Search Suggest

Giải đề | Tiếng vọng...

 


🌿Đề bài:

TIẾNG VỌNG
Con chim sẻ nhỏ chết rồi
Chết trong đêm cơn bão về gần sáng
Đêm ấy tôi nằm trong chăn nghe cánh chim đập cửa
Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi
Và tôi ngủ ngon lành đến lúc bão vơi.
Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà chiều gió hú
Không còn nghe tiếng cánh chim về
Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt.
Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt
Một con mèo hàng xóm lại tha đi
Nó để lại trong tổ những quả trứng
Những con chim non mãi mãi chẳng ra đời.

Đêm đêm tôi vừa chợp mắt
Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh
Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ
Tiếng lăn như đá lở trên ngàn.
(Nguyễn Quang Thiều)

Tiếng vọng trong bài thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ về điều gì trong cuộc sống?

🌿GỢI Ý THÂN BÀI:

🏵️I. GIẢI THÍCH

- Tiếng vọng trong bài thơ được gợi ra từ chi tiết “những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ/tiếng lăn như đá lở trên ngàn”, thể hiện nỗi ám ảnh của nhân vật “tôi”, cùng nỗi ân hận khôn nguôi. Đó là tiếng vọng của lương tâm, của sự dằn vặt trong tâm hồn.
- Tiếng vọng trong bài thơ gợi đến:
+ Bài học về sự ăn năn, day dứt: Chỉ cần một chút vô tâm đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, không thể cứu vãn (Thể hiện qua chi tiết: sự vô tâm của nhân vật “tôi” gây ra cái chết của những con chim non).
+ Từ đó, tiếng vọng ấy thức tỉnh con người về tình yêu thương, về lòng nhân ái.

🏵️II. BÀN LUẬN - CHỨNG MINH

1. Vấn đề thứ nhất: Sự vô tâm có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không thể cứu vãn.
- Nguyên nhân và biểu hiện: Lối sống vội vã và việc coi trọng vật chất đã khiến con người tự giết chết tâm hồn của chính mình. Con người chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà thiếu đi sự thấu hiểu đối với bất hạnh của người khác.
- Hiện trạng: Sự vô tâm là căn bệnh của thời đại mà nếu không sớm nhận ra và “chữ trị”, con người dễ dàng đánh mất chính bản thân mình.
- Hậu quả:
+ Sự vô tâm khiến con người mất đi “tính người”, trở nên chai sạn trước nỗi đau của đồng loại, thậm chí có thể vì lợi ích mà bất chấp vi phạm những chuẩn mực đạo đức.
+ Sự vô tâm ban đầu có thể chỉ là sự thờ ơ trước lời mời chào của một em bé bán vé số. Nhưng nếu con người cứ nuôi dưỡng thái độ ấy, nó sẽ nhanh chóng trở thành sự nhẫn tâm, sẵn sàng làm việc xấu. Thậm chí sự im lặng của người tốt cũng đáng sợ không kém những hành động tội ác: “Thế giới không chỉ đáng sợ vì hành động của những kẻ xấu mà còn vì sự im lặng của những người tốt” (Martin Luther King).

2. Vấn đề thứ hai: Sức mạnh của tình yêu thương, lòng nhân ái trong cuộc sống
- Lòng nhân ái giúp cho trái tim con người tránh xa sự chai sạn, bồi đắp tình cảm phong phú, phẩm chất tốt đẹp. Tình yêu thương không sẵn có mà đòi hỏi sự hi sinh, thấu hiểu và hành động của con người với những người xung quanh.
- Lòng nhân ái không chỉ cứu rỗi linh hồn của một cá nhân mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.
- Lòng nhân ái không có biên giới, mở rộng những khả năng và giới hạn của con người. Sống vì người khác, con người sẽ làm được những điều phi thường, sống có trách nhiệm và quảng đại hơn.
- Dẫn chứng: tấm gương nhân ái của mẹ Teresa với cả cuộc đời cống hiến cho những người nghèo và bệnh tật ở Châu Phi, Helen Keller đã dành cả cuộc đời cho những hoạt động thiện nguyện về người câm điếc.

🏵️III. MỞ RỘNG
- Lòng tốt cũng cần phải suy xét cẩn thận, không nên mù quáng tin tưởng để lòng tốt bị lừa gạt, trở thành công cụ của người khác trục lợi.
- Cần phải thực hành đi theo “tiếng vọng” của lòng nhân ái, nếu chỉ nhận thức mà không hành động thì những điều tốt sẽ không thể nhân rộng trong đời thực.

🏵️V. LIÊN HỆ
Nhận thức
- Cần rèn giũa nhận thức hướng đến lòng nhân ái, khắc phục được tính vô cảm, thờ ơ
Hành động
- Cần tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, nhân rộng tình nhân ái đến những hoàn cảnh khó khăn
- Sống cống hiến, có trách nhiệm với cộng đồng

🌿Nguồn đề: Đề thi HSG 12 Thừa Thiên Huế năm học 2020 - 2021
🌿Hướng dẫn giải: Cô Đặng Lan Anh, giáo viên trường Trung học Thực hành, Đại học Sư phạm Tp. HCM

#giaide_blogchuyenvan
#nghiluanxahoi_blogchuyenvan

Đăng nhận xét