Search Suggest

Chấm thi ở IMO: Chấm cả giấy nháp, cho điểm cả ý tưởng còn dang dở

Thầy Nguyễn Khắc Minh, người có gần 30 năm nhận trách nhiệm dẫn dắt học sinh dự thi Olympic toán quốc tế (IMO), kể rằng việc chấm thi ở các kỳ Olympic quốc tế rất khác biệt so với những kỳ thi trong nước.

Trước hết, nó được chấm bởi một tập thể những người thầy giỏi, bao gồm cả giám khảo và trưởng đoàn các nước. Họ được thảo luận, cùng xây dựng thang điểm.

Ban giám khảo sẽ chia theo đội, mỗi đội chỉ phụ trách chấm một câu trong đề. Trong mỗi đội sẽ chia nhóm nhỏ hơn để phụ trách chấm từng nhóm bài phân theo quốc gia.

Bài làm của học sinh sau khi được thu sẽ scan để chuyển cho giám khảo chấm. Bài thi gốc sẽ được trả lại cho các trưởng đoàn của các nước giữ. Trong khi giám khảo chấm, các trưởng đoàn cũng chấm bài của học sinh nước mình.

Thầy Nguyễn Khắc Minh kể: Với môn Toán, bài làm đúng hay sai đều hiển thị rõ ràng, ứng với thang điểm đã xây dựng, không có gì phải bàn. Nhưng việc "đấu trí" giữa giám khảo và các trưởng đoàn xảy ra trong tình huống bài của học sinh đang làm dở dang chưa ra kết quả, trong khi con đường các em chọn lại không như đáp án.

"Với đề thi Olympic quốc tế, không có một đáp án nào lường được hết các phương án giải. Nhiều cách giải khác đáp án, thậm chí gây bất ngờ cho giám khảo. Với những cách giải mới làm lưng chừng, các trưởng đoàn phải nghiên cứu kỹ bài làm của học sinh để có thể tranh luận với giám khảo, chứng minh được phần bài dở dang đó có thể cho điểm" - thầy Minh cho biết.
Thầy Nguyễn Khắc Minh (phải) và GS Lê Anh Vinh nghiên cứu bài làm của học sinh Việt Nam

Thầy Minh nhớ lại: "Trước khi vào chấm để đối sánh kết quả với giám khảo, các thầy sẽ được gặp học sinh để trao đổi. Với những bài làm dang dở theo cách không như đáp án, chúng tôi sẽ phải nghe học sinh trình bày về hướng đi các em đang triển khai.

Có trường hợp học sinh tìm được hướng rồi nhưng có trường hợp các em thành thật nói mình vừa làm vừa mò, chứ chưa chắc chắn được hướng đi đến đích. Để bảo vệ kết quả học sinh đã làm, đôi lần họ phải thức cả đêm để nghiên cứu bài thi, giấy nháp của học sinh để có minh chứng đưa ra trong cuộc thảo luận với giám khảo".

Cách chấm thi của các kỳ Olympic toán học quốc tế không chỉ thể hiện sự minh bạch, trung thực mà còn cho thấy mục đích khích lệ, ghi nhận ý tưởng sáng tạo của học sinh. Cũng chính vì mục tiêu này mà nhiều kỳ Olympic quốc tế đã có những bài toán nhiều cách giải, có những cách giải thông minh, độc đáo.

"Đã có khá nhiều tình huống xảy ra trước một bài toán có phương án khác đáp án nhưng còn dang dở. Ví dụ có khi các trưởng đoàn không tìm ra hướng đi tiếp tới đáp án để thuyết phục, nhưng giám khảo lại tìm ra. Cũng có khi giám khảo không nhìn thấy, trưởng đoàn có bài làm của học sinh đang được thảo luận không nhìn thấy, nhưng trưởng các đoàn khác lại biết. Và họ đều cực kỳ trung thực khi xác nhận điểm cho học sinh" - thầy Khắc Minh kể.

Còn GS-TS Lê Anh Vinh thì kể lại kỷ niệm ở kỳ Olympic toán quốc tế IMO 2019 (Anh): "Bài làm của một học sinh tốt, nhưng cách lập luận hơi tắt khiến ban giám khảo không đồng ý, trừ 2 điểm. Chúng tôi đã nghiên cứu bài thi và trao đổi với học sinh của mình, thấy rằng có thể cho điểm được nên đã trình bày trong buổi làm việc với giám khảo nhưng giám khảo vẫn kiên quyết trừ 1 điểm.

Trường hợp này nếu tôi chấp nhận thì kết quả sẽ được chốt. Nhưng tôi không đồng ý. Theo quy trình, việc này sẽ được báo cáo trưởng ban giám khảo tiếp tục xem xét. Nhưng trưởng ban giám khảo năm đó cũng có cùng quan điểm với giám khảo chấm.

Tiếp tục, bài thi được đưa ra hội đồng các nước. Tại đây, cả tôi và ông trưởng ban giám khảo đều phải trình bày quan điểm của mình. Sau đó trưởng đoàn của các nước sẽ có ý kiến, rồi biểu quyết.

Tôi rất nhớ chi tiết khi tôi và ông trưởng ban giám khảo chờ đợi kết quả biểu quyết, ông ấy đã nói với tôi: "Rất mong Việt Nam không bị trừ điểm". Và khi biểu quyết nghiêng về phương án cho điểm, ông trưởng ban bắt tay chúc mừng tôi.

Điều ấy khiến tôi thấy ấn tượng. Ông trưởng ban giám khảo đó rất kiên định bảo lưu quan điểm đến cùng nhưng không tỏ ra khó chịu khi biểu quyết nghiêng về đoàn Việt Nam. Nhờ cách chấm minh bạch nhưng cởi mở trên tinh thần khích lệ ý tưởng sáng tạo của học sinh mà năm đó học sinh Việt Nam có bài làm được đưa ra thảo luận đã được cộng thêm điểm để nhận huy chương vàng".

Theo Tác giả Vĩnh Hà (Tuổi Trẻ Online). Người đăng: Mr. Math.

Đăng nhận xét