Search Suggest

[NLVH] GIÁ TRỊ VĨNH HẰNG CỦA THƠ LÀ NHỮNG VẤN ĐỀ MANG TÍNH NHÂN VĂN


“Giá trị vĩnh hằng của thơ là những vấn đề mang tính nhân văn, thuộc về con người, thuộc về nhân loại”
(Trần Hoài Anh – Thanh Thảo và thơ – nhavantphcm.com.vn)
Bằng hiểu biết của mình về một trong ba tác phẩm “Tự tình” (Hồ Xuân Hương), “Thu điếu” (Nguyễn Khuyến), “Thương vợ” (Trần Tế Xương), anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.


(Nguồn hình: https://www.pexels.com/photo/beautiful-calm-clouds-dark-206359/)

GỢI Ý THÂN BÀI

I.            YÊU CẦU VỀ KĨ NĂNG: Đây là dạng bài nghị luận văn học về vấn đề lí luận văn học. Học sinh cần nắm vững kĩ năng xác định vấn đề nghị luận. Biết vận dụng các thao tác lập luận để làm sáng tỏ vấn đề. Học sinh cần  biết phân tích để làm sáng, rõ hệ thống luận điểm, tránh phân tích tràn lan, thiếu định hướng.

II.            YÊU CẦU VỀ KIẾN THỨC

1.    Giải thích:

-         Giá trị vĩnh hằng của thơ: Giá trị đích thực của tác phẩm, làm nên sức hấp dẫn và sức sống trường tồn của tác phẩm trong lòng công chúng.

-         Tính nhân văn: Hệ thống tư tưởng đề cao các giá trị của con người, nâng niu và trân trọng vẻ đẹp, khát vọng của con người. Đó có thể là những vẫn đề mang tính chất thời sự, những vấn đề riêng của con người trong bối cảnh xã hội, lịch sử cụ thể (thuộc về con người), đó cũng có thể là những vấn đề có tính chất nhân bản, thể hiện quy luật và bản chất mọi thời của con người (thuộc về nhân loại).

ð  Qua nhận định của mình, tác giả Trần Hoài Anh khẳng định điều làm nên giá trị đích thực, bất biến muôn đời của tác phẩm thơ nói riêng và tác phẩm văn học nói chung, chính là những giá trị nhân văn, những vẻ đẹp và khát vọng muôn đời của con người được gửi gắm trong tác phẩm.

2.    Bàn luận

-         Khẳng định tính đúng đắn của nhận định.

Vì sao “giá trị vĩnh hằng của thơ là những vấn đề mang tính nhân văn, thuộc về con người, thuộc về nhân loại”?

+Đối tượng phản ánh của văn học chính là con người. Văn học quan tâm đến con người trong các mối quan hệ xã hội có tính thẩm mỹ. Lấy con người làm trung tâm, văn học có được một điểm tựa để nhìn ra thế giới, để tri nhận các quy luật của hiện thực và đánh giá các hiện tượng, vấn đề nhân sinh trong cuộc sống.

+Nói “nhân văn” là nói đến những vẻ đẹp, những giá trị nhân bản của con người. Văn học không chỉ phản ánh con người mà còn tôn vinh con người. Bởi văn học là loại hình sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Cho nên nhiệm vụ của văn học là khơi phá hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người, níu giữ, trân trọng và tôn tinh tính người. Ngay cả khi văn học miêu tả cái xấu xa, thấp hèn, ghê tởm, thì giá trị hướng đến vẫn là những điều tốt đẹp, cao thượng, thủy chung.

+Văn học có chức năng cải tạo cuộc sống, thông qua lực lượng vật chất tích cực là con người. Vì vậy, giá trị đích thực của văn học chính là ở những giá trị nhân văn, góp phần làm cho tâm hồn người đọc phong phú hơn, trong sạch hơn, trưởng thành hơn.

3.    Chứng minh

Học sinh cần biết chọn những dẫn chứng phù hợp để làm bật lên những giá trị nhân văn trong tác phẩm mình chọn. Có thể theo định hướng như sau:

+Bài thơ “Tự tình”: Giá trị nhân văn thể hiện qua khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ, đó là khát vọng chính đáng ngàn đời của con người, dẫu cho cuộc đời đầy khổ đau, tuyệt vọng thì khát vọng ấy vẫn không lụi tắt, vẫn tỏa sáng, vẫn ngạo nghễ giữa đời một tiếng thơ “bi thương nhưng không bi lụy”.

+Bài thơ “Thu điếu”: Giá trị nhân văn thể hiện qua ý thức về giá trị của bản thân trước thời cuộc, lịch sử. Chính ý thức sâu sắc về trách nhiệm, giá trị của sự sống mà Nguyễn Khuyến mang tâm trạng bi kịch của con người thừa, đi câu nhằm câu nhàn, nhưng cuối cùng chỉ “nhàn thân mà không nhàn tâm”, đọng lại trong bài thơ vẫn là một khối bi kịch lớn mang đầy tự trọng của một trí thức có tâm, có tầm.

+Bài thơ “Thương vợ”: Giá trị nhân văn thể hiện qua vẻ đẹp tào tần, giàu đức hy sinh của bà Tú, sự hy sinh vun vén như một chức phận thiêng liêng, xuất phát từ tình yêu thương và bản năng chăm sóc, bao dung của người vợ, người mẹ. Giá trị nhân văn còn thể hiện ở cái nhìn yêu thương, thấu hiểu, trân trọng của ông Tú dành cho vợ, và tâm trạng tự trách của một nhân cách giàu lòng tự trọng.

4.    Tổng kết
-         Khẳng định lại vấn đề.
-         Để những giá trị nhân văn đến được với bạn đọc, cần có hình thức nghệ thuật độc đáo, phù hợp, đặc sắc.


NGƯỜI LÀM ĐÁP ÁN:  THẦY TRẦN LÊ DUY

إرسال تعليق