Search Suggest

NỖI BUỒN CHIẾN TRANH - KHÚC CA ĐAU THƯƠNG CỦA NHỮNG ĐIỀU ĐÃ CHẾT NHƯNG CÒN TỒN TẠI VÀ TIẾP DIỄN...







Nguồn ảnh: Nguyễn Đức Lam Thảo







Thế
hệ mình sinh ra khi chiến tranh đã lặng tiếng, chỉ còn biết về chiến tranh qua
những đoạn phim màu đen trắng chiếu trong những ngày kỷ niệm và những Việt Bắc,
những Tnú học trong sách giáo khoa. Thế nên, với mình, chiến tranh là thứ gì xa
lạ lắm, khổ đau và hi sinh nhưng nhiều hơn hết vẫn là oai hùng và kiên gan, là
tình yêu nước dùng máu nhuộm đỏ màu quốc kỳ. Chiến tranh vì thế buồn nhưng vẫn
đẹp một cách kỳ lạ.





Nhưng
đọc xong cuốn sách này, cái cảm giác ấy bay biến gần như hoàn toàn. Chẳng có gì
là gọi là đẹp, chẳng có gì gọi là dũng cảm hay tình yêu nước vượt lên trên khát
vọng sống cả. Một thế hệ bị cơn sóng chiến tranh ập đến và cuốn đi. Trong số
hàng vạn người đó, mấy phần là muốn ra đi theo tiếng gọi của tổ quốc, mấy phần
là bị ép buộc phải bỏ lại quê nhà mà phải chết đi đầy đau đớn, nằm lại nơi rừng
thiêng nước độc xa lạ. Cái bóng ma của chiến tranh vĩnh viễn ám lấy cuộc đời họ,
họ trở thành những thứ gì đó nửa người nửa ma, một chân đã bước vào mảnh đất
hòa bình mà tâm tưởng vẫn bám víu lấy quá khứ chiến tranh loạn lạc. Nỗi buồn
chiến tranh là tiếng gọi của quá khứ, của những người đã nằm sâu dưới lớp cát bụi
chiến tranh, của những miền đất cằn cỗi mà nhân vật chính đã trải qua. Những điều
đã tắt đi nhưng còn sống mãi và tiếp diễn trong tâm tưởng nhân vật chính. Càng
đi sâu vào quá khứ, hiện tại càng phai nhạt, càng gắn bó với thực tại, càng lùi
sâu vào quá khứ, càng thoát ra lại càng mắc kẹt. Cuộc sống càng trôi đi, ký ức
càng hiện về mạnh mẽ và sống động. Cuốn hút mê hoặc hỗn loạn và miên man. Tác
phẩm dậy nên một nỗi buồn sâu thẳm, nỗi buồn của thế hệ sinh ra trong hoà bình
khi chạm đến những góc tối, những nỗi đau, những thực tế mà thế hệ cha ông ít
nhiều trải qua, chứng kiến qua trang giấy những nỗi buồn chiến tranh. Rõ là
may, nhưng bứt rứt. Rồi bao nhiêu mảnh đời, nếu có được gọi là may mắn sống
sót, liệu có tìm được một chỗ đứng sau những dằng dặc biến động?





Trong
“Nỗi buồn chiến tranh”, nhân vật Kiên có hai nỗi ám ảnh lớn nhất: Chiến tranh
tàn khốc và tình yêu, sự sống tuổi trẻ của Kiên trong quá khứ.





“Tôi không sợ chết, nhưng cứ bắn mãi,
giết mãi thế này thì
chết hoại tình người”





Vết
thương tàn ác mà chiến tranh để lại không chỉ là sự thương tổn về tinh thần và
thể xác mà còn là sự chà đạp lên nhân tính. Những người lính trở về từ chiến
tranh, ai cũng mang trong lòng một nỗi ám ảnh. Ám ảnh về tình người, về nhân
tính. Những con người vô tội bị ném vào cuộc chiến tranh ác liệt, nơi chiến tuyến,
họ phải cầm đao cầm súng để giết chết đồng loại của mình, Điều tàn nhẫn này đã
khiến họ trở nên vô cảm và chỉ biết giết chóc như một cỗ máy vô tri vô
giác.Nhưng ở một phương diện khác, chiến tranh cũng cũng phản ánh tình người.
Đó là tình đồng chí đồng đội, chấp nhận hy sinh cho nhau với một ước muốn thiếng
liêng: Mình chết thì bạn mình được sống.





Ngoài
“nỗi buồn chiến tranh” , còn có là một nỗi buồn khác mang tên tình yêu. Nhắc đến
tình yêu người ta nghĩ ngay đến những điều hạnh phúc. Tình yêu gắn liền với cái
đẹp, với nhân tính, nhất là những con người trẻ tuổi, ở độ tuổi khát tình yêu,
lại phải tham gia vào chiến trường máu lửa. Dù nhan đề là “Thân phận của tình
yêu” hay “Nỗi buồn chiến tranh” cũng chỉ là một. Đó là: Một chuyện tình đau đớn
trong chiến tranh. Tình yêu, trong ký ức của Kiên, là mối tình tuyệt đẹp mà đau
xót với cô bạn học Phương. Phương và Kiên ở tuổi 17, tuổi thanh niên mới chớm nở;
hai tâm hồn lành mạnh yêu nhau đắm đuối, hồn nhiên. Bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt
ngã của cuộc chiến, tình yêu cũng bị đày đọa, bị đẩy tới bờ vực của sự hủy diệt.
Mối tình của họ mãi mãi là mối tình đau khổ, không thành với những vết thương
không thể chữa lành trong thời bình. Thế nhưng, tình yêu cho dù bị đày đọa, vẫn
tồn tại như một thách thức làm cho người ta mê đắm. Tình yêu của Kiên và Phương
như là biểu tượng của cái đẹp, đối lập với chiến tranh khốc liệt. Giữa một vùng
bom đạn xé toạc bầu trời Hà Nội trong những ngày đầu của cuộc chiến, Phương tắm
bên hồ “ung dung”, “bình thản”, cái đẹp ngạo nghễ trước bạo lực. Tình yêu của
Phương, sắc đẹp của Phương bị chiến tranh hủy hoại, chỉ còn lại ký ức mênh mông
và huyền ảo, và “nỗi buồn” về thân phận tình yêu. Bằng những ký ức chắp nối,
tác phẩm như là những độc thoại của Kiên về thân phận con người. Tình yêu và
chiến tranh, hai chủ đề, hai nỗi buồn thấm vào nhau, hòa lẫn nhau, da diết, xót
xa, huỷ diệt. Chiến tranh để làm gì? Chiến tranh để lại những gì? Ngoài những
những nỗi buồn về tình yêu, về giết chóc cứ ăn sâu trong tâm hồn những người
lính may mắn sống sót ấy.





“Nỗi
buồn chiến tranh” đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại - đó là câu chuyện của
thân phận, của mất mát, của tình yêu và chiến tranh...






HOÀNG VŨ


HS
TRƯỜNG THTH ĐHSP


NIÊN
KHÓA 2015-2018










THÔNG TIN VỀ SÁCH


Tên
sách: “Nỗi buồn chiến tranh”


Tác
giả: Bảo Ninh


Nhà
xuất bản: NXB Trẻ



إرسال تعليق