Search Suggest

Vài nét về nghệ thuật của truyện thơ "Tiễn dặn người yêu"



Truyện thơ "Tiễn dặn người yêu" của Ngọc Thanh được coi là một trong những bản thơ tài tình nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Nghệ thuật truyện của Ngọc Thanh độc đáo và có chứa rất nhiều tinh túy văn học những nét đặc trưng. Những yếu tố chủ đạo của nghệ thuật của Ngọc Thanh bao gồm thể hiện tâm trạng tinh thần từ con người, họa tiết yêu thương, tình cảm động giận, nỗi buồn, làm nên sức hấp dẫn của truyện. Ngoài ra, Ngọc Thanh cũng cố gắng làm những bài thơ đơn giản về công thức văn học, để người đọc có thể hiểu rõ hơn.

I. Cấu trúc điệp

Điệp - cụ thể là điệp cấu trúc – chính là biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong truyện thơ Xống chụ xon xao. Việc sử dụng đậm đặc biện pháp nghệ thuật này, có thể được lí giải như sau:
Thứ nhất, văn học dân gian là văn học truyền miệng, con đường lưu truyền của văn học dân gian là con đường trí nhớ, chính vì vậy mà văn học dân gian thường lược bớt các yếu tố cụ thể, chi tiết, và tăng cường các yếu tố lặp lại, giống nhau, phiếm chỉ, khái quát. Các yếu tố lặp lại này chính là thành phần cố định của cốt kể. Với dung lượng dài, khoảng 1846 câu, việc sử dụng phép điệp ngữ là một điều hiển nhiên với con đường lưu truyền bằng trí nhớ.
Thứ hai, truyện thơ các dân tộc thiểu số thường được diễn xướng dưới dạng những khúc ca. Điệp ngữ chính là biện pháp nghệ thuật tạo nên tiết tấu, nhịp điệu cho văn bản, nó góp phần tạo nên những điệp khúc giàu nhạc điệu.
Ngoài ra, việc sử dụng điệp ngữ trong tác phẩm cũng tạo ra những tác dụng nghệ thuật nhất định.

Có khi điệp ngữ thể hiện bước nhịp vận động của thời gian:
Mẹ cha ưng gả khi em còn trên nương
Khi em đang ngoài ruộng
Chiều tới, mặt trời rụng
Mặt trời rơi xuống thấp
Mặt trời sát mặt phai
Mặt trời qua sàn ngoài người thương
Mặt trời quấn ngọn giang sắp lặn
Mặt trời quấn ngọn trẻ, ngọn bương sắp tắt
Mặt trời lặn, mặt trời không gọi
Mặt trời đi, mặt trời không chờ
Mặt trời khuất mây mờ, sập tối”

Không gian mở ra cùng thời gian, thời gian hiện hữu qua hình ảnh mặt trời. Ở đây là cảnh của buổi chiều tà khi mặt trời đứng bóng, ánh sáng ban ngày dần tắt để màn đêm bao phủ và ngự trị.
Điệp cấu trúc “ mặt trời…” làm cho nhịp thơ nhanh, gấp gáp, thể hiện sự biến đổi nhanh chóng của thời gian, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi như chớp nhoáng, nhưng từng trạng thái của mặt trời lại thể hiện tâm trạng, mang nặng nỗi lòng, ở đây có lẽ cảm xúc của chàng trai, người kể lại câu chuyện đớn đau này, hoặc cũng có thể là tâm trạng của cô gái, hiện lên qua cảm nhận và sự thấu hiểu của chàng trai.

Mặt trời “ rơi” “ rụng”, những trạng thái lỏng lẻo vô định, đầy bất trắc và cũng thật chơi vơi, có lẽ tâm trạng ở đây là những đau đớn tiếp nối của hai câu thơ trước những bấp bênh của số phận mà con người không thể chống lại. Đó cũng là một điềm báo mơ hồ cho những biến cố đầy thương tâm sắp xảy đến với số phận con người.

Mặt trời “ quấn” – “Mặt trời qua”: Sự dùng dằng tiếc nuối như níu kéo, trì hoãn quy luật vận động của thời gian. Ở đây câu thơ dài ra, số chữ tăng lên, tuy nhiên nhịp thơ vẫn không đổi, chính điều này làm cho cảm giác trì trệ, dùng dằng nìu kéo trở nên rõ ràng, đậm nét hơn.

Mặt trời lặn, mặt trời không gọi
Mặt trời đi, mặt trời không chờ

Phép đối tương ngỗ, hai câu thơ sóng đôi, “ lặn” đối với “đi”, “không gọi” đối với “ không chờ” đã tạo ra một chỉnh thể thống nhất và toàn diện, như một quy luật bất biến và cứng cỏi của thời gian: Rồi mặt trời cũng lặn!

Ở đây Điệp ngữ vẫn tiếp tục được sử dụng, luyến nhấn hình ảnh mặt trời lặn, thật đột ngột và cũng thật chênh vênh.Đây là hình ảnh thật của tự nhiên, khác hẳn với những tâm trạng ở những câu thơ trên , vốn là tâm trạng của con người gán vào tự nhiên. Hình ảnh mặt trời ở câu thơ này hiện ra vừa thực vừa ảo, vừa khách quan lại vừa thật chủ quan, nhưng dù theo cách nhìn nào thì mặt trời vẫn phải tuân theo quy luật mọc-lặn tuần hoàn bất biến của thiên nhiên. Dù dùng dằng níu kéo cũng không thể thoát khỏi những quy luật bất biến ấy. 

Qua hình ảnh mặt trời, ta như mường tượng ra thân phận của người con gái bé nhỏ đang đi dưới bóng mặt trời, có những quy luật, những luật lệ hà khắc vô lý phá hoại hạnh phúc và cuộc đời cô, nhưng cô vẫn phải tuân theo mà không thể phản kháng.

Cuối cùng mặt trời cũng lặn và màn đêm ập đến thống trị:
Mặt trời khuất mây mờ sập tối

“Sập” là một động từ mạnh, nhanh, thể hiện sự ập tới bất chợt, đột ngột và mạnh bạo. Cụm từ “ sập tối” chỉ vỏn vẹn có hai tiếng ngắn gọn nhưng lại thể hiện đầy đủ và hoàn chỉnh sự biến chuyển của thời gian và không gian. Cách thể hiện thời gian này khác hẳn với cách thể hiện chi tiết cụ thể ở trên, nó chỉ vẻn vẹn hai tiếng thơ ngắn gọn nằm ở cuối dòng thơ. Nhưng sự ngắn gọn ấy không làm màn đêm yếm thế, lép vế so với mặt trời, ở đây màn đêm như một chiếc lồng khổng lồ đen kịt, như một cạm bẫy bí hiểm, đầy uy quyền và sức mạnh, chụp xuống đột ngột và bất ngờ, nhanh chóng bao phủ, ngự trị.
Phép điệp cấu trúc được vận dụng một cách độc đáo trong đoạn em yêu trì hoãn thời gian về nhà chồng:

“Cha em và mẹ em mới nói:
-Năm nay năm đưa vịt tía về phủ
Năm đưa gái lớn về nhà chồng
Đưa đâu đưa tháng Giêng
Em yêu vội đáp:
Tháng Giêng là tháng kiêng”
“Rồi mẹ em yêu nói
Thế đưa dâu tháng mấy?
Đưa dâu đưa tháng hai
Em yêu vội đáp:
-Tháng hai càng kiêng kĩ”
“Rồi mẹ yêu em nói:
“Thế đưa dâu tháng mấy
Hay đưa dâu tháng Ba…?”
Em yêu vội đáp:…”

Cứ thế, cứ thế cho đến hết mười hai tháng, thời gian cứ ít dần, ít dần, lí lẽ cứ cạn dần, cạn dần, cha mẹ ngày càng giục giã. Phép điệp cấu trúc kết hợp với nghệ thuật tăng tiến đã tạo cho cốt truyện kịch tính, dần phát triển đến cao trào. Nhân vật trong nhịp độ kịch tính ấy tìm mọi cách xoay xở, tìm mọi cách trì hoãn, nhưng cuối cùng đành bất lực chấp nhận số phận bi kịch đến với mình. Quá trình trì hoãn để chờ đợi người yêu, cũng có thể xem như tinh thần đấu tranh của con người để giành lấy hạnh phúc vậy, dẫu rằng ở giai đoạn này sự đấu tranh còn sơ khai, dễ bị dập tắt.

Có khi điệp ngữ dùng để mô phỏng nhịp độ hành động:
“Người mới bảo chồng em vác gậy to xuống đánh
Cầm gậy dài xuống phang
Đánh em khi chập tối
Nện em hồi nửa đêm
Nện em như nện bịch
Như chúa mường nện chiêng”
Từng nhịp lặp lại như từng nhát roi, từng miếng đòn giáng xuống người em yêu vậy!
Tác dụng nhấn mạnh của điệp ngữ cũng được thể hiện rất rõ rệt. Có khi là nhấn mạnh cảm xúc xót xa, đau đớn của con người với hai câu thơ:
“Anh đã tính mà tính chưa tròn
Anh đã lo mà lo chẳng tới”
Hai câu thơ trên lặp đi lặp lại xuyên suốt mạch truyện, tạo thành một xoắn ốc cảm xúc, cứ khắc sâu, khắc sâu, xoáy đậm, xoáy đậm, khắc khoải khôn nguôi.
Cũng có khi lại là nhấn mạnh vào hoản cảnh bi đát của con người:
Em lập cập chạy ra sàn
Mâm cơm chiều dọn vội
Nghĩ đến anh mà nát ruột gan
Như nặn nến sáp không nên
Như ôm cây to không xuể
Em lập cập chạy vào đằng gần
Cất tiếng xa gần trách chú:
- Giúp cháu với, bác trai, bác gái nhà trên
Giúp cháu với, ơi chú, ơi thím nhà dưới!
- Chúng ta không giúp nổi cháu ơi!
Ta đã ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con người mang tới dạm
Dây trầu không người để gửi cuốn leo!
Em lại kêu lên:
- Giúp tôi với, hỡi chị em dâu rể trong nhà!
Chị em dâu rể trong nhà cũng đáp:
- Không giúp được em ơi!
Ta cũng ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con người mang tới dạm
Dây trầu không người để gửi cuốn leo!
Phép điệp ở đây gợi cho ta từng bước chân lập cập của cô gái chạy gắp nhà trong nhà ngoài, là ánh mắt van lơn nhìn khắp mọi người trong nhà, là tiếng cầu cứu vang lên nhưng bị từ chối – tình cảnh tuyệt vọng bi đát tận cùng!
II.               Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Đối với tác phẩm tự sự, nhân vật là yếu tố trung tâm, gắn liền với cốt truyện, thể hiện tập trung tư tưởng tình cảm mà tác giả gửi gắm. So với các thể loại tự sự dân gian khác như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích… cách xây dựng nhân vật của truyện thơ có nhiều điểm khác biệt. 

Truyện thơ dân gian là sự kết hợp hài hòa của tự sự và trữ tình, chính vì vậy mà nhân vật của truyện thơ dân gian không còn là nhân vật hành động, nhân vật số phận (nhân vật chức năng) như truyện cổ tích hay thần thoại, mà trước hết đó là nhân vật được miêu tả với thế giới nội tâm sâu sắc, tự nhân vật có sức sống nội tại riêng như một con người có thật, mang ý nghĩa nhất định, đã thoát khỏi dạng nhân vật chức năng thường thấy ở các thể loại khác.

Điểm đặc biệt trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của “Xống chụ xon xao” có thể kể đến trước hết là cách đặt tên nhân vật.Văn học dân gian là sản phẩm của tập thể,có tính khái quát cao, chính vì vậy mà yếu tố cá thể được loại trừ tối đa. Các tên nhân vật, nếu có, như anh Khoai (cây tre trăm đốt), Sọ Dừa, Tấm, Cám… cũng đều là những cái tên có ý nghĩa phiếm chỉ, khái quát, chứ không phải danh từ riêng chỉ cụ thể một đối tượng nào. Những cái tên trong các tác phẩm văn học dân gian chính là cách nhân dân sử dụng biện pháp cải danh, mỗi cái tên thực chất là sự khái quát cho phẩm chất, đặc điểm của nhân vật, thể hiện nhân sinh quan của nhân dân.

Cách đặt tên nhân vật chính trong Xống chụ xon xao cũng không nằm ngoài quy luật đó, tuy vậy ở tác phẩm này, cách đặt tên nhân vật có phần đặc biệt về sắc thái tình cảm: nhân vật nữ chính gọi là “em yêu”, và nhân vật nam chính gọi là “anh yêu”. “Anh yêu” và “em yêu”, đó là hai từ phiếm chỉ, cũng giống như mọi cái tên khác và mọi cách xưng hô khác trong truyện cổ dân gian, tuy vậy, cách gọi ở đây cho ta thấy một tâm hồn thơ mộng, dạt dào tình cảm của con người dân tộc Thái. Cái tên chính là một sự cải danh khái quát cho đặc trưng của nhân vật, hai nhân vật của Xống chụ xon xao kể từ khi ra đời, từ khi còn là hai bào thai đã mang đặc trưng của tình yêu thương, điều này phù hợp với diễn biến câu chuyện, với chủ đề tình yêu – một thứ tình yêu định mệnh – chủ đề có sức hấp dẫn lớn trong tác phẩm.
Và nghệ thuật xây dựng tâm lí nhân vật trong truyện thơ chính là một điểm phát triển lớn trong nghệ thuật tự sự dân gian.
 
Truyện cổ dân gian không coi trọng miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Phần vì nếu dựng tâm lí nhân vật, cốt truyện sẽ trở nên phức tạp, rối rắm không cần thiết, gây khó khăn cho quá trình lưu truyền bằng trí nhớ. Mặt khác nhân vật của truyện cổ dân gian vốn vẫn được hiểu dưới góc độ là nhân vật chức năng, nhân vật vận động theo một số phận định sẵn, theo một motif có sẵn, với mục đích thể hiện tư tưởng tình cảm của nhân dân, về ước mơ công lí và chiến thắng cuối cùng của cái thiện trước cái ác.
Nếu nhân vật cổ tích buồn, thì tâm trạng đó cũng chỉ được miêu tả qua vài từ:
Hai đứa cùng mang giỏ đi ra đồng, Tấm bắt được nhiều, Cám bắt được ít. Cám bảo rằng: "Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng".
Lúc con Tấm hụp xuống thì con Cám ở trên bờ trút lấy cả tôm tép của con Tấm vào giỏ mình rồi mang về trước. Con Tấm lên dòm đến giỏ thì thấy mất cả, nó mới khóc hu hu lên.”[1]
(Tấm Cám)
“Đứa ở tưởng thật, vác dao đi rừng. Nó kiếm khắp nơi, hết rừng này qua rừng nọ, không tìm đâu thấy có cây tre đủ trăm mắt. Buồn khổ quá, nó ngồi một chỗ ôm mặt khóc. Bỗng thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc hiện ra bảo nó: "Tại sao con khóc, hãy nói ta nghe, ta sẽ giúp cho".”[2]
(Cây tre trăm đốt)
Với truyện thơ, cụ thể là truyện thơ Xống chụ xon xao, có thể thấy nội tâm nhân vật được miêu tả tỉ mỉ, khắc sâu một cách tối đa. Nếu miêu tả nỗi buồn và giọt nước mắt thì:
Ngẩng lên, hàng lệ rưng
Nước mắt rỏ hai dòng
Rỏ ba dòng
Dòng rơi đằng trước đủ tràn năm máng
Dòng rơi đằng sau đủ cho em rửa mặt ăn cơm
Một dòng đủ rửa trâu to mang luộc
Dòng rơi xuống đất đủ đắp đập
Dòng rơi vào hốc đá đủ bắc lên ruộng bậc thang
Có thể thấy rất nhiều biện pháp tu từ được tác giả dân gian vận dụng để miêu tả cảm xúc nhân vật: điệp ngữ, khoa trương, hài âm, cụ thể hóa… Cách miêu tả chi tiết khiến cho chất trữ tình của tác phẩm thêm nồng nàn, đậm đà, khơi gợi được lòng đồng cảm mạnh mẽ từ phía người đọc.
Không chỉ miêu tả tỉ mỉ, chi tiết, tâm lý nhân vật được xây dựng trên thủ pháp  trùng điệp nhằm khắc sâu, khắc đậm, tạo nên một điệp khúc khắc khoải không ngừng những cung bậc cảm xúc:
Anh đã tính mà tính không đủ
Anh đã lo mà lo chẳng tròn
Tay trái cầm gói cau lau mắt
Tay phải xách giỏ cá thẹn thùng

Em đã tính mà tính không đủ
Em đã lo mà lo chẳng tròn
Đành liều mượn dao người chặt cây
Mượn rựa người dẵn cùi

Em đã tính mà tính không đủ
Em đã lo mà lo chẳng tròn
Làm không nổi, sống coi như chết
Như ăn lá ngón lìa đời

Anh đã tính mà tính không đủ
Anh đã lo mà lo chẳng tròn
Hai  núm một chài khó liệng
Mười đêm, cá lượn đàn cuối thác, chài buông không tròn.
Ngay cả những biến thái tinh vi của cảm xúc, những khúc quanh tâm trạng cũng được tác giả dân gian tinh tế thể hiện:
Em đã tính mà tính không đủ
Em đã lo mà lo chẳng tròn
Khóc vùi giữa bản không nên
Gào giữa ban ngày sượng mặt
Sẽ khóc ư? Cười ư?
Khóc, người trong bản sẽ cười
Cười, người trong mường sẽ nói
Diễn biến tâm lý nhân vật trong truyện cổ dân gian thường khá đơn giản. Vui thì cười, buồn thì khóc, giận dữ, oán trách, mưu toan – tất cả đều được thể hiện một cách rất giản đơn qua các biểu hiện gương mặt. Như vậy có thể thấy, sự biến đổi cảm xúc của nhân vật trong đoạn trích truyện thơ Xống chụ xon xao trên có sự khác lạ: Đó là những dằn xé nội tâm – buồn, lo, đau xót, tiếc thương pha trộn vào nhau, xoáy sâu vào nhau; và ngay cả việc thể hiện nó ra, khóc hay cười, hay gào khóc, cũng đầy đắn đo, đầy băn khoăn.
Tâm lý nhân vật trong truyện thơ Xống chụ xon xao được miêu tả gắn với những tín ngưỡng dân gian của dân tộc Thái.
Tâm trạng vui vẻ hạnh phúc hân hoan của đôi trai gái khi gặp lại nhau được miêu tả:
“Mười đêm chuyện nhỏ to êm đềm
Như đôi uyên ương cửa hang ngấp nghé
Hoa khẳm cuối cùng nảy lá non tươi
Chỉ vàng, đỏ, lụa là lại vây quanh cô gái quá thời”.
Con gái Thái đến tuổi dậy thì thường thu góp chỉ màu, vải đẹp để thêu thùa, may mặc, chuẩn bị cho những ngày láy chồng. Câu thơ ở đây ý nói: Lại sống lại những ngày vui sướng, rạo rực của thời thanh xuân.
Tâm trạng lưu luyến nhớ nhung của đôi lứa yêu nhau được miêu tả gắn với quan niệm về vía:
Vía anh yêu đừng nằm nơi gốc lau
Đừng ngủ sau gốc sậy
Hỡi vía anh yêu, về nhà theo nhau
Em khoác lẵng, em gánh củi
Vừa đeo rựa, vừa xách bầu
Gọi vía là một quan niệm của người dân tộc Thái. Người Thái xưa cho rằng một người có năm mươi vía đằng trước, ba mươi vía đằng sau. Vía đằng sau thường hay bị lạc mất nên đi đâu người ta thường hay nhủ vía theo đó. Ở đây cô gái gọi vía mình, nhưng lại gọi vía anh yêu – đối với họ người yêu luôn hiện hữu trong tâm hồn mình, trong tâm khảm mình, là một phần máu thịt không thể tách rời.
Hay phút bị rịn trong giây phút tiễn đưa nhau:
“Xin hãy cho anh kề vóc mảnh
Cuốn quanh vai ủ lấy hương người
Cho mai sau lửa xác đượm hơi
Một phút bên em thay lời tiễn dặn”
Tục mai táng của người Thái rất đặc biệt, họ tin rằng để người chết có thể thanh thản về thế giới bên kia, thì phải hỏa táng người đó với vật của người mà người chết yêu thương nhất, như vậy người chết khi về cõi vĩnh hằng sẽ mang theo hơi của người thương. Nhân vật nam khi còn sống mà đã xin ôm chặt người tình để dành hơi, đó là bởi ngay phút chia tay đó anh đã biết cả cuộc đời này người anh yêu thương nhất chỉ có một mà thôi, mãi mãi trong cuộc đời và đến lúc chết đi, trái tim anh chỉ dành cho “em yêu” – mối lương duyên định mệnh của anh.
Điểm đặc biệt hơn cả trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Xống chụ xon xao có thể thấy đó là cách các nhân vật ứng xử với thiên nhiên. Có thể nói các nhân vật hòa mình một cách trọn vẹn với tự nhiên, trân trọng thiên nhiên, coi thiên nhiên như người bạn.
Khi “em yêu” về nhà chồng đã từ biệt những đồ vật, con vật trong nhà:
“Xin chào cột cái đuôi cá thon
Cột con đuôi nhạn xòe
Lượt chân gianh xén bằng
Hàng rui theo hàng mè san sát
Tấm gianh kia phủ trùm kín mái hiên”
“Xin chào khung cửi, guồng xa, con thoi, cái suốt
Chào trâ, chào ngựa, chào bò, mùa tết vui gặm cỏ non xanh
Xin chào đàn vịt thương mắn đẻ
Đàn gà thương chăm gáy ta ơi!”
“Chào nơi nền cối ta nêm chày
Lòng máng nơi hằng đâm giã
Nái lợn đen dưới thang
Nái lợn lang gầm sàn
Xin chào nơi góc chạn đặt cuộn lá chuối
Giàn cao nơi đặt chậu gạo ngâm”
Sự tiễn biệt đồ vật ở đây thể hiện tâm hồn gắn bó hòa hợp với thiên nhiên của con người, đồng thời đó cũng là một sự trì hoãn về thời gian, giây phút tiễn đưa vì thế cứ kéo dài mãi, kẽo dài mãi.
Khi ở nhà anh yêu trong kết thúc truyện, lúc anh yêu chưa nhận ra em  yêu, em yêu thở than với các sự vật trong nhà:
“Em giã gạo, thở than cùng lợn
Em chăn lợn, thở than cùng gà
Em thở than bên chày gỗ cạ
Em thở than cạnh chày gỗ mư”
Khi anh yêu vào rừng săn tìm lễ vật để hỏi cưới em yêu, trong tình thế cấp bách nhưng anh yêu vẫn nghe được tiếng kêu cứu của các loài vật và tha mạng cho chúng:
“Anh thấy vợ chồng nai nối đuôi nhau ăn cỏ đồi than
Gặm cỏ gianh non mới mọc
Súng đẹp, súng bền chắc
Nỏ đẹp tên thuốc nhọn, bước lên
Nai sợ ngã, sợ chết:
Xin van người người hỡi
Xin chàng tài giỏi tha cho
Gái má hồng đang chờ
Gái thanh xuân đang đợi chàng ơi
Anh bỗng rời cò súng không bắn”
“Chim sợ ngã, sợ chết:
Xin van người, người hỡi!
Xin chàng tài giỏi tha cho
Gái má hồng đang chờ
Gái thanh xuân đang đợi, chàng ơi!
Anh rẽ đi, qua đi”
Các chi tiết trên góp phần giúp chúng ta hiểu thêm về tinh thần của con người dân tộc Thái. Đó là tinh thần hòa hợp với thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Tâm thức của người Việt xưa đồng nhất con người với thiên nhiên, nên mới có hiện tượng motif tái sinh nhờ thực vật, con người chết hóa thành tro bụi từ tro bụi mọc thành cây, từ cây con người lại tái sinh. Truyện thơ Xống chụ xon xao được ước tính ra đời vào khoảng thế kỉ XVII, XVIII – vẫn thể hiện phần nào tâm thức ấy.
 Ngoài ra, còn có thể lí giải hiện tượng trên bằng cách xem xét vũ trụ quan của người Thái. Vũ trụ quan của người Thái gồm ba thế giới, một thế giới ở trên trời cao và hai thế giới cùng tồn tại ở mặt đất, một bên là thế giới của những người sống và một bên là thế giới của ma. Thế giới trên trời có Then Luông là đấng tối cao nhất cai quản trời đất, loài người và vạn vật, Then Luông được các quần thần giúp việc. Dưới trần gian, bất cứ ở nơi nào cũng có các ma (phi) cai quản. Muốn lập bản, khai phá ruộng, phát nương, đánh cá, săn thú đều phải xin phép các ma ruộng, ma nương, ma rừng, ma suối… Những vị thần trên trời, các ma dưới trần kể trên cùng với ma nhà (phi hươn), ma họ (phi đẳm), những ông, bà, cụ kỵ đã khuất (pú pầu) là những lực lượng phù hộ, bảo vệ người.
Cách tri nhận vũ trụ như vậy dẫn tới quan niệm vạn vật trong thiên nhiền đều có sự sống, đều có hồn, từ đó dẫn tới cách đối xử rất nhân văn với tự nhiên: tôn trọng tự nhiên, bầu bạn với tự nhiên, tâm tình cũng tự nhiên.




[1] Nguồn: http://music.vietfun.com/trview.php?cat=11&ID=878
[2] Nguồn: http://music.vietfun.com/trview.php?ID=3457&cat=11

إرسال تعليق