Search Suggest

Tác phẩm hoàn thành mới chỉ xong một nửa....

 



🌿Đề bài:
"Một tác phẩm hoàn thành mới chỉ xong một nửa" (Tô Thùy Vân).
Em hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy phân tích một số tác phẩm để làm sáng tỏ cách hiểu của mình.

🌿Bài làm

“Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỉ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
Còn xanh…”
(Thời gian, Văn Cao)

Vượt qua mọi định luật của sự băng hoại, thơ ca, văn chương vẫn bất hủ cùng thời gian. Vậy thử hỏi, lý do khiến những tác phẩm văn chương ấy mãi “còn xanh”, là gì? Phải chăng, là vai trò của người đọc đối với sức sống của tác phẩm? Đúng thế, Tô Thùy Vân đã từng tâm niệm: "Một tác phẩm hoàn thành chỉ mới xong một nửa".

Quả thật, không phải mặc nhiên, vô cớ mà Tô Thùy Vân nhận định như thế, bởi đây thực sự là một ý kiến xác đáng và chí lý, chí tình. "Một tác phẩm hoàn thành chỉ mới xong một nửa" - vòng đời của mỗi một tác phẩm không chỉ dừng lại sau khi được người nghệ sĩ sáng tác, mà khi một tác phẩm "hoàn thành" tức là đã được viết nên bởi nhà văn, nhà thơ hoàn chỉnh thì mới chỉ "xong một nửa" - chưa thể mang sức sống bất hủ, chưa thể thực hiện trọn vẹn thiên chức văn chương, mà cần "một nửa sau đó" - là quá trình tiếp nhận của độc giả. Như vậy, nhận định của Tô Thùy Vân đã đề cao vai trò của độc giả sự sống của mỗi tác phẩm, cũng như chỉ ra lý do để văn chương, thi ca trở nên bất hủ cố kim, mãi "còn xanh" dẫu thời gian trôi chảy.

Tự cổ chí kim, vòng đời của mỗi tác phẩm văn học đều bắt nguồn từ cuộc sống. "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học" (Tố Hữu). Hiện thực quả thật là mảnh đất màu mỡ để người nghệ sĩ khai thác, đào xới, nhào nặn nên những tác phẩm thơ văn. Từ đó, tác phẩm mới ra đời. Song đó chỉ mới là một nửa hành trình, hành trình tiếp theo của tác phẩm phải là sự tiếp nhận của độc giả. Bởi lẽ, văn chương là "nghệ thuật vị nhân sinh", nhà văn, nhà thơ sáng tác để hướng đến công chúng, hướng đến bạn đọc, họ viết cho người khác, không phải chỉ cho riêng mình, thế nên, họ cần sự tiếp nhận, đón đọc của độc giả. Như vậy, người đọc là một phần không thể thiếu trong quá trình sáng tác văn chương.
Quả thật, vai trò của độc giả trong quá trình sáng tạo nghệ thuật là không thể thiếu, sự tiếp nhận của độc giả là vấn đề sống còn, cốt tử, chí tử của tác phẩm. "Người sáng tác là nhà văn, người tạo nên số phận cho tác phẩm là độc giả." Nếu không có người đọc, tác phẩm tất nhiên sẽ chỉ là mớ chữ vô hồn. "Nếu không có người đọc, sản phẩm của nhà thơ, nhà văn không bao trở thành tác phẩm." Theo nhà văn Nhật Tiến: "Một tác phẩm in rồi mà không đến được tay người đọc thì chả khác gì một công trình bị bỏ hoang". Vâng, sáng tác lúc đấy sẽ trở thành vô nghĩa. Bởi lẽ, "nhà văn không cần tiền, không cần vàng, nhưng nhất thiết phải cần độc giả" (Nhà văn Nguyễn Hiến Lê). Tác giả sẽ chỉ trở thành tác giả khi có độc giả mà thôi, đó đã là điều tất nhiên. Chưa dừng lại ở đó, khi tác phẩm đến với người đọc, được người đọc tiếp nhận, thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm, người đọc sẽ trở thành "người đồng sáng tạo","người bạn tri âm" của tác giả. Chính độc gỉa chứ không ai khác sẽ mở rộng ý nghĩa cho tác phẩm, cho nhân vật, giúp hình tượng ấy sống dậy, thổi vào nó "cái hồn bất diệt". Hình tượng "sống", đồng nghĩa với tác phẩm "sống", cũng có nghĩa là nhà văn trường tồn. Cũng nhờ người đọc, mà một hình ảnh thơ, một chi tiết hay một nhân vật truyện … được mang nhiều tầng nghĩa hơn, tác phẩm được nâng lên một tầm cao mới, sâu sắc hơn.

Rõ ràng, vai trò của người đọc trong quá trình sáng tạo nghệ thuật là vô cùng quan trọng, có độc giả, tác giả mới có tri âm, tác phẩm mới sâu sắc hơn, được nâng tầm và có sức sống mãnh liệt hơn, "mới tái sinh trong lòng bạn đọc". Có như thế tác phẩm mới "hoàn thành trọn vẹn", mới trở nên bất hủ cổ kim, nhà văn, nhà thơ mới làm tròn thiên chức "người cầm bút". Như vậy, chẳng phải "một tác phẩm hoàn thành chỉ mới xong một nửa" hay sao?

Độc giả quả thật là "người bạn tri âm" của tác giả. Đọc những trang thơ của tác giả, độc giả thấu hiểu nỗi niềm và như hai tâm hồn cùng hòa vào nhau, chìm đắm trong những tình cảm, cảm xúc, tìm thấy sự đồng điệu đến diệu kì. Đọc đến những vần thơ trong khổ cuối "Bếp lửa", ta hiểu được tường tận từng tình cảm, từng nỗi niềm, cảm xúc biết ơn, thương nhớ về bà, về bếp lửa, về quê hương cội nguồn của Bằng Việt - đứa cháu du học xa bà, xa quê:

"Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bên lên chưa?"

Với ngôn từ giản dị, chân mộc, giọng thơ đằm thắm, ngọt ngào, từng lời thơ chứa chan cảm xúc và nỗi nhớ mong của đứa cháu dành cho bà. Đứa cháu năm xưa giờ đây đã khôn lớn trưởng thành, đã bước ra đời, rời xa vòng tay bà, chắp cánh bay xa đến những chân trời mới mẻ, với những khung cảnh rộng lớn, được hòa nhập vào niềm vui rộng mở... Nơi ấy "có ngọn khói trăm tàu/ Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả". Cuộc sống vật chất giờ đây đã đầy đủ, tiện nghi hơn: bếp ga, bếp điện thay thế bếp củi của bà. Nơi ấy cháu được giao lưu với bạn bè năm châu bốn bể, cuộc sống chẳng hề cô đơn.

Nhưng cháu vẫn không thể nguôi quên bếp lửa của bà - bếp lửa của tình thân gia đình thân yêu:

"Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
-Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?..."

Dẫu thời vật đổi sao dời, thời gian trôi chảy, nhưng tình bà cháu vẫn thiết tha, mãnh liệt, vẫn vẹn nguyên, tròn đầy như ngày nào. Mỗi ngày cháu đều tự hỏi: "Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...." có nghĩa là mỗi ngày cháu đều canh cánh nỗi nhớ thương bà, nhớ về bếp lửa của bà. Rõ ràng, đó là thứ tình cảm thường trực và khôn nguôi! Câu hỏi tu từ khép lại bài thơ thật hay, thật khéo, thật tinh tế, bộc lộ được sâu sắc tình cảm của cháu dành cho bà. Tự hỏi lòng cũng chính là cháu đang tự nhắc nhở chính mình không bao giờ được quên quê hương, quá khứ, không bao giờ quên bà, quên bếp lửa một thời thơ ấu nhiều khổ cực, gian nan mà ấm áp nghĩa tình. Hình ảnh người bà, hình ảnh bếp lửa giờ đây đã trở thành kỷ niệm bất diệt trong tâm trí, làm ấm lòng, không chỉ nâng đỡ cháu nơi phương xa, tiếp thêm cho cháu sức mạnh vững bước trên đường đời, mà còn truyền những giá trị cao đẹp ấy đến độc giả. Đọc thơ Bằng Việt, người đọc – những đứa cháu xa quê hương cũng sẽ khôn nguôi nhớ về bà, cũng có nghĩa là nhớ về quê hương, xứ sở, nhớ về tổ quốc thân yêu của mình với tất cả tấm lòng thiết tha yêu mến. Khổ thơ kết thúc để rồi đọng lại đến trái tim người đọc lại tình cảm bà cháu tha thiết, mãnh liệt, sâu lắng, lay động lòng người. Qua đó, độc giả thấu hiểu được nội tâm tác giả, trở thành "người bạn tri âm" cùng đồng điệu tình cảm, cảm xúc với tác giả.

"Người đọc là người cứu tác phẩm ra khỏi hầm mộng sách, giúp nó sống lại và bước đi giữa cuộc đời và hồn người". Người đọc làm sống dậy những hình tượng trong tác phẩm để tiếp thêm sức sống bất diệt cho mỗi tác phẩm văn học, thi ca. Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, nhân vật Sở Khanh đã hiện lên với bộ mặt mưu mô, xảo quyệt, là kẻ lừa tình thứ thiệt. Thậm chí, chàng họ Sở được trao “kim bài” lừa tình “nhỉnh” hơn chàng Mã (Mã Giám Sinh). Nếu như Mã Giám Sinh là tên buôn người vô học, giả tạo: "Quá niên trạc ngoại tứ tuần/Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao" thì Sở Khanh xét về thủ đoạn, hắn nham hiểm hơn “ngài” họ Mã bội phần, là kẻ tráo trở, bịp bợm vô cùng: Bạc tình nổi tiếng lầu xanh/Một tay chôn biết mấy cành phù dung". Bằng thủ pháp tả thực, Nguyễn Du đã lột tả chân thực bộ mặt gớm ghiếc của nhân vật phản diện Sở Khanh. Để rồi, nhân vật ấy lại một lần nữa sống dậy, bước ra thế giới hiện đại ngày nay. Hắn đã trở thành tâm điểm của những miệt thị, người ta thường mỉa những thằng đểu cáng là “đồ Sở Khanh”. Chẳng phải chính độc giả đã đem nhân vật từ trong truyện bước ra thế giới thực hay sao? Và có phải chăng nhờ vậy, người ta mới nhớ đến "Truyện Kiều" lâu dài hơn, kiệt tác ấy của đại thi hào Nguyễn Du mới bất hủ cổ kim?

"Khi tác phẩm kết thúc, sự sống của nó mới bắt đầu", bởi "một tác phẩm hoàn thành chỉ mới xong một nửa". Vâng, tác phẩm văn thơ nào đang được đón nhận cũng đều có sự đóng góp của người đọc. Bài thơ "Đồng Chí" - Chính Hữu là một điển hình và câu cuối của bài thơ chính là một hình ảnh liên tưởng hết sức thú vị. Kỳ lạ thay, giữa không gian rợn ngợp đến đáng sợ, giữa những căng thẳng, tập trung cao độ mà tâm hồn người chiến sĩ vẫn lãng mạn vẫn lãng du qua hình ảnh:

"Đầu súng trăng treo"

Trong phút giây tập trung cao độ, thần kinh căng như chảo, ấy vậy mà chỉ một thoáng ngước nhìn lên, tâm hồn người lính đã bắt gặp một hình ảnh lãng mạn, đẹp đẽ: ánh trăng kia đang treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Thử hỏi, nếu không có sự tinh tế, trái tim nhạy cảm, liệu những người lính có nhận ra vẻ đẹp ấy, nếu không có trái tim yêu thiên nhiên, tâm hồn lãng mạn, liệu người lính có nhận ra sự nên thơ của mảnh trăng cuối rừng kia? Chưa dừng lại, ở hình ảnh "đầu súng trăng treo", người đọc còn khám phá ra một ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. "Súng" và "trăng" là hiện tại và mộng mơ, là thực và ảo, là chất chiến đấu và chất trữ tình, chất chiến sĩ và chất thi sĩ. "Súng" là biểu tượng cho cuộc chiến tranh khốc liệt người lính đang theo đuổi. "Trăng" là cuộc sống hòa bình, là khát vọng về viễn cảnh quê hương, đất nước yên ả, độc lập, mà biết bao con người đang trông mong. Các anh chiến đấu hôm nay là vì những lý tưởng cao đẹp ấy. Bởi lẽ, họ chẳng phải xông pha nơi hòn tên mũi đạn để đổ máu mất mạng, để tang thương, bi ai, các anh đang "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", như Phan Huỳnh Điểu từng bộc bạch rằng:

"Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi
ra đi bảo tồn sông núi
ra đi thà chết chớ lui"

Tỉnh với mộng đã tạo nên không gian đặc biệt: con người, khẩu súng, và vầng trăng nằm gọn trong một bức tranh trời, bức tranh như ảo ảnh. Nhiệm vụ chiến đấu vẫn còn nguyên vẹn, sự cảnh giác không một phút lơ là, song tâm hồn người lính vẫn lãng mạn hòa vào thiên thiên nhiên, núi rừng. Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" đã được tác giả chọn là tiêu đề cho cả toàn tập thơ. Hai hình ảnh "súng" - "trăng" tưởng chừng như đối lập gay gắt với nhau lại trở nên hài hòa hợp lý. Hình ảnh "Đầu súng trăng treo" nói riêng và hình ảnh "súng", "trăng" đã trở thành biểu tượng của thơ ca cách mạng kháng chiến thời bấy giờ. Như vậy, hình ảnh ấy đã làm bừng sáng cả bài thơ "Đồng Chí" và chính là lời khẳng định đanh thép cho mục đích chiến đấu chính nghĩa của người lính. Chỉ một câu thơ thôi, mà người đọc có thể suy ra biết bao nhiêu tầng nghĩa, lớp lớp liên tưởng được suy ra, mà ngay cả tác giả khi sáng tác có thể cũng chưa nghĩ đến. Quả thật, độc giả đã mở ra cho tác phẩm nhiều tầng nghĩa mới mẻ, thú vị, độc đáo, và nâng tầm tác phẩm lên một cách sâu sắc, để tác phẩm mang sức sống mãnh liệt hơn.

"Cái bóng của người đọc đang cúi sau lưng nhà văn, nhà thơ, ngay cả khi họ ngồi dưới tờ giấy trắng… Chính độc giả đã ghi lên tờ giấy trắng cái dấu hiệu vô hình không thể tẩy xóa được của mình…" Độc giả quả thật quyết định sự sống còn của mỗi tác phẩm, quá trình tiếp nhận văn chương, thơ ca là một quá trình quan trọng, bởi vậy, bạn đọc cần phải thâm nhập cuộc sống, sống sâu với đời để có hiểu biết về cuộc đời rộng rãi, sâu sắc, phải có trái tim nhạy cảm rung động trước những trang văn, trang thơ, trở thành "người bạn tri âm" của người nghệ sĩ, phải có khả năng khám phá chiều sâu tác phẩm, tiếp nhận, giải mã tác phẩm một cách chủ động, nghiêm túc, đọc và suy ngẫm một cách thấu đáo. "Bạn ơi hãy suy nghĩ bằng trái tim và hãy đọc bằng lý trí".

Bên cạnh đó, mỗi người nghệ sĩ cũng cần ý thức rằng "một tác phẩm hoàn thành chỉ mới xong một nửa", "khi tác phẩm kết thúc, cuộc sống của nó mới bắt đầu", để cầm bút viết bằng cả cái tâm và cái tài, khối óc và trái tim, bằng "thứ vân tay nghệ thuật" riêng biệt độc đáo, "bí mật của nhà văn không phải là cảm hứng mà chính là cá tính ương ngạnh của anh ta, như người Thổ Nhĩ Kỳ có một câu đáng yêu: Đào giếng bằng kim" (Orhan Pamuk). Họ cũng cần phải sống sâu với đời, "nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang", nhìn đời với con mắt "xanh non biếc rờn" để viết nên những tác phẩm chân chính, được lòng bạn đọc, hướng tới bờ cõi Chân - Thiện - Mĩ.

Tựu trung lại, thật đúng đắn khi Tô Thùy Vân nhận định "Một tác phẩm hoàn thành chỉ mới xong một nửa". Mỗi tác phẩm văn chương để thực hiện trọn vẹn thiên chức của nghệ thuật: "là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người" đều cần cả quá trình sáng tác của tác giả và quá trình tiếp nhận của độ giả, bởi vai trò của độc giả đã được khẳng định sâu sắc, rõ nét. Ta hãy đến với văn chương, hãy đón đọc, giải mã nhiều hơn nữa những tác phẩm thơ văn để "nâng cuộc sống lên", cuộc sống của chính mình thâm trầm, rộng rãi hơn gấp trăm ngàn lần, để sống đủ nhanh để không hoài phí, đủ chậm để không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp đẽ!

🌿NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC
LỚP 9/8
TRƯỜNG THCS TÂN SƠN
NĂM HỌC 2020 - 2021

#baiviethocsinh_blogchuyenvan
#liluanvanhoc_blogchuyenvan

Đăng nhận xét