Search Suggest

Hãy nói: trao cho tôi đôi mắt

 


Đề bài:

Trong “Đaghextan của tôi”, Raxum Gamzatốp từng khuyên nhà văn trẻ :

“ Đừng nói: Trao cho tôi đề tài

Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt”

Bằng trải nghiệm đọc văn của mình, anh (chị) hãy bình luận về lời khuyên trên.

Bài làm

Văn chương gắn liền với cuộc sống, và hơi thở cuộc sống tạo nên từ văn chương. Mỗi nhà văn như những chú ong chăm chỉ, ngày ngày trong vườn hoa cuộc đời, tìm kiếm những giọt mật ngọt cho sự sáng tạo của chính mình. Tuy nhiên, đời sống này luôn thay đổi, đòi hỏi người nghệ sĩ với tài năng, phải sử dụng khôn khéo “giọt mật” ấy để tránh tự ràng buộc chính mình với bất cứ đề tài nào. Raxum Gamzatốp cũng đã từng nói trong “Đaghextan của tôi” rằng:

“Đừng nói : Trao cho tôi đề tài

Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt”

“Đề tài” như sự ràng buộc nhà văn, kiềm hãm sự sáng tạo của người nghệ sĩ bên trong họ. Chỉ khi họ bước ra khỏi vùng an toàn đó bằng “đôi mắt” của chính mình, tác phẩm và nhà văn mới thật sự thăng hoa, rực rỡ.

“Đề tài” là những hiện tượng đời sông được miêu tả trong tác phẩm văn học. Xuất hiện dưới muôn vàn hình thức, cấu thành các chi tiết trong văn chương. “ Đôi mắt” mà Gamzatốp nhắc đến đó là sự quan sát, cảm nhận của nhà văn về hiện tượng trong xã hội, hay đó còn là cảm quan nhạy cảm của người nghệ sĩ trước những bước đi của cuộc sống. Những tác phẩm văn chương ra đời mang trong mình cái nhìn chủ quan của tác giả, từ đó tạo nên sự khác biệt, giúp người nghệ sĩ khẳng định cái tôi trong nghệ thuật. Chính vì thế, khi nói đến “đôi mắt”, ta như một lần nữa đề cao cái tôi của mỗi nhà văn trong nghệ thuật. Vì khi mỗi nhà văn có cái tôi riêng cũng là lúc anh có tiếng nói của chính mình. Tiếng nói ấy sẽ là cách phân biệt xác đáng nhất giữa những người nghệ sĩ, chứ không phải là bất kì đề tài nào. Gamzatốp đã không nhấn mạnh vào việc chọn đề tài vì nếu mỗi nhà văn chỉ dựa vào đề tài để sáng tác, anh cũng đã tự chọn cách giới hạn sự sáng tạo của chính mình. Qua cách diễn đạt tương phản “đừng trao – hãy  trao”, câu nói của Gamzatốp đã khẳng định được tầm quan trọng của bản ngã người nghệ sĩ, đặc biệt là cách quan sát, cảm nhận trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Nhận định của Raxum Gamzatốp là hoàn toàn đúng đắn. Chẳng phủ nhận rằng, bên cạnh những tài năng vốn có, sự quan sát và cái nhìn qua “đôi mắt” đóng một vao trò quan trọng, giúp nhà văn có được những tác phẩm hay, để đời. Khả năng quan sát sẽ giúp nhà văn trước hết là nhìn thấy được ở cuộc sống vốn đã rất phong phú, đa dạng này những hiện tượng xã hội hay còn được biết đến là chất liệu hiện thực. Vì một tác phẩm chỉ có thể chạm đến độc giả khi nó được gắn liền với cuộc sống con người. Nếu một tác phẩm chỉ đang cố vẽ ra những tương lai xa mờ mà quên mất thực tại, sản phẩm nghệ thuật ấy dù có đẹp đến đauu cũng sẽ nhanh chóng bị đào thải . Vì thế, “đôi mắt” là yếu tố tất yếu trong quá trình sáng tác. Nhưng vị thế của sự quan sát không thế chỉ đơn thuần là “miêu tả cuộc sống chỉ đế miêu tả” mà nó còn phải giúp tác phẩm trở thành “tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan” hay thậm chí là “đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Belinxky). Chính sự kỹ lưỡng, tinh tế trong cảm nhận sẽ giúp nhà văn phát hiện các ý nghĩa sâu xa, tiềm ẩn trong một sự vật hay hiện tượng. Qua đó, tác giả sẽ dễ dàng gửi gắm được vào đứa con tinh thần của mình những bài học quý giá và dễ dàng hơn trong việc mở khóa thế giới nội tâm con người – cốt lõi của văn chương. Nếu nhà văn là một thiên sứ thì chính “đôi mắt” sẽ là bộ cánh đưa họ đến muôn nơi, thực hiện sứ mệnh cao cả đó của mình. Không chỉ là tầm quan trọng, cách nhìn còn có mối quan hệ mật thiết với nhà văn, nhà thơ. Đôi mắt cùng các giác quan khác sẽ bổ trợ cho nhau, giúp người nghệ sĩ tích lũy vốn sống thêm đa dạng, vì “sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống của nhân dân” ( Nam Cao). Khi vốn sống hòa mình vào trong người nghệ sĩ, đó cũng là cơ sở quan trọng, bồi đắp trí tưởng tượng thêm phong phú, thú vị - yếu tố thu hút của một tác phẩm.

Với mỗi đôi mắt khác nhau, ta sẽ có một cái nhìn khác nhau. Không chỉ là cảm nhận về thế giới xung quanh, đôi mắt của những người nghệ sĩ khác nhau, sẽ cho ta thêm nhiều góc nhìn phong phú hơn, mới mẻ hơn ngay trong cùng một đề tài. Đây chính là cách giúp những tác phẩm khác nhau dù cùng trong một đề Để trở thành một nhà văn đại tài, cách quan sát chuyển đổi thành suy nghĩ, cảm nhận cũng cần có sự nổi trội, hay thậm chí là vượt xa thời đại mà họ đang sống . M.Gorki từng nói “ Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có hình thức riêng”. Tất cả những yếu tố trên, một lần nữa khẳng định được “đôi mắt” có vai trò quan trọng, là yếu tố đặc biệt với văn chương, thậm chí là đối với người nghệ sĩ.

Trong Hai đứa trẻ, đôi mắt của Thạch Lam thật sự rất đặc biệt – nhẹ nhàng nhưng đầy xúc cảm. Điều này được thể hiện rõ qua cảnh chờ tàu – hoạt động cuối ngày khuấy động cảnh sống tẻ nhạt nơi phố huyện. Con tàu đến, mang vô vàn ý nghĩa đối với người dân nơi “ao đời phẳng lặng”. “Các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh sáng xuống đường” hay “những toa hạng trên sang trọng” với họ  là hình ảnh tượng trưng cho sức sống “ở một nơi khác hẳn” – giàu sang và rực rỡ. Vốn đã quen với cuộc sống quẩn quanh, mòn mỏi, con tàu đến mang mang theo một niềm tin, tuy mỏng manh nhưng vô cùng quý giá. Thạch Lam có phần yêu thương rất lớn đối với những con người nơi đây. Dưới con mắt của ông, nơi đây không chỉ được thắp lên bằng ngọn đèn dầu le lói của chị Tó mà còn được thắp sáng với niềm tin mãnh liệt của Thạch Lam vào sức sống tiềm tàng, vào vẻ đẹp của tình người và sự hy vọng vào những con người nơi phố huyện. Vì khi con người còn mục đích để sống, một ngày trôi qua mới thật sự là ngày trọn vẹn. Con mắt của người nghệ sĩ tài hoa ấy không chỉ rung lên trong ánh mắt mà còn hòa vào nhịp đập của trái tim nhân đạo của Thạch Lam. Không thể quên hình ảnh Liên và An cố thức chờ tàu đến – “tàu đến, chị đánh thức em dậy nhé”. Thạch Lam không chỉ dùng đôi mắt để nhìn thấu và giúp ta biết tin và thương hơn những cảnh sống, kiếp đời tù đọng, quẩn quanh, đôi mắt ấy còn nhìn An và Liên bằng sự thấu cảm và sẻ chia đến từng dòng cảm xúc. Là cùng Liên quay về những quá khứ tốt đẹp tại Hà Nội, gửi gắm qua chuyến tàu chứa đầy về kỷ niệm về một thời được “đi chơi bờ hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ”. Với người bình thường, ta sẽ chỉ xem việc hai đứa trẻ cố thức để chờ tàu là cách thỏa mãn trò trẻ con, nhưng qua từng câu, từng chữ Thạch Lam đưa ta đến một nơi xa hơn- một tâm hồn mong manh, nhạy cảm của thiếu nữ mới lớn, Liên. Chút bất mãn với cuộc sống hiện tại, một ít niềm vui ha thậm chí là khát khao mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng đều đã được đôi mắt của Thạch Lam nhìn thấu. Qua chi tiết cảnh chờ tàu, đôi mắt của Thạch Lam hiện ra - một đôi mắt sâu sắc và mới mẻ. Cái sâu sắc ấy được tác giả thể hiện qua việc nắm bắt bản chất của lát cắt hiện thực nơi phố huyện. Hiện thực ấy dù có sự tù đọng, quẩn quanh nhưng vẫn le lói ánh sáng của niềm tin và hy vọng. “Hai đứa trẻ” không chỉ sáng ngời nhờ sự phản ánh hiện thực mà còn là cách Thạch Lam đi vào khám phá cái tinh tế, mong manh trong tâm hồn của nhân vật để rồi đồng cảm với những xúc cảm ấy. Tính nhân đạo của văn chương trong tác phẩm cũng rất mới mẻ, không chỉ là cách ông thấu hiểu những cảm nhận của Liên mà còn là những niềm tin ông gửi vào các thân phận yếu thế nơi phố huyện. Đôi mắt của Thạch Lam chính là một chất liệu quan trọng để tạo nên thành công của Hai đứa trẻ.

Những đôi mắt khác nhau, sẽ nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng khác nhau, điều này quả chẳng sai đối với Nam Cao. Trong thời cuộc đề tài bần cùng hóa của người nông dân đã cũ, Nam Cao xuất hiện dưới góc nhìn táo bạo hơn của một khám phá mới mẻ - chủ đề sự tha hóa của nông dân trước Cách mạng. Điều này được thể hiện rõ nhất qua tác phẩm Chí Phèo, đặc biệt là hình ảnh bát cháo hành. Cái nhìn của Nam Cao rất khác lạ so với các nhà văn cùng thời, khi tác giả đã tìm thấy tình người còn lại nơi Chí phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nếu bát cháo hành ấy giúp anh Chí tìm lại tình người tưởng chừng đã bi đánh mất, thì đôi mắt của Nam Cao đã giúp người đọc hiểu nhiều điều : tính nhân đạo, “một tình người bình thường”, giản dị hay thậm chí là sự xót xa về hiện thực tàn nhẫn. Nhưng quan trọng hơn hết, đôi mắt Nam Cao như ngọn đuốc cháy bỏng, giúp “khai sáng” đôi mắt người đọc, từ đó mở rộng tâm hồn mình, cùng nhà văn tìm thấy điều tốt đẹp ngay trong cái xót xa, thấp hèn. Trong một chuỗi cảm xúc biến chuyển nhanh chóng của Chí phèo khi thấy “một nồi cháo hành còn nóng nguyên”, Nam Cao đã tinh tế, nhẹ nhàng giúp Chí Phèo cởi bỏ dần lớp quỷ làng Vũ Đại bằng nhân vật cụ thể - Thị Nở và tình thương giản dị, mộc mạc. Đầu tiên, “hắn ngạc nhiên lắm” – một cảm xúc rất đỗi mới lạ. Sao không ngạc nhiên được khi đây là lần đầu tiên Chí phèo chẳng cần cướp giật hay ăn vạ để có được thứ hắn muốn, lần đầu tiên có người tự nguyện cho hắn. Tuy nhỏ nhoi – một bát cháo hành cũng đủ để hắn dần thức tỉnh phần người trong mình. Vì sự đặc biệt ấy, Chí phèo đã cảm động, “hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt”. Câu văn của Nam Cao khi đọc vào, ta cảm nhận có phần lạnh lùng và cứng rắn – thằng Chí này cũng biết khóc đấy à ? Nhưng sâu thẳm bên trong trái tim đó, ta cảm nhận được sự tinh tế trong dòng cảm xúc của Nam Cao khi đã nhận ra những biến chuyển dù là nhỏ nhất của nhân vật. Con người có thể dễ dàng nhận ra người khác khóc nhưng hiếm ai có đủ rung động để nhìn cảm nhận được sự biến đổi những dòng cảm xúc mãnh liệt. Cái biến chuyển Nam Cao nhận ra rất đắt giá, vì khi khóc được cũng là lúc tâm hồn đang reo lên những cảm xúc – biểu hiện đầu tiên của tính người. Từng cảm súc sắc màu hiện ra – là sự ân hận, rồi sửng sốt trước mùi vị bát cháo hành. “Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm”. Mùi cháo hành chốc chốc hóa thành vị hạnh phúc mà sau bao nhiêu năm, đến khi qua đến con dốc bên kia cuộc đời, Chí phèo mới cảm nhận được. Tính người nơi anh Chí như cái kén đang lột xác – đau đớn nhưng đầy xứng đáng trong chuỗi cảm xúc của chính mình, để đến cuối cùng, “hắn thèm được lương thiện”. Qua hình tượng bát cháo hành đã chín minh được cho câu nói của Gamzatốp . Đây không chỉ là cuộc tìm kiếm lại tính người của Chí phèo mà còn là hành trình đi tìm lại những điều tốt đẹp bị vùi lấp trong hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến. Vì như Thạch Lam đã từng nói: “Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có thêm nhiều công bằng, yêu thương hơn.” Qua tác phẩm, đôi mắt nghệ sĩ của Nam Cao đã bộc lộ được cái mới mẻ và sâu sắc của nó. Cái nổi bật có thể nhìn thấy ngay trong tác phẩm là cách tác giả nhận ra bản chất hiện thực và phản ánh quy luật xã hội. Và chỉ có đôi mắt sâu sắc mới có thể thực hiện trọn vẹn được điều này. Bên cạnh đó, cái mới mẻ ở Chí Phèo cũng rất đáng nói. Đó là cái nhìn độc đáo, tiến bộ của tố chất của nghệ sĩ trong Nam Cao. Khi ông đã có một niềm tin mãnh liệt vào tính người vốn có, dù đó có là ai và dù đó có là Chí phèo – con quỷ dữ. Cái nhìn của nhà văn đối với anh Chí hoàn toàn khác biệt với cách người làng Vũ Đại luôn nhìn về Chí, đầy lạnh lùng và vô cảm. Đôi mắt Nam Cao nhìn Chí phèo là đôi mắt của yêu thương, của tình người. Chính đôi mắt ấy của Nam Cao đã cùng tài năng của mình đã giúp tác phẩm Chí phèo sống mãi với thời gian.

Nhận định của Gamzatốp luôn đúng đắn mặc sự thay đổi của dòng thời gian. Sự quan sát là điểm khởi đầu của mọi nguồn cảm hứng bất tận và cũng là điểm tạo nên sự khác biệt giữu những người nghệ sĩ. Để có được những cảm nhận, suy nghĩ sau mỗi cái nhìn, đòi hỏi nhà văn phải dấn thân để có được những gì chân thật nhất, tự nhiên nhất. Hay đó còn là sự trau dồi về nhiều mặt: trau dồi tình cảm để nhà văn thêm phần nhạy cảm, tinh tế, trau dồi vốn sống để có thể hiểu nhiểu, hiểu rộng hay thậm chí là trình độ văn hóa để nhạy bén hơn trong việc tiếp cận đời sống. Bên cạnh nội dung, hình thức trong văn chương cũng đóng một vai trò quan trọng. Mỗi tác phẩm văn học cần có hình thức nghệ thuật độc đáo, phù hợp để làm nên hình hài, sắc vóc của văn chương. Vì nếu chỉ có cái tâm là chưa đủ, một nhà văn lớn phải có cả cái tài. Cái tài sẽ giúp cái tâm thêm phần rực rõ qua ngôn từ, dễ hiểu hơn qua cấu trúc câu,…Một tác phẩm dù tư tưởng có lớn đến đâu nhưng chẳng đủ sức hút cũng có nguy cơ bị đào thải. Chính cái tâm, cái tài khác nhau được bồi đắp theo cách riêng của từng nhà văn sẽ tạo nên phong cách riêng. Về phía bạn đọc, không chỉ đơn thuần là đọc và cảm nhận, mà còn cần phải hiện thực hóa thông điệp mà nhà văn gửi gắm, để không chỉ giúp cuộc sống nói chung mà kể cả đời sống riêng mình thêm tốt đẹp. Một tác phẩm chỉ có thể trường tồn khi có sự đồng hành của cả nhà văn và bạn đọc. Người đọc được đôi mắt của nhà văn soi đường, nhìn thấy những bài học, thông điệp trong từng trang sách để từ đó vận dụng vào cuộc sống, giúp hiện thực thêm tốt đẹp. Mỗi người nghệ sĩ hãy tận dụng đôi mắt của chính mình, chứ đừng dựa dẫm vào đề tài. Đôi mắt giúp nhà văn khai phóng, vượt ra khỏi những điều thông thường để ra đời các tác phẩm vĩ đại. Để tài chỉ nên là cách phân loại giữa các sản phẩm nghệ thuật chứ không nên trở thành rào cản của sự sáng tạo. Vì thế, nhận định của Gamzatốp là đúng đắn.

Để có một tác phẩm hay và trường tồn với thời gian, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng cốt lõi có lẽ là sự quan sát, nhìn nhận của người nghệ sĩ. Đôi mắt là công cụ để xây dựng một nền móng vững chắc cho tác phẩm có nội dung, từ đó sẽ là cơ hội cho sự sáng tạo, tâm hồn của nhà văn đươc bay cao, bay xa. Chính vì thế, nhận định của Raxum Gamzatốp trong “Đaghextan của tôi” là phù hợp :

“Đừng nói: Trao cho tôi đề tài

Hãy nói : Trao cho tôi đôi mắt”

NGUYỄN ĐAN DUNG

LỚP 11 CHUYÊN VĂN TRƯỜNG THTH ĐHSP

NĂM HỌC 2020 - 2021


Đăng nhận xét