Search Suggest

Giải đề | Biểu tượng giọt nước mắt (nhận định của Nguyễn Ngọc Tư)

 


🌿Đề bài:

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng phát biểu: Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang theo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt.

(theo http://giadinh.net.vn Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và những nỗi niềm thầm lặng)

Anh/chị suy nghĩ như thế nào về biểu tượng của nghề viết mà nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã nói ở trên?

🌿Gợi ý thân bài:

🏵️I. GIẢI THÍCH
Hình ảnh giọt nước mắt: Đó có thể là nước mắt đau đớn, đồng cảm, đó cũng có thể là giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc… ==> Giọt nước mắt là biểu trưng cho năng lực xúc cảm, là khả năng thấu hiểu cảm xúc, là tâm hồn tinh tế, nhạy cảm để thấu cảm được những rung động của lòng người.
==> Khi dùng biểu tượng giọt nước mắt để nói về nghề viết, Nguyễn Ngọc Tư nhấn mạnh bản chất giàu xúc cảm, năng lực thấu cảm, tâm hồn tinh tế, giàu yêu thương của người viết.

🏵️II. BÀN LUẬN
1. Nhà văn là người giàu xúc cảm và trực giác nhạy bén.
- Tấm lòng của nhà văn phải luôn đồng vọng, âm vang với cuộc đời để nắm bắt được những khoảng khắc vốn quý trong đời. Đó có thể là những niềm vui nhưng cũng có thể nỗi buồn hay sự thất vọng tràn trề. Nhà văn phải sống trọn vẹn giữa cuộc đời đầy biến chuyển vô thường.
- Sống và rung cảm hết mình như thế chính là cách để nhà văn xâm nhập, sống thêm nhiều cuộc đời mới với những số phận nhà văn thể hiện trong tác phẩm.
- Nhà văn “là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê-khốp). Họ phải vui cái vui của bao người, phải đau khổ trước nỗi bi thương của bao số phận, sung sướng trước sự thăng hoa của cái đẹp, giận dữ trước bất công. Nhà văn phải sáng tác vì con người.
2. Tình cảm mãnh liệt của nhà văn chính là động lực thúc đẩy cảm hứng sáng tạo.
- Sáng tạo văn chương là hình trình nghiệt ngã của nhà văn lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc. Nhà văn phải là những người “phu chữ” thực sự, đãi ngôn từ và chắt lọc tư tưởng để dâng cho đời những tác phẩm có giá trị. Nếu thiếu đi cảm xúc mãnh liệt, tư tưởng của nhà văn chỉ là những giáo điều ép khô trên trang giấy, không đủ sức tác động đến tâm hồn một ai. Tình cảm là nhịp cầu nối đưa tư tưởng vào hình tượng nghệ thuật, tạo nên linh hồn cho tác phẩm.
- Sáng tạo nghệ thuật là quá trình phản ánh và tái tạo hiện thực đồng thời là quá trình tự biểu hiện, là quá trình giãi bày, chia sẻ, là sự hiện diện của nhà văn giữa cuộc đời. Khi nhà văn thờ ơ, nguội lạnh, khép kín giữa cuộc đời thì tài năng nghệ thuật cũng chấm dứt. “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” (Chế Lan Viên)

🏵️III. CHỨNG MINH
Hình tượng Chi Phèo trong tác phẩm cùng tên là hiện thân cho giọt nước mắt, cũng là biểu tượng của nghề viết văn mà nhà văn Nam Cao theo đuổi
- Nhà văn Nam Cao luôn tâm niệm “Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có.”
- Quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Nam Cao luôn đòi hỏi sự đồng điệu với cuộc sống ở mức độ mãnh liệt nhất. Chính vì thế, giữa muôn nghìn hiện trạng nhức nhối của cuộc sống đương thời trước năm 1945, ông gửi gắm niềm đồng cảm với hai phận người bé mọn là người nông dân nghèo và người trí thức.
- Tác phẩm “Chí Phèo” qua hình tượng của tên lưu manh Chí Phèo đã thể hiện giọt nước mắt của nhà văn khi để hắn rơi giọt nước mắt để phục hồi phần lương thiện.
- Sau những ngày tháng triền miên trong hơi men, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh táo để nhận ra trong căn lều của mình chỉ là màn đêm u ám. Ở bên ngoài là âm thanh rộn rang của cuộc sống với tiếng chim ca ríu rít, tiếng những người phụ nữ đi chợ về, tiếng anh thuyền chài gõ cá.
- Chí Phèo dần thức tỉnh từ các giác quan cho đến nhận thức và cuối cùng là khao khát mãnh liệt trở thành con người lương thiện. Nhưng con đường ấy đã mãi mãi đóng lại khi Thị Nở thốt ra lời từ chối phũ phàng. Trong khoảng khắc ấy, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. “Hắn ôm mặt khóc rung rức”. Hắn khóc như một đứa trẻ. Đó là giọt nước mắt tượng trưng cho sự đau đớn đến tột cùng của bi kịch tước đoạt quyền làm người.
- Nhà văn Nam Cao có sự đồng điệu với Nguyễn Ngọc Tư khi cùng xem giọt nước mắt chính là biểu tượng của nghề viết, “là miếng kính biến hình vũ trụ”. Soi chiếu vào hình tượng nhân vật Chí Phèo, đó chính là giọt nước mắt của tấm lòng khao khát phục thiện, Đối với nhà văn, giọt nước mắt thể hiện khả năng thấu cảm, trân trọng đối với những phận người chưa chết hẳn nhân tính trong con người họ. Phải là người sống trọn vẹn với đời, Nam Cao mới có thể thấu hiểu và truyền đạt lại trọn vẹn cảm xúc mãnh liệt ấy.

🏵️IV. TỔNG KẾT
Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề.
- Nhà văn chọn biểu tượng của nghề viết là giọt nước mắt là cách diễn đạt rất chính xác, giàu sức gợi. Mỗi tác phẩm phải được chắt lọc từ những gì nhà văn day dứt, băn khoăn và suy tư nhiều nhất.
- Những tình cảm chân thật và mãnh liệt mới đủ sức lay động trái tim và trí óc của độc giả.
- Bản thân độc giả muốn thấu hiểu được thế giới nghệ thuật cũng phải có một đời sống thực phong phú và giàu trải nghiệm.

🏵️V. LIÊN HỆ
1. Để có được tình cảm mãnh liệt, nhà văn phải liên tục trau dồi tình cảm, tư tưởng và nhân cách. Tác phẩm không chỉ cần cảm xúc làm linh hồn, mà cũng cần có những tư tưởng tiến bộ để trở thành khung sườn vững chắc. Mỗi nhà văn khi sáng tạo phải giúp nâng đỡ người đọc vượt lên những điều đố kị, nhỏ nhen để sống một cuộc đời tốt đẹp và trọn vẹn hơn.
2. Tác phẩm nghệ thuật là thách thức với chính người viết nên họ luôn cần sự bồi dưỡng vốn sống, nâng cao trình độ văn hóa và nghệ thuật viết. Để có được sự yêu mến và kì vọng của độc giả, nhà văn không thể thỏa mãn với những gì mình đã làm được. Người viết phải luôn đặt ra những thử thách để bản thân không ngừng tiến bộ cả trong cảm xúc và tư tưởng. Mỗi nhà văn là một nhà văn hóa lớn, sự tiến bộ của họ góp phần thúc đẩy cộng đồng.

🌿Nguồn đề: Đề thi chọn HSG 12 tỉnh Thừa Thiên Huế năm học 2020 - 2021
🌿Hướng dẫn giải: Cô Đặng Lan Anh - GV trường Trung học Thực hành ĐHSP TPHCM

#giaide_blogchuyenvan
#liluanvanhoc_blogchuyenvan

Đăng nhận xét