Search Suggest

Nghỉ học phòng đại dịch, Newton đã tranh thủ nghiên cứu khoa học

Năm 1665, một đợt dịch hạch vô cùng nguy hiểm đã bùng nổ tại London (Anh Quốc), cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Đáng sợ hơn, với điều kiện khoa học bấy giờ, người ta không thể biết nguyên nhân của đại dịch này là gì.

Thực tế, phải 200 năm sau, chủng vi khuẩn hạch mới được xác định và rất lâu sau đó, con người mới tìm ra được vắc-xin chống lại căn bệnh này.

Lúc đó, Isaac Newton đang là sinh viên tại Đại học Cambridge. Ông phải trở về nhà 2 năm vì trường đóng cửa do bệnh dịch hạch lan truyền.

Hai năm này chứng kiến một loạt các phát triển quan trọng của Newton với phương pháp tính vi phân và tích phân hoàn toàn mới, thống nhất và đơn giản hoá nhiều phương pháp tính khác nhau thời bấy giờ để giải quyết những bài toán có vẻ không liên quan trực tiếp đến nhau như tìm diện tích, tìm tiếp tuyến, độ dài đường cong và cực trị của hàm.
Newton cũng đã đi xin được một thấu kính và bắt đầu làm thí nghiệm ngay trong phòng ngủ. Ông khoét một cái lỗ trên cửa chớp, cho ánh sáng chiếu qua để bắt lấy chùm tia nhỏ nhất có thể. Chính từ đó, Newton bắt đầu xây dựng cho bản thân các tiên đề đầu tiên về quang hình học.

Tài năng toán học của ông nhanh chóng được hiệu trưởng của Cambridge nhận ra khi trường mở cửa trở lại. Ông được nhận làm giảng viên của trường năm 1670, sau khi hoàn thành thạc sĩ, và bắt đầu nghiên cứu và giảng dạy về quang học. Ông lần đầu chứng minh ánh sáng trắng thực ra được tạo thành bởi nhiều màu sắc, và đưa ra cải tiến cho kính thiên văn sử dụng gương thay thấu kính để hạn chế sự nhoè ảnh do tán sắc ánh sáng qua thuỷ tinh.

Các thành tựu Newton đạt được sau đó là nhờ vào khoảng thời gian tự học khi giam mình trong phòng để tránh dịch bệnh.

Tổng hợp từ Wiki, VNN: Tố Uyên.

إرسال تعليق