Search Suggest

CẢM NHẬN VỀ NHÂN VẬT BÁC HỌA SĨ TRONG TRUYỆN NGẮN "LẶNG LẼ SA PA"


Đề bài:
Phải, người họa sĩ già vừa nói chuyện, tay vừa bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối. Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời. Ông thấy ngòi bút của ông bất lực trên từng chặng đường đi nhỏ của ông, nhưng nó như là một quả tim nữa của ông, hay chính là quả tim cũ được “đề cao” lên, do đó mà ông khát khao mà thêm yêu cuộc sống. Thế nhưng, đối với chính nhà họa sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc, gian nan. Làm một bức chân dung, phác họa như ông làm đây, hay rồi vẽ dầu, làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào để đặt chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào bức tranh đó? Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu hco sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài. Mặc dù vậy, ông đã chấp nhận thử thách. […]
Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển, cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người. Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng.
(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa, SGK Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục năm 2006)
Cảm nhận của em về nhân vật bác họa sĩ trong đoạn trích trên.



BÀI LÀM

“Ai bảo dính vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong”
(Nguyễn Bính)

Sống và viết – đó là hành trình khổ cực mà vĩ đại của người nghệ sĩ. Để một tác phẩm thành hình và ra đời, người nghệ sĩ phải trả giá bằng máu huyết và bằng chính cuộc đời mình, như con trai ôm ấp bao đau đớn mà dâng hiến hạt ngọc quý cho đời. Phải chăng trong cuộc hành trình ấy, niềm hạnh phúc lớn lao nhất chính là tìm được cho mình nguồn cảm hứng sáng tạo – nguồn cảm hứng bắt mạch từ chính cuộc sống mênh mông rộng lớn? Những tâm sự về nghệ thuật và cuộc sống ấy đã được Nguyễn Thành Long gửi gắm qua hình tượng nhân vật bác họa sĩ, một nhân vật độc đáo trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”.

Nguyễn Thành Long viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp, chuyên viết truyện ngắn và kí. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè 1970 của tác giả. Truyện trích trong tập “Giữa trong xanh” in năm 1972. Nhan đề truyện ngắn gợi nhắc đến bức tranh thiên nhiên Sa Pa vừa thơ mộng, lãng mạn, nhưng vừa tĩnh lặng, trầm buồn. Nhan đề còn gợi nhắc đến những con người lao động bình dị, âm thầm cống hiến nơi mảnh đất Sa Pa nói riêng và trên đất nước Việt Nam nói chung. Từ đó, nhan đề đề cao vẻ đep của người lao động và khẳng định ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” có một cốt truyện khá đơn giản. Trên chiếc xe từ Lào Cai lên Sa Pa, qua sự giới thiệu của bác lái xe, ông họa sĩ già và cô kĩ sư nông nghiệp làm quen với anh thanh niên 26 tuổi đang công tác một mình trên đỉnh Yên Sơn 2600 mét. Anh mời họ lên thăm nhà và dùng nước. Anh thanh niên tặng hoa cho khách, tự giới thiệu về công việc của mình: đo nắng, đo mưa, tính gió, tính mây, ngày báo 4 lần mà gian khổ nhất là lúc một giờ sáng. Công việc của anh nói chung là thầm lặng nhưng anh đã xác định được vai trò của mình, biết sắp xếp cuộc sống để yên tâm công tác. Anh lại rất khiêm tốn giới thiệu với ông họa sĩ những người khác xứng đáng hơn anh. Đến lúc phải chia tay, ông họa sĩ hẹn ngày quay lại, anh thanh niên lấy li do sắp đến giờ “ốp” không tiễn khách, mà chỉ tặng trứng gà cho khách ăn dọc đường. Anh đã mang lại những ý nghĩ tốt đẹp cho ông họa sĩ và cô kĩ sư.

Đoạn trích ghi lại những cảm nhận của bác họa sĩ trong cuộc trò truyện với anh thanh niên, từ đó cho thấy những quan niệm sâu sắc của bác họa sĩ về nghệ thuật và cuộc đời.

Bác họa sĩ là một người yêu nghề, có những quan niệm nghệ thuật đúng đắn.Trong cuộc hành trình đến Sa Pa, mục đích của bác họa sĩ là tìm kiếm cho mình một nguồn cảm hứng sáng tạo. Duyên kì ngộ giữa ông và anh thanh niên đã thắp lên ngọn lửa cảm hứng ấy. Cho nên, khi trò chuyện với anh thanh niên, ông “bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối”. Đó là thứ cảm hứng bất chợt, nhưng mãnh liệt và rất tự nhiên. Chính những vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên hiện ra qua lời tâm tình chân thành của anh đã khơi dậy mạch nguồn nghệ thuật nơi người họa sĩ.

Bác họa sĩ hiểu rõ mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: “ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời.” “Ông thấy ngòi bút của ông bất lực trên từng chặng đường đi nhỏ của ông”. Phép ẩn dụ “hành trình vĩ đại của cuộc đời”đã khái quát được tầm vóc lớn lao vô tận của hiện thực cuộc sống. Quả đúng như vậy, dù nghệ thuật có vẻ đẹp lung linh huyền ảo riêng của nó, thì nghệ thuật cũng bắt đầu từ cuộc đời và phải hướng tới cuộc đời, tác phẩm nghệ thuật có thể hoàn tất nhưng cuộc đời thì luôn tiếp diễn, cho nên có những lúc nghệ thuật không thể phản ánh hết cuộc sống, có những vẻ đẹp của cuộc sống nghệ thuật không thể truyền tải trọn vẹn. Và chính khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc sống ấy là một sự thử thách gian nan đối với bất kì người nghệ sĩ chân chính nào. Đối với cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời, thì sự sáng tạo của người nghệ sĩ đôi khi cũng chỉ là “từng chặng đường đi nhỏ” nhưng đầy thử thách.

Nhưng một khi dám dũng cảm dấn thân trên con đường nhiều chông gai ấy, tâm hồn người nghệ sĩ sẽ trở nên cao đẹp hơn. Bác họa sĩ nhận ra con đường nghệ thuật “như là một quả tim nữa của ông”. Đây là phép so sánh đặc sắc, nghệ thuật giống như một thứ ánh sáng thần kì khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ trở nên mới mẻ hơn, phong phú hơn như một vườn hoa đầy hương sắc. Đồng thời, con đường nghệ thuật ấy cũng là “quả tim cũ được ‘đề cao’ lên”. Ngọn lửa thử vàng của nghệ thuật sẽ giúp chất vàng mười trong trái tim người nghệ sĩ hé lộ và chói ngời.

Có thể thấy, sự nhận thức sâu sắc và đúng đắn về nghệ thuật chính là biểu hiện của một người nghệ sĩ chân chính, giàu tâm huyết với nghề. Bởi lẽ, con đường nghệ thuật “nặng nhọc, gian nan” vì từng tác phẩm nghệ thuật cần phải chuyên chở tâm huyết của người nghệ sĩ. Điều đó thể hiện qua một loạt câu hỏi như giày vò tâm trí người họa sĩ:  “Làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu anh ta, mà không phải hiểu như một ánh sao xa? Và làm thế nào để đặt được chính tấm lòng người họa sĩ vào bức tranh đó?”. Các câu hỏi vang lên như tiếng gọi của lương tâm người nghệ sĩ, nó vừa truyền tải thông điệp về thiên chức của người nghệ sĩ với cuộc đời, đồng thời nó cũng truyền tải thông điệp về sứ mệnh của hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung: cần phải khơi phá được những vẻ đẹp của cuộc sống, cần phải khiến những vẻ đẹp ấy chạm được vào trái tim công chúng, khiến vẻ đẹp ấy thật gần gũi để có thể cộng hưởng với tâm hồn mọi người để cái đẹp cứ thể nảy nở, sinh sôi trong cuộc sống.

Vẻ đẹp ấy cụ thể trong trường hợp này chính là anh thanh niên, một chàng trai đáng yêu say mê lý tưởng. Bác họa sĩ muốn mọi người hiểu được anh, yêu mến anh và cảm thấy anh gần gũi, chứ không phải chỉ đơn thuần ngưỡng vọng anh như một “ngôi sao xa”. Hình ảnh “ngôi sao xa”  có tính chất biểu tượng, nó xuất hiện hai lần trong tác phẩm. Lần thứ nhất, ở đầu tác phẩm, hình ảnh ngôi sao xa hiện lên qua lời nói của anh thanh niên gợi tới một vẻ đẹp khiêm nhường, lẻ loi nhưng cao quý. Cho nên, nguyện vọng của bác họa sĩ muốn vẽ bức chân dung của anh thanh niên để người xem không hiểu anh “như một ngôi sao xa” mang mong muốn khiến cho ánh sao lẻ loi, cô độc ấy được thấu hiểu, giúp người xem hiểu hơn về anh thanh niên, về công việc và lý tưởng của anh, từ đó trân trọng, quý mến anh. Bác họa sĩ muốn làm cho ánh sao xa xôi ấy trở nên thật gần gũi và ánh sáng lấp lánh của nó có chạm tới trái tim mọi người. Tức là, khiến cho những việc tốt, những suy nghĩ đẹp, lý tưởng sống cao cả của anh dễ được mọi người đồng cảm, noi theo và nhân rộng trong cuộc sống. Phải chăng mục đích vẽ tranh của bác họa sĩ cũng chính là mục đích của nhà văn Nguyễn Thành Long khi sáng tác nên thiên truyện ngắn đầy chất thơ này?

Những suy tư trăn trở ấy đã khơi dậy những xúc cảm trong tâm hồn bác họa sĩ. Câu cảm thán “Chao ôi!” cất lên như một sự xúc động, như một sự vui mừng. Bởi lẽ ông đã tìm được nguồn cảm hứng sáng tác mà ông cho là “hãn hữu” và cũng nhận ra rằng để đi hết con đường nghệ thuật ấy không phải là dễ dàng. Thế nhưng, ông “đã chấp nhận sự thử thách”. Thái độ mạnh mẽ, quyết tâm ấy thể hiện một tình yêu tha thiết với nghề và một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, đáng quý trọng.

 Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Người nghệ sĩ có quan niệm nghệ thuật đúng đắn sâu sắc, cũng là một người từng trải, có những nghiêm nghiệm sống sâu sắc Khi vẽ bức chân dung anh thanh niên, đồng thời bác họa sĩ cũng nhận ra những ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Người thanh niên ấy để lại ấn tượng tốt trong lòng ông, ông nhận ra “người con trai ấy đáng yêu thật”, nhưng đồng thời lại khiến ông “nhọc quá”bởi những suy nghĩ trăn trở mà anh gợi ra trong tâm hồn ông. Những vẻ đẹp của anh thanh niên được nhà văn Nguyễn Thành Long khéo léo xây dựng trên hình thức cuộc đối thoại, cho nên những góc nhìn khác nhau những, tư tưởng khác nhau, “những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh”“những điều anh suy nghĩ” cứ soi chiếu, cộng hưởng với nhau làm nên những trăn trở, suy tư về cuộc đời trong bác họa sĩ. Câu văn: “Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển, cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người” tuôn dài miên man đầy chất thơ. Nó gợi tới hoàn cảnh làm việc “cô độc nhất thế gian”, một mình lẻ loi trên đỉnh Yên Sơn của anh thanh niên. Đồng thời, nó cũng khiến ta nhớ lại những suy tư xúc động, đầy ý nghĩa của anh về công việc, về trách nhiệm, về lý tưởng: “Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”, “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc”. Con người chỉ có thể sống có ý nghĩa khi biết cống hiến, khi chan hòa với cộng đồng, khi biết góp sức xây dựng quê hương.

Những bài học cuộc sống giản dị mà sâu sắc ấy lại được nói ra bởi một người trẻ tuổi như anh thanh niên, chính điều ấy đã khiến bác họa sĩ xúc động mạnh. Ông đúc kết ra một chân lý: “Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng”. Anh thanh niên trở thành những âm vang trong lặng lẽ, gọi thức những suy nghĩ đúng đắn, tốt đẹp không chỉ trong tâm hồn cô kĩ sư trẻ, mà ngay cả trong tâm trí bác họa sĩ già, từng trải.

Đại thi hào Nguyễn Du từng tâm niệm: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, đó là một định nghĩa đúng đắn về người nghệ sĩ. Và định nghĩa ấy cũng đúng với bác họa sĩ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Qua đoạn trích trên, ta nhận ra được ở bác họa sĩ sự trăn trở và tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật và một tấm lòng nhân hậu, yêu con người, yêu cuộc sống.

Qua nhân vật bác họa sĩ, Nguyễn Thành Long truyền tải những triết lý sâu sắc về cuộc đời và nghệ thuật:

Nghệ thuật là một cuộc dấn thân phải trả giá bằng máu huyết, nhưng một khi người nghệ sĩ chân chính có can đảm theo đuổi cuộc hành trình ấy, tâm hồn anh ta sẽ được tôi luyện để trở nên phong phú hơn, cao đẹp hơn. Phải chăng ý nghĩa tồn tại thật sự của hai tiếng nghệ-sĩ cũng chính là cuộc hành trình vĩ đại ấy?

Những hành động đẹp, những suy nghĩ đẹp, những tình cảm đẹp luôn có sức lan tỏa trong cuộc sống, nó như một thứ ánh sáng dịu dàng ấm áp gọi thức những đóa hoa đẹp trong tâm hồn mọi người.

Hình tượng nhân vật bác họa sĩ được xây dựng bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, xây dựng tính cách nhân vật chủ yếu qua độc thoại nội tâm. Câu chuyện được kể qua góc nhìn của bác họa sĩ, và do vậy nhà văn có thể nắm bắt được những chi tiết đặc sắc giàu sức gợi thông qua quan sát tinh tường của nhân vật. Ngôn ngữ truyện ngắn đậm chất thơ, với những câu văn giàu nhạc điệu và những hình ảnh có tính chất biểu tượng “gợi những chiều sâu chưa nói hết”. Cách kết cấu hệ thống nhân vật của Nguyễn Thành Long rất đặc sắc, qua góc nhìn của bác họa sĩ nhà văn đã làm bật lên vẻ đẹp của nhân vật trung tâm là anh thanh niên, đồng thời vẫn xây dựng nhân vật bác họa sĩ thật sống động, có cá tính và suy nghĩ riêng, chứ không phải chỉ là một bức nền vô hồn tôn vinh nhân vật chính.

Một trang văn in bóng một cuộc đời, mỗi nhân vật hằn in tâm tình người nghệ sĩ. Phải chăng Nguyễn Thành Long đã âm thầm gửi gắm tâm huyết nghệ thuật một đời mình vào hình tượng bác họa sĩ, một người họa sĩ đã dấn thân và không ngừng dấn thân trên cuộc hành trình nghệ thuật đầy khổ nhọc mà cũng đầy vinh quang?

THẦY TRẦN LÊ DUY



THÔNG BÁO CHIÊU SINH
LỚP VĂN 9 VÀ 11
NĂM HỌC 2019 - 2020
ĐỊA ĐIỂM: QUẬN TÂN BÌNH (TP. HỒ CHÍ MINH)




Đăng nhận xét