNG TIN BÀI DẠY
Tên dự án: “Kỉ niệm 30 năm ngày mất của Xuân Quỳnh”
Đơn vị bài học: “Sóng” (Xuân Quỳnh) – Ngữ văn 12
Giáo viên hướng dẫn: Cô Nguyễn Thị Ngọc Yên
Lớp thực hiện: Lớp 12.5 (với sự trợ giúp của lớp 12.2) trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm Tp.HCM
Sản phẩm: Fanpage “Xuân Quỳnh – tiếng thơ còn mãi”, phim ngắn “Để ngàn năm còn vỗ”, Báo tường, Talkshow
Năm học: 2018 - 2019

Khi dự giờ một tiết báo cáo dạy học theo dự án, hai điều mình quan tâm:

Một là, những đơn vị bài học trong chương trình được chuyển hóa vào các sản phẩm dự án như thế nào (Nếu không, thì chỉ là vui chơi ngoại khóa, không phải “dạy học”).

Hai là, sự sáng tạo của học sinh được thể hiện như thế nào trong các sản phẩm (Nếu không, thì chẳng cần làm dự án làm gì).

Trong bốn tuần gấp rút cả cô và trò cùng thực hiện, mình thấy dự án “Kỉ niệm 30 năm ngày mất của Xuân Quỳnh” (Thiết kế dựa trên bài “Sóng”, chương trình Ngữ văn 12) do cô Ngoc Yen và các em học sinh lớp 12.5 trường THTH ĐHSP thực hiện đã đạt được tốt cả hai tiêu chí trên.

Một tháng sống trọn vẹn cùng thơ Xuân Quỳnh, cô trò đã hoàn thành được 4 sản phẩm: Fanpage “Xuân Quỳnh – tiếng thơ còn mãi”, Phim ngắn “Để ngàn năm còn vỗ”, báo tường giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Xuân Quỳnh, buổi talkshow tọa đàm ra mắt sản phẩm và trao đổi về thơ Xuân Quỳnh.

Về Fanpage “Xuân Quỳnh – tiếng thơ còn mãi”, ngay từ đầu dự án, mình đã chia sẻ nhiều bài viết của các em trên Facebook của mình. Ưu điểm của các em là đã lên được một chiến lược post bài rất bài bản, nguồn tư liệu chắt lọc, có giá trị tham khảo, những bài viết trích từ hồi kí “Xuân Quỳnh, một nửa cuộc đời tôi” (Đông Mai), “Xuân Quỳnh, nghịch lý tình yêu và số phận”(Lưu Khánh thơ) có sức lay động lớn, các em viết những bài bình luận thơ giàu cảm xúc, một số bài mình đọc rất xúc động. Cả nhà có thể tham khảo trong fanpage Xuân Quỳnh - Tiếng thơ còn mãi.

Mình đặc biệt ấn tượng với phim ngắn “Để ngàn năm còn vỗ”, trên nền cảm hứng là những tác phẩm thơ Xuân Quỳnh, các em đã vẽ nên câu chuyện tình đẹp nhưng không kém phần bi kịch. Mình thích cách bạn biên kịch cảm nhận các bài thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh để đặt ra vấn đề về sự tranh đấu hay hy sinh trong tình yêu, thích cách các làm sống dậy từng vần thơ Xuân Quỳnh khi khắc họa tâm lý nhân vật chính. Có những cảnh phim dựng phải nói là quá xuất sắc và diễn viên đóng rất đạt.

Link phim: https://www.youtube.com/watch?v=02UeoY4ckfc&feature=youtu.be

Nhóm báo tường đã dựng nên một bức tranh Sóng khổ lớn và đã khái quát được những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Xuân Quỳnh. Các mảnh ghép thông tin được kết nối với các mảng màu và hình vẽ một cách hoàn chỉnh như một tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Nhóm talkshow cũng đã rất sắc sảo khi đặt ra được những vấn đề thú vị về thơ Xuân Quỳnh, về hình tượng sóng và em trong bài thơ “Sóng”, về việc biến đổi bản thơ từ “Sóng không hiểu nổi mình” thành “Sông không hiểu nổi mình”, và đặc biệt là cuộc tranh luận về việc có hay không sự bi lụy trong thơ tình Xuân Quỳnh. Các em có thấy được những góc nhìn riêng và sắc sảo.

Như vậy, tính học thuật và tính sáng tạo là hai điều mình học được tự dự án này. Các em học sinh đã thực sự phải nghiên cứu nghiêm túc về bài học thì mới có thể hoàn thành được các sản phẩm trong dự án. Các em không chỉ đọc tài liệu liên quan đến bài học trong chương trình, mà còn mở rộng ra tài liệu về cuộc đời của nữ sĩ, và mở rộng hơn vào phong cách thơ của Xuân Quỳnh. Về mặt sáng tạo, thì có lẽ không cần nói nhiều hơn, mời cả nhà chiêm ngưỡng các sản phẩm.

Vài cảm nghĩ cá nhân của mình: Mình đã dạy các em học sinh 12.5 năm vừa rồi. Sau vài tháng không gặp, giờ gặp các em dưới nhiều vai trò mới, nhà biên kịch, nhà đạo diễn, nhà phê bình thơ, nhà thiết kế, nhà quản trị trang mạng, diễn viên, dẫn chương trình… thấy các em đã thực sự trưởng thành trong cả suy nghĩ và kĩ năng, đã sắc sảo hơn trong cách nhìn nhận vấn đề và đã chỉn chu hơn trong các hoạt động nhóm. Tất nhiên, trong 4 tuần thực hiện, thì không tránh khỏi nhiều điều thiếu sót, nhưng mình nghĩ điều đó không quan trọng. Quan trọng nhất là các em đã dám bộc lộ bản thân, dám thử thách, dám dấn thân, dám trải nghiệm và dảm đổ tâm sức cho những điều mình thích. Như cách một em học sinh tâm sự: “Đam mê của em là diễn viên, và với bộ phim đầu tay này, em đã sống trọn với đam mê của mình”. Mục đích của dạy học theo dự án, chính là như vậy.

TRẦN LÊ DUY

MỘT SỐ HÌNH ẢNH DỰ ÁN



Photo booth với những bức ảnh lưu giữ kí ức về nữ sĩ Xuân Quỳnh




Nhà biên kịch Triệu Ngọc chia sẻ về quá trình sáng tác kịch bản phim "Để ngàn năm còn vỗ"

Giới thiệu báo tường về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Xuân Quỳnh

Em Huỳnh Đồng Tâm chia sẻ về fanpage "Xuân Quỳnh - tiếng thơ còn mãi"

Báo tường biến thành một bức tranh khổ lớn rất nghệ thuật

Thảo luận về vấn đề tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh - liệu có bi lụy?




Dàn nghệ sĩ lớp 12.2 với tiết mục ca khúc "Sóng" do một thành viên trong nhóm phổ nhạc



Nhà phê bình Anh Thơ chia sẻ về sáng tác của Xuân Quỳnh


Dàn khách mời từ trái sang: Đạo diễn MInh Bá, biên kịch Triệu Ngọc, nhà phê bình Anh Thơ, biên tập viên Bích Nhu



MC Thanh Thảo trong bộ váy trắng đúng dress code của buổi talkshow là trắng và đỏ











Đăng nhận xét