Search Suggest

[CẢM HỨNG SỐNG] THE GIVERS



“From the ashes of the Ruin,
the Communities were built.

Protected by the boundary.

All memories of the past were erased.”

Tạm dịch: 
“Bằng tro tàn từ “Huỷ Diệt”,
Cộng Đồng được xây nên

Được bảo vệ bởi ranh giới.
Những ký ức của quá khứ bị xoá bỏ.”

Nếu một ngày nào đó, bạn được sống ở một thế giới khác…Một thế giới không có chiến tranh chỉ có hoà bình. Một xã hội bình đẳng. Không thù hận, đố kỵ, buồn bã, giận hờn…những cảm xúc của quá khứ. Trật tự và công bằng. Một xã hội gần như hoàn hảo về mọi mặt. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra là: “Bạn phải đánh đổi điều gì để có và duy trì được nó ?” và “Cái giá phải trả là gì ?”. Để có thể tìm ra được câu trả lời, Phillip Noyce đã xây dựng một thế giới viễn tưởng trong bộ phim “The Giver” – “Người truyền kí ức”. Và như thế một xã hội gần như “hoàn hảo” đã được tạo nên.

Bộ phim được dựa trên một cuốn sách cùng tên được viết bởi nhà văn người Mỹ Lois Lowry. Các tác phẩm của bà hầu hết đều xoay quanh những vấn đề nhạy cảm trên phương diện xã hội học như nạn phân biệt chủng tộc, sự kiện Holocaust…Và không lạ gì khi cuốn sách “The Giver” đã đem lại nhiều ý kiến trái chiều vì chủ đề chính của nó chính là những vấn đề gây tranh cãi về thắc mắc quyền hạn của chinh phủ. Vào năm 2014, Phillip Noyce đã chuyển thể tác phẩm thành phim một cách xuất sắc, truyền tải thông điệp của tác gỉả một cách trọn vẹn. Lấy bối cảnh tại một thế giới tương lai, bằng việc miêu tả tâm lý nhân vật một cách tinh tế và xử lý hình ảnh khá là ấn tượng đã đem đến một làn gió mới cho dòng phim khoa học viễn tưởng mang đậm yếu tố hành động và kịch tính.

Để tạo ra một xã hội nơi ai cũng bình đẳng, sự khác biệt là không thể chấp nhận được. Một giải pháp đã được đề ra: các Cộng Đồng – nơi sự hỗn loạn, xáo trộn, thù hằn được thay thế bằng sự yên bình, đẹp đẽ. Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã được dạy rằng chúng được sinh ra là có mục đích. Tuy nhiên, mục đích của chúng, cuộc đời của chúng không phải tự định đoạt mà đã được chọn sẵn. Ngoài ra, chúng không còn biết gì cả. Kể từ sau “Sự Huỷ Diệt”, các “Bô lão” – những người lãnh đạo của Cộng Đồng đã tạo nên một “ranh giới” để bảo vệ nhân loại. Và để bảo vệ cho sự yên bình này, họ đã tiến hành chọn lọc từ lúc sơ sinh. Những đứa trẻ sơ sinh này sẽ được giao cho các gia đình phụ trách nuôi dạy. Đồng nghĩa vứoi việc là không một ai biết được cha mẹ ruột mình là ai vì sanh em bé cũng là một công việc được chọn trong xã hội này. Quá trinh trưởng thành của một con người sống trong xã hội này sẽ được Cộng Đồng công nhận ở ba độ tuổi. Khi lên chin tuổi, những đứa trẻ sẽ được nhận một chiếc xe đạp – một biểu tượng cho sự tự lập và có trách nhiệm. Lễ Tốt nghiệp – một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của những con người nơi đây, đó là lúc họ sẽ được phân công vào những công việc phù hợp với các yếu tố và phẩm chất mà họ đã bộc lộ từ lúc sơ sinh tới hiện tại, vào lúc mười tám tuổi. Các “Bô lão” sẽ là người quyết định việc này. Và cuối cùng là “Buổi lễ của sự giải thoát đến Nơi Khác” – nơi những người cao tuổi được tôn vinh bởi những thành quả lao động mà họ đã đóng góp cho xã hội. Như vậy, trật tự đã được đảm bảo và cứ thế qua đôi mắt của những con người sống trong xã hội này chỉ có duy nhất một màu – xám. Đó chính là thứ làm tôi ám ảnh nhất xuyên suốt cả bộ phim.

Tạm dịch: 

“Sử dụng ngôn từ chính xác.
Mặc quần áo được chỉ định sẵn
Tiêm thuốc vào buổi sáng
Tuân thủ giờ giới nghiêm
Không bao giờ nói dối”

Đó là những gì Jonas (Brenton Thwaites) và bạn của cậu – Asher (Cameron Monaghan và Fiona (Odeya Rush) – đã được dạy từ nhỏ. Tuy nhiên, có một điều gì đó khác biệt giữa cậu và hai người họ. Cậu đã nhìn thấy một thứ gì đó khác thường – thứ mà cậu nghĩ chỉ mình cậu nhìn thấy và càng lúc nó càng rõ hơn. Khác thường. Một điều không thể chấp nhận được ở nơi đây. Thế nên, Jonas chưa từng nói với ai về điều này vì: “Ai lại muốn khác biệt cơ chứ !”. Một ngày trước Lễ Tốt nghiệp, Jonas cảm thấy lo lắng vì dường như ai cũng đã biết được công việc mà mình phù hợp nhất riêng cậu thì chưa. Mọi thứ đối với cậu thật mơ hồ như không thuộc về thế giới này vậy. Và rồi ngày tốt nghiệp cũng đến. Lần lượt từng người một được giao cho một công việc phù hợp với tính cách của họ như mẹ đẻ - người phụ trách sinh nở hay nhà giáo, phi công,…Theo lời của Trưởng lão, suốt cả quá trình tập huấn giúp họ kiểm soát được những bốc đồng ,đây lại là ngày duy nhất mà Cộng Đồng tôn vinh sự khác biệt vì điều đó đã quyết định đến tương lai của họ. Jonas là người cuối cùng được xướng tên. Và một điều khá là bất ngờ đã xảy ra,, cậu là người được chọn để trở thành “Người nhận kí ức” – một vị trí khá là quan trọng vì nó quyết định đến sự tồn tại của xã hội này. Như đã nói, những kí ức của quá khứ đã bị xoá bỏ và không một ai được phép thắc mắc về nó cả. Tuy nhiên vẫn có một nhóm người được chọn ra và họ trở thành “Người truyền kí ức” từ đời này sang đời khác– và những kí ức đó chỉ có họ mới được quyền biết mà thôi. Lúc này diễn biến câu truyện dưởng như thú vị hơn từ lúc cậu mở sổ tay hướng: “ Có 5 điều lệ. Một, báo cáo trực tiếp với người Tiếp nhận về tập huấn. Hai, từ giờ phút này trở đi, không phải tuân theo luật chống khiêm nhã. Có thể hỏi bất kì câu hỏi. Ba, ngoài việc tiêm thuốc buổi sang hang ngày, không được tiêm them bất kỳ thuốc khác nhất là thuốc giảm đau. Bốn, không được thảo luận về quá trình tập huấn với bất kì ai. Năm, được phép nói dối.” Như vậy, rõ ràng những điều này đã đi trái ngược lại với tất cả những gì cậu đã được dạy. Tiếp theo đó là những chuỗi ngày huấn luyện mà cậu không thể nào quên được. Khi lần đầu tiếp nhận kí ức, một thứ cảm xúc mới hiện ra trong cậu khi lần đầu tiên nhìn thấy tuyết, hạnh phúc, thấy cái đẹp, âm nhạc, cảm thấy yêu đời, thấy chiến tranh chết chóc, xuất hiện đau đớn, tuyệt vọng…Đỉnh điểm của câu truyện là khi Jonas phát hiện ra lý do tại sao chính phủ lại muốn xoá sạch những kí ức này và từ đó cậu cùng “Người truyền kí ức” tìm cách khôi phục lại những điều đã bị lãng quên trong quá khứ bằng cách tìm và vượt qua “ranh giới” mà các người lập ra chính phủ đã che đậy.

Câu truyện cuối cùng thì cũng có một kết thúc mở. Tuy nhiên, chính cái kết này làm cho câu truyện trở nên thú vị vì có hai khả năng xảy ra vào lúc kết thúc: Một là Jonas và Gabe đều chết trên xe trượt tuyết. Hai là cả hai thành công và tìm thấy được hạnh phúc ở “Nơi khác”. Dù cái nào đi chăng nữa, ít ra cậu đã có quyền lựa chọn cho mình một con đường dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Và điều này đã khiến tôi hiểu rằng: Cho dù cuộc đời có tăm tối đến đâu, tuyệt vọng đến đâu, tôi vẫn có thể lựa chọn một ngã rẽ khác và tự tôi sẽ quyết định cuộc đời của chính mình. 

Có một phân cảnh trong bộ phim mà vẫn làm tôi nhớ đến bây giờ. Lily, cô em gái nhỏ của Jonas, đang ở trong phòng ngủ và chơi với thú nhồi bông của mình. Tuy nhiên, con thú nhồi bông ấy lại là một con voi nhưng cô bé lại luôn miệng gọi là hà mã. Phải chăng Lily không biết con voi là gì? Nó là tôi nhận ra một điều. Không phải cô bé không thể phan biệt được hai con với nhau mà ngay từ nhỏ cô đã được dạy thứ cô đang cầm trên tay chính là hà mã. Vì thế nên cô bé sẽ lớn lên với niềm tin đó là một con hà mã không phải con voi. Tuy nhiên, trong trường hợp này cô bé vẫn đúng vì đó là điều mà toàn xã hội không chỉ riêng cô bé tin là như vậy. Ngay từ nhỏ chúng ta đã luôn được dạy là kẻ xấu là người cầm súng và người tốt là kẻ bị rượt theo. Tuy nhiên, có phải lúc nào nó cũng đúng ? Liệu rằng, kẻ cầm súng ấy là một người cảnh sát đang rượt theo một tên cướp đang ôm cục tiền chạy đi. Lúc này, kẻ xấu còn là kẻ cầm súng nữa không ? Từ nhỏ, chúng ta luôn được dạy là phải tin vào những gì mình được học là đúng nhưng có phải nó thật sự đúng một trăm phần tram hay không. Để rồi ta lớn lên và tin rằng “con hà mã chính là con voi”. Nó làm tôi hiểu được rằng: Mọi vấn đề đều có hai mặt của nó. Tuy nhiên cuối cùng, việc lựa chọn để tin vào nó lại nằm ở chính bản thân. Ta có thể chọn chấp nhận vấn đề đó một cách dễ dàng hay chọn đối diện với nó để tìm được câu trả lời thoả đáng nhất. Vì dù gì người quyết định chinh là bản thân tôi. 

Có điều tôi luôn thắc mắc. Tại sao những”Bô lão” lại muốn giấu những cảm xúc đó đi, chon vùi chúng trong quá khứ và xoá sạch đi những kí ức về chúng? Tôi biết điều họ sợ nhất là sự khác biệt vì sự khác biệt gây ra sự mất trật tự, hỗn loạn trong xã hội, là cái họ muốn ngăn chặn bằng mọi giá. Vì sao ? Chiến tranh, con người sát hại lẫn nhau,…là những đau thương của quá khứ, dồn nén bao nhiêu cảm xúc từ đau đớn, tuyệt vọng đến căm ghét, hận thù…Mất trật tự. Và mọi thứ đều bắt đầu từ hai chữ: Tình yêu. Vì thế để đảm bảo sự bình đẳng, yên bình trong xã hội, điều logic nhất chính là những cảm xúc liên quan đến cá nhân phải bị loại bỏ, ai cũng như nhau. Một xã hội một màu. Sự khác biệt không được phép tồn tại. Đó là cái giá phải trả ư ?Phải nói khi đến lựa chọn, loài người rất tệ khi làm việc này. Họ chọn chiến tranh phi nghĩa thay vì hoà bình, họ chọn phá huỷ mọi thứ thay vì cùng nhau xây dựng , họ chọn gây ra thay vì ngăn chặn và trong trường hợp này họ chọn xoá bỏ đi thay vì đối diện với nó. Theo tôi, những điều này luôn xảy ra khi chúng ta xem con người như nguồn gốc của vấn đề thay vì con người là giải pháp. Những quyết định sai lầm của loài người đã dẫn dến ngày hôm nay, khi mọi thứ đã quá sức chịu đựng và chúng ta tìm cách giải quyết thật nhanh chúng mà quên rằng những cảm xúc làm nên sự khác biệt đó hay là chính những quyết định sai lầm là thứ làm nên con người. Tuy nhiên nhiên điều tôi thắc mắc là: Nếu được quyền chọn lại, liệu lần này loài người sẽ chọn đúng ? Và như thế nào là đúng ?.

“The Giver” chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa về các vấn đề cuộc sống, xã hội ngày nay. Tuy không được đánh giá cao trong giới làm phim nhưng với tôi nhiêu đây là đủ rồi. Với cốt truyện được đánh giá cao, nhẹ nhàng, tâm lý nhưng lại ẩn sâu trong mình một sức mạnh tiềm tàng, làm thay đổi cách tôi nhìn thế giới, nhìn vào những vấn đề trong cuôc sống thường ngày, mang lại cho tôi cảm hứng sống mãnh liệt. Nếu được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn bộ phim này.

Nguyễn Mai Thảo Nguyên - Lớp 11.5
Trường THTH ĐHSP niên khóa 2016 - 2019


***
Bài viết trong khuôn khổ hoạt động "Tác phẩm nghệ thuật truyền cho em cảm hứng sống". Đây là hoạt động kết nối trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật với kinh nghiệm sống của học sinh, qua đó đưa giờ Văn gần hơn với đời sống.

إرسال تعليق