Search Suggest

[CẢM HỨNG SỐNG] TRỜI SÁNG RỒI, TA NGỦ ĐI THÔI....









Để tìm thấy mình giữa tuổi trẻ chênh vênh





“Có cái tôi

Nhìn quanh vẫn cứ lạc lõng với người đời

Có bước chân

Của ai nhỏ bé vừa qua dãy thiên hà”


(Thế kỷ buồn)





Người
ta thường nói “Tuổi trẻ là tháng năm rực rỡ nhất của đời người”. Nhiệt huyết,
đam mê và cả một chút điên dại, con người của tuổi trẻ đầy tràn sức sống biết
nhường nào. Nhưng tôi tin đằng sau đó, tuổi trẻ không thiếu những lần lạnh lẽo.
Trong trẻo và tha thiết, “Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi” thực sự là bộ phim ấn
tượng với tôi khi kể về những lần chông chênh của tuổi trẻ ấy. 





 Chuyện phim khá đơn giản, thậm chí có thể tóm
gọn chỉ trong một câu: Hai bạn trẻ tình cờ gặp nhau giữa Sài Gòn, họ dành một
ngày bên nhau đàn hát và tâm sự trước khi tạm biệt. Vỏn vẹn có thế. Không ngoằn
nghèo, không thắt nút. Những tâm sự cứ thế được bộc lộ về sự đứt gãy, về tuổi
trẻ và sự trưởng thành của những tâm hồn đang lớn. Hai nhân vật chính - Thanh
và Tâm như những mẫu số chung của rất nhiều người trẻ. Là đứng trước nhiều ngã
rẽ cuộc đời, hoang mang và chênh vênh trong cuộc sống của chính mình. Là loay
hoay với sự nghiệp khi dần nhận ra đam mê không gánh nổi nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Là đi qua những mối tình, có người sâu đậm như Tâm suốt 6 năm, người tìm kiếm sự
an ủi ngẫu nhiên ngắn ngủi như Thanh qua Tinder cũng không ít. Một điểm thú vị
là dường như Tâm và Thanh là hai phiên bản của tuổi trẻ: Từ một Vĩnh Tâm tha
thiết với đam mê và đương thất vọng vì cuộc sống khắc nghiệt, chưa hoàn toàn
buông đi nỗi buồn về mối tình đầu. Đến một Thanh dường như từng trải hơn, cũng
đã mỏi mệt với giấc mơ giữa Sài Gòn, hụt hẵng vì những mối tình ngắn ngủi nhưng
cũng xót xa thừa nhận “người ta đến với mình vì xôi thịt, thì cũng bỏ đi vì xôi
thịt thôi.”. Một tuổi trẻ lạc lối giữa Sài Gòn, tan hoang tự hỏi mình là ai khi
đã bao lần “nhìn thấy bình minh hồng, vụn vỡ trong hư không”.





 Có lẽ tôi còn khá trẻ để thấu hiểu trọn vẹn những
vỡ vụn trong cuộc sống mỗi nhân vật, nhưng tôi tin mình đồng cảm không ít với
những lần hoài nghi và hoang mang về chính bản thân và cuộc đời mình. Chẳng khi
nào người ta cảm thấy chênh vênh cho bằng tuổi trẻ. Ta không còn có thể nhìn mọi
thứ bằng sự hồn nhiên và vô tư của trẻ thơ, nhưng chưa đủ từng trải để bình thản
đón nhận thương đau cuộc đời. Phân cảnh Tâm kể về ý định kết thúc cuộc sống của
mình nhưng rồi quyết định từ bỏ vì “bầu trời hôm nay đẹp quá” rất thật và cũng
rất nghẹn ngào. “Đôi khi bạn buông tay một điều gì đó không phải vì ngẫu nhiên
muốn từ bỏ.” – trong những rã rời của tuổi trẻ chênh vênh, không ít lần ta cảm
thấy cô độc và mong muốn kết thúc tất cả. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, khát
khao sự sống vẫn còn đó dầu mong manh, và ta lại muốn một lần đứng lên làm lại.
Tuổi trẻ trôi đi - sau tất cả những va vấp và đứng dậy, đánh mất và tìm thấy,
chông chênh và vững bước -  trôi đi và chỉ
có một lần. Và cuộc sống dẫu mù mịt thì bầu trời trên cao vẫn xanh biết nhường
nào.





“Và nếu như con chết bây giờ

Thì cuộc đời con có nghĩa gì đâu?”


 (Trời ơi con chưa muốn chết)





 Bên cạnh đó, câu chuyện về tuổi trẻ chênh vênh
ấy sẽ khó có sự đồng cảm mạnh mẽ nếu thiếu đi âm nhạc. Âm nhạc trong Trời Sáng
dẫn dắt câu chuyện và trở thành một phần của cảm xúc. Khi Tâm tỉnh giấc và nhận
ra Thanh đã đi từ lúc nào, anh bắt đầu đàn theo lời bài hát được Thanh để lại.
Lời hát ấy, đầy những uẩn khúc và day dứt, là những giấc mơ đã vỡ vụn trước những
chông chênh:





“Ta từng tin, những mảnh vỡ khi bên cạnh nhau

Không còn đau, không còn thấy cô đơn giữa tinh cầu.”





Nhưng tan vỡ, rồi
ngày mai, mình vẫn sống. Lụi tàn, mình lại thắp lên. “Anh thấy nó buồn quá” - một
năm sau khi gặp lại, Tâm đã nói như vậy. Và vẫn giai điệu ấy, họ đã hát một
khúc hát mới. Không còn những oán trách, không còn những tuyệt vọng. Tôi thích
cách bộ phim kết thúc trong khúc hát của khởi đầu, của giấc mơ đứng lên sau vấp
ngã của tuổi trẻ:





“Còn duyên, ngày sau, tôi sẽ gặp lại

Vụt trôi một đêm dài

Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi...”





Cả bộ phim nhẹ nhàng và trong vắt, đẹp từ hình
ảnh, âm nhạc đến cảm xúc. Suốt gần 2 tiếng ngồi trong rạp, lòng tôi đã cười và
đã khóc. Đâu đó trong những thước phim ấy, tôi tìm thấy chính mình. Trong nỗi
xót xa về những “ngộ nhận”, những mộng mơ đã vỡ tan khi người ta ám ảnh nhiều
hơn về gánh nặng cuộc sống. Trong cảm giác lạc lối và hoang mang cùng cực, đến
mức chỉ muốn cho mình một kết thúc. Nhưng sau tất cả những lần chông chênh ấy, còn
là nhận ra niềm thiết tha với sự sống luôn ở trong trái tim mình, và giấc mơ “để
tuổi trẻ ngân dài thêm một phách” sẽ chẳng bao giờ ngừng lại.





Chân
thành và giản dị, Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi có thể không phải là một bộ
phim xuất sắc nhưng tôi yêu câu chuyện chân thật mà nó kể lại. Tôi yêu tất cả
những mộng mơ, chênh vênh và tuyệt vọng trong câu chuyện của hai người trẻ hát
về những vỡ vụn giữa Sài Gòn. Tuổi trẻ là thế đó, thật rực rỡ nhưng cũng lạnh lẽo
vô cùng. Nhưng đến cuổi cùng, ta sẽ nhận ra tuổi trẻ không phải chỉ để hoài
chênh vênh, mà còn để ta tìm thấy mình, để sống, để ước mơ và hi vọng.  Vì những mảnh vỡ rồi cũng sẽ được chữa lành,
và trước hừng đông, ta vẫn còn một ngày sau để sống.





Người
ta hay bảo, kẻ mộng mơ là kẻ say ngủ, và rồi khi trời sáng, ta sẽ vỡ mộng.
Nhưng bạn tôi ơi, tuổi trẻ sẽ còn lại gì nếu buông bỏ những giấc mơ và hi vọng?





“Ngày xanh hãy cất dành

Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi.”





TRỊNH THANH LÊ VI


11A09 THPT NGUYỄN
THƯỢNG HIỀN


NIÊN KHÓA
2018-2021





Đăng nhận xét