Search Suggest

Dạy Ngữ văn theo CT mới | Chia sẻ về phương pháp nói to suy nghĩ (think aloud)


 



Quý thầy cô thân mến,



Khi dạy Ngữ văn theo
chương trình mới, phương pháp nói to suy nghĩ (think – aloud) là một trong những
phương pháp quan trọng, có tính chiến lược để giúp HS hình thành được kĩ năng đọc,
viết, nói và nghe. Vậy phương pháp nói to suy nghĩ là gì? Vì sao cần thực hiện
nói to suy nghĩ? Thực hiện nói to suy nghĩ như thế nào để làm mẫu kĩ năng đọc,
viết, nói và nghe?



Qua bài viết này, thầy
Duy sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm thực hiện phương pháp nói to suy nghĩ và giúp
thầy cô trả lời những câu hỏi trên.



Phương pháp nói to suy nghĩ là gì?





Phương
pháp nói to suy nghĩ (think aloud) là cách thức nói to những suy nghĩ trong quá
trình tư duy khi thực hiện một kĩ năng nào đó để người học có thể quan sát quá
trình tư duy và học theo, từ đó hình thành được kĩ năng cần học.



Như
vậy, phương pháp nói to suy nghĩ khác với phương pháp thuyết trình – diễn giảng.
Nếu phương pháp thuyết trình – diễn giảng chủ yếu trình bày những kết quả sẵn
có thì phương pháp nói to suy nghĩ tập trung vào trình bày quá trình tư duy (những
suy nghĩ trong đầu, những cân nhắc, những chỉnh sửa, diễn giải…) để đạt được kết
quả đó.




dụ: hiện nay, khi dạy đọc hiểu văn bản, GV chủ yếu thuyết trình – diễn giảng những
kết quả đọc sẵn có (như là phân tích nhân vật, ý nghĩa chi tiết, phân tích đoạn
thơ,…) mà ít chú trọng, nhấn mạnh đến cách thức tư duy để ra được những kết quả
đọc đó. Hệ quả là HS chỉ biết từng tác phẩm cụ thể, chấp nhận những kết quả đọc
sẵn có được GV đưa ra, mà không nắm được các kĩ năng đọc, chiến thuật đọc để tự
đọc các văn bản có độ khó tương tự.



Vì sao cần thực hiện phương pháp nói to
suy nghĩ?





Để
học được một kĩ năng nào đó, người ta cần có mẫu để làm theo, bắt chước và từ
đó hình thành kĩ năng mới. Tuy vậy, các kĩ năng ngôn ngữ như đọc, viết, nói và
nghe không dễ dàng tường minh quy trình suy nghĩ để người học có thể quan sát,
bắt chước và học theo. Chẳng hạn khi đọc một bài viết, ta chỉ biết kết quả của
quá trình viết, chứ ta không biết được quá trình tư duy diễn ra trong đầu người
viết như thế nào để có được sản phẩm viết ấy. Do đó, phương pháp nói to suy
nghĩ là phương pháp chủ chốt để dạy các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; để người
học có thể quan sát tiến trình tư duy khi thực hiện kĩ năng đọc, viết, nói và
nghe, từ đó học theo cách tư duy, cách suy nghĩ để hình thành được các kĩ năng ấy.



Đối
với giờ dạy Ngữ văn theo chương trình mới, lớp học là một cộng đồng học thuật
mà trong đó giáo viên là một người có kinh nghiệm hơn về đọc, viết, nói và
nghe, có thể hỗ trợ, dẫn dắt, hướng dẫn người học để giúp hình thành các kĩ
năng ấy. Chính vì vậy, phương pháp nói to suy nghĩ là một lựa chọn tốt để giáo
viên làm mẫu các kĩ năng cần dạy, giúp cho việc học được trực quan, sinh động
và dễ tiếp thu hơn.



Thực hiện phương pháp nói to suy nghĩ như
thế nào?





Trong thực tế, thường giáo viên sẽ thực hiện phương
pháp nói to suy nghĩ kết hợp với phương pháp làm mẫu. Có thể thực hiện như sau:



Bước 1: thông báo kĩ năng mà GV sẽ làm mẫu để HS chuẩn
bị, chủ động trong quá trình theo dõi. Thuyết minh ngắn gọn cách thực hiện kĩ năng sẽ làm mẫu.



Bước 2: GV vừa làm mẫu kĩ năng cần dạy vừa nói to những
suy nghĩ trong đầu trong quá trình thực hiện kĩ năng đó.



Bước 3: GV mời HS nhận xét, khái quát những lưu ý về
kĩ năng vừa được làm mẫu kết hợp với nói to suy nghĩ, từ đó rút ra kinh nghiệm
khi thực hiện kĩ năng.



Bước 4: GV cho HS thực hành kĩ năng cần đạt dưới sự hướng
dẫn của GV.



Bước 5: GV cho HS đánh giá, rút kinh nghiệm về kĩ năng
vừa thực hành.



Bước 6: GV cho HS tự thực hiện kĩ năng trong các nhiệm
vụ khác để vận dụng, mở rộng, củng cố kĩ năng cần đạt.



Dùng phương pháp nói to suy nghĩ để làm mẫu
kĩ năng đọc



Với
kĩ năng đọc, GV có thể sử dụng phương pháp nói to suy nghĩ để hướng dẫn HS thực
hiện kĩ năng đọc ở giai đoạn trong khi đọc. Thông qua phương pháp nói to suy
nghĩ, HS hiểu được các cách thức tư duy để thực hiện từng kĩ năng cụ thể như dự
đoán, suy luận, hình dung, theo dõi,… và học để làm theo. Nhờ phương pháp nói
to suy nghĩ, quá trình đọc được làm chậm lại qua từng bước tư duy, nhờ đó người
học có thể dễ dàng hình dung về cách thức thực hiện kĩ năng đọc cũng như học
cách tự kiểm soát tiến tình đọc của bản thân.







Dùng phương pháp nói to suy nghĩ để làm mẫu
kĩ năng viết





GV
cũng có thể dùng phương pháp nói to suy nghĩ để hướng dẫn học sinh thực hiện
quy trình viết. Như vậy, phương pháp nói to suy nghĩ không chỉ sử dụng để làm mẫu
quá trình viết, mà còn có thể sử dụng để làm mẫu các bước chuẩn bị viết; tìm ý
và lập dàn ý; xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm.




dụ dùng phương pháp nói to suy nghĩ để làm mẫu bước chuẩn bị viết:





“Thầy
(cô) biết rằng việc xác định đề tài, mục đích và người viết sẽ giúp cho bài viết
được thuyết phục hơn. Với đề bài “trình bày ý kiến về một vấn đề cần quan tâm”,
thầy (cô) biết rằng bài sẽ hay hơn nếu tìm được đề tài đang gây ra các ý kiến
trái chiều, nhận được sự quan tâm của mọi người. Chính vì vậy, thầy (cô) phác
thảo nhanh ra nháp những ý tưởng về đề tài như sau …. (làm mẫu viết ra nháp những
ý tưởng). Trong các ý tưởng đã huy động được, thầy (cô) thấy ý tưởng… gây được ấn
tượng và hứng thú cho bản thân, chính vì vậy thầy cô chọn ý tưởng này để viết.



Về
mục đích viết, thầy (cô) biết rằng đây là kiểu bài nghị luận, mục đích viết nhằm
thuyết phục người đọc về ý kiến, quan điểm của mình. Nên thầy cô xác định mục
đích viết của bài này là nhằm thuyết phục người đọc về ý kiến, quan điểm của bản
thân trước vấn đề…., qua đó giúp họ có được nhận thức đúng đắn.



 Người đọc mà thầy (cô) hướng đến là…, họ sẽ
mong muốn biết được những ý kiến, quan điểm sâu sắc về vấn đề xã hội mà họ quan
tâm, góp phần giúp họ hiểu hơn về vấn đề trước các ý kiến trái chiều
à
Chính vì thế, thầy (cô) chọn cách viết… để thuyết phục họ tốt hơn.




dụ dùng phương pháp nói to suy nghĩ kết hợp với làm mẫu kĩ năng viết đoạn:



“Thầy
(cô) biết rằng cấu trúc đoạn văn gồm ba phần: mở đoạn có câu chủ đề, thân đoạn
trình bày những ý chính để làm rõ hơn câu chủ đề, kết đoạn khẳng định lại nội
dung chính của đoạn, chính vì vậy thầy (cô) sẽ bắt đầu viết từ câu mở đoạn. (GV
viết câu mở đoạn). Thầy (cô) biết rằng câu mở đoạn nên có từ khoá đề bài, ở đây
câu thầy (cô) viết chưa rõ từ khoá đề bài cho nên ta sẽ bổ sung vào (chỉnh sửa
câu chủ đề, bổ sung từ khoá đề bài)… […] Sau khi viết xong đoạn văn, đọc lại,
thầy (cô) thấy có thể diễn đạt tốt hơn ở câu…. bằng cách thay thế một số từ ngữ
chưa được diễn đạt chính xác (thực hiện xoá từ ngữ cũ, thay thế từ ngữ mới)…
[…] Thầy (cô) phát hiện ra đoạn văn có lỗi ngữ pháp ở câu…, ta sẽ tiến hành sửa
như sau… (sửa câu có lỗi ngữ pháp đã viết).



Khi
giáo viên làm mẫu kĩ năng viết, không phải lúc nào cũng cần hoàn hảo ngay, mà
GV đóng vai là một người viết trong tình huống giao tiếp thực tế và nói to suy
nghĩ cả những chỗ chọn từ, những chỗ ngập ngừng tìm ý; thậm chí một cách có chủ
đích làm mẫu lỗi sai và cách sửa. Cách thức này sẽ giúp cho HS dễ dàng hình
dung về hoạt động viết trong thực tế và thông qua việc quan sát quá trình tư
duy của GV khi viết, HS có thể học được cách suy nghĩ để viết tốt hơn.



Dùng phương pháp nói to suy nghĩ để làm mẫu
kĩ năng nói và nghe





GV cũng có thể thực hiện
phương pháp nói to suy nghĩ để làm mẫu kĩ năng nói và nghe. Chẳng hạn nói to
suy nghĩ cách thức tư duy để lựa chọn cách mở đầu bài nói ấn tượng, lôi cuốn được
người nghe. Hoặc dùng nói to suy nghĩ để làm mẫu kĩ năng nghe và ghi chép.



Ví dụ dùng kĩ năng nói to
suy nghĩ để làm mẫu kĩ năng viết:



GV có thể chiếu một đoạn
video thuyết trình và làm mẫu kĩ năng nghe và ghi chép cho HS quan sát.



Khi nghe hết đoạn thứ nhất,
GV pause video và bắt đầu làm mẫu quá trình ghi chép, kết hợp với nói to suy
nghĩ:



“Thầy,
cô biết rằng những từ khoá quan trọng của bài nói sẽ được người nói nhấn mạnh,
và những từ khoá này thể hiện ý chính của bài nói. Qua phần video vừa rồi, thầy
(cô) nhận thấy người nói đã nhấn mạnh những từ khoá…., do đó thầy cô nhận ra ý
chính của đoạn này là…, thầy cô sẽ ghi chép nhanh bằng dạng từ khoá và sơ đồ
(tiến hành ghi chép mẫu cho HS quan sát).



Cho học sinh nói to suy nghĩ để hỗ trợ việc
thực hiện các kĩ năng





Trong
lớp học, người thực hiện nói to suy nghĩ không chỉ là giáo viên mà còn là HS.
Thông qua việc cho HS nói to suy nghĩ, thầy cô sẽ quan sát được quá trình tư
duy của các em khi thực hiện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết để từ đó có những
phản hồi kịp thời (khích lệ những điểm tốt, nhận ra và hướng dẫn điều chỉnh những
chỗ còn thiếu sót hay nhầm lẫn).



GV
có thể cho HS thực hành kĩ năng trước lớp đồng thời nói to suy nghĩ khi thực
hành kĩ năng ấy để các bạn và GV có thể quan sát, nhận xét, góp ý. Hoặc GV có
thể hướng dẫn HS nói to suy nghĩ sau khi thực hiện sản phẩm để tái hiện lại
cách thức HS tư duy. Chẳng hạn: Em dựa vào căn cứ nào để có được kết luận này?
Em đã có những suy luận nào để dẫn đến kết luận này? Ở kết quả đọc này, em hãy
trình bày lại cách thức em suy nghĩ khi thực hiện kĩ năng đọc…



Chúc
thầy cô có những giờ văn thành công và hạnh phúc!




Đăng nhận xét