Search Suggest

'Thì ra Việt Nam của các ông giỏi Toán thật!'

Có người trong đoàn học sinh nước khác từng nói không biết gì về Việt Nam, nhưng đã phải thốt lên "thì ra Việt Nam của các ông giỏi thật!" khi nhìn học sinh của chúng ta bước lên nhận giải thưởng - PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, người nhiều năm gắn bó với đội tuyển Olympic toán quốc tế, nhớ lại.

Kỷ niệm mà PGS.TS Nguyễn Vũ Lương kể lại là câu chuyện ở kỳ Olympic toán quốc tế diễn ra tại Argentina năm 1997.

"Khi gặp nhau tại buổi giao lưu giữa các đoàn đến từ nhiều quốc gia, câu hỏi xã giao phổ biến là "where are you from?". Và câu trả lời của tôi là "Việt Nam". Điều làm tôi nhớ là có một người đã nói rằng ông ta chưa từng biết gì về Việt Nam. Nhiều người khác cũng có suy nghĩ như thế về đất nước mình vào thời điểm ấy.

Năm đó, đoàn học sinh Việt Nam có 1 huy chương vàng và 5 huy chương bạc. Trong đoàn có Đỗ Quốc Anh đạt điểm tuyệt đối và là một trong 3 học sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi năm đó.

Khi Quốc Anh lên sân khấu, được vinh danh cùng 2 học sinh của quốc gia khác, người từng nói không biết gì về Việt Nam đã đến bên cạnh tôi khẽ bảo: Thì ra Việt Nam của các ông giỏi (Toán) thật" - thầy Nguyễn Vũ Lương kể. Với ông, đó là tình huống thú vị không thể quên.

"Tôi nhìn sang thầy trưởng đoàn, thấy nước mắt ông ấy rơi mà miệng thì cười. Việt Nam khi ấy chưa được nhắc đến nhiều trong các sự kiện liên quốc gia, nhưng ở một "sân chơi" hội tụ những học sinh xuất sắc, Việt Nam lại đứng bên cạnh các nước lớn khác để được vinh danh, thực sự thấy tự hào" - thầy Lương nhớ lại.

TS Lê Bá Khánh Trình, người có nhiều năm là trưởng, phó đoàn học sinh tham dự Olympic quốc tế, cũng kể một câu chuyện vui: "Tôi nhớ đó là năm 2015, trong đề thi có một bài rất khó, học sinh nhiều nước không làm được nhưng Việt Nam lại làm được. Đội tuyển Nga là một trong những đội mạnh tham gia năm đó, nhưng ông trưởng đoàn Nga cũng lắc đầu cho biết học sinh đội Nga không em nào làm được bài ấy.

Kết quả năm đó đội tuyển Việt Nam xếp thứ 5 trên tổng số 106 đoàn tham dự Olympic toán học quốc tế năm 2015, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Đội Nga đứng sau đó mấy bậc.

Gặp tôi, ông trưởng đoàn Nga nói ngay "Việt Nam ghê gớm đấy, vượt qua cả Nga". Tôi biết đó chỉ là câu nói vui, nhưng cũng hiểu họ thực sự đánh giá tích cực về Việt Nam. Bởi ở cuộc thi quốc tế sẽ không thể có gì không minh bạch được. Kết quả là thực chất".

Nói về những chuyển biến trong nhìn nhận, đánh giá của các nước về Việt Nam qua các kỳ Olympic, TS Lê Bá Khánh Trình nhận xét: "Vài chục năm trước, nhiều người trong các đoàn dự thi Olympic quốc tế của các nước không biết nhiều về Việt Nam, có người trước đó còn chưa bao giờ nghe tới tên Việt Nam. Nhưng tới những năm gần đây, Việt Nam được biết đến nhiều hơn và đội tuyển Việt Nam ở các kỳ Olympic quốc tế trở thành "đối thủ đáng gờm" của học sinh quốc gia khác. Tôi cảm nhận điều đó vì nhiều người trong các đoàn khác hay hỏi về đội Việt Nam, bàn luận về đội Việt Nam".

Thầy Trình nhớ lại: "Năm 2017, kết quả của đội tuyển Việt Nam rất cao, xếp vị trí thứ 3/111 quốc gia với 4 huy chương vàng, 1 bạc, 1 đồng. Khi gặp tôi trong thang máy, các trưởng đoàn khác cùng ồ lên "Việt Nam hay quá!".

Việc thi thố cũng có yếu tố may mắn. Có những bài quá khó, học sinh các nước không làm được, ta làm được vì bài đó phù hợp, thuộc sở trường của học sinh Việt Nam. Nhưng dù gì đó vẫn là điều mà đoàn các quốc gia khác ngưỡng mộ".

Theo Vĩnh Hà (Báo Tuổi Trẻ). Người đăng: Mr. Math.

Đăng nhận xét