Search Suggest

Ngô Quý Đăng và trang sử mới của đội tuyển IMO VN

Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam có một học sinh lớp 10 tham dự Olympic Toán quốc tế, không những thế còn đoạt huy chương vàng với số điểm cao nhất đoàn và xếp thứ 4 thế giới. Có thể nói, cậu học sinh lớp 10 ấy - Ngô Quý Đăng - đã mở ra một trang sử mới cho đội tuyển IMO VN.

Ngô Quý Đăng là trường hợp mà GS-TS Lê Anh Vinh (trưởng đoàn IMO VN những năm gần đây) tiếp xúc từ khi cậu còn là học sinh THCS. Thầy Vinh chia sẻ: "Tôi đã khuyên Đăng đừng để tâm đến các kỳ thi khác trong quá trình học mà hãy để tâm tới việc luyện để đi thi quốc tế vì Đăng thông minh, có tố chất đi xa hơn. Nhưng tiếc rằng trong hệ thống giáo dục hiện nay, nhiều học sinh có năng khiếu đặc biệt vẫn bị phân tâm bởi những quy định khác nhau về học hành, thi cử, để lãng phí thời gian".
Thầy Nguyễn Vũ Lương, chủ tịch hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nơi Quý Đăng đang học, cho biết Quý Đăng là học sinh nổi trội, có thể thấy ngay khi em mới vào lớp 10. Điểm đặc biệt là Quý Đăng "văn hay", có nghĩa có cách trình bày đẹp, sáng sủa.

Thầy Lương kể: "Dù nhận định Quý Đăng như thế, chúng tôi cũng rất lo khi quyết định đưa Đăng vào diện bồi dưỡng để thi quốc tế ngay từ năm lớp 10 và đây cũng là điều phải vất vả để thuyết phục Bộ GD-ĐT đồng ý. Được đồng ý rồi thì lại lo vì tôi từng biết đã có học sinh lớp 10 được xin thi vượt cấp nhưng không thành công. Bản thân học sinh phải chịu tải nặng, lại thất bại nên bị "gãy" luôn. Thế nên đến lượt Quý Đăng, các thầy bồi dưỡng vừa phải dạy vừa nghe ngóng. Thật may Quý Đăng là cậu bé rất trong sáng, vô tư, không bị áp lực phải có thành tích. Chính tâm lý thoải mái và tư duy nhạy bén của một học sinh chưa bị nạp quá nhiều kiến thức giúp Quý Đăng có thành công".

Còn Ngô Quý Đăng nhớ lại: "Vì mới học lớp 10, còn thiếu kiến thức nên tôi không chọn cách phức tạp mà chọn con đường đơn giản nhất. Từ chuyện này tôi thấy nhược điểm của "lớp 10" cũng là ưu điểm". Nhưng Quý Đăng cũng tự nhận cậu "có yếu tố may mắn" vì cậu yếu về hình nhưng đề thi của cậu phần hình lại dễ.

Dĩ nhiên là những học sinh thông minh như Quý Đăng còn có thể tiến xa nếu có được môi trường tốt. Nhưng điều Quý Đăng tự nhận cũng trùng hợp với đánh giá của thầy Nguyễn Khắc Minh khi cho rằng không thể yên tâm với thành tích khi có "thời tiết thuận lợi" (đề thi hợp sở trường) mà muốn ổn định phong độ, nhất là với trường hợp những học sinh vượt cấp như Quý Đăng thì cần có chương trình bồi dưỡng năng khiếu phù hợp.

"Việc mở rộng cho cả học sinh lớp 10, 11 trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế là cơ hội tốt cho những học sinh có sức học vượt trội khẳng định năng lực của mình. Tôi cho rằng giới hạn độ tuổi cho những cuộc thi dành cho học sinh xuất sắc cần mở rộng đến các học sinh bậc THCS như xu thế ở nhiều quốc gia. Thực tế trong các kỳ thi Olympic quốc tế đã xuất hiện nhiều học sinh ở độ tuổi rất trẻ. Nhưng cùng với đó, cần phải có chương trình giáo dục đặc biệt cho những học sinh thực sự đặc biệt." - GS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ.

Theo thầy Nguyễn Vũ Lương, sau trường hợp Ngô Quý Đăng nhà trường đang thiết kế chương trình để nuôi dưỡng những tài năng từ lớp 10 tạo nguồn cho kỳ thi quốc tế. Nhưng việc này sẽ vẫn có những cản trở nếu Bộ GD-ĐT không nhìn nhận và có chương trình bồi dưỡng nhân tài thực sự thay vì duy trì hệ thống trường chuyên - thực chất chỉ là trường chất lượng cao như hiện nay.

Theo Vĩnh Hà (Tuổi Trẻ). Người đăng: Mr. Math.

Đăng nhận xét