Search Suggest

Làm thơ không thể không có cái tôi...

 




Đại thi hào Nga Lev Tosltoy đã cho rằng “Khi một nhà văn mới xuất hiện ta sẽ đặt câu hỏi rằng liệu anh ta có đem điều gì mới mẻ cho chúng ta”, quả thật, một nhà nghệ thuật chân chính không chỉ có “con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”, mà còn phải biết đem đến “điều gì mới mẻ” cho nghệ thuật. Cũng đồng tình với ý kiến đó nhà lí luận đời nhà Thanh, Viên Mai đã nói:” Làm thơ thì không thể không có cái tôi”. Và đi đầu trong công cuộc mở đường cho cái tôi phát triển ta không thể không nhắc tới ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Ông đã không ngần ngại nói ra khát vọng tình yêu, khát vọng sống của mình, từ đó tạo ra những trang thơ vô cùng mới mẻ. Điều này được hể hiện tiêu biểu qua tác phẩm “Vội vàng”, bài thơ đã làm bật lên cái tôi mạnh mẽ, xúc cảm, cho ta một “bài học trông nhìn và thường thức”.

  Salty Schedrin khẳng định “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”, vậy điều gì làm cho nó bất tử? Phải chăng là ở tấm lòng và tài năng người cầm bút. Để một tác phẩm nghệ thuật sống mãi với nhân dân thì cái tôi sáng tạo và cái tôi xúc cảm phải luôn song hành cùng nhau. Như nhà phê bình văn học Viên Mai nhận định” Làm thơ không thể không có cái tôi”. Cái tôi ở đây chính là ý thức cá nhân, cá tính riêng của mỗi người. Còn thơ được hiểu là môtj hình thức sasg tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ qua ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và đặc biệt là nhịp điệu. Xét dưới góc nhìn thi ca, khi thơ anh càng mang màu sắc cái tôi, ý thức cá nhân thì càng nổi bật, càng mới mẻ. Qua đây nhà thơ Viên Mai đã đặt ra yêu cầu bức thiết dành cho cá nhà thơ là phải luôn thể hiện tư tưởng, cá tính sáng tạo trong quá trình sáng tác. Những trang thơ phải là hiện thân của xúc cảm và phong cách riêng cả nhà thơ.

  Quả thật, nhà lí luận văn học Viên Mai đã đưa ra nhận định xác đáng, chí lí, chí tình. Khi anh làm thơ nhất định không thể xa rời cái tôi bởi trước nhất cái tôi là hiện thân của cảm xúc cá thể. Nhà văn Jose Martin khẳng định:” Thiếu tình cảm chỉ có thể làm người thợ làm những câu thơ có vần, chứ không thể trở thành nhà thơ”, thơ chính là tiếng nói của cảm xúc. Nhưng thơ không bộc lộ những cảm xúc theo bản năng, trực tiếp mà đó là những cảm xúc được ý thức, được siêu thăng, lắng lọ qua cảm xúc thẩm mỹ, gắn liên với khoái cảm của sự tự ý thức. Và thơ bao giờ cũng là sự tự biểu hiện cái tôi tác giả của nó dù nhà thơ có nhận biết điều đó hay không. Bên cạnh đó, những người tìm đến thơ không chỉ để thưởng thức mà còn là để bày tỏ, gửi gắm tâm tư. “Thơ bắt đầu từ ngày con người tự biểu hiện lòng mình.” (nhà văn Hê – ghen), quá trình sáng tạo nghệ thuật là quá trình tự biểu hiện, sự hiện diện của nhà thơ giữa cuộc đời. Lẽ đó mà khi nhà thơ nguội lạnh, khép kín lòng mình thì tài năng nghệ thuật cũng chấm dứt. Qua đây ta càng thấy được tính đúng đắn của nhận định, làm thơ phải luôn có cái tôi - ở đây là dấu ấn tư tưởng tình cảm của người nghệ sĩ.

  Nếu các ngành khoa học loại bỏ cá tôi trong nghiên cứu thì ngành nghệ thuật, trong đó có thơ ca lại lấy cái tôi là điểm tựa của sự sáng tạo. Cái tôi chính là nhịp đập của bài thơ, thơ anh sẽ chết nếu mất đi sự mới mẻ, nét riêng của người nghệ sĩ. Thi ca đòi hỏi sự mới lạ độc đáo bởi đó là một hoạt động xủa quá trình sáng tạo, không lặp lại người khác cũng như không lặp lại chính mình. Cũng vì điều đó mà thơ ca chỉ “dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (nhà văn Nam Cao). Bên cạnh đó một nhà thơ chân chính đều muốn ghi lại dấu ấn của mình và tác phẩm nghệ thuật cũng muốn sống mãi trong lòng người đọc. Mà người đọc lại không bị tác động bởi những gì rập khuôn, đơn điệu và càng không chấp nhận những điều quen nhàm, không mới mẻ. Đó cũng là quy luật đào thải khắc nghiệt của văn chương. Nói cách khác nếu anh không phát huy cái tôi sáng tạo trong thơ ca thì đó là sự tự diệt. Từ đó ta càng nhận ra tính đúng đắn và tầm quan trọng ủa cái tôi trong thơ, “Làm thơ không thể không có cái tôi.”.

  Được biết những năm 1936-1939, thơ ca không còn dè dặt, không còn mộng sầu man mác như trước nữa mà công khai, mạnh dạn nói ra những ước muốn, khát vọng sống, khát vọng hưởng thụ và cả những khổ đau riêng tư. Và nhà thơ Xuân Diệu chính là người nhận lãnh lá cờ từ nhà thơ Thế Lữ trao sang, tiếp tục giương cao nó lên, từ đó cái tôi dần chiếm lĩnh thi đàn. Nhà thơ Xuân Diệu không chỉ sáng tạ về mặt hình thức mà cả những tư tưởng tình cảm của ông cũng được bộc lộ mạnh mẽ, điển hình là qua tác phẩm “Vội vàng”:

                              “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần:

                                Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

                                Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”

 Ở câu đầu ta thấy được phép so sánh táo bạo thiên về mặt cảm xúc. Tháng giêng là tượng trưng cho mùa xuân, mùa xuân của đất trời thanh tân tình tứ và mùa xuân ấy được miêu tả cụ thể qua từ “ngon”. Đến với “Vội vàng” của nhà thơ xuân Diệu ta luôn bị thu hút ởi những hình ảnh táo bạo, độc đáo. Để làm được điều đó ông đã cảm nhận cuộc sống bằng tất cả các giác quan, từ vị giác đến những rung động của thị giác: “cặp môi gần”. Hình ảnh cặp môi gần như làm môi hồng tươi của cô thiếu nữ đang hé mở chờ đợi. Bằng những cảm nhận theo thuyết tương giao ta thấy được nhà thơ đã không ngần nagij bộc lộ khát vọng ôm trọn cuộc sống, ông đã cảm nhận bằng cả trái tim, từ đó làm thơ ông thêm màu sắc, táo bạo. Không những thế khi nhắc đến cái tôi trong thơ ca ngoài những cảm xúc cá thể còn là sự sáng tạo trong hình thức, tư tưởng. Ở nhà thơ Xuân Diệu, ta luôn biết đến nét nổi bật chính của ông là sự đan xen hai luồng cảm xúc trong một câu thơ. “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.” Dấu chấm giữa câu ủa là một sự sáng tạo trong thơ ca. Bên cạnh đó dấu chấm ấy như bước chân nhà thơ đang hăm hở bỗng khựng lại giữa vườn xuân khi nhận ra giới hạn cuộc đời. Đang ở đỉnh điểm hạnh phúc thì tâm hồn ông lại nhận ra “trong găp gỡ đã có mầm li biệt”, từ đó mà nhà thơ đã nói ra quan điểm sống của mình “Tôi không chờ năng hạ mới hoài xuân”. Qua những câu thơ ấy ta nhận ra thơ cơ phải gắn liền với cái tôi bởi chính cảm xúc cá thể ấy, khát vọng cuộc sống ấy và cả sự sáng tạo đã giúp bài thơ thêm phầm sâu sắc.

  “Thơ chính là rượu của thế gian” (nhà văn Huy Trực) nhưng nếu thiếu cái tôi thì thơ chỉ là ly rượu nhạt. Và một nhà thơ chân chính như nhà thơ Xuân Diệu sẽ không chấp nhận điều đó. Vì thế mà trong tác phẩm “Vội vàng” ông đã cho cảm xúc của mình được tự do trong từng câu thơ, và ông còn cho người đọc thấy sự mới mẻ về hình thức:

                              “Cho chếnh cháng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng

                                Cho thanh sắc với thời tươi

                               -Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”

Điệp từ “cho” như đại diện cho những reo vui hớn hở, tác giả hoàn toàn đắm chìm trong hương thơm và ánh sáng. Tác giả để mình tận hưởng mùi vị mùa xuân một cách trọn vẹn nhất. Bên cạnh đó nhà thơ Xuân Diệu chưa bao giờ che lấp tình cảm của mình, ông không những mạnh dạn bộc lộ một cách rất Xuân Diệu:”-Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”. Nhà thơ đã vận dụng tinh tế từ phương diện ngôn ngữ lẫn phương diện cấu trúc, ông xóa bỏ những niêm luật gò bó để thốt lên những tâm tư trong tim mình. Chỉ qua những câu thơ ngắn ấy thôi đa khiến người đọc ấn tượng mạnh về phong cách của nhà thơ. Chính cái tôi mãnh liệt, nhạy cảm đã thổi hồn vào từng câu thơ khiến thi phẩm mang đậm hương sắc.

  Nhà văn Claude Bernard khẳng định:” Nghệ thuật là tôi, khoa học là của chúng ta”, sáng tạo nghệ thuật là một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể. Thơ ca luôn đòi hỏi những cảm xúc cá thể lẫn sự sáng tạo ở người thi sĩ. Nhưng không vì thế mà thơ ca xa rời cuộc sống, mất đi tính tập thể bởi yếu tố tiên quyết của một bài thơ là tính chân thật, tính dân tộc hay nói cách khác từ câu chuyện của một người phát triển thành câu chuyện của muôn người. Và để trở thành nhà thơ chân chính anh phải không ngừng trau dồi tình cảm, tài năng, nhân cách. Bên cạnh đó anh phải có tư tưởng lập trường tiến bộ, dám vượt lên những thiên kiến hẹp hòi, lạc hậu để nói ra những “điều trông thấy”.

  Tóm lại, nhận định của nhà phê bình văn học Viên Mai là vô cùng xác đáng, “Làm thơ không thể không có cái tôi”. Thơ ca nâng niu những cảm xúc riêng tư và đề cao phông cách sáng tạo của mỗi nhà thơ. Chính những yêu cầu bức thiết ấy của nghệ thuật giúp thơ ca nói riêng, văn học nói chung ngày càng phát triển nhưng vẫn luôn gắn liền với chân – thiện – mỹ và vẫn luôn mang trong mình sứ mệnh là phản ánh cuộc sống, phục vụ con người.

Nguyễn Ngọc Minh Anh

Lớp 11 Chuyên Văn trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm Tp. HCM

Năm học 2020 - 2021


Đăng nhận xét