Search Suggest

CẢM THỨC SINH THÁI TRONG HOÀI NIỆM SÓI CỦA GIẢ BÌNH AO



NGUYỄN THỊ NGÀ(*)

Trung Quốc là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại với nền văn học phát triển phong phú, đa dạng và có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Đặc biệt sau cuộc cách mạng văn hóa năm 1978, văn học Trung Quốc phát triển mạnh mẽ theo xu hướng “Song bách” – trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, nhiều nhà văn xuất hiện với phong cách sáng tạo độc đáo. Trong đội ngũ “năm thế hệ nhà văn Trung Hoa”, Giả Bình Ao là một trong những tác giả gây ấn tượng nổi bật trên văn đàn đương đại Trung Quốc và thế giới. Ông là một trong số ít những nhà văn sáng tác thành công ở cả ba thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn. Trong đó, “các sáng tác tiểu thuyết của ông đối với lịch sử văn học thời kỳ mới chính là sự tồn tại độc đáo và phức tạp trên văn đàn”[1], là lĩnh vực ông thành công hơn cả.
Tiểu thuyết Hoài niệm sói (xuất bản tại Trung Quốc năm 2000) được chính tác giả cho là “Tác phẩm tự mình thấy mãn nguyện nhất”[2]. Năm 2003, Hoài niệm sói được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam (Vũ Công Hoan dịch, Nhà xuất bản Văn học phát hành). Hoài niệm sói - với những câu chuyện ly kỳ và những ý tưởng phong phú, sớm được coi là “ghi chép về thợ săn” ở bản Thương Châu. Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện về quá trình tìm kiếm sói, đan xen những đồn đại đầy màu sắc huyền bí, đã thể hiện toàn diện cuộc đọ sức giữa sinh và tử, thiện và ác, đúng và sai, ngoan ngoãn và tàn bạo của người và sói đã trải qua trong hiện thực và lịch sử Thương Châu. Xét trên tổng thể, mối quan hệ giữa sói và người đã trở thành ngọn nguồn ý nghĩa của tiểu thuyết.
Giả Bình Ao là tác giả của những trang viết nổi tiếng về vùng đất Thương Châu - cái nôi của nền văn hóa Tần Hán với những truyền thống lâu bền hàng ngàn năm trong lịch sử Trung Hoa. Các tác phẩm của Giả Bình Ao hầu như đều gắn bó với căn cứ địa Thương Châu[3], như liên đới với nhau, nhưng cách nhìn và cảm thức của nhà văn luôn đổi mới. Thời kì trước Nôn nóng, cuộc sống, con người Thương Châu hiện lên trong tác phẩm của Giả Bình Ao thường là chuỗi hình ảnh vừa đẹp vừa sáng, với những phong tục dân tộc mang phong cách cổ xưa, như một “bồng lai tiên cảnh” hài hòa và tốt đẹp. Cái nhìn thẩm mỹ của ông đã tái hiện một Thương Châu trong mộng tưởng với diện mạo, cảnh quan địa lý, những di vật lịch sử, những nét đẹp của văn hóa dân tộc. Ở những tác phẩm này, cũng có lúc ngòi bút của ông chạm vào những hiện tượng gồ ghề, nhưng rất ít khi đề cập đến vấn đề mâu thuẫn xã hội căng thẳng và xung đột văn hóa không tương hợp. Ở Nôn nóng, viết về những người từ Thương Châu đi ra thành thị, sự hài hòa và yên tĩnh đã bị phá vỡ do tác động của cải cách xã hội, làm xuất hiện những biểu hiện xung đột giữa thành thị và nông thôn. Nôn nóng, đúng như cái tên của nó - chính là sự háo hức điển hình trong thời kỳ chuyển mình của lịch sử. Đến Phế đôBạch dạ, nội dung chủ yếu đã là sự xung đột văn hóa. Các nhân vật chính Trang Chi Điệp và Dạ Lang không thể trở thành nhân vật chiến thắng trong sự xung đột đó, đã rơi vào tuyệt vọng để rồi cuối cùng đều ra đi trong sự sụp đổ tinh thần. Ở Thổ môn, tác giả muốn xây dựng sự hòa thuận lí tưởng của “nông thôn trong thành thị”, nhưng đó chỉ có thể là xã hội không tưởng, sự thất lạc trong quê hương vẫn là chủ đề chính và xuyên suốt của tác phẩm. Đến Cao Lão trang, nhân vật chính Tử Đường tiến hành một chuyến đi tìm về cội nguồn của quê hương, mong muốn xây dựng lại một mô hình văn hóa lý tưởng, nhưng sau cùng vẫn chỉ là sự tháo chạy về thành phố. Hoài niệm sói gần như là sự kế thừa, tiếp nối chủ đề này. Thương Châu trong Hoài niệm sói đã bị lỗ chỗ thương tích bởi những xung đột của văn minh hiện đại và những ham muốn hưởng thụ vật chất tầm thường. Cuộc sống thành phố ồn ào tấp nập mang đến cho Tử Minh những xấu xa và tê liệt, vô cùng buồn chán, trong sinh mệnh đầy những hư ảo. Thành phố ồn ào, huyên náo đã làm anh dần dần mất đi hứng thú với cuộc sống và cảm xúc mãnh liệt trong sáng tác. Vì vậy, anh bắt đầu nhớ về Thương Châu, hoài niệm về sói. Anh từ Tây Kinh về Thương Châu, cố gắng tìm một chút hứng thú mãnh liệt trong cuộc sống từ sinh mệnh hoang dã bừng bừng của sói. Có thể nói, trước đây Giả Bình Ao thông qua đủ sắc màu xanh, đỏ, tím vàng, đen, trắng để thể hiện trạng thái tồn tại của con người trong mỗi tác phẩm, thì Hoài niệm sói chính là sự tổng hợp và dung hòa của những sắc màu đó thành một thể thống nhất để nhìn thấu sự sinh tồn của con người, thể hiện tầm tư duy triết học sâu sắc và khái quát của Giả Bình Ao.
Hoài niệm sói là những suy tư của tác giả về vấn đề bản thể sinh mệnh, gắn với những cảm nhận sự suy thoái những tương quan đối kháng trong bản năng sinh mệnh. Ông cho rằng, một khi bản thể sinh mệnh mất đi đối tượng mang tính đối kháng trong môi trường sinh thái, bản thể sẽ phát sinh biến dị, sẽ mất đi sức sống. Ở phần cuối tiểu thuyết, tiếng kêu “Tôi cần sói” không chỉ là tiếng kêu của Tử Minh, mà là sự cộng hưởng nhu cầu khẩn thiết của cả một thành phố, hơn nữa, của cả một thời đại. Có thể nói, những suy xét trong Hoài niệm sói về sự tồn tại giữa người và sói không còn giới hạn trong một khu vực, một dân tộc, một thời đại nữa, mà là mối quan hệ giữa nhân loại và môi trường tự nhiên trên toàn thế giới. Trong toàn bộ những tác phẩm viết về Thương Châu, đây là lần đầu tiên Giả Bình Ao bày tỏ nỗi âu lo của mình đối với văn hóa Thương Châu, và rộng sâu hơn là nỗi âu lo đối với sự sinh tồn của sinh mệnh con người. Như vậy, sự đối kháng giữa người và sói trên thực tế là vấn đề về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Trên tầng ý nghĩa này, rất nhiều nhà nghiên cứu đã giải thích Hoài niệm sói với ý thức luân lí sinh thái hoặc trong quan niệm “thiên nhân hợp nhất” đã có từ lâu trong truyền thống Trung Quốc.
Trước hết, suy tư của tác giả về sự sinh tồn của con người bắt nguồn từ trải nghiệm cuộc sống thời đại, và chính bản thể sinh mệnh của nhà văn. Giả Bình Ao thổ lộ: “Sau bốn mươi lăm tuổi, tôi có cảm giác càng ngày càng sợ hãi thế giới này, tôi cũng không rõ là bởi vì tuổi cao, hay là do đọc nhiều bài báo tin tức về chiến tranh, sự hủy diệt và thành quả khoa học kĩ thuật cao”[4]. Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật hiện đại, con người không ngừng lợi dụng, cải tạo và chinh phục tự nhiên. Trong quá trình đó, một mặt con người tạo cho mình môi trường sinh tồn thoải mái hơn, mặt khác lại đang phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh tồn. Ngày càng cảm thấy “sợ hãi” với thực trạng này, Giả Bình Ao không thể không suy xét vấn đề sinh tồn của con người trong các mối quan hệ con người và tự nhiên, con người và xã hội, con người với con người... Hoài niệm sói như muốn chia sẻ cùng bạn đọc: trong quá trình văn minh hóa cao độ của con người, sinh mệnh tự nhiên đang ngày càng bị thoái hóa. Câu chuyện về cái chết của gấu mèo lớn hơn một trăm kilogam và đứa con mới chào đời nặng chỉ khoảng mười gram có thể được coi là hình ảnh ẩn dụ về sinh mệnh con người. Con người luôn kiềm chế sự phát triển của tự nhiên đã tạo nên sự phá hoại môi trường sinh tồn. Gấu mèo lớn hiện tại có lẽ chính là hình ảnh trong tương lai của con người.
Sự sợ hãi và nghi hoặc đến từ bản thể sinh mệnh là nguyên do nội tại khiến ông nảy ra sự suy xét đối với vấn đề tồn tại của con người. Với cuốn tiểu thuyết này, người đọc có thể cảm nhận được sự ôn hòa của nhân sinh, nhưng cũng có thể thấy được sự đối kháng của sinh mệnh. Trong sự đối kháng của sinh mệnh, con người có thể thực hiện giá trị bản thân, có thể ngày càng hoàn thiện và vượt lên. Nhưng, trong quá trình văn minh văn hóa phát triển tốc độ cao, sức sống tự nhiên bị suy thoái. Trả lời phỏng vấn về Hoài niệm i, Giả Bình Ao giãi bày: “Con người trở thành người trong cuộc đấu tranh với sói, sự biến mất của sói khiến con người rơi vào hoảng loạn, cô đơn, yếu đuối và hèn hạ, và vẫn rơi vào cảnh chết chóc. Hoài niệm sói là hoài niệm sinh mệnh dồi dào, hoài niệm anh hùng, hoài niệm sự cân bằng trên thế giới”[5]. Trong Hoài niệm sói, người và sói đang ở trong một tình huống nghịch lý: một mặt con người vì tồn tại mà không thể không săn bắt sói; mặt khác, săn giết quá độ khiến con người mất đi mặt đối lập của sinh mệnh, cuối cùng con người mất đi ý nghĩa tồn tại của bản thân. Khi săn bắt sói, sứ mệnh sinh tồn của Phó Sơn và đội săn bắt sói của anh mới được thể hiện trọn vẹn, họ mới trở thành anh hùng. Đến khi không còn sói để họ săn bắt, mỗi sinh mệnh của họ lại bắt đầu bị thoái hóa. Sau khi dân thôn Hùng Nhĩ Xuyên hầu như điên cuồng giết đi những con sói còn sót lại, họ bắt đầu chuyển hóa thành mặt đối lập của chính mình, biến thành “người sói”. Theo Giả Bình Ao, con người bắt buộc phải dựa vào mặt đối lập mà tồn tại, con người dựa vào chiến thắng mặt đối lập để thực hiện giá trị của bản thân và duy trì cảm xúc mạnh mẽ của sinh mệnh. Sói, với tư cách là mặt đối lập với con người, sức mạnh và sự ngoan cường của nó làm con người kinh ngạc. Ý chí kiên cường và tư thế mạnh mẽ của chúng hoàn toàn trái ngược với sự mềm yếu của cơ thể và tâm trí con người đương đại. Kiểu tương phản này mang ý nghĩa biểu tượng cho người và sói trong tiểu thuyết, giữa người và sói chỉ có thể là mặt đối lập mới có thể tồn tại. Vì vậy, tác giả nói rằng bản thân nhớ về sói thực chất là đang nhớ về sức sống sinh mệnh tràn trề của con người. Sự phá vỡ mô hình hài hòa của thế giới làm cho ngày càng nhiều loài và nhiều tài nguyên biến mất vĩnh viễn khỏi trái đất. Tuy nhiên, tất cả các loài tự nhiên là một cấu trúc chuỗi, và khi bị đứt đoạn, toàn bộ cấu trúc sẽ bị mất đi sự cân bằng. Động vật không còn nữa, con người cũng không thể cô lập sinh sống trên trái đất, sói bị hủy diệt rồi, tiếp theo là con người gặp tai họa. Xét trên ý nghĩa này, kết thúc vận mệnh mang tính bi kịch này của sói thực ra chính là sự bắt đầu vận mệnh mang tính bi kịch của con người. Một số những hiện tượng như phát bệnh điên dại, mọc lông đầy người, người biến thành sói, v.v.. mặc dù chỉ là một ý tượng thần bí mang tính văn học nhưng nội hàm lại là những ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.
Chỉ ra sự thoái hóa không ngừng của sinh mệnh trong quá trình văn minh hóa cao độ chính là chủ đề quan trọng thường thấy trong tiểu thuyết của Giả Bình Ao những năm 90 của thế kỉ trước. Giả Bình Ao là một nhà văn “nông nghiệp” điển hình, nhiều năm sinh sống ở thành thị không chỉ khiến ông không thể hòa nhập với cuộc sống thành thị, thậm chí ông còn có thái độ bài xích mạnh mẽ đối với văn minh hiện đại. Ông thiên về những thứ như văn minh thuộc nơi thôn quê, lực lượng mang tính hoang dã, sức sống dồi dào... Trong Phế đô, Trang Chi Điệp chính là điển hình cho cuộc sống khó khăn bế tắc trong hiện đại, là hình tượng người trí thức thành phố bị tha hóa sức sống, anh đã thử thông qua tình dục tiến hành tự mình cứu vãn chính mình và xác nhận lại thân phận, hồi phục tình cảm mãnh liệt của cuộc sống và sinh mệnh của mình, nhưng cuối cùng vẫn trầm luân trong suy sụp tinh thần. Đến Hoài niệm sói, những lo nghĩ đó đã tiến thêm một bước đột phá rõ ràng, tác giả triển khai sắp xếp nhân vật và tình tiết câu chuyện đều quay quanh chủ đề này, nhưng là sự tuyệt vọng sâu sắc hơn.
Ý thức luân lí sinh thái là ý thức triết học lấy môi trường sinh thái làm trung tâm. Nó dựa trên cơ sở về tính phản tư phê phán chủ nghĩa nhân loại trung tâm lấy văn minh công nghiệp và lí tính khoa học kĩ thuật làm hạt nhân. Đề xuất tôn trọng chỉnh thể sinh thái cùng tồn tại hài hòa giữa con người và tự nhiên, ý thức luân lý sinh thái là cơ sở lý luận của văn học sinh thái thế kỉ 20. Quan niệm này cho rằng, vạn vật tự nhiên là một chỉnh thể sinh mệnh, lợi ích của chỉnh thể là trên hết, giữa các loài trong hệ thống sinh thái đều có mối quan hệ chặt chẽ, việc phá vỡ bất kỳ một sự liên kết nào sẽ dẫn đến sự hỗn loạn và rối loại của chỉnh thể. “Các bộ phận đều có ý nghĩa của chúng trong chỉnh thể. Mỗi bộ phận đặc định đều dựa vào hoàn cảnh của chỉnh thể đồng thời do nó quyết định”[6]. Quan niệm chỉnh thể này không coi mỗi loại bộ phận trong nội bộ chỉnh thể là trung tâm của chỉnh thể; con người cũng không phải là ‘trung tâm’, mà chỉ là một bộ phận của chỉnh thể. Hoài niệm sói lấy Thương Châu làm không gian địa lý văn hóa, lấy mối quan hệ giữa người và sói tạo thành một khuôn khổ ngụ ngôn của tượng trưng chỉnh thể, biểu hiện tư duy triết học của nhà văn đối với mối quan hệ giữa người và tự nhiên, từ đó truyền tải một ý thức luân lí sinh thái rõ rệt.
Người và sói có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, tương khắc tương sinh, cả hai cùng dựa vào nhau giống như một chỉnh thể sinh mệnh. Mối quan hệ giữa người và sói phản ánh mối quan hệ giữa tự nhiên và con người. Người và sói đều là bộ phận cấu thành của hệ thống sinh thái, lợi ích chỉnh thể cao hơn lợi ích bộ phận. Bất kỳ cái gì tách khỏi hệ thống sinh thái chỉnh thể đều khó duy trì được sức sống cơ bản và sự phát triển lâu dài. Nhưng người ở Thương Châu từ lâu đã xem “con người” là trung tâm và coi sói là kẻ đối lập, liên tục tiến hành truy sát chúng. Đoạn kết của tiểu thuyết, mười lăm con sói đều đã bị giết, Phó Sơn biến thành người sói, tất cả những người ở Hùng Nhĩ Xuyên điên cuồng giết sói đều biến thành người sói. Đây chính là hình tượng mang chiều sâu triết lý về sự báo ứng của hệ thống sinh thái đối với con người. Trong thế giới cùng cấu thành chủ khách thể này, con người là chủ thể, sói là khách thể nhưng hiện tại sói đã không còn tồn tại, cũng có nghĩa là con người mất đi khách thể và đối tượng, tính chủ thể tự nhiên của con người cũng không tồn tại. Hiện tượng thần bí người sói xuất hiện không phải là sự hư cấu “thiên mã hành không” của nhà văn, mà có căn cứ triết lý sâu sắc. Từ đây, chúng ta có thể hiểu rõ hơn một quy luật phổ biến của tự nhiên: con người không phải là chúa tể của tự nhiên và vạn vật, mà chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi móc xích tự nhiên, càng không thể dùng phương thức hủy diệt phía đối kháng để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối của bản thân, mà thay vào đó họ nên cùng tồn tại bình đẳng hài hòa với tự nhiên. Phó Sơn đã cố gắng chinh phục và vượt lên trên những con sói, nhìn bề ngoài anh ta đã thành công, nhưng anh ta hoàn toàn chưa trở thành kẻ chiến thắng cuối cùng, bởi vì anh ta chưa nhận ra mối quan hệ giữa bản thân mình và sói cũng như vị trí của con người trong tự nhiên.
Dưới con mắt Giả Bình Ao, sói là đối tượng của con người và có địa vị ngang bằng với con người. Sói và người giống nhau, cùng có sinh mệnh, có sức mạnh và cảm xúc mãnh liệt. Chúng có quyền được tồn tại, đồng thời có quyền lựa chọn không gian sống và cách thức sinh tồn. Sói tồn tại là bởi chúng là mặt đối lập của con người, cũng chính là trong cuộc đấu tranh với người, sẽ biểu hiện ra sức sống hoang dã của chúng. Thợ săn không có sói thì sinh bệnh, thậm chí bị chết, sói không có thợ săn cũng trở nên yếu ớt không có khả năng thậm chí không có hứng thú tồn tại. Như lời người đạo sĩ già nói: “Bây giờ các anh không săn sói, không bắn sói nữa, song bản thân nó lại suy sụp hay sao ấy”. Dường như sói chỉ có thể bảo vệ được sức mạnh của mình khi đấu tranh với con người, khi đó chúng mới thể hiện được giá trị của bản thân. Khi sói cảm thấy sinh mệnh không còn ý nghĩa, cho dù con người không giết chúng, chúng cũng sẽ tự sát. Trên hành trình chuyến đi của thợ săn để bảo vệ những con sói còn sót lại, sói lại luôn chủ động khiêu khích thợ săn, các địa điểm thợ săn đi qua đều có sự ẩn hiện của sói. Hành động này của sói có thể hiểu là ánh sáng phản chiếu sức sống của chúng, cũng có thể hiểu là hành động tự sát tập thể của sói. Trong quá trình tranh giành không gian sinh tồn với con người, chúng đã bị tổn thất nặng nề, chúng phải trả giá bằng sinh mệnh đồng loại, cũng là để dành cho con người sự báo thù nặng nề nhất. Con người tự tay tạo ra tai họa, sau cùng tai hoạ lại rơi lên đầu của chính mình, con người trở thành tay sát thủ hủy diệt chính mình. Khi thực sự ý thức được kết cục thảm hại này, con người bắt đầu hoài niệm đến những con sói đã từng là kẻ thù mấy đời với mình.
Ý thức luân lí sinh thái của Hoài niệm sói còn biểu hiện trong quan niệm “bình đẳng chúng sinh”. Luân lí sinh thái cho rằng hệ thống sinh mệnh là bình đẳng, đòi hỏi con người thừa nhận và tôn trọng quyền sinh tồn và phát triển của vạn vật trong tự nhiên. “Nguyên tắc bình đẳng của sinh thái học bề sâu có tính cao xa của “bình đẳng chúng sinh”, tất cả sinh mệnh và tồn tại đều có giá trị nội tại không thể tước đoạt, không thể thay thế. Con người không cao hơn bất kì chủng vật nào, mà chỉ là một bộ phận bình đẳng trong hệ thống sinh thái. Nó kiên quyết chống lại lập trường chủ nghĩa nhân loại trung tâm chỉ xuất phát từ lợi ích của nhân loại bóc lột tự nhiên”[7]. Ý thức luân lí sinh thái tuy hình thành hệ thống giá trị trong triết học phương Tây hiện đại, nhưng ý thức ấy vốn đã trở thành chủ đề chính trong triết học cổ phương Đông, với nhiều biểu hiện phong phú, như các thuyết “thiên nhân hợp nhất” của Nho gia, “vật cách bình đẳng” của Đạo gia, “sinh mệnh luân hồi” của Phật giáo cùng với “vạn vật hữu linh” của tín ngưỡng nguyên thủy Trung Hoa... Những quan niệm “vạn vật hữu linh” trong tín ngưỡng nguyên thủy và “thiên nhân hợp nhất” trong triết học cổ đại Trung Quốc đã ảnh hưởng rất nhiều đến triết học thẩm mỹ của Giả Bình Ao. Đặc biệt, hứng thú với thuyết “vạn vật hữu linh”, ông có sở thích đặc biệt với văn hóa thần bí dân gian. Ông đã bộc lộ trong tác phẩm: “Linh hồn tùy theo vạn vật mà ban hình để ra đời. Con người tuy là tinh hoa của vạn vật, nhưng xét từ ý nghĩa của sự sống thì bất kỳ động vật, thực vật và con người nào cũng chung sống bình đẳng”. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, “Tự nhiên cũng là yếu tố quan trọng của sinh thái tinh thần. Tự nhiên là cái gốc của sự sống... Những ai chỉ nhìn tự nhiên như khách thể nhận thức, mà không sống với tự nhiên sẽ không bao giờ hiểu được cái bí ẩn của tự nhiên cùng những thi vị, mĩ cảm của tự nhiên... Chủ nghĩa lí tính, chủ nghĩa khoa học là tác nhân khiến cho thế giới tinh thần mất cân bằng. Người Trung Quốc nhìn thấy trong tư tưởng thiên nhân hợp nhất thời cổ đại một mô hình sinh thái tinh thần. Người và thiên nhiên có một quan hệ cảm ứng” [8]. TrongHoài niệm sói, điều này được biểu hiện qua các hình tượng sự vật huyền bí hay hoang đường siêu thực. Chẳng hạn, lão Tuyền trong thôn do háu ăn đã ăn phải một quả táo dính oan hồn của Vương Sinh lại có thể bị hạt táo làm cho tắc trực tràng gần như bỏ mạng. Chẳng hạn, miếng da sói thần bí mà Phó Sơn thường mang theo người, hễ gặp phải chuyện lớn là có cảm ứng, thậm chí có thể sát hại Quách Tài khi anh ăn trộm da sói mang về nhà: “Tối đến, hắn đắp da sói lên người, nhưng da sói đã cuốn chặt hắn, da sói gặp nóng co lại, càng co càng chặt, dường như bó hắn sắp ngạt thở, vợ hắn đã lấy dao rạch ra từng mảnh mới giải thoát được. Nhưng từ đó trên người hắn bị phồng rộp thành những bong bóng máu, không dậy được, sang ngày thứ ba từ trên giường lò hắn bò xuống, đầu đâm xuống đất chết luôn”. Không ít những hình ảnh huyền bí xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân Thương Châu: anh chàng đã từng được Phó Sơn cứu lại biến thành cô gái để báo ứng anh ta; nhân vật “tôi” trong khách sạn nhìn thấy một cô gái nhưng khi đi lại gần thì phát hiện đó là một gốc cây Đinh hương, v.v... Giả Bình Ao đã biểu đạt quan niệm luân hồi sinh mệnh và vạn vật bình đẳng của tín ngưỡng Phật giáo qua tác phẩm: “Nếu có thể như vậy, thì mọi thứ sống trên trái đất này đều bình đẳng, kiếp này tôi là người, liệu kiếp trước chẳng phải là một con lợn, còn kiếp sau thì sao? Có lẽ là một con sói, con cá, một cây cỏ và một con hổ lớn trán trắng mắt xếch. Tôi càng nghĩ viển vông như vậy, càng tâm thần, tôi biết toàn bộ con người tôi không giống như một con cháu của Thương Châu, hay nói một cách khác, quả thật đã phản bội các bậc tổ tiên dòng giống của mình, đã nảy sinh cảm giác thân thiện đối với sói mà ngay cả bản thân cũng cảm thấy ngạc nhiên”. Tất cả những hình tượng sự vật huyền bí này như đều diễn dịch theo quan niệm của tác giả về vạn vật hữu linh và nhân quả báo ứng.
Trong Hoài niệm sói, không chỉ có nghịch lý sinh thái về sự tương sinh tương khắc giữa người và sói mà còn có bài ca ca ngợi thiên nhân hợp nhất. Sói là động vật thông hiểu tính người, chúng cũng có các cung bậc tình cảm vui buồn, giận hờn như con người. Khi gấu mèo lớn chết, chúng cũng biết rủ nhau đến viếng đồng loại: “Sói ngậm hoa dại đến đặt ở chân tường và leo bám lên tường là để viếng gấu mèo lớn...”. Khi sói già chết, chúng còn có thể giống với người đi tiến hành tang lễ cho đồng loại, nghi thức tang lễ và sự chân thành tình cảm không kém chút nào so với con người: “Ngay sau đó, một con sói nữa xuất hiện ở cạnh suối, nó cúi đầu, sau khi quay đi quay lại một vòng, nó ngẩng lên tru một tiếng. lại đến hai con nữa, hai con này gần như đi sóng hàng, bước đi thất thểu chực ngã. Bốn con sói xúm quanh con chết cùng khóc”. Con người và tự nhiên là tương thông, tất cả những việc làm nằm trong khả năng của con người đều phải thuận theo quy luật của tự nhiên thì mới đạt đến sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Hành động của đạo sĩ già thể hiện quan niệm về thiên nhân hợp nhất. Ông thường nhận nuôi các loại động vật nhỏ trong ngoài bao gồm cả sói, chờ cho chúng hồi phục sức sống thì ông lại thả về với tự nhiên. Trong ngôi đền trên núi vào một đêm trắng xóa, những người thợ săn và đạo sĩ già đều không thể ngủ được, ông như cảm nhận được sói đã đến, loáng thoáng nghe được tiếng cửa bị cào cấu:
“Ai đấy? Đạo sĩ cất tiếng hỏi.
Rào! Một nắm đất cát ném vào cửa miếu.
Sói phải không?
Rào, rào! Hai nắm đất cát ném vào cửa miếu.
Đạo sĩ già ngồi dậy, xuống giường đi ra mở cửa. Kẹt một tiếng, cửa mở ra một nửa, một vệt ánh sáng hình tam giác lọt vào. Hai con sói một to một nhỏ xuất hiện trong ánh sáng hình tam giác. Tôi lập tức nhìn ra chú sói con chính là con sói bé bỏng mình đã từng bế, nó khỏe mạnh ra nhiều, song hơi bẽn lẽn, đầu tiên nó ở trước mặt sói to, sau nó nấp vào đằng sau thân sói to, đuôi vẫy rối rít”.
Đoạn miêu tả quan hệ gần gũi giữa người và sói, thể hiện sự bình đẳng hài hòa giữa con người và tự nhiên thật cảm động lòng người. Sói đến tìm đạo sĩ già để trị bệnh, sau đó nó quỳ hai chân trước kêu hu hu ba tiếng thể hiện sự cảm ơn, xong thì biến mất. Ở đây không có sự đối nghịch căng thẳng giữa người và sói, tất cả đều rất bình thản, thậm chí còn có một chút ôn hòa như sự chung sống hòa hợp giữa những người bạn thân thuộc với nhau. Sói có tính cách của con người, biết cầu xin, cũng biết cảm ơn. Giữa những người sinh sống lâu dài trong núi và sói dường như không còn bất kể một ngăn cách nào, người cũng có thể hiểu được tiếng của sói và ngược lại. Khi đạo sĩ già lương thiện chết, con sói đã từng tìm đến đạo sĩ già khám bệnh thầm mang kim hương ngọc đến để cảm ơn và tưởng niệm ông, tình cảm chân thành của con người trên thế gian chẳng phải cũng như vậy đó sao. Ở đây, sói đã dùng thân phận của sói để giao lưu với con người, thể hiện sự hài hòa của tự nhiên. Trong tiểu thuyết còn có một số chi tiết: sói sau khi biến thành người đã qua lại và đấu tranh với người, sói lại có thể giả dạng người để đi lại khắp nơi, sự tương ngộ của nhà báo Tử Minh với một số con sói ở bên bờ sông hoàng hôn, v.v... Đặc biệt chi tiết cuối truyện, con sói già thành tinh trăm tuổi vì trốn tránh sự săn bắt của đối thủ già Phó Sơn, đã biến thành ông lão trốn vào trong thôn, sau lại biến thành lợn, khoác chiếc áo mưa, ngồi sau xe máy của Ngũ Phong, khi đang cố gắng thoát khỏi sự vây bắt, thân phận bị bại lộ đã đánh nhau một trận quyết tử với Phó Sơn và cuối cùng chết dưới dao và gậy của dân trong thôn. Những sự việc này tuy nghe có chút hoang đường, nhưng lại rất hợp tình hợp lí và chân thực, bởi trong suy nghĩ của Giả Bình Ao, sói là động vật thông minh tài trí; hay như lời của đạo sĩ già: “Sói thông tính người mà!”. Xét trên quan điểm của chủ nghĩa sinh thái, mối quan hệ giữa sói và người là bình đẳng, con người không nên tự cho mình hơn hẳn sói, con người và vạn vật vạn sự trong tự nhiên mặc dù tương sinh tương khắc nhưng đều nên chung sống bình đẳng, hài hòa.
Đương nhiên, cảm quan sinh thái này chỉ là ý tưởng văn hóa của Giả Bình Ao, bởi thực tế tàn khốc khiến ông thất vọng và bi quan nhiều hơn. Trong tiểu thuyết của ông, con người luôn ở trong một hoàn cảnh nghịch lý. Từ tiểu thuyết Phế đô trở đi, âm hưởng bi quan luôn in dấu đậm trên các trang sách. Nếu như âm hưởng ấy trong Phế đô dấy lên từ hiện thực xã hội trong thời kỳ chuyển hình, thì trong Hoài niệm sói lại gắn với cái nhìn suy xét sâu sắc đối với thế giới, đối với nhân loại và đối với tự nhiên.
Tình tiết cốt truyện Hoài niệm sói qua lời kể của nhân vật ‘tôi’ rất đơn giản nhưng đã để lại trong lòng người đọc những suy tư triết lý sâu sắc. Tự kể về những gì đã thấy, đã chứng kiến, đã suy ngẫm qua cuộc tổng điều tra mười lăm con sói, “tôi” như đã dẫn dắt người đọc vào thiên ngụ ngôn hiện đại về sự sinh tồn của thế giới, con người. Những gì được vẽ lên trong tác phẩm không chỉ là các bức tranh cuộc sống, mà quan trọng hơn là sự suy nghĩ và lo âu về sự tồn tại của con người do trạng thái hiện thực sinh tồn của chính con người gây ra. Đây chính là lý do khiến độc giả của Hoài niệm sói cảm thấy không dễ dàng, nếu không nói là ngỡ ngàng, lúng túng khi đọc tác phẩm.
Trên phương diện sáng tạo nghệ thuật, tiếp tục phát huy những thủ pháp xây dựng thế giới ý tượng theo quan niệm “thiên nhân hợp nhất”, “vạn vật hữu linh”… mà Giả Bình Ao theo đuổi từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước, Hoài niệm sói thể hiện không ít những đột phá. Chẳng hạn, tác giả đã lấy thực nói ảo, biến ảo thành thực, biến không thành có, thực ảo tương sinh, trong biến lại không có biến, trong không có biến lại có biến... Xử lý mối quan hệ giữa miêu tả chi tiết với thể hiện ý tưởng tổng thể, Hoài niệm sói đánh dấu bước phát triển mới trong phong cách sáng tác của Giả Bình Ao, là tác phẩm tiên phong hướng tới những độc đáo nghệ thuật mới của ông. Như ông đã tâm sự trong lời đề bạt cuốn sách: “Trong Hoài niệm sói, tôi lại thử nghiệm một lần nữa, ý tưởng cục bộ đã không được tôi coi trọng, mà trực tiếp xử lý tình tiết thành ý tưởng. Thử nghiệm này liệu có đem lại kết quả như dự kiến hay không, tạm thời tôi chưa biết, song nỗi vui sướng cảm thấy có niềm an ủi nảy sinh trong sáng tác thì có thật” [9].
(Bài đã đăng trên Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm, số 35, tr.185-191)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.        Carolyn Merchant: <Cái chết tự nhiên>, Ngô Quốc Thành dịch, Nhà xuất bản nhân dân Cát Lâm xuất bản, năm 1999, trang 325.
2.        Đỗ Văn Hiểu: <Văn học sinh thái và lí luận phê bình sinh thái>, sơ dịch từ cuốn “Đương đại tây Phương tối tân văn luận giáo trình” của Vương Nhạc Xuyên, Nxb Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, năm 2008, https://dovanhieu.wordpress.com/2015/08/31/van-hoc-sinh-thai-va-li-luan-phe-binh-sinh-thai-3/.
3.        Giả Bình Ao: <Bạch Dạ>, Nhà Xuất Bản Hoa Hạ, năm 1995.
4.        Giả Bình Ao: <Cao Lão Trang>, Nhà xuất bản Văn nghệ Thái Bạch, năm 1998.
5.        Giả Bình Ao: <Hoài niệm sói>, Vũ Công Hoan dịch, Nhà xuất bản Văn học, năm 2003, trang 35, 56, 180, 242-243, 257-258, 262, 259, 348, 350.
6.        Giả Bình Ao: <Nôn nóng>, Vũ Công Hoan dịch, Nhà xuất bản Văn học, năm 1998.
7.        Giả Bình Ao: <Phế đô>, Vũ Công Hoan dịch, Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 1999.
8.        Giả Bình Ao: <Tản văn đại hệ >, Tập 2, Quế Lâm: Nhà xuất bản Nhà xuất bản Ly Giang, năm 1993, trang 112.
9.        Giả Bình Ao: <Thổ môn>, Nhà xuất bản Xuân Phong, năm 1996.
10.   Liêu Tăng Hồ: <Phỏng vấn Giả Bình Ao- Về “Hoài niệm sói”>, < Bình luận nhà văn đương đại>, năm 2000, số 4.
11.   Lôi Đạt: <Tư liệu nghiên cứu Giả Bình Ao>, Nhà xuất bản Văn nghệ Sơn Đông, năm 2006, trang 7.
12.   Trần Đình Sử: <Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay>, năm 2015, http://trandinhsu.wordpress.com.
13.   Trương Anh: <Hoài niệm sói: Về ngụ ngôn hiện thực sinh tồn>, Báo Văn hóa Trung Quốc, ngày 18-7-2000.


(*) Nghiên cứu sinh, Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, Trung Quốc.
[1] Lôi Đạt: <Tư liệu nghiên cứu Giả Bình Ao>,  Nhà xuất bản Văn nghệ Sơn Đông,  năm 2006, trang 7.
[2] Trương Anh: <Hoài niệm sói: Về ngụ ngôn hiện  thực sinh tồn>, Báo Văn hóa Trung Quốc, ngày 18-7-2000.

[3] Giả Bình Ao: <Tản văn đại hệ >, Tập 2, Quế Lâm: Nhà xuất bản  Nhà xuất bản Ly Giang , năm 1993, trang 112.

[4] Liêu Tăng Hồ: <Phỏng vấn Giả Bình Ao- Về “Hoài niệm sói”>, < Bình luận nhà văn đương đại>, năm 2000, số 4.

[5] Liêu Tăng Hồ: <Phỏng vấn Giả Bình Ao- Về “Hoài niệm sói”>, < Bình luận nhà văn đương đại>, năm 2000, số 4.

[6] Carolyn Merchant: <Cái chết tự nhiên>, Ngô Quốc Thành dịch, Nhà xuất bản nhân dân Cát Lâm xuất bản, năm 1999, trang 325.
[7] Đỗ Văn Hiểu: <Văn học sinh thái và lí luận phê bình sinh thái>,  sơ dịch từ cuốn “Đương đại tây Phương tối tân văn luận giáo trình” của Vương Nhạc Xuyên, Nxb Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, năm 2008, https://dovanhieu.wordpress.com/2015/08/31/van-hoc-sinh-thai-va-li-luan-phe-binh-sinh-thai-3/.
[8] Trần Đình Sử: <Phê bình sinh thái tinh thần trong nghiên cứu văn học hiện nay>, năm 2015, http://trandinhsu.wordpress.com.

[9] Giả Bình Ao: <Hoài niệm sói>,  Vũ Công Hoan dịch, Nhà xuất bản Văn học, năm 2003, trang 350.


Đăng nhận xét