Search Suggest

Sức mạnh của sự lắng nghe

 


Bài làm

Có bao giờ ta lắng nghe âm thanh một tiếng chim đang hót, có bao giờ ta lắng nghe tiếng lách tách của hạt mưa sa? Có bao giờ ta lắng nghe những lời ru êm dịu và chìm vào giấc ngủ si mê? Có bao ta được lắng nghe lời nói chân thành an ủi khi đớn đau, lời khích lệ khi ta thành công…? Cuộc sống hiện tại bình dị vậy đó, bình dị mà cũng bình yên đến lạ. Nó vẫn luôn ẩn chứa một vẻ đẹp tiềm tàng, vĩnh cửu mà con người ta phải sống sâu với đời, phải lắng nghe sâu sắc thì mới nhận ra. Vì bởi lẽ, nếu thính giác là một giác quan thì lắng nghe chính là nghệ thuật. Vâng, sự cần thiết phải lắng nghe là không  thể phủ nhận, như đoạn trích từ "Hiểu về trái tim" đã bàn luận: " Chữ "lắng nghe" có ý nghĩa rất hay. Phải "lắng" thì mới "nghe" được. Cho nên "lắng" là ngõ vào của "nghe". Không "lắng" thì không thể "nghe" trọn vẹn. "Lắng" chính là sự im lặng sâu sắc của con tim. Hãy tập lắng nghe bằng chính con tim mình."

 

Cuộc sống muôn hình vạn trạng là đa chiều những âm thanh sắc điệu. Ở nơi ấy, quả thật lắng, nghe, lắng nghe là vô cùng cần thiết. Tục ngữ có câu: “Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương”. "Lắng nghe" là kim cương ư? Xem ra có vẻ quý giá và quan trọng, nhưng thế nào là "lắng nghe"? "Lắng" ấy chính là sự im lặng sâu sắc của con người từ tận đáy con tim, là sự im lặng nơi trí tuệ để ta suy tư, nghiền ngẫm thấu đáo. "Lắng" là sống chậm lại, đập nhẹ nhàng theo từng nhịp đập của trái tim, của cuộc sống. Và "lắng" chính là ngõ vào của nghe. Không "lắng" thì không thể "nghe" trọn vẹn. Phải "lắng" thì mới nghe - mới thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm được. Vì chưng, "nghe" chính là sự đồng điệu giữa 2 con người trong giao tiếp. "Nghe" là thái độ im lặng khi người khác nói, là thái độ tôn trọng chính mình cũng như người đối diện, gây thiện cảm cho người khác. "Nghe" còn là sự mở lòng rộng ra, đón nhận những vang vọng của cuộc sống, lẫn tiếng lòng chính mình. Vâng, và chữ "lắng nghe" có ý nghĩa rất hay, sự lắng nghe rất quan trọng trong cuộc sống. Bởi lẽ, "cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe, đó  là một tệ nạn hết sức phổ biến" (Shakespeare)

 

Một họa sĩ đã họa cuộc đời như một khối rubic, để nói lên cái đa diện, nhiều chiều của cuộc sống. Giữa cuộc sống muôn màu vạn vẻ ấy, "lắng nghe" chính là tâm điểm cho mọi cảm nhận sâu sắc, là chiếc chìa khóa giải mã khối rubic đa chiều ấy, để mỗi người thấu hiểu nhau hơn, gắn kết chặt chẽ với nhau hơn, để chính bản thân họ mở ra cánh cửa thành công. Không là tâm điểm sao được khi mà con người ta biết lắng là biết suy ngẫm, nghiền ngẫm kĩ càng, thấu đáo và thông suốt hơn, khi mà con người ta biết nghe là biết mở rộng lòng mình, trái tim mình ra. Ta càng đón nhận, càng mở lòng thì mới càng cảm nhận, thấu hiểu được cuộc sống sâu sắc, càng biết cách sống sao cho ý nghĩa, cho phải lẽ, không hời hợt, phung phí. Khi lắng nghe, ta sẽ thấu hiểu nhau, tránh gây hiểu lầm đáng tiếc, sẽ tránh được  hành động, lời nói nhất thời hồ đồ, nông cạn ngốc nghếch, để rồi từ đó chín chắn và thấu đáo, sáng suốt và khôn ngoan nhất có thể, mở ra con đường sáng lạn tiến xa hơn trong tương lai, sự nghiệp.. Và, mỗi lần lắng nghe là mỗi lần ta học được điều bổ ích, mới mẻ cho chính mình. Tựu trung lại, lắng nghe quả là rất cần thiết. Biết cách lắng nghe là điều vô cùng  quan trọng trong cuộc sống. Lắng và nghe luôn phải song hành cùng nhau thì mới thật sự là "nghệ thuật". Bởi vậy, hãy biết kết hợp hài hòa giữa "lắng" - "nghe" , hãy tập lắng nghe để hiểu trái tim mình, trái tim người, trái tim đời.

 

Một tiếng chim kêu buổi sớm khiến ta thêm yêu cuộc sống, một điệu nhạc hay ru ta vào giấc ngủ, một lời nói chân thành có thể an ủi ta khi đớn đau… Thử hỏi rằng, những điều kì diệu ấy của cuộc sống liệu có được không nếu ta không biết lắng nghe? Một bước, hai bước, ba bước…cuộc đời là những bước đi của mỗi người, đã có biết bao nhiêu con người với việc "lắng nghe" gặt hái được những thành công rực rỡ. Hãy nhìn xem những cô cậu học trò biết lắng nghe thầy cô giảng, đã làm tốt bài thi của mình. Thành công đó, nhỏ bé thôi nhưng nếu không lắng nghe, liệu họ có làm được như thế? Hãy nhìn xem con cái biết lắng nghe lời cha mẹ dạy dỗ đã nên người ra sao. Thử hỏi rằng, nếu lơ đi, cãi lại lời cha mẹ, liệu họ có trở thành  người công dân tốt như ngày hôm nay? Từ những công nhân, nhân viên đến những nhà kinh doanh, nhà chính khách cũng thể hiện rõ nét điều ấy. Những ai lắng nghe ắt sẽ thành công, thăng tiến trong sự nghiệp. Còn nếu không, cánh cửa tươi sáng của tương lai sẽ chẳng có cơ hội nói lời chào mừng họ. Có những người đã thành công, rất thành công, được  thăng chức, kí kết thuận lợi hợp, thuyết phục vừa lòng khách hàng… Vâng, là nhờ lắng nghe đấy!

 

Ngắm nhìn cuộc sống vận chuyển theo quỹ đạo của nó, ta như quay cuồng với thời gian, để rồi, ta nhận ra rằng, ở thời đại nào, bất cứ đâu con người ta cũng luôn biết lắng nghe. Điển hình là Washington. Thuở nhỏ, vì nghịch ngợm, hiếu động, ông đã lỡ chặt cây anh đào mà cha ông rất yêu thích. Trước sự tức giận của cha, Washington đã thừa nhận tất cả lỗi lầm. Những tưởng người cha ấy sẽ trừng phạt con mình, nhưng không, ông đã tha thứ cho con trai vì dám nhận lỗi, đã răn dạy con nhẹ nhàng, mà nghiêm khắc. Như vậy, người cha ấy đã lắng nghe, đã "lắng" để ngẫm nghĩ, thấu hiểu cho lầm lỗi của con, đã "nghe" để biết con mình đang hối hận, nhận lỗi. Để rồi ông đã bao dung dung thứ cho đứa con trai nghịch ngợm ấy. Có lẽ, vì cha đã biết lắng nghe, đã nhẹ nhàng răn dạy con mà không trừng phạt khắc khe như gieo vào tâm hồn đứa trẻ những lời dạy đáng khắc cốt ghi tâm. Vâng, và chính Washington cũng đã biết "lắng nghe", ông đã nghe, đã thấu, đã suy ngẫm,  kiểm điểm lại mình, từ đó đem ra thực hành lời cha dạy. Nếu Washington không biết lắng nghe như thế thì thử hỏi rằng, liệu ngày hôm nay chúng ta có thể có vị tổng thống vĩ đại đầu tiên của nước Mĩ không? Hay phải kể đến là chị Nguyễn Ngọc Khanh, thủ khoa khối D trong kì thi đại học vừa qua. Đạt được một số điểm đáng khâm phục vô ngần, cô nữ sinh Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội đã biết lắng nghe, lắng và nghe rất nhiều. Phải nói rằng, cô lắng nghe thầy cô, lắng nghe gia đình và lắng nghe bạn bè. Để rồi suy ngẫm, để rồi hành động sáng suốt, sửa chữa những khuyết điểm, và để rồi ngày hôm nay là thủ khoa với thành tích học tập ngưỡng mộ, với tổng điểm 3 môn Toán Văn Anh là 29. Chẳng phải là nhờ lắng nghe đó sao?

 

Lắng nghe không chỉ đem đến thành công cho ai đó được đặc cách, mà còn đem đến những sự đồng cảm, đồng điệu trái tim, những an ủi đáng trân trọng cho bất kì người nào. Tại sao ư? Trong thời điểm lũ lụt càn quét dữ dội, biết bao tiếng kêu đau thương, tiếng khóc mất mát của đồng bào miền trung đang vang vọng. Nhưng nó chẳng lẻ loi đâu, đồng bào cả nước vẫn luôn lắng nghe, hướng về để rồi cùng chung tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng khóc đau xót xa, để rồi họ đồng cảm, họ sẻ chia, đem tất cả vật chất ủng hộ, trợ giúp đồng bào miền trung, gửi gắm tất cả những lời động viên, nâng đỡ tinh thần đến đồng bào đang gặp lũ. Vâng, con người ta ai cũng có trái tim, ai cũng sẽ biết lắng nghe, lắng đọng, thấu hiểu. Phải có "nghe" thì họ mới biết được tình cảnh những con người miền Trung tội nghiệp. Phải có "lắng" lòng mình, thì họ mới biết xót xa, biết cảm thông, biết sẻ chia như thế. Phải có "lắng" lòng mình thì họ để rồi thấu nghe trọn vẹn những mất mát, thương đau mà tê tái lòng người. Đó chẳng phải là hành động tương thân tương ái, những nghĩa cử cao đẹp kia hay sao?

 

Lắng nghe người, lắng nghe đời là thế, song lắng nghe chính bản thân mình cũng là điều không thể thiếu. Lắng nghe trái tim mình để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, ước mơ khát vọng của bản thân, để hiểu chính mình và sống đúng với con người thật của mình. Như Nick Vujicic đã lắng nghe tiếng nói nội tâm để dù hoàn cảnh nghiệt ngã, dù nhiều người nói những điều không hay với ông, thì ông vẫn vững một niềm tin vào bản thân, vượt qua nghịch cảnh đến sống cuộc sống “không giới hạn”. J.K.Rowling, dù đã phải nghe nhiều lời từ chối, cho rằng mình không thể thành công, thì vẫn lắng nghe chính mình, tin vào bản thân để gửi bản thảo Harry Potter đến nhiều NXB khác, tìm cơ hội cho mình, cô đã thành công nhờ tin vào tài năng của mình, để từ một người mẹ đơn thân sống nhờ vào trợ cấp xã hội, đã trở thành nhà văn nổi tiếng toàn cầu, mang đến thế giới kì ảo chinh phục trái tim triệu trẻ em trên thế giới.

 

Dẫu thế, cuộc đời vẫn còn đó những trái tim vẫn đập nhưng lạc mất nhịp sống. Đó là con tim vô cảm, dửng dưng, phớt lờ cuộc đời của những người chẳng chịu lắng nghe những vang vọng của đời, của người và của chính mình. Con người ta chỉ cần nghe bằng tai nhưng phải cần lắng nghe bằng chính cả trái tim, bạn ạ! Nếu ai kia chỉ "nghe", mà không "lắng", hay thậm chí là không "lắng nghe" thì đáng chê trách thay! Nếu ai kia coi rằng "lắng nghe" là không cần thiết, chỉ thích thể hiện, phô trương, tự tôn mình là hiểu biết lại lại càng đáng chê trách làm sao! Và nếu ai kia đang thích lắng nghe lời xu nịnh, nịnh hót, ngọt như đường, như mật, nhưng nào có chân thành, thì cũng đáng chê trách biết nhường nào! Bởi lẽ, lắng nghe là vô cùng cần thiết. Cuộc đời rộng lớn như biển bao la, ta nào có biết "bụng" đời, "bụng" người sẽ ra sao nếu không biết "lắng", nếu chẳng biết "nghe" để mà nghiền ngẫm, để mà mở lòng, để mà sống chậm rãi lại, để mà biết cách đối nhân xử thế, biết cách ứng biến giữa biển động, trước bao hỷ-nộ-ái-ố cuộc đời. "Con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội" thử hỏi rằng nếu không lắng nghe thì ta sẽ thấu hiểu được ai, sẽ làm sao nhận ra bản chất của con người? Những kẻ không lắng nghe sẽ không học hỏi được điều mới mẻ, sẽ không nhìn nhận khuyết điểm của bản thân và mãi chẳng sửa chữa cho hoàn thiện được, thì liệu có ngày thành công chăng? Hãy nhớ rằng, "kẻ thành công phải là người biết lắng nghe". Những kẻ không lắng nghe sẽ không thể nhìn nhận và đánh giá một vấn đề đa chiều, sẽ không thể cảm nhận được sâu sắc nhất cuộc sống này. Những kẻ thích thể hiện, phô trương ấy sẽ là những kẻ phiến diện tiên phong, và có lẽ, chính họ sẽ sớm chuốc lấy hậu quả vì sự hồ đồ, "ta đây" đó. Còn những kẻ thích lắng nghe "lời đường mật" thì thôi rồi, rồi mai này, họ làm sao phân biệt minh bạch được phải-trái, đúng-sai? Khi mà cứ mãi nghe lời không thật lòng, sự thật sẽ bị lu mờ, họ bị làm cho hoa mắt. Có thể là vừa lòng đó, nhưng tác hại của lời xu nịnh đó, liệu họ có lường trước được? Con người ta cần phải biết nhìn nhận, biết lắng nghe và lắng nghe đúng lời, đúng người, thì mới mong thông suốt các vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta hãy khuyên răn, giúp đỡ họ nhận ra điều ấy, để họ biết lắng lòng mình lại, để "lắng" - "nghe" và "lắng nghe".

 

Lắng nghe là đúng, là tốt, là quan trọng song cần lắng nghe có chọn lọc. Ta không nên nghe theo những lời giả tạo, xu nịnh, nếu đó là lắng nghe những lời xúi giục tầm bậy, nếu đó là lắng nghe một cách thụ động. Và không phải lúc nào lắng nghe cũng là im lặng, gật đầu đồng ý lặng lẽ, phản ứng chậm rãi. Đôi lúc ta cần phải nhanh nhẹn, quyết đoán. Ta phải lắng nghe và đáp trả thông minh, đúng lúc, biết phản biện, biết đấu tranh cho chính kiến tư tưởng cá nhân. Nếu không, e rằng cơ hội của bạn sẽ vụt bay về tay kẻ khác. Nếu không, e rằng bạn sẽ dung túng, ủng hộ cho những điều sai trái, răm rắp nghe theo những vu khống bịa đặt. Vậy nên, hãy lắng nghe đúng lời, đúng người và trả lời đúng thời điểm, bạn nhé!

 

Sự cần thiết của lắng nghe quả là không sao phủ nhận được. Đó không chỉ là lắng nghe người khác, lắng nghe âm thanh của cuộc sống, của thiên nhiên, mà còn là lắng nghe chính mình. Đừng chỉ biết lắng nghe người khác mà lại không thể lắng nghe chính mình! Ta cũng cần phải lắng nghe chính bản thân để biết điều chỉnh bản thân, nhận ra cách đối nhân xử thế sao cho hợp tình, hợp lý…Để rồi tự mình tạo ra phong thái tốt đẹp của một nhân cách tốt đẹp. Để rồi tự mình làm giàu cảm xúc, kiến thức bản thân, hoàn thiện con người tốt hơn.

 

Biết rằng cuộc sống cứ mãi tất bật, như một dòng suối chảy xiết, như con thác cứ cuồn cuộn những dòng nước mới sa đã khiến việc lắng nghe trở nên khó khăn, ai cũng bận rộn, chìm đắm vào cuộc sống của riêng mình. Nhưng bạn ơi, hãy tranh thủ, nghỉ ngơi một chút, một chút thôi, để ta thư thái, thả tâm hồn mình nghe ngóng những âm thanh từ thiên nhiên, cuộc sống. Biết rằng guồng quay đều đặn của thời gian vẫn cứ quay, no vẫn cứ cuốn con người ta vào vòng quay bộn bề của cuộc sống, ai cũng vội vã với các cuộc hội họp, cuộc vui đùa, trong những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối, người ta cốt chỉ nghĩ sao cho mình được phát biểu nhiều hơn, chứ chưa bao giờ nghĩ cách làm sao cho mình được lắng nghe nhiều hơn cả. Bạn ơi, xin đừng sống vội, sống nhanh như thế, xin đừng mải mê chạy đua với thời gian, với cuộc đời mà quên bẵng rằng, tâm hồn chúng ta đôi lúc cũng cần lắng lại để được lắng nghe!

 

Nhận thức được sự cần thiết phải lắng nghe, tôi tự nhủ sẽ học cách lắng nghe nhiều hơn, sâu hơn, biết lắng, và biết nghe, biết chọn lọc nhìn nhận, suy xét nghiền ngẫm những điều mình lắng nghe được một cách kĩ càng chứ không phải là răm rắp nghe theo vô tội vạ mà chẳng cần biết đúng sai. Tôi sẽ có thái độ lắng nghe đúng mực, và biết hành xử sau khi lắng nghe hợp tình hợp lý nhất có thể.

 

Chữ "lắng nghe" quả thật có ý nghĩa rất hay. Phải "lắng" thì mới "nghe" được. Không 'lắng" thì không thể "nghe" trọn vẹn. Vâng, sự cần thiết phải lắng nghe, tầm quan trọng của việc  kết hợp hài hòa giữa lắng lòng mình và nghe âm thanh quả là không sao phủ nhận. Nếu thành công kia, sự thấu hiểu kia là bầu trời, thì lắng nghe sẽ là đôi cánh nâng tôi bay lên đạt được điều đó. Và phải chăng lắng nghe cũng chính là biểu hiện của yêu thương? 

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC

THCS TÂY SƠN

Đăng nhận xét