Search Suggest

TIẾN KIẾP, HẬU KIẾP VÀ THÔNG ĐIỆP VŨ TRỤ GỬI ĐẾN CHÚNG TA

Chúng ta sinh ra giữa thế gian này kì thực là một phép màu lớn lao



Mình mới đọc ba cuốn sách của tác giả Brian Leslie Weiss về vấn đề tiền kiếp – hậu kiếp và cảm thấy cuốn sách rất thú vị.  Đó là cuốn sách đầu tay “Tiền kiếp và luân hồi có thật không” (xuất bản năm 1988) và hai cuốn sách xuất bản sau đó, “Lời ngỏ từ cõi tâm linh” (2001), “Một linh hồn, nhiều thể xác” (2005).

Ba cuốn sách mới lạ bởi trước hết nó tiếp cận một vấn đề tâm linh từ một phương pháp khoa học: kĩ thuật thôi miên. Brian Leslie Weiss vốn là một bác sĩ, ông đã tốt nghiệp Y khoa tại đại học Yale, từng là bác sĩ nội trú tại Trung tâm Y Khoa Bellevue của New York University, từng giữ chức trưởng khoa nội trú của khoa Tâm Thần tại đại học Y khoa Yale. Brian Leslie Weiss chuyên về chữa bệnh bằng phương pháp thôi miên, qua phương pháp thôi miên, ông đưa bệnh nhân đi sâu vào các kí ức trong tiềm thức và vô thức để tìm nguồn gốc của các sang chấn tâm ly trong hiện tại và tháo gỡ chúng.

Định mệnh xảy ra khi ông gặp bệnh nhân Catherine, người đã thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Bởi đợt trị liệu này, khi Weiss thôi miên Catherine, cô ta đã đưa ông đến một ranh giới hoàn toàn mới lạ và rộng mở: tiền kiếp và hậu kiếp.

Nói sơ qua một chút về kĩ thuật thôi miên. Kì thực, thôi miên không kì bí huyền ảo như chúng ta tưởng tượng hoặc như các phương tiện văn hóa đại chúng thêu dệt. Về bản chất, thôi miên chỉ là những phương cách đưa tâm trí chúng ta vào trạng thái thư giãn hoàn toàn, và khi đó tinh thần của ta thâm nhập vào tầng vô thức – một kho tàng kí ức vô tận nhưng vẫn còn là bí ẩn lớn đối với nhân loại. Tại đây, người được thôi miên sẽ được mài bén hơn về tinh thần, trí tuệ để nhớ lại những kí ức tưởng như không còn nhớ nữa, kể cả những kí ức ấu thơ xa xôi hoặc những sự việc chớp nhoáng qua, ý thức chưa kịp nhận biết nhưng đã lưu lại trong vô thức. Chính trong trạng thái vô thức này, mà các kí ức về tiền kiếp được hồi quy và các viễn ảnh về hậu kiếp được trực tiến.

Nói sơ qua về nội dung ba cuốn sách:

“Tiền kiếp và luân hồi có thật không”: Đây là cuốn sách đầu tay của Weiss. Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, với nỗi sợ rằng những điều mình nói bị gán cho mác phản khóa học và ông sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng y khoa Hoa Kì, Weiss quyết định chia sẻ khám phá mới mẻ của mình với thế giới. Cuốn sách này ghi lại tỉ mỉ quá trình trị liệu cho Catherine và ghi lại những tiền kiếp cũng như hậu kiếp được Catherine chia sẻ trong quá trình thôi miên, cũng như những tác động của những kiếp sống này đến cuộc đời hiện tại của cô. Cuốn sách bước đầu mở ra những ý niệm về tiền kiếp và hậu kiếp, cũng như lí giải của tác giả trên cơ sở khoa học, thần học về vấn đề này.

“Lời ngỏ từ cõi tâm linh”: Trong quá trình thôi miên đưa Catherine về các kiếp, ở giai đoạn cuối của mỗi kiếp, khi kiếp sống đó của cô chết đi, linh hồn cô sẽ bay lên đến một không gian khác, mà ở đó, trong một số kiếp, cô nhận được lời chỉ dẫn của các bậc thầy tâm linh – những linh hồn cao hơn đã chứng ngộ được những chân lý của cuộc sống. Cuốn sách “Lời ngỏ từ cõi tâm linh” ghi lại một số sự chỉ dẫn ấy, bao gồm cả việc nhân loại phải hướng tới tình yêu thương, phải xóa bỏ bạo lực và cả ý nghĩa tồn tại của mỗi sinh linh trên Trái Đất này.

“Một linh hồn, nhiều thể xác”: Sau Catherine, Weiss tiếp tục sử dụng kĩ thuật thôi miên để hồi quy tiền kiếp hoặc trực tiến hậu kiếp nhằm chữa bệnh cho các bệnh nhân khác.  Cuốn sách “Một linh hồn, nhiều thể xác” ghi lại những trường hợp mà qua đó, nhân loại nhận ra được những bài học đắt giá. Đó có thể là bài học về bản tính yêu thương của con người; cái giá phải trả của bạo lực; vấn đề đức tin; sống vì người khác và đức hy sinh. Mỗi câu chuyện, thông qua cuộc hành trình của linh hồn qua nhiều kiếp để trả giá, học hỏi, và rồi lại tiếp tục học hỏi những bài học khác, ta cũng sẽ rút ra được nhiều điều cho bản thân mình.

Nếu bạn đọc đến đây, thì có lẽ trong đầu bạn là vô vàn phản ứng. Có thể là: “Cái quỷ gì vậy? Đây là một điều phi lý. Đây là ngụy khoa học, không thể tin tưởng được”. Có thể là: “Liệu những điều này có chứng minh được không?”. Hoặc có thể giống như tôi, chỉ đơn giản là chấp nhận những điều này như một cách nhìn về vũ trụ và cuộc sống.

Bạn có thể ngưng đọc ngay bây giờ, đó là quyền của bạn.

Trong cuốn sách “Đạo mẫu Việt Nam”, tác giả Ngô Đức Thịnh đã đưa ra một ý như thế này: Về vấn đề tâm linh, việc chứng thực một điều gì đó không quan trọng bằng việc tìm hiểu xem người ta tin vào điều đó như thế nào. Nếu một đức tin cho chúng ta câu trả lời về những trăn trở nhức nhối trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, tại sao ta phải khước từ?

Đối với tôi, đây là những ý tưởng thú vị về vũ trụ này, mà qua đó, tôi trả lời được nhiều điều về cuộc sống của mình:

1.     Địa cầu này là một trường học lớn. Có rất nhiều thế giới khác nhau, không riêng gì địa cầu này, và mỗi thế giới ấy đều là những trường học. Kì thực chúng ta đã tồn tại ở Địa cầu này từ hàng triệu năm trước, chúng ta là những linh hồn đến đây để học hỏi. Chúng ta học để tìm về bản chất đích thực của mình, là tình yêu thương vô cùng vô tận. Qua mỗi kiếp sống, chúng ta đều có một bài học cần nghiệm ra. Nếu ta thất bại, bài học ấy lại theo ta đến kiếp sống tiếp theo, cứ như thế, cho đến khi chúng ta học được. Đó là một quá trình qua rất nhiều thời gian không gian và vô vàn kiếp sống. Đúng như vậy, bạn đang mang theo sau lưng kí ức của hàng triệu năm tồn tại trên vũ trụ này. Và đúng như vậy, bạn sinh ra là để một lúc nào đó không còn phải sinh ra nữa. Điều này không có nghĩa là ta cứ theo đuổi một cái “kiếp sau” nào đó mà quên đi thực tại cuộc sống này. Điều đó chỉ có nghĩa là, bạn nhìn được bức tranh toàn thể để hiểu được ý nghĩa từng phút giây hiện hữu của mình. Về bản chất, con người sinh ra là để học hỏi. Chúng ta học hỏi để trưởng thành về mặt tâm linh, để thấu triệt quy luật của vũ trụ và quy luật của nhân sinh. Sống, tức là học hỏi, để hiểu chính mình và để hạnh phúc. Vậy, bạn hãy nghĩ xem, những gì ta trải nghiệm ở trường học, có thực sự là học hỏi hay không? Liệu rằng bạn có thể tìm thấy chính mình từ những hoạt động đó?

2.     Tại sao ta sinh ra là con người?Trong rất nhiều kiếp sống khác nhau, nhiều bệnh nhân của Weiss đã chia sẻ thông tin từ những Bậc thầy tâm linh rằng, kiếp sống con người là kiếp sống ta học hỏi được nhiều nhất. Hãy nghĩ về những khoảnh khắc tuyệt vọng cùng cực của cuộc đời bạn. Hãy nghĩ về những nỗi đau như dằm đang găm sâu vào trái tim bạn. Chúng ở đó, trong máu và nước mắt, đều có lí do của nó. Đó là những bài học bạn cần trải nghiệm. Ở trong tận cùng nỗi đau, bạn đều nhận ra bài học của kiếp sống này, bạn trưởng thành hơn, trả hết một món nợ và không phải mang nó vào kiếp sau nữa. Trong lục đạo luân hồi của Phật giáo, tái sinh vào cõi người là tốt nhất, vì chỉ ở đây ta mới có thể trải đủ và nghiệm đủ, để có cơ hội siêu thoát khỏi cảnh giới luân hồi. Hiểu được điều này, không có nghĩa là bạn không cảm thấy đau nữa. Hiểu được điều này, cũng không có nghĩa là mọi chuyện sẽ chuyển biến trong đời bạn như một phép màu. Nhưng đó là một sự an ủi lớn lao. Trong cơn đau cùng cực của đời, đã bao giờ bạn cứ không ngừng khắc khoải: Tại sao lại là tôi? Trong những phút giây bế tắc, đã bao giờ bạn khóc nấc lên hỏi đời, hỏi người về tất cả để rồi những câu hỏi ấy mất hút vào hư không, để lại trong ngực bạn một khoảng trống hoang hoải? Kì thực câu trả lời luôn ở bên trong bạn, những trải nghiệm này đến để bạn học được một điều gì đó. Hạnh phúc thay những ai được sinh ra làm người. Hãy khóc khi đớn đau. Hãy để những giọt nước mắt nóng hổi rửa sạch những vết thương lòng. Hãy dám bước vào những nỗi đau, học hỏi, và trưởng thành.

3.     Mọi chuyện đã được an bài.Định mệnh là có thật. Kiếp sống này của bạn, những người bạn sẽ gặp, những việc bạn sẽ làm, những biến cố xảy ra, kì thực đã được định sẵn. Nhưng người định sẵn đó, không ai khác, chính là bạn. Bạn chính là Chúa trời và Chúa trời cũng chính là bạn. Bạn đã sắp đặt tất cả để mình được học hỏi, chính là như vậy đó. Đã có những đại sư chọn đầu thai thành những kẻ ăn mày, những kẻ tận cùng xã hội và chịu cuộc đời tàn úa. Nếu bạn hỏi họ tại sao, họ sẽ nhìn bạn mỉm cười. Kì thực đối với họ, cuộc đời này chỉ là một sàn diễn lớn. Ta có thể diễn vai một kẻ ăn mày cùng cực. Cũng có khi ta sẽ diễn vai hoàng tử, vương tôn. Dẫu thế nào, điều đó không thay đổi được sự thật, ta đến trái đất này để học hỏi.

4.     Những người yêu thương bên ta, kì thực đã là những người yêu thương của ta từ nhiều kiếp trước. Tình yêu thương gắn kết những linh hồn, và vì vậy những người yêu thương nhau sẽ hội tụ với nhau qua nhiều kiếp sống. Khi thì họ là tình nhân. Khi thì họ là người thân. Thậm chí có những người chịu hy sinh tính mạng của mình qua nhiều kiếp để bảo vệ người mà mình yêu thương, dẫu cho kiếp đó họ là ai đi nữa. Tôi thấy ý tưởng này rất thi vị. Bạn hãy thử nghĩ về những người mà bạn yêu thương nhất. Và bây giờ thì bạn biết rằng, kì thực họ đã yêu thương bạn, không chỉ kiếp này mà đã là nhiều kiếp trước, đây chẳng phải là hạnh phúc lớn lao ta cần biến gìn giữ hay sao? Hãy nghĩ về những người thân yêu đã rời xa bạn. Họ rời xa bạn vì họ đã hoàn thành bài học họ cần phải học ở kiếp sống này. Và nhất định ta sẽ còn gặp ở tương lai. Hãy trân trọng. Hãy gắn bó. Hãy xót thương. Và nhất là hãy yêu thương. Yêu thương chính là lực mạnh nhất trong vũ trụ. Yêu thương chính là bản chất của chúng ta. Chính tình yêu thương dẫn đường cho chúng ta vượt qua không gian và thời gian để gặp nhau dù trong đời kiếp nào đi nữa.

5.     Những người căm ghét bạn chính là chủ nợ hoặc con nợ kiếp trước. Nếu bạn không muốn tiếp tục gặp họ trong những kiếp sau, thì hãy tìm cách trả món nợ đó cho họ. Tức là: hãy tháo gỡ những vấn đề với họ trong hiện tại, hãy dung thứ cho họ, để sau cùng họ không còn hiện hữu trong tâm trí bạn như một con nợ hay chủ nợ nữa. Điều này kì thực nói thì dễ mà làm vô cùng khó.

6.     Tương lai của bạn ở trong tay bạn, dù thế nào đi chăng nữa. Điều này có vẻ mâu thuẫn, nếu mọi chuyện đã được định sẵn, tại sao tương lai vẫn ở trong tay bạn? Có quan niệm cho rằng, quá khứ, hiện tại, tương lai không phải là một đường thẳng mà tồn tại cùng một lúc trong một chiều không gian. Thời gian chính là chiều không gian thứ tư. Để dễ hiểu hơn, có thể lấy ví dụ của bác sĩ Bruce Goldberg trong cuốn sách “Khám phá tiền kiếp và hậu kiếp”. Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên một chiếc trực thăng ở trên cao và nhìn xuống con đường cao tốc. Ở đầu này, đang kẹt xe. Ở phía rất xa ở đầu kia, bạn nhìn thấy những chiếc xe đang đi tới. Chiếc xe đó đã ở nơi xa hơn tầm mắt bạn, nó đang chạy trên đường và nó sẽ đi đến chỗ kẹt xe. Vậy thì trong khoảnh khắc quan sát đó, bạn đã thấy cả quá khứ, hiện tại, và tương lai của chiếc xe ấy. Trừu tượng hơn, nếu bạn có thể tách ra khỏi ba chiều không gian để quan sát chúng như cách mà ta đứng trên trực thăng nhìn con đường cao tốc trong ví dụ của Bruce Goldberg, ta sẽ hiểu thế nào là thời gian như một chiều không gian thứ tư. Dẫu thế, không có gì đảm bảo chiếc xe kia sẽ chạy thẳng đến chỗ kẹt xe. Nó có thể dừng lại, hoặc đổi hướng.Mỗi sự lựa chọn khác nhau sẽ tạo ra một tương lai khác nhau. Tương lai là một khả thể. Có một học thuyết về vũ trụ song song cho rằng, mỗi khi bạn băn khoăn trước những sự lựa chọn, thì mỗi sự lựa chọn ấy sẽ tạo ra một tương lai, tương lai đó thực sự hiện hữu và chúng tạo thành những vũ trụ song song. Ví dụ bạn băn khoăn giữa đi xem phim, đi ăn, đi học, và sau đó bạn chọn đi học, thì bạn sẽ đi tới tương lai là bạn ngồi trong lớp học, nhưng ngay lúc đó cũng sẽ có tương lai bạn đi xem phim, bạn đi ăn, diễn ra trong những thế giới song song. Điều này có nghĩa là, bạn chọn thế nào, tương lai của bạn sẽ thế ấy. Không thầy bói nào có thể lựa chọn thay được cho bạn, dẫu cho tất cả đã được định trước.

Và còn nhiều bài học nữa, tôi tin rằng bạn có thể tìm được khi đọc những cuốn sách này. Tôi vẫn luôn tin rằng, hiểu về cái chết là hiểu về sự sống. Và chính trong cái chết mà chúng ta  học được cách để an ủi mọi mất mát đau thương của cuộc sống này. Mình rất thích hai câu thơ trong “Truyện Kiều”:

“Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan”

Khi đi qua cánh cửa cái chết, mỗi linh hồn sẽ bước lên Vọng đài. Ở nơi đó, mọi khoảnh khắc cuộc đời vừa sống quanh trở lại, từng mặt người, từng kỉ niệm, hạnh phúc và khổ đau, hy vọng và tuyệt vọng, tất cả dần lấp lánh trở lại trong kí ức một lần cuối. Và sau đó, ta uống chén canh Mạnh Bà để quên đi tất cả và bước vào một cuộc hành trình mới. Ta đã học những điều cần học, và ta sẽ học được thêm những bài học mới.

Mình yêu biết bao cách bà Tú nghĩ về hai chữ “duyên”, “nợ” trong bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương. Dân gian nói nợ ba sinh. Vợ chồng ta là người là duyên nợ gắn bó với ta ba kiếp rồi đó. Để có duyên gặp mặt, ta ngoái đầu nhìn nhau năm trăm lần. Duyên vợ chồng gắn kết to lớn đến thế nào? Nên khổ đau hay hạnh phúc, thì trước hết vẫn là tình, là nghĩa. Tình nghĩa không phải để ta giày vò nhau giữa cõi đời này. Mà tình nghĩa đó trước hết, là để dù đau đớn hay hạnh phúc, vẫn nên trân trọng nhau nắm tay hoặc tiễn đưa nhau đi qua một đoạn đường.

Nhân sinh là thế đó, “Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” (Vịnh nhân sinh, Nguyễn Công Trứ), bất quá giữa vụ trụ vô cùng vô tận này cũng chỉ như que đóm tàn giữa đêm đen. Nhưng dù vậy, trong khoảnh khắc ngắn ngủi của nó, kiếp nhân sinh ấy quý giá vô ngần như vũ trụ. Ta gặp gỡ. Ta yêu thương. Ta học hỏi. Và ta lại tiến lên bước tiếp trên cuộc hành trình của mình, cho đến khi hoàn toàn trọn vẹn tìm thấy chính mình.

“Diệp phong một chiều lá cuốn
Địa đàng rơi lệ tiếc thương
Bình minh sau ngày khuất dấu
Nhân sinh rực rỡ nào lâu?”
(Robert Frost)
TRẦN LÊ DUY



Đăng nhận xét