Search Suggest

Bài học từ cây cầu Mặt Trời Mọc




 “Imagine if this was the only proof that humans exist” (An Internet joke)


“Hãy tưởng tượng nha, cái này là bằng chứng duy nhất nói rằng: con người từng tồn tại” (Một câu đùa thường gặp trên Internet).

Câu đùa này thường được dùng cho những tấm ảnh gây cười, hoặc các video được đăng tải lên MXH lan truyền rộng rãi. Viễn tưởng mà các tay meme-lord (những người ưa chuông meme, hay chia sẻ những thứ này tới mức chóng mặt) nghĩ tới là một ngày nào đó, từng thế hệ con người sẽ ra đi - nhưng những gì để lại cho hậu bối (hoặc nếu có thể, người ngoài hành tinh tới Trái Đất) sẽ giúp cho họ biết được: “trước đây, đã từng có một chủng tộc tên Homo Sapiens Sapiens (người tinh khôn), sống trên mảnh Địa Cầu này”.

Thế nên, từng byte dữ liệu, từng tấm hình hoặc từng con chữ đều được giới sành sỏi công nghệ lưu trữ lại và tống nó lên Internet - nơi mà họ mong, dù con người có ra đi, vẫn sẽ được lưu truyền mãi về sau. Họ mong đợi rằng nó sẽ chứng minh điều gì đó với những kẻ lạ mặt mà ta chưa biết hàng chục, hàng trăm năm về sau - như một “hộp thời gian” (Time Capsule) của thời đại máy tính - cho thấy những gì của con người ngay-bây-giờ. Truyền thống của con người là vậy: với nhịp sống ngày càng hối hả, những khi nào họ có thể tĩnh tâm - họ lại có những ý tưởng về cái chết, về vĩnh hằng, về thời gian còn lại. Họ tìm những thứ có thể truyền lại cho những người chưa được sinh ra, hoặc chưa đủ trưởng thành để hiểu. Và đôi khi, ta tự lập những “hộp thời gian” để hậu thế biết thêm: Kim Tự tháp, một hộp thời gian của dân Ai Cập cổ đại; Vạn Lý Trường thành, một hộp thời gian của người Trung Hoa cổ. Hai thứ trên được lập ra với chủ đích để người người muôn đời sau còn nhớ tới vị Pharaoh trong lăng kia, hoặc Tần Thủy Hoàng muốn cả thế giới nhớ về sức mạnh của Thiên tử Trung Hoa xây dựng bức tường dài nhất thế giới. Nhưng cũng có khi các công trình đó được xây dựng với mục đích khác, mà lý do nào đó bất đắc dĩ trở thành một “hộp thời gian”, điều mà những người thiết kế chưa lường tới khi vẽ bản thiết kế.

Trong đó chúng ta có một cây cầu. Cây cầu Choluteca, còn được gọi là Puente Sol Naciente (Mặt trời mọc) vì được Nhật Bản xây cho Honduras, bị nhiều người nói là “vô dụng”, khi con sông Choluteca mà nó đáng lẽ phải băng qua lại bị chệch hướng sau một cơn bão dữ. Bão Mitch (Hurricane Mitch) là cơn cuồng phong nghiêm trọng nhất của mùa bão Bắc Đại Tây Dương 1998, gây ra thương vong cho hơn 19 vạn người và thiệt hại hơn 6 tỉ Mỹ kim. Hai đầu của cầu Choluteca đã bị cuốn trôi đi sau cơn bão đó, chỉ để lại cây cầu này cô đơn giữa bình nguyên Honduras rộng lớn. Đáng thương hơn, con sông cùng tên mà cây cầu đáng lẽ phải băng qua lại bị lệch hướng chảy, khiến cây cầu trở nên vô dụng. “Từ đó, cây cầu bị cô lập, không bắc qua con sông cần bắc, không đi đến đâu cả” - nhận định ngắn gọn của một người đã tóm gọn lại một khoảnh khắc trong đời của cây cầu. Và thế là xong - một kiệt tác của khoa học kỹ thuật Nhật Bản, áp dụng tại bên kia Trái Đất, nối châu Mỹ lại với nhau trên xa lộ liên Mỹ Panamericana huyền thoại, nay đã bị cô lập, và không được sử dụng với mục đích ban đầu.

Hoặc có thế không? Sẽ nhiều người nói: “Cây cầu là một bài học về sự không chịu thích nghi”, “Cây cầu là biểu hiện cho việc đến một lúc nào đó tạo hoá sẽ biến chúng ta thành những kẻ thực dụng.” Ai cũng có quan điểm của họ - tuy vậy, còn một góc nhìn khác: đó là “do justice for” (nhìn một cách công bằng) với cây cầu trên. Nó là một Hộp thời gian, dù trong thiết kế ắt hẳn người Nhật chưa nghĩ tới việc cây cầu này sẽ là biểu tượng gắn liền với loài người về sau. Ta thấy được gì trong cây cầu này, bên dòng sông nọ, ở bình nguyên kia? Nhiều lắm, vì khi người đương thời chỉ thấy một khối bê tông sừng sững giữa đất trời - kẻ tương lai lại nhìn thấy bằng chứng “loài người đã ở đây”.

Ta thấy một kiệt tác của giống loài tinh khôn này. Với tất cả những gì họ biết, với tất cả những gì trong tay - loài người đã tinh chỉnh làm sao để công trình của mình có thể chịu được tải trọng lớn nhất, xây dựng với thời gian ít nhất và trường tồn với thời gian - trơ gan cùng tuế nguyệt. “Niềm tự hào của cả Honduras” - không chỉ thế đâu, đây còn là niềm tự hào của bộ óc con người - khi công trình của mình đứng vững sau cơn bão dữ. Sau hàng ngàn năm, con người đã đi từ từng khúc gỗ - sau đó là ván gỗ - rồi tới bê tông và sắt thép để chinh phục những con sông rộng và các cánh rừng sâu. Nên nhớ, cầu Choluteca còn là một phần của Panamericana huyền thoại - con đường liên châu Mỹ được sinh ra để cư dân của châu lục này có thể giao thương nhanh chóng và dễ dàng. Panamericana là sự hợp tác của 9 quốc gia Bắc - Trung - Nam Mỹ, xuyên qua hơn 30,000km, đâm qua vô số sông và rừng và mất nhiều thập kỷ xây dựng, chủ yếu là thương thảo về mặt ngoại giao và xóa bỏ các rào cản về mậu dịch. Cây cầu không chỉ đơn giản là cầu bắc qua một phần lãnh thổ đã-từng-có-con-sông đâm ngang ở Honduras, nó đã trở thành một phần của cung đường cao tốc liên Mỹ, một phần của sự hợp tác lẫn nhau, một phần của niềm tự hào về khoa học kỹ thuật “nồi đồng cối đá” của con người.

Ta thấy một sự sợ hãi của giống loài tinh khôn này. Hộp thời gian luôn là chiếc hộp tối để ta có thể nhìn vào đó rồi nhìn lại bản thân mình. Thiên nhiên đã tạo nên con sông, và thiên nhiên cũng có thể dời con sông đó đi. Trong phút giây nghĩ về chuyện này, mọi thứ trở nên thật nhỏ bé. Ta thật nhỏ bé với cây cầu dây văng nọ - dù nó chỉ dài hơn 300m một chút thôi. Ta thật nhỏ bé với con sông nọ - dù nó chắc chắn không phải con sông rộng nhất thế giới. Nhưng hãy tưởng tượng rằng đứng tại mép cây cầu, nhìn ra phía con sông kia - một cơn bão từng cuốn qua đây, cuốn theo hàng trăm mái nhà, sinh mạng hàng ngàn người và hàng tỉ đô trên đường đi của mình. Rồi nhắm mắt lại từ từ bên chiếc Hộp thời gian này, người ta không khỏi rùng mình khi tưởng tượng một ngày nào đó tự nhiên cũng sẽ xóa mọi thứ, như cách nó tạo ra mọi thứ. Chỉ là “Sometimes a dream can survive a dreamer” - “Đôi khi giấc mơ nào đó có thể sống thọ hơn người mơ chúng”. Con người từng mơ sẽ xây dựng được thứ gì đó mãi trường tồn về sau, nhưng có khi nào vì quá thành công với việc này mà nhiều công trình đã trải qua vòng đời bằng hàng chục, hàng trăm thế hệ loài người và vẫn còn đang tiếp tục? Người Ai Cập cổ không thể nhìn thấy cảnh loài người hiện đại vẫn còn đang loay hoay với việc tìm hiểu về kết cấu xây dựng, về các mật mã trong Kim Tự tháp - phải nói là quá hoàn hảo ở thời đại Trước Công nguyên - di sản của họ về nơi an nghỉ cuối cùng cho các Pharaoh đã sống sót hàng ngàn năm. Người Trung Hoa cổ không thể nhìn thấy loài người hiện đại trầm trồ với từng phiến đá vững chãi ở Vạn Lý Trường Thành - di sản của họ về bức tường thành phòng thủ cuối cùng trước ngoại xâm vẫn còn tiếp tục. Và cây cầu này, tuy không mang “giấc mơ” cụ thể nào được “gửi gắm”, lại là di sản của con người về một cây cầu chịu đựng siêu bão mà vẫn còn ở đây với đất trời. Tóm lại, con người thời nào cũng được sinh ra, lớn lên, rồi chết đi - nhưng di sản của họ để lại cho đời sau vẫn sẽ mãi còn đó, rải rác khắp Trái Đất, để chúng ta ngồi ở đây mà suy nghĩ và phân tích.

“Imagine if this was the only proof that humans exist” / “Hãy tưởng tượng nha, cái này là bằng chứng duy nhất nói rằng: con người từng tồn tại”.

Loài người luôn muốn cho thế giới biết di sản của mình. Từ những viên gạch đầu tiên góp thành Kim Tự Tháp tới từng byte dữ liệu hợp thành bài văn đánh máy, ta đã, đang và sẽ tạo ra “legacy”, di sản đó. Cây cầu ở Honduras, ở một góc nhìn nào đó, là bằng chứng rằng con người đã từng tồn tại, ở đây, trên Trái Đất này. Mong rằng, bên cạnh nhận thức rằng cái gì trên Địa Cầu này cũng dễ sinh ra và dễ mất đi (theo mẹ Thiên Nhiên), thì Puente Sol Naciente sẽ gợi nhớ các thế hệ về sau (và người ngoài hành tinh, nếu họ có dịp viếng thăm) rằng: “Nơi đây từng có một cây cầu được các Humans xây dựng, và nó đã chiến thắng một trong những cơn bão lớn nhất Đại Tây Dương. Tuy vậy, con sông ở dưới không chịu đi ngang qua nó nữa mà được mẹ Thiên nhiên dời đi vài trăm mét để chứng tỏ rằng bà vẫn còn khả năng kiểm soát mọi việc ở Trái Đất này”.

Cây cầu mang Ánh Bình Minh, 11/8/20.

TRẦN KHẨU SANG

#baiviethocsinh_blogchuyenvan
#nghiluanxahoi_blogchuyenvan

Đăng nhận xét