Search Suggest

Băn khoăn chuyện giữ sinh viên giỏi ở lại làm giảng viên sư phạm

Tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông” được tổ chức mới đây tại Phú Thọ, ông Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ băn khoăn về giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm hiện nay.

Ông Chiến cho rằng, hiện giảng viên của các trường đại học, cao đẳng ngành sư phạm đa số là sinh viên có thành tích học tập giỏi được giữ lại trường để giảng dạy. Tuy nhiên, đội ngũ này chưa có nhiều trải nghiệm dạy học thực tiễn ở bậc phổ thông, thậm chí là rất ít.

“Các giảng viên này sau đó sẽ đào tạo các giáo viên tương lai từ mầm non đến đại học. Như vậy liệu có đảm bảo giữa lý thuyết và thực tiễn hay không?”, ông Chiến đặt vấn đề.

Từng là nghiên cứu sinh và làm việc tại một trường đại học ở Nhật Bản, ông Chiến chia sẻ hầu hết các trường đại học đều không giữ sinh viên tốt nghiệp giỏi ở lại để làm giảng viên ngay. Họ yêu cầu nếu muốn trở thành giảng viên phải có đủ thời gian giảng dạy và làm việc ở các trường, rồi mới quay trở lại.

"Vậy nên chăng các giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng ngành sư phạm ở Việt Nam cần có đủ trải nghiệm làm giáo viên ở trường phổ thông một cách thực thụ và đúng nghĩa trước khi trở thành giảng viên đại học sư phạm thay vì chỉ kiến tập, thực tập khoảng 8 tuần trước khi tốt nghiệp đại học như hiện nay”, ông Chiến nói.

“Hiện, một số trường đã cho sinh viên vừa học vừa thực nghiệm nhưng theo quan sát của tôi chủ yếu cũng theo kiểu "giáo viên mời" và chưa thể tham gia đầy đủ các hoạt động, không được thường xuyên đứng lớp nên kinh nghiệm chắc chắn sẽ không đủ.

Do đó, khi đi dạy, giảng viên khá yếu ở kinh nghiệm thực tiễn, đa phần là lý thuyết suông.
Ông Nguyễn Phú Chiến tại Hội thảo. Ảnh: Vietnamnet
“Các sinh viên giỏi được giữ lại làm giảng viên thường sau đó cũng sẽ tham gia dạy phổ thông dưới dạng giáo viên thỉnh giảng, chỉ đến và đảm nhiệm một số công việc liên quan đến giảng dạy. Còn toàn bộ các hoạt động của trường phổ thông thì các giáo viên thỉnh giảng không thể tham gia đầy đủ, việc này vẫn rất khác với giáo viên cơ hữu”, ông Chiến nói.

Cũng theo ông Chiến, mỗi sinh viên sư phạm dù đều có quãng thời gian kiến tập cũng như thực tập trước khi tốt nghiệp nhưng là hơi ít (kiến tập 2 tuần, thực tập 6 tuần).

“Khoảng thời gian này, các sinh viên dạy được nhiều thì 8 tiết, còn ít thì 6 tiết tùy theo môn mình thực tập. Theo tôi thời gian như vậy là quá ít, chưa đủ để sinh viên trau dồi kinh nghiệm và trải nghiệm”.

Sư phạm cần giống mô hình đào tạo ngành Y

Ông Chiến đề xuất ngoài xây dựng các trường thực hành trực thuộc, trường sư phạm cần liên kết với các trường phổ thông tốt hơn để ngoài những giờ lên lớp hằng ngày, sinh viên buộc phải tham gia vào quá trình giảng dạy thường xuyên, giống như mô hình các trường đào tạo ngành y.

“Như vậy sinh viên sẽ thường xuyên được trải nghiệm thực tế và quay trở lại cũng phục vụ tốt hơn cho việc học trên giảng đường", ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, hiện nay, một số trường cũng đã nghĩ đến điều này, như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có cơ sở thực hành là THCS và THPT Nguyễn Tất Thành hay Trường ĐH Giáo dục có Trường THPT Khoa học Giáo dục.

“Tuy nhiên, số lượng sinh viên rất nhiều trong khi trường thực hành thì rất ít. Như vậy, ngoài các cơ sở của riêng mình, các trường này vẫn cần liên kết các trường phổ thông khác”, ông Chiến nhấn mạnh.

Theo Vietnamnet . Người đăng: Dịu Nguyễn.

Đăng nhận xét