Search Suggest

QUAN NIỆM VỀ "NẾP NHÀ" TRONG "HÀ NỘI TRONG MẮT TÔI"


PHẦN 1: QUAN NIỆM VỀ NẾP NHÀ QUA MỘT SỐ THỜI KÌ VĂN HỌC
 “Nếp”, theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, có nghĩa làlối, cách sống, hoạt động đã trở thành quen, khó thay đổi”. Nếp nhà chính là lối sống truyền thống của một gia đình, là phong tục tập quán, là văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.
Nếp nhà chính là một nét đẹp văn hóa của người Việt, vốn không xa lạ gì trong văn học. Nếp nhà xuất hiện từ những câu ca dao xưa, trong tình cảm gia đình thắm thiết, khăng khít, máu thịt:
“Công nha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Nếp nhà trong ca dao, còn là lối ứng xử tình nghĩa giữa các thành viên trong gia đình:
“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”
Đề tài gia đình là một đề tài xuất hiện trong hầu hết các nền văn học, trong hầu hết các thời kì văn học, trong hầu hết các trào lưu sáng tác. Có thể nói, khi nào đề tài gia đình xuất hiện, vấn đề nếp nhà cũng được đề cập đến, dù trực tiếp hay gián tiếp. Nếp nhà được soi chiếu trong lăng kính của thời đại, với những vẫn đề thời sự của riêng từng thời kì. Như vậy, khái niệm nếp nhà cũng như cách ứng xử của con người với nếp nhà trong từng thời kì cũng rất khác nhau. Phong trào Tự lực văn đoàn đầu thế kỉ XX với mô hình tiểu thuyết tự lực văn đoàn, đã cất lên tiếng nói phản phong mạnh mẽ, những quan niệm truyền thống về gia đình ở thời kì này tiếp nhận những tư tưởng mới mẻ, phản biện, dẫn đến quan niệm về nếp nhà cũng thay đổi. Những tác phẩm của phong trào này như Nửa chừng xuân, Gánh hàng hoa (Nhất Linh) đã đề cập đến tư tưởng tự do yêu đương, đề cao tình yêu đôi lứa và hôn nhân có tình yêu. Motif về những cặp trai gái yêu nhau bất chấp sự chống đối của gia đình, dòng tộc chính là biểu hiện cho tư tưởng tự do, đậm chất nhân văn này. Như vậy, quan niệm gia đình không còn như gia đình phong kiến nữa, mối quan hệ gia đình không còn như xưa, tức không còn cảnh “con cái là một vật sở hữu của cha, bởi thế cho nên ngày xưa cha không những có quyền bán con, mà có khi đánh chết con cũng không có tội”[1]. Mục đích của hôn nhân cũng không đơn thuần là “duy trì gia giống, là việc chung của gia tộc chứ không phải việc riêng của con cái”, “ái tình của con cái, cha mẹ không cần biết đến, chỉ cốt được nơi xưng đáng, được nơi môn đăng hộ đối”[2].  Phủ nhận những tư tưởng phong kiến về gia đình không có nghĩa là phủ định gia đình, phủ định truyền thống, phủ định nếp nhà. Những giá trị căn cốt của gia đình như tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, tình mẫu tử, tình phụ tử… vẫn xuất hiện trong các tác phẩm thời kì này. Nhưng một số nhân vật (thường là thuộc về thế hệ cũ, nếp tư tưởng cũ) có cách thể hiện những tình cảm ấy sai lạc, do sự va chạm giữa các giá trị cũ – mới đang diễn ra mạnh mẽ để khẳng định chân giá trị, và nhân vật chưa thích nghi được.  Nhân vật bà Án trong Nửa chừng xuân (Khái Hưng) là một nhân vật như vậy, thực ra, bà là một người rất thương con trai, làm những việc ác chẳng qua cũng vì tiền đồ của con. Chỉ có điều ở nhân vật này những nếp suy nghĩ cũ kĩ và tính ích kỉ đã khiến nhân vật làm ác,  vì con mình mà bất chấp hạnh phúc của người khác. Tóm lại, xét cho cùng, trong quan niệm về gia đình và nếp nhà có sự đối lập biện chứng giữa truyền thống và biến đổi. Một mặt, nếp nhà và gia đình duy trì những giá trị tốt đẹp truyền thống, mặt khác, nó lại loại bỏ những gì thủ cựu, lạc hậu, không hợp thời, để thay đổi, tiếp nhận những giá trị mới mẻ tích cực. Những giá trị mới mẻ, tích cực, đến lượt mình lại trở thành truyền thống. Cứ thế, nội hàm khái niệm không ngừng thay đổi, phù hợp với sự phát triển của xã hội, của thời đại.
Văn học Việt Nam thời kì sau 1975, nhất là trong bối cảnh Đổi mới, thời kì kinh tế thị trường gây ra nhiều xáo trộn trong xã hội, đồng tiền lên ngôi, thị trường trở thành “một ông chủ”[3], các giá trị sống trong xã hội, mối quan hệ giữa con người với con người có nhiều biến đổi. Xã hội xáo trộn, khiến cho từng gia đình xáo trộn, và từng cá nhân trong cơn bão ấy cũng nghiêng ngả trong canh bạc cuộc đời để tìm kiếm giá trị sống, tìm kiếm giá trị làm người. Chủ đề nếp nhà, trong bối cảnh đó, với mỗi cá nhân vừa là một điểm tựa tinh thần, giúp con người định vị mình giữa bối cảnh xã hội hỗn loạn, tìm kiếm được một con đường để sống có cốt cách, có phẩm giá. Mặt khác, nếp nhà, cũng như bất kì giá trị nào trong thời kì chuyển giao giá trị, khi mà cái cũ đã mất đi nhưng cái mới chưa hình thành, cũng phải trải qua một cuộc “lửa thử vàng”, cái mới đối lập với cái cũ, cái tiến bộ đối lập với cái lạc hậu, để thay đổi. Sư thay đổi đó, có cả tốt, và có cả xấu.
Người đọc có thể dễ dàng nhận ra đặc điểm ấy của nếp nhà trong tiểu thuyết hoàn thành năm 1985 của Ma Văn Kháng, Mùa lá rụng trong vườn. Tiểu thuyết xoay quay gia đình ông Bằng, một đại gia đình sống theo kiểu tam đại đồng đường, với nếp sinh hoạt truyền thống, giữa lòng Hà Nội. Gia đình ấy, chính là một hình  mẫu thu nhỏ của toàn xã hội. Với đủ thành phần: một người cha nghiêm khắc, coi trọng đạo lý làm người; một ông trung tá về hưu, lạc lõng trước thời đại mới, hoài cố về một thời đã qua, một ông nhà báo giàu lòng lương thiện và giàu tâm tư trước sự đời, một anh trí thức Liên Xô với nhiều lý tưởng, một anh chàng nổi loạn bỏ gia đình vượt biên… gia đình ấy chứa đựng những mâu thuẫn và xung đột giá trị của thời đại, xung đột về tư tưởng, xung đột về lối sống, xung đột về giá trị.
Trong bối cảnh đó, nếp nhà là một điểm tựa. Bên cạnh cái tĩnh lặng đến ngột ngạt, bên cạnh tiếng mèo kêu thê thiết não nề, bên cạnh bầu không khí ngột ngạt xung đột, người đọc đôi lúc thấy ấm lòng và thảnh thơi phần nào ở những đoạn truyện nói về nếp sinh hoạt gia đình, về tình nghĩa giữa các thành viên trong gia đình. Đó là cảnh gia đình ông Bằng chuẩn bị Tết, là cảnh gia đình sum họp đón giao thừa, mâm cỗ cúng gia tiên nghi ngút khói hương, cả nhà hạnh phúc khi chị Hoài từ quê đến thăm. Đó còn là cái tình giữa mọi người với nhau, một Phượng nhân hậu luôn ân cần với mọi người, một chị Hoài dù đã tái giá nhưng vẫn là một thành viên trong gia đình, vẫn thư từ thăm hỏi, vẫn quan tâm, giúp đỡ mọi người. Ngay cả Lý, con người tháo vát nhưng nông nổi, lầm lạc, giữa các đối cực phức tạp trong tâm hồn người phụ nữ ấy, người ta vẫn thấy một nỗi lo cho gia đình, lo cho chồng, cho con, mưu cầu hạnh phúc cá nhân, dẫu rằng cách thức thể hiện sai lầm
Bi kịch gia đình trong Mùa lá rụng trong vườn, xét cho cùng, chính là bi kịch của sự xung đột giá trị, bi kịch chung của những con người trong thời buổi chuyển giao giá trị. Có ba cách ứng xử trong bối cảnh đó: thủ cựu với những gì xưa cũ, hoài cố một thời (tiêu biểu là ông Bằng, trung tá Đông), lao vào vòng xoay kinh tế thị trường, phủ định cái cũ (như Cừ, Lý), vừa gìn giữ giá trị truyền thống vừa từng bước thay đổi, cẩn trọng trong việc tìm kiếm giá trị (Luận,Phượng, Cần, Vân, chị Hoài…). Cách sống đầu tiên, con người trở nên lạc lõng; cách sống thứ hai, con người đánh mất chính mình, cách sống thứ ba, con người giữ được bản thân, dấn thân vào cuộc sống, nhưng gặp phải những vấn đề nhức nhối, chưa sao giải đáp được, về xã hội, về con người. Xét cho cùng, tất cả đều là những con người tìm đường. Chung quy lại, con người cần vượt qua ranh giới và biết tôn trọng những ranh giới. Nhà văn Nguyễn Khải, trong tác phẩm  Mùa lạc đã cho rằng: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.Còn nhà văn Ma Văn Kháng, trong Mùa lá rụng trong vườn thì bày tỏ: “Cuộc sống bao giờ cũng có ranh giới. Ai không phân biệt nổi ranh giới thì kẻ đó còn ở trong trạng thái bản năng”. Con người trong bối cảnh đó cần tỉnh táo để nhận ra đâu là giá trị nhất thời, đâu là giá trị bền vững, đâu là cái cũ kĩ, thủ cựu, đâu là cái tiến bộ, tích cực, để chọn một lối sống phù hợp.
Từng thành viên trong gia đình ấy phải tìm kiếm một con đường để giữ vững phẩm giá của chính mình, cũng là để bảo vệ nếp nhà. Nếp nhà trong bối cảnh đó, không thể mãi mãi đóng đinh trong quan niệm truyền thống, cũng không thể buông tuồng vứt bỏ sạch trơn truyền thống. Cả hai sự lựa chọn đó, đều dẫn đến sự tan rã của gia đình. Ma Văn Kháng đúc kết quy luật ấy trong hình tượng xuyên suốt tác phẩm: Vườn cây. Vườn cây luôn luôn biến đổi, lá  rụng rồi chồi non lại biếc, bốn mùa luôn đổi thay. Ở vườn cây, luôn tồn tại cả quá trình sinh và quá trình diệt. Đó là sự vận động tất yếu của cuộc sống, của cả con người, cả gia đình, cả xã hội. Nhưng vườn cây đó không thể tươi tốt, ra hoa, kết trái, nếu thiếu đi bàn tay chăm sóc của con người. Cũng giống như nếp nhà vậy, cũng cần được con người vun đắp, chăm sóc, trên cơ sở nhận biết sự vận động của đời sống. Có như vậy, bóng mát của cây, hương hoa thoang thoảng, mới có thể dâng hiến cho người, con người mới có thể tìm được cho mình một chỗ dựa tinh thần, một nơi trú ẩn trước sóng gió cuộc đời. Có như vậy, nếp nhà mới có thể được giữ vững, để mỗi người tìm thấy một nơi chốn bình yên trong cuộc đời.
Tóm lại, quan niệm về nếp nhà qua các thời kì có hai đặc điểm chính: thứ nhất, qua các thời kì,  phần ổn định của nội hàm khái niệm nếp nhà là những vẻ đẹp văn hóa truyền thống cần được gìn giữ, là “ranh giới” giúp con người thoát khỏi trạng thái bản năng, là “giá trị bền vững” để con người sống cho có cốt cách, có phẩm giá. Thứ hai, cùng với sự biến đổi của thời đại, biến đổi về ý thức hệ, biến đổi về các mối quan hệ giữa người với người, khái niệm nếp nhà tất yếu phải thay đổi. Sự thay đổi đó ví như “lửa thử vàng”, có đôi lúc nếp nhà tưởng như bị đánh mất, mối quan hệ giữa người với người rạn nứt, gia đình tưởng như sụp đổ; cũng có những lúc sự thay đổi là tích cực, mang đến cho con người hạnh phúc, nhưng cuối cùng, các tác phẩm văn học vẫn sáng lên niềm tin vào sự trường tồn của những vẻ đẹp truyền thống. Hai đặc điểm đó của quan niệm về nếp nhà cũng được thể hiện trong tập truyện ngắn Hà Nội trong mắt tôi của nhà văn Nguyễn Khải.


[1] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương,NXB Thế giới, trang 101
[2] Đào Duy Anh, sđd, 103
[3] Lời của một nhân vật trong “Chúng tôi và bọn hắn”, Hà Nội trong mắt tôi, Nguyễn Khải, NXB Trẻ

إرسال تعليق