Search Suggest

CÁCH LÀM NGHỊ LUẬN XÃ HỘI DANG TỔNG HỢP





Trong khảo sát gần đây của BLOG CHUYÊN VĂN với câu hỏi “Sắp tới bạn muốn chúng tôi viết về đề tài gì”, chúng tôi đã nhận được 502 lượt bình chọn, trong đó 295 bình chọn đề nghị viết về dạng bài NLXH có 2 vấn đề (dạng tổng hợp).

Đây là một dạng bài quan trọng, có thể sẽ xuất hiện trong đề thi thường và đề thi chuyên trong kì thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới.

Vậy ta sẽ giải quyết dạng đề này như thế nào?

NHẬN DIỆN ĐỀ

Cho 2 nhóm đề như sau. Bạn có nhận ra sự khác biệt giữa các đề thuộc nhóm 1 và nhóm 2?

Nhóm 1
Đề 1: Nick Vujicic – nhà diễn thuyết nổi tiếng người Úc từng nói:
“Tìm ra mục đích sống của bạn là bước quan trọng đầu tiên để sống một cuộc sống không giới hạn”
Từ câu nói trên, anh (chị) hãy bàn luận về tầm quan trọng của việc xác định mục đích sống.

Đề 2:
Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng vô cảm.

Đề 3:
Đất ấp ôm cho những hạt nảy mầm
Nhưng chồi tự vươn mình tìm ánh sáng.
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Thì chắc gì ta đã nhận được ra ta ?
(Nguyễn Quang Hưng, Tự sự)
Đoạn thơ trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về vấn đề “ta nhận được ra ta” trong đời sống?
Nhóm 2
Đề 1:

Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa. Hãy viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.

Đề 2:

Bàn về yêu thương, Elbert Hubbard đã từng nói: “Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất mà chúng ta giữ được”.
Zoe Kravitz lại cho rằng: “Một khi bạn yêu thương chính mình, đó là khi bạn xinh đẹp nhất”
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của em về hai ý kiến trên.

Đề 3:

Ngạn ngữ có câu: “Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta ước vọng quá nhiều”. Thế nhưng, nhà văn Nga M.Prisvin lại cho rằng: “Phải ước mơ nhiều hơn nữa, phải ước mơ tha thiết hơn nữa để biến tương lai thành hiện tại.

Sự khác biệt nằm ở chỗ, nếu nhóm đề 1 yêu cầu bạn bàn luận về một vấn đề, thì nhóm đề 2 yêu cầu bạn phải bàn luận về mối tương quan giữa hai vấn đề khác nhau.

Những đề yêu cầu bạn bàn luận về mối tương quan của hai vấn đề nghị luận, được gọi là nghị luận xã hội dạng tổng hợp.

Các vấn đề trong cuộc sống rất đa dạng muôn hình vạn trạng, nhưng nhìn chung ta đều có thể xếp chúng vào các nhóm tốt, xấu, hoặc vừa tốt vừa xấu. Nếu vậy bạn thử nghĩ xem, ở bài nghị luận xã hội dạng tổng hợp, sẽ có những cách phổ biến nào để kết hợp các vấn đề?

Nhìn chung, có ba cách kết hợp thường thấy ở bài nghị luận xã hội dạng tổng hợp:



Dạng
Mối quan hệ giữa hai vấn đề
Ví dụ
1
Dạng tương phản
Là sự kết hợp giữa một vấn đề tốt và một vấn đề xấu, đôi khi hai vấn đề này dễ bị nhầm lẫn với nhau.
-Trách nhiệm và vô trách nhiệm
-Ngưỡng mộ thần tượng và mê muội thần tượng
-Cá tính và chủ nghĩa cá nhân
2
Dạng bổ sung
Là sự kết hợp giữa hai vấn đề tốt. Hai vấn đề này bổ sung, kết hợp với nhau, trong cuộc sống của ta không thể thiếu đi yếu tố nào cả.
-Học và hành
-Danh và thực
-Yêu người khác và yêu chính bản thân mình
3
Dạng vừa tương phản vừa bổ sung
Là sự kết hợp của hai vấn đề vừa có mặt tốt, vừa có mặt xấu. Hai vấn đề ấy tưởng như tương phản với nhau, nhưng thực tế trong cuộc sống, tùy từng giai đoạn khác nhau, ta đều cần cả 2 yêu tố.
-Sống nhanh hay sống chậm?
- Ước mơ cao vời hay ước mơ thực tế?
- Bước đi hay dừng lại?
-Sống rực rỡ, tỏa sáng hay không khiêm nhường, giản dị?

Như vậy, mỗi cách kết hợp khác nhau sẽ tạo ra tương quan giữa hai vấn đề khác nhau. Mấu chốt của dạng đề này chính là xác định đúng tương quan giữa hai vấn đề, để chọn cách triển khai hợp lý nhất.

DÀN Ý CHUNG

Đến đây, chắc bạn đã nhận ra bài nghị luận xã hội dạng tổng hợp thực chất là sự kết hợp của hai bài nghị luận xã hội nhỏ hơn. Mục đích của dạng đề này là kiểm tra khả năng tư duy của người viết, đặc biệt là tư duy logic để nhận ra mối quan hệ của các vấn đề trong đời sống. Đây là dạng đề nâng cao, để viết nhuần nhuyễn dạng này, bạn cần nắm vững hai dạng NLXH cơ bản (dạng tư tưởng đạo lý, và dạng hiện tượng đời sống).
Nhìn một cách tổng thể, dù hai vấn đề có mối quan hệ thế nào, ta đều có thể triển khai thân bài thành ba bước:


Thao tác
Nội dung
1
Giải thích
Bạn lần lượt giải thích từng vấn đề theo trình tự đề ra. Khái quát sơ lược mối quan hệ của hai vấn đề.
2
Bàn luận
Bạn cần bàn luận lần lượt từng vấn đề, sau đó rút ra mối quan hệ giữa chúng.
3
Liên hệ bản thân
Bạn cần rút ra bài học về nhận thức và phương hướng hành động của bản thân.

Ba bước trên chính là cốt yếu nhất, căn bản nhất của dạng đề này. Bạn cần nắm thật vững. Vì đó sẽ là cơ sở để bạn ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể.

DẠNG HAI VẤN ĐỀ BỔ SUNG

Đối với hai vấn đề bổ sung cho nhau, bạn cần làm rõ mối tương quan chặt chẽ của hai vấn đề. Để làm được điều đó, bạn hãy thử đặt câu hỏi: Nếu thiếu một trong hai yếu tố, thì chuyện gì xảy ra? Trong thực tế, hai yếu tố ấy hỗ trợ cho nhau như thế nào?

Lấy ví dụ, hai vấn đề đó là: học và hành. Học và hành trong cuộc sống gắn bó chặt chẽ với nhau, điều nay hẳn ai cũng biết. Nhưng cụ thể hơn, chúng gắn bó với nhau như thế nào? Đến đây, ta hãy thử đặt những câu hỏi:

1.Nếu chỉ học mà không hành thì sao?
2.Nếu chỉ hành mà không học thì sao?
3.Vậy thì học và hành hỗ trợ cho nhau như thế nào?

Bạn nhận ra mối tương quan rồi chứ? Trong cuộc sống, nếu ta chỉ học mà không hành, thì những gì ta nhận được chỉ là kiến thức suông. Ngược lại, nếu chỉ hành mà không học, đó là làm bừa, sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Như vậy, việc học giúp định hướng để hành được tốt, và việc hành giúp củng cố, khắc sâu kiến thức lĩnh hội được từ việc học.

Mối quan hệ hai chiều, trợ giúp nhau như thế này được gọi là mối quan hệ tương hộ, hoặc quan hệ biện chứng.

DẠNG HAI VẤN ĐỀ TƯƠNG PHẢN

Các vấn đề tương phản, đối lập nhau trong cuộc sống, có lẽ không khó để bạn nhận diện. Tuy nhiên, đôi lúc sẽ có những vấn đề thực chất là tương phản, nhưng cuộc sống ta thường nhầm lẫn chúng với nhau.

Đâu là sự khác biệt giữa can đảm và liều mạng, giữa đoàn kết và kết bè kết phái, giữa khát vọng và tham vọng?

Với dạng đề này, khi hai vấn đề có vẻ nhập nhằng và dễ bị nhầm lẫn, thì bạn cần làm rõ chúng.

Ví dụ với trường hợp: ngưỡng mộ thần tượng và mê muội thần tượng. Trong cuộc sống, nhiều bạn trẻ nhầm lẫn hai khái niệm này.

Bạn hãy đặt những câu hỏi trong đầu:

1.Tại sao ngưỡng mộ thần tượng và mê muội thần tượng thường bị nhầm lẫn với nhau?

2.Vậy ta phân biệt chúng như thế nào?

Từ những câu hỏi ấy, bạn sẽ huy động được ý để viết.


Ngưỡng mộ thần tượng
Mê muội thần tượng
Tại sao chúng dễ bị nhầm lẫn?
Vì đều là tình cảm mỗi cá nhân dành cho thần tượng của mình, là sự yêu mến, là sự cảm phục.
Ta phân biệt chúng như thế nào?
-Mang lại nhiều lợi ích
-Nằm trong khả năng tự chủ của mỗi cá nhân, không ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc
-Không muốn chiếm hữu, chỉ muốn gần gũi, tôn trọng sự riêng tư của bản thân và thần tượng
-…
-Mang lại nhiều tác hại
-Mất tự chủ, thái quá, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc
-Muốn chiếm hữu thần tượng bằng mọi giá, bất chấp các hành động xấu để chiếm hữu
-…

DẠNG HAI VẤN ĐỀ VỪA TƯƠNG PHẢN VỪA BỔ SUNG CHO NHAU

Dạng này khác hai dạng trên ở chỗ, trong cùng một khoảnh khắc cuộc đời, ta không thể thực hiện cùng lúc hai yếu tố, nhưng trên tổng thể cuộc đời, mỗi yếu tố đều cần cho ta. Ví dụ: Bạn không thể cùng lúc vừa sống nhanh, vừa sống chậm, nhưng rõ ràng cả hai cách sống ấy đều cần thiết cho cuộc sống của bạn. Hay bạn không thể cùng một lúc vừa bước đi vừa dừng lại, nhưng trên đường đời, biết bước đi đúng lúc và dừng lại đúng lúc là điều rất quan trọng.

Như vậy ở dạng đề này, hai vấn đề cần bàn sẽ đặt ra trước mắt bạn như hai sự lựa chọn. Nhiệm vụ của bạn là phân tích ưu điểm, nhược điểm của từng sự lựa chọn, và quyết định xem trong cuộc đời lựa chọn thế nào là đúng đắn.

Ví dụ với trường hợp bước đi và dừng lại. Bạn thử nghĩ xem:

1.Trong cuộc sống, những trường hợp nào thì ta nên bước đi?

2. Và những trường hợp nào thì ta nên dừng lại?

3. Vậy mỗi người cần dựa vào đâu để đưa ra những lựa chọn mà ta không phải hối tiếc?

Cả ba câu hỏi trên, đều là những câu hỏi rất mở. Dạng đề này mở hơn hẳn hai dạng đề trên. Tùy vào kinh nghiệm sống và quan điểm của bản thân, bạn sẽ có đáp án cho riêng mình. Theo tôi ở dạng đề này, quan trọng nhất là thể hiện trải nghiệm của người viết, bởi không ý kiến nào giá trị hơn ý kiến nào và càng không có ý kiến nào là chân lý.

LUYỆN TẬP

Đến đây, ta hãy làm một bài tập nhỏ để củng cố lại về bài nghị luận xã hội dạng tổng hợp. Hãy xác định mối quan hệ của các yếu tố trong các đề sau, và thử phác thảo ra dàn ý sơ lược để giải quyết đề.

Đề 1:
Phải chăng chỉ có điều ngọt ngào làm nên yêu thương?
Em hãy viết bài văn nghị luận trả lời cho câu hỏi trên.

Đề 2:
Giữa người lớn và trẻ em liệu có nên tồn tại mối quan hệ bình đẳng, ngang hàng?
Hãy viết bài văn trả lời cho câu hỏi trên.

Đề 3:
Hãy viết bài văn nghị luận với nhan đề: Tôi và người khác.

Đề 4:
“Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh”

(Nguyễn Sĩ Đại)
Còn em, một người trẻ, em chọn trở thành “người vá trời lấp bể” hay trở thành chiếc lá xanh? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của mình.

TÓM TẮT BÀI VIẾT



THẦY TRẦN LÊ DUY

(BLOG CHUYÊN VĂN)



THÔNG BÁO CHIÊU SINH
LỚP VĂN 9 VÀ 11
ĐỊA ĐIỂM: TÂN BÌNH (TP.HCM)






إرسال تعليق