Search Suggest

[BÀI VIẾT] CẢM GIÁC KHI ĐỌC MỘT CÂU THƠ

 

CẢM GIÁC KHI ĐỌC MỘT CÂU
THƠ...





Đề: “Đọc một câu thơ hay, ta
thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một
thúc đẩy lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn...”( Theo
Lê Đạt)

Nhận định trên đề cập đến những
điều gì trong quá trình tiếp nhận văn học? Hãy làm rõ hiểu biết của anh/chị qua
các bài thơ Cảm hoài, Độc tiểu thanh kí và một bài ca dao.



Khi nhận định về thơ ca đã có
ý kiến cho rằng:” Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh
thần, do đó không đơn giản mà cũng không thần bí, thiêng liêng... Thơ ca chân
chính phải là nguồn thức ăn tinh thần, nuôi tâm hồn phát triển, nó không được
là thứ thuốc phiện tinh thần êm ái mà nhỏ nhen, độc hại”. Quả thật không sai
khi nói như vậy bởi văn học nói chung và thơ ca nói riêng bắt nguồn từ hiện thực
từ cuộc sống,để rồi đơm hoa kết trái nơi trái tim người nghệ sĩ. Không những vậy
thơ ca còn là tiếng nói cất lên từ những kiếp lầm than, là nơi tâm hồn con người
được thanh lọc và thức tỉnh. Nói cách khác thơ ca là thức ăn tinh thần không thể
thiếu trong đời sống con người, nuôi dưỡng tâm hồn họ qua năm tháng. Và người đọc
muốn trải nghiệm hết những điều tuyệt vời mà văn học mang đến thì phải đón nhận
nó như Lê Đạt từng nói:



“ Đọc một câu thơ hay, ta thường
có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy
lên đường hướng đến những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn...”. 
Ý kiến trên đã một lần nữa đặt
ra vai trò quan trọng của người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm- yếu tố
tạo nên sự thành công của mỗi tác phẩm văn học.



 



Một câu thơ hay là một câu thơ
có sức gợi và khi đứng trước nó, người đọc thường có cảm giác “ đứng trước bến
đò gió nổi”,ấy là khi tâm hồn bắt đầu rung động,”dậy sóng” trước những câu thơ.
Nói vậy có nghĩa là trước một câu thơ hay người đọc không chỉ thích thú trước vẻ
đẹp nghệ thuật được nhà thơ sáng tạo mà còn dâng trào cảm xúc trước thông điệp ẩn
sâu sau mỗi câu thơ. Rung động,xao xuyến để rồi mang trong mình “khao khát sang
sông” đó là khi người đọc bắt đầu cuộc hành trình khám phá từng góc khuất nơi
tâm hồn người nghệ sĩ, đó còn là cuộc viễn chinh trong tâm tưởng để thấu hiểu
mình,thấu hiểu đời qua từng con chữ đọng đậy trên trang giấy. Hành trình ấy đưa
con người đến với tình yêu đẹp qua “Sóng” của Xuân Quỳnh, sự tự hào và tình yêu
thiên nhiên quyện chặt với tình yêu nước qua “Mùa xuân nho nhỏ” của Quang Hải
và biết bao cảm xúc khác mà trong đời sống bộn bề ta không đủ thời gian để thấu
hiểu. Để rồi qua đó con người được “thúc đẩy hướng đến những vùng trời đẹp hơn,
nhân tính hơn”,đó là vùng trời của yêu thương,của những điều thiêng liêng,quý
giá của của đời,là nơi tâm hồn ta sẽ được gột rửa lớp bụi đời xám xịt,sự ích kỉ,tham
lam,đố kị sẽ theo đó mà trôi đi và ta sẽ là “người” trong một xã hội phần “con”
chiếm hữu. Nhận định đã đề cập đến sứ mệnh của người đọc trong quá trình tiếp
nhận mỗi tác phẩm văn học trước hết là phải rung động trước cái đẹp của nghệ
thuật. Nói vậy có nghĩa là con người phải cảm nhận tác phẩm bằng cái nhìn tinh
tế đầy nghệ thuật,mở lòng đón nhận những dòng cảm xúc chảy từ trái tim tác giả
đến độc giả và rồi suy nghĩ,băn khoăn mãi không thôi về tiếng lòng của nhà
thơ.Nhưng tác phẩm ấy sẽ chết ngay từ khi dấu chấm cuối cùng được đặt xuống nếu
người đọc không đi tìm lời giải cho nó,không cố tìm mà hiểu,không mang trong
mình khao khát khám phá bề sâu của tác phẩm.Tác phẩm khi ấy chỉ là những con chữ
được trau chuốt không hồn bởi điều quan trọng làm nên phần hồn của “đứa con
tinh thần” chính là tâm tưởng của người đọc. Nói đúng hơn là phần hồn của mỗi
tác phẩm không chỉ phụ thuộc vào cảm xúc,những nỗi đau đời hay xao xuyến trước
tình yêu của tác giả mà còn phụ thuộc vào suy nghĩ,cách tiếp nhận của người đọc.
Tác phẩm văn học sẽ không vượt qua khoảng cách về không gian, độ dài của thời
gian để tồn tại muôn đời nếu như nó chỉ đứng một chỗ dưới góc nhìn của nhà thơ.
Người đọc trong vai trò tiếp nhận cũng chính là vai trò đồng sáng tạo,đưa thơ
ca đến với nhiều góc nhìn khác nhau,đôi khi khám phá ra những điều mà chính cha
đẻ của nó chưa kịp nhìn ra. Khi người đọc có cái nhìn chân thật nhất về tác phẩm
ấy là khi bản năng hướng thiện của họ trỗi dậy, họ sẽ tìm đường đến với những
điều tốt đẹp,nhân văn của cuộc đời, tức là thay đổi bản thân tốt hơn,lấy chất
thơ, sự mềm mại của câu thơ để xoa dịu đi những gai góc nơi tâm hồn.Không những
vậy họ sẽ biết cảm thông cho số phận của những mảnh đời bất hạnh, biết trân quý
tình yêu,hạnh phúc mà bản thân có được và hơn hết là phủ hồng cho cuộc sống đầy
mảng tối. Trên con đường hướng tới vùng trời tốt đẹp,đầy nhân tính kia, những
người đồng sáng tạo không chỉ giúp bản thân họ tốt hơn,thiện hơn mà còn thay đổi
con người xung quanh họ từ đó mà thay đổi một xã hội nhân văn hơn. Nói tóm lại
nhận định đã đặt ra ba yêu cầu chính cho người đọc trong quá trình tiếp nhận
tác phẩm là: đón nhận bằng trái tim,khai phá bằng tâm trí và thay đổi bản thân
khi khép lai tác phẩm



 



Bước lên chuyến tàu vượt thời
gian trở về với những năm tháng tuổi thơ êm đềm,trong tâm trí ta lại vang vọng
đâu đó những câu ca dao về tình yêu, gia đình,than thân mà bà,mà mẹ từng hát ru
thuở nào. Nhưng để lại trong ta nhiều xót xa,xúc động nhất có lẽ là ca dao than
thận của những người phụ nữ bất hạnh trong xã hội phong kiến:



 



“Thân em như giếng giữa đàng



Người khôn rửa mặt,người phàm
rửa chân”



 



Khi vừa chạm nhẹ vào câu ca
dao từ giây phút đầu tiên,người đọc cảm thấy có chút gì đó xót xa qua từ “ thân
em”. Mô típ quen thuộc trong ca dao Việt Nam là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời,con
người của người phụ nữ và sâu trong đó có chút gì đó tự hào về bản thân khi so
sánh mình với “giếng giữa đàng”. Người con gái ấy mang trong mình vẻ đẹp tâm hồn
trong trẻo,dịu dàng nhưng lại không thể tự định đoạt được số phận của mình.Cuộc
đời những người phụ nữ như cô phải phụ thuộc vào gia đình,xã hội và chồng con để
rồi chính nỗi đau đó đã được cô đọng qua hình ảnh “ người khôn” thì “rửa mặt”,
“người phàm” thì “rửa chân”.Đọc câu ca dao ấy mà trong ta dâng lên nỗi niềm đầy
chua xót cho nỗi đau thân phận con người để rồi mang trong mình khao khát được
tìm về với xã hội khắc nghiệt để cùng đau nỗi đau của họ,để trân quý vẻ đẹp tâm
hồn của họ. Cuộc đời người phụ nữ ấy sao mà lận đận,bất hạnh đến thế! Họ- những
người phụ nữ lớn lên trong xã hội ấy phó mặc số phận của mình cho dòng đời,may
nhờ đục chịu,gặp được người biết quý trọng,nhận ra giá trị của mình thì được hạnh
phúc,còn gặp phải kẻ bất lương,coi thường phẩm chất của mình thì phải ôm nỗi
đau suốt cả cuộc đời-người phàm rửa chân. Đọc từng câu từng chữ mà ta như nấc
nghẹn,rồi đồng cảm xót thương để rồi đi tìm vùng trời nhân tính hơn- học cách
yêu thương,trân trọng những người phụ nữ bên mình,biết đấu tranh trước những bất
công với phụ nữ.



 



Dường như nỗi bất hạnh của người
con người tài hoa bạc mệnh,những người phụ nữ hồng nhan bạc phận đâu chỉ được
thấu hiểu bởi những tác giả dân gian mà còn được Nguyễn Du với con mắt trông thấy
sáu cõi,tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời bộc lộ sự đồng cảm,thương xót qua tác phẩm
“ Độc tiểu thanh kí”.Mở đầu bài thơ là cảm nhận của thi sĩ về sự thay đổi của vạn
vật và sâu xa hơn là lẽ biến thiên của cuộc đời:



 



“Tây hồ hoa uyển tẫn thành
khư”



 



Cảnh đẹp Tây hồ xưa kia bỗng
chốc “ tẫn”,tất cả hóa thành gò hoang trơ trọi.Với sự tài tình trong việc xây dựng
nghệ thuật,thi hào đất Nghi Xuân đã mượn cảnh vật để nói về sự biến thiên của
cuộc đời.Đứng ở hiện tại nhìn về quá khứ,con người dường như đã cảm nhận được
rõ nét bước đi của thời gian,sự khốc liệt của năm tháng và dâu bể của cuộc đời
có thể phá hủy những điều đẹp nhất.Trong không gian nghệ thuật ấy có một Nguyễn
Du đang “một mình” viếng nàng Tiểu Thanh qua trang sách:



 



“ Độc điếu song tiền nhất chỉ
thư”



 



Nguyễn Du đã một mình “ độc”
viếng nàng- điếu qua một tập sách” nhất chỉ thư” gợi cho người đọc có chút gì
man mác,mênh mông đầy hoài niệm. Ta ngồi đây viếng nàng trước khung cửa sổ, cuộc
gặp gỡ qua trang sách của hai tâm hồn đồng điệu sao mà thương đến thế! Người chết
cô đơn trong nỗi sầu riêng thì người sống cũng như riêng một nỗi sầu không ai
thấu hiểu.Tiểu Thanh đau nỗi đau của phận đời trôi bạc,của kiếp người ngắn ngủi,không
một ngày được hạnh phúc thì Nguyễn Du lại là nỗi đau đời,là cuộc đời “ 10 năm
dâu bể”, dù mỗi người mang một nỗi tâm sự khác nhưng họ vẫn có thể đồng cảm trò
chuyện qua trang sách duy nhất . Câu thơ đã mở ra không gian giao tiếp vượt khoảng
cách của không gian,độ dài của thời gian. Hai câu thơ gieo vào lòng người đọc sự
rung động ban đầu để sau đó lắng đọng ở họ nỗi niềm nuối tiếc,xót xa và đồng cảm
nỗi đau. Đọc câu thơ ấy ta như muốn bước vào cuộc hành trình để khám phá về cuộc
đời bất hạnh của nàng Tiểu Thanh,của thi hào Nguyễn Du và biết bao con người
tài hoa bạc mệnh khác. Và đau đớn thay trong xã hội ấy,không chỉ những con người
tài hoa bị vùi dập mà cả những điều đẹp đẽ như “ văn chương” vốn không có số mệnh
nhưng vẫn chịu nỗi oan,liên lụy để “chi phấn” có hồn cũng phải xót thương. Son
phấn ấy phải chăng là sự hóa thân của nàng Tiểu Thanh xinh đẹp phải xót xa trước
những tác phẩm của mình bị hủy hoại.Phải chăng văn chương chính là tài năng của
Tiểu Thanh? Hai câu thơ như tiếng khóc thương tiếc của nhà thơ cho những câu chữ
có hồn và chặng hành trình của cái đẹp không dễ dàng trong cuộc đời. Những nỗi
oan khuất,trái ngang trong cuộc đời đã được Nguyễn Du cảm thán qua hai câu:



 



“ Cổ kim hận sự thiên nan vấn



Phong vận kì oan ngã tự cư”



 



Nguyễn Du đã nói về nỗi oan của
những người tài hoa- những con người phải gánh chịu những nỗi đau đầy phi lí,với
tâm trạng đầy bất bình,uất ức.Những nỗi “hận” từ “cổ kim” bao sự vô lí vẫn khó hỏi
trời đã gợi nhắc ta đến những nỗi oan nhức nhối có trong lịch sử: Đỗ Phủ, Nguyễn
Trãi,... Đó chính là lời kêu thương đầy uất hận,cũng là bị kịch của kẻ tài hoa
và hơn hết nó còn là định mệnh đầy ám ảnh.Và trước sự bế tắc khi câu hỏi nhức
nhối của nhân sinh không được giải đáp, Nguyễn Du đã bày tỏ sự đồng cảm của
mình khi nói lên nỗi oan lạ lùng của những kẻ có nét phong nhã như Tiểu Thanh
qua cụm từ “phong vận kì oan”. Phải chăng đó cũng chính là nỗi oan mà Nguyễn Du
đang mang chưa được giải đáp?Chính vì vậy mà Nguyễn Du đã ví mình cùng hội,
cùng chỗ đứng với những người phong” ngã tự cư”bởi cả cuộc đời “ 10 năm dâu bể”,cả
tuổi thơ lớn lên nơi hoàng tộc cũng như xã hội phong kiến suy tàn đã ảnh hưởng
đến tư tưởng của ông cũng như mang lại cho thi sĩ sự đồng cảm,thấu hiểu với những
người chung số phận.Đồng cảm cho nỗi oan khuất của Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã suy
nghĩ về cuộc đời mình để tự hận,tự thương:



 



“ Bất tri tam bách dư niên hậu



Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”



 



Hai câu kết chuyể ý thật bất
ngờ nhưng không lạc giọng mà vẫn tròn đầy cảm xúc. Nguyễn Du càng xót thương
cho Tiêu Thanh bao nhiêu thì càng tự thương mình bấy nhiêu. Câu hỏi tu từ cuối
bài như hạ một nốt trầm đầy đau thương khi Nguyễn Du hỏi người đời như tự khóc
cho thân phận mình.Liệu ba trăm năm sau có ai “khấp” thương cho Tố Như như ông
đã thổn thức bên khung cửa số trước số phận của Tiểu Thanh.Liệu ba trăm năm sau
có ai đồng cảm được nỗi cô đơn của thi sĩ? Dòng cảm xúc ấy vượt thời gian gõ cửa
trái tim người đọc hiện tại để rồi rơi lệ thúc đẩy họ đến con đường nhân tính
hơn.Ấy là khi tác phẩm giúp độc giả hiểu thêm về con người tác giả,đồng cảm và
thấu hiểu cho nỗi đau của Nguyễn Du.Không những vậy người đọc như đang đối thoại
vói thi sĩ qua không gian giao tiếp rộng mở như cách trăm năm trước Nguyễn Du
đã đối thoại với nỗi đau của Tiểu Thanh.



 



Khóc cho thân phận của người
phụ nữ bất hạnh trong xã hội phong kiến cũng như số phận người tài hoa bạc mệnh
ta lại một lần nữa suy nghĩ về vai trò của người tiếp nhận tác phẩm văn học.
Người đọc trong vai trò đồng sáng tạo tác phẩm trước hết phải có rung cảm nghệ
thuật và sự tinh tế trong việc đánh giá tác phẩm.Không những vậy người đọc
không chỉ đọc rồi bỏ xuống mà phải “cất công” như con ong chăm chỉ đi tìm tinh
nhụy của tác phẩm để đón nhận thông điệp,bài học mà tác giả gửi gắm. Nhưng như
thế sứ mệnh của người tiếp nhận sẽ không được hoàn thành nếu như ta không biết
hướng tới con đường chân thiện mĩ,đi tìm những giá trị tốt đẹp của cuộc đời qua
tác phẩm. Và hơn hết mỗi người đọc khi gấp lại tác phẩm phải có ý thức thay đổi
bản thân và đồng cảm cho số phận của nhân vật ở mỗi tác phẩm. Nhận định còn muốn
đề cập đến vai trò của tác giả trong quá trình sáng tác,anh ta phải gây ấn tượng
cho người đọc bằng “ nhan sắc” cũng như lắng lại trong người đọc ý nghĩa của
tác phẩm bởi “thơ hay là hay cả hồn lẫn xác hay cả bài”. Bên cạnh đó những bài
học mà tác giả mang đến cuộc đời phải mang giá trị nhân văn sâu sắc và gần gũi
với đời sống. Nói tóm lại,trước sự băng hoại của thời gian muốn “đứa con tinh
thần” tồn tại đòi hỏi người sáng tác phải kết nối nó với người đọc bằng lối đi
riêng của mình bởi sự lặp lại là cái chết của nghệ thuật.Và người sáng tác phải
đối thoại với người đọc bằng chính tình cảm chân thật của mình vì những gì đi từ
trái tim sẽ dễ dàng chạm đến trái tim người khác. Nhà lý luận Lê Đạt qua nhận định
trên đã khẳng định vai trò của người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học là yếu
tố quan trọng quyết định sự sống còn của tác phẩm cũng như sự phát triển của
văn học.



 



Ý kiến trên quá thật rất đúng
đắn khi người đọc được chạm đến những câu thơ hay.Khi đọc được những câu thơ ấy
là lúc con người nhận ra chân lý: “ Trong tâm hồn con người đều có cái van mà
chỉ có thơ ca mới mở được”( Nhecoraxop)



 



----------------------------------------------------------------------------------------------------



ĐOÀN VÕ DIỆU LINH



12CV THPT GIA ĐỊNH



NIÊN KHÓA 2017-2020

Đăng nhận xét