Search Suggest

Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho dòng nước mắt | Giọt nước mắt Chí Phèo



Người ta kể chuyện xưa, một nhà thi sĩ Ấn Độ trông thấy một con chim bị thương rơi xuống chân mình. Người thi sĩ ấy thương hại quá nên đã khóc nấc lên, giọt nước mắt hòa vào làn hơi thở thoi thóp, run rẩy của con chim sắp chết. Giọt nước mắt của thi sĩ đã làm nên vẻ đẹp của thơ ca. Phải chăng như Đặng Tiến đã từng nói “Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”?

Trước hết, nói đến nghệ thuật là nói đến một hình thái ý thức xã hội đặc thù phản ánh sự tồn tại của xã hội và bày tỏ quan niệm của con người trước cuộc sống. “Tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt”, nghệ thuật khám phá, kiến tạo nên các giá trị thẩm mỹ cho “dòng nước mắt” hay cũng chính là cho bi kịch, nỗi đau đớn, thảm thương đến tột cùng của con người. Để rồi nghệ thuật “biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”, hóa nỗi đau của con người thành lời ca vô tận. Tiếng hát ấy là lời ca tuyệt vọng, là thanh âm khổ đau của một cõi lòng đang đắm chìm trong nỗi bế tắc, thống khổ. Nhưng đồng thời đó cũng là một tiếng hát có khả năng lan tỏa và tác động vào hiện thực cuộc sống “Tiếng hát vô biên” chất chứa những niềm đau cất lên trở thành tiếng nói tri âm, đồng điệu như một lời an ủi, xoa dịu những vết thương nơi tâm hồn con người. Và từ đó, tiếng hát kia tiếp thêm cho con người ta sức mạnh để vượt qua những nỗi thống khổ trong đời, trở thành điểm tựa tinh thần giúp con người có thêm niềm tin, hy vọng vào cuộc sống. Nhận định của Đặng Tiến đã chỉ ra các đặc trưng cùng sứ mệnh cao cả của nghệ thuật đó là sự phát hiện, trân trọng vẻ đẹp trong những nỗi đau, đồng thời nỗi thống khổ ấy cần phải trở thành “tiếng hát vô biên”, tiếng hát của mọi thời đại đưa con người thoát khỏi những đớn đau trần tục và vươn lên các giá trị cao đẹp hơn.

Quan niệm của Đặng Tiến đã nhấn mạnh các chức năng cơ bản của văn học, là một nhận định vô cùng đúng đắn. Vậy, vì sao nghệ thuật cần tạo nên vẻ đẹp cho những dòng nước mắt? Bởi đối tượng phản ánh chủ yếu của văn học nghệ thuật là con người. Văn học đi sâu khám phá những vấn đề đời tư, thế sự về số phận của con người. Trong đó văn học tập trung phản ánh đời sống nội tâm, phong phú của con người, bao gồm những tình cảm khẳng định như vui sướng, thương yêu, tin tưởng và cả những tình cảm phủ định như căm thù, phẫn nộ. Càng muốn am hiểu cái nhìn của con người, văn học càng phải quan tâm đến những “dòng nước mắt”, đến nỗi đau khổ. Vì giọt nước mắt là biểu hiện cho sự ý thức của con người về bi kịch của bản thân, thể hiện niềm tuyệt vọng nơi tâm hồn con người, qua đó giúp ta khái quát được bi kịch của xã hội thời đại. “Văn học là nhân học” (M. Gorki), lấy “dòng nước mắt” làm chất liệu sáng tạo, văn học mới có khả năng trở thành “cuốn sách giáo khoa về đời sống”, giúp con người hiểu hơn cuộc sống diễn ra xung quanh, hiểu hơn chính bản thân mình.

Bên cạnh đó, nghệ thuật cần làm nên vẻ đẹp cho những dòng nước mắt vì cái đẹp là đặc trưng khu biệt văn học với các hình thái ý thức xã hội khác. Giá trị thẩm mỹ là thước đo chuẩn mực cho mọi tác phẩm nghệ thuật chân chính. Trong văn nghệ, lý tưởng thẩm mỹ góp phần định hướng tư duy theo tiêu chí chân – thiện – mỹ. Bởi vẻ đẹp là các giá trị làm nên những rung cảm thẩm mỹ nơi tâm hồn, tác động sâu sắc vào nhận thức của bạn đọc. Vì vậy, văn học cần làm nên vẻ đẹp cho “những dòng nước mắt”, cho nỗi đớn đau của con người để từ đó hướng độc giả đến những điều tốt đẹp, đến chân trời các giá trị chân – thiện – mỹ. Và quan trọng hơn cả, thiếu khát khao vươn tới cái đẹp, nghệ thuật sẽ mất đi sức mạnh cơ bản của nó, không thể thanh lọc tâm hồn con người và cải tạo xã hội. Do đó, nhà văn không chỉ là người sáng tạo nên tác phẩm mà còn phải là một kẻ biết vun trồng cái đẹp trong nỗi đau của con người. Để cảm nhận được vẻ đẹp của “những dòng nước mắt”, để trở thành một nhà kiến tạo nên cái đẹp thì trước hết người nghệ sĩ phải hòa trái tim mình vào nỗi thống khổ của nhân loại, phải là kẻ “nhẹ lòng nhẹ dạ, nên lĩnh mang giùm tất cả cho nhân gian!” (Xuân Diệu). Chi khi “vết nứt xuyên qua trái tim nhà thơ”, khi anh đau cho người mà như đau cho chính mình, như thể cái nỗi đau ấy có duyên nợ gắn liền với cuộc đời anh, lúc đó lời thơ anh viết ra mới thấm vào lòng người, mới làm nên “vẻ đẹp cho những dòng nước mắt”, biến lời tuyệt vọng kia thành lời ca đẹp nhất. Tóm lại, mục đích cao cả của văn học nghệ thuật là “tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt”, là tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn con người qua những nỗi đau.

Với Đặng Tiến, nghệ thuật không dừng lại ở sứ mệnh kiến tạo vẻ đẹp mà còn phải “biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”. Vì sao? Bởi văn chương phải trở thành “thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có” (Thạch Lam” nhằm cải tạo hiện thực, trở thành “trụ đỡ tinh thần” của độc giả. “Biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”, văn học khiến cho vẻ đẹp của dòng nước mắt trở thành các giá trị bất hủ, tồn tại mãi muôn đời. Khi nỗi đau trở thành tiếng hát, là lời ca chung của nhân loại, văn học có khả năng “an ủi trái tim những người cùng khổ” (Pautopxki). Nhờ có tiếng lòng tri âm, đồng điệu ấy, văn học tạo nên sức mạnh về mặt tinh thần giúp con người vượt qua mọi khổ đau trong đời. Đồng thời, qua những nỗi bất hạnh, văn học khơi gợi trong con người những khát vọng cao đẹp, sự nhận thức về một thế giới ước mơ, lý tưởng hơn. Văn nghệ tác động vào bạn đọc thông qua con đường tình cảm nơi trái tim để từ đó con người có những hành động tích cực tác động trở lại hiện thực cuộc sống. Bởi độc giả khi đến với tác phẩm văn học luôn mang theo khát vọng tìm kiếm kẻ tri âm tri kỷ. Họ mong muốn tìm thấy bóng hình của mình nơi trang giấy, nhận được sự sẻ chia, đồng cảm sâu sắc. Do đó, chỉ những tác phẩm biết vang lên “tiếng hát vô biên”, bày tỏ niềm thương cảm với nỗi thống khổ của nhân loại mới có thể khiến cho người gần người hơn, chiếm lấy vị trí đặc biệt trong lòng độc giả và sống mãi, thoát khỏi quy luật đào thải khắc nghiệt của văn chương, thời gian.

Điều gì khiến cho các tác phẩm văn học mà cụ thể là tác phẩm “ Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao sống mãi, khẳng định được dấu ấn trên địa hạt văn chương, nếu đó không phải là sự khám phá vẻ đẹp trong “những dòng nước mắt”. Phải chăng, chỉ có cái đẹp mới làm nên sức sống bất diệt trong lòng người là “khoảnh khắc vĩnh cửu” của văn chương? Qua chi tiết “giọt nước mắt” của Chí Phèo trong bi kịch cự tuyệt quyền làm người, nhà văn Nam Cao đã kiến tạo nên vẻ đẹp cho “những dòng nước mắt”, cho “lời ca tuyệt vọng”.

Xuyên suốt tác phẩm, ta chỉ bắt gặp duy nhất “giọt nước mắt” của Chí Phèo khi hắn bị Thị Nở cự tuyệt, bi kịch tình yêu tan vỡ. Khi nghe những lời Thị nói từ người bà cô của mình, “hắn bỗng nhiên ngẩn người”. Bởi Chí Phèo nhận ra rằng trong lời nói cay đắng ấy tồn tại một sự thật không thể chối bỏ: đôi bàn tay hắn đã nhuốm đầy máu, đã làm nên bao điều tội lỗi. “Bát cháo hành” – tình yêu của Thị Nở là cầu nối giúp Chí trở về với nhân tính, với cuộc đời. Nhưng giờ đây tất cả chỉ còn là hư ảnh, “hắn lại như hít thấy hơi cháo hành”. Hơi cháo hành ùa về trong tâm thức Chí như một niềm vương vấn, hắn như đang cố níu giữ “sợi dây” đã gắn kết Chí Phèo ở lại với cõi người. Trước đây, hơi cháo hành bước vào cuộc sống của Chí khiến hắn lần đầu tiên nhận được sự quan tâm, tựa ánh sáng dẫn lối cho Chí Phèo thoát khỏi kiếp thú. Nhưng ngay lúc này, hơi cháo hành tan biến để lại một mình Chí Phèo bơ vơ trên chuyến hành trình trở lại làm người. Trong cơn đau ấy, Chí tìm đến rượu, hắn muốn uống cho thật say, muốn mượn cơn say để không phải đối mặt với sự thật rằng: Thị Nở, tình yêu của hắn, niềm hy vọng muốn hòa vào cái xã hội kia của hắn, nay đã tan thành mây khói. Nhưng càng cố trốn tránh hiện thực, nỗi đau lại càng ám ảnh, bám lấy Chí dai dẳng hơn đến mức “Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hương cháo hành”. Nếu Chí Phèo từ đầu tác phẩm được miêu tả là một kẻ luôn ở trong trạng thái say thì Chí Phèo trong khoảnh khắc bị nỗi đau bủa vây, càng uống lại càng thêm tỉnh. Ngỡ rằng sẽ say nhưng Chí Phèo lại nhận thức rất rõ: hắn không thể mượn cơn say để tiếp tục trở về với kiếp thú được nữa.

Ôi Chí Phèo, một kẻ đáng thương, có lẽ hắn đã không còn là “Con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, nhưng mãi mãi kẻ tội nghiệp ấy cũng không thể trở thành một “con người” của làng Vũ Đại. Chính trong nỗi chơi vơi, nỗi đau vì bị cự tuyệt làm người, nhà văn Nam Cao đã làm nên giá trị nhân văn của tác phẩm qua hình ảnh “giọt nước mắt” của Chí Phèo. Một kẻ trước đây luôn mượu rượu để quên đi nỗi đau thì nay lại rơi giọt nước mắt đối diện với bi kịch. “Hắn ôm mặt khóc rưng rức”, một kẻ bấy lâu luôn sống trong hình thái của một con quỷ dữ đã bật khóc, khóc như một con người. Giọt nước mắt ấy thật đẹp, thật đáng quý, nó khiến ta phải tự hỏi: liệu Chí Phèo là một con quỷ hay là một con người? Nhưng giọt nước mắt mang vẻ đẹp nhân tính kia sao có thể là của một con quỷ? Không, một con quỷ thì chỉ biết làm điều xấu xa, còn Chí Phèo không phải quỷ, hắn là người, một con người chân chính. Bởi chỉ có con người mới biết khóc, biết đau đớn khi nhận ra bi kịch của chính mình. Giọt nước mắt là câu trả lời cho tất cả, là biểu hiện rõ nhất của tính người trong Chí Phèo. Hắn ôm mặt khóc vì bất lực, vì cảm thấy tuyệt vọng và bế tắc. Chí khóc thương cho cái thân phận của bản thân, bởi không thể tìm thấy ai lắng nghe nỗi lòng của hắn. Làm gì có ai mở rộng vòng tay đón lấy hắn, đến cả Thị Nở cũng chối bỏ hắn. Bi kịch của cuộc đời Chí Phèo là ngay khi nhân tính vừa trở về thì cánh cửa của xã hội cũng đóng sập lại. Giọt nước mắt chính là giây phút tỉnh táo nhất của Chí Phèo trong tác phẩm, là khoảnh khắc tính người cũng như ý thức sâu sắc về bản thân được bộc lộ rõ rệt nhất. Nhà văn Nam Cao đã rất tinh tế khi kiến tạo vẻ đẹp cho giọt nước mắt của Chí Phèo trước hết là vẻ đẹp của cái nghịch dị. Nam Cao không chú trọng tìm kiếm cái đẹp theo quy lối khuôn vàng thước ngọc mà lấy lòng nhân đạo của mình làm chuẩn trong sự lựa chọn cái đẹp. Nếu hình tượng mà Nam Cao xây dựng không phải là Chí Phèo – một thằng lưu manh chỉ biết rạch mặt ăn vạ thì liệu vẻ đẹp của nhân tính, của dòng nước mắt kia có được tôn lên gần như tuyệt đối đến vậy? Nhưng quan trọng hơn, giọt nước mắt của Chí Phèo là biểu tượng cho vẻ đẹp của nhân tính. Có ai ngờ được rằng sâu trong trái tim của con quỷ dữ kia lại là một con người vô cùng lương thiện, là một Chí Phèo cũng biết khóc khi cảm thấy đau đớn, biết ước mơ về “một gia đình nho nhỏ “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Đó cũng chính là vẻ đẹp nơi tâm hồn của Chí, vẻ đẹp hoàn toàn khác xa với cái dáng vẻ lưu manh thường thấy của hắn. Tóm lại, bằng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, nhà văn Nam Cao đã khắc họa thành công “giọt nước mắt” – vẻ đẹp nhân tính trong con người Chí Phèo làm sáng rõ nhận định của Đặng Tiến: “Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt”.

Qua chi tiết “giọt nước mắt”, bi kịch bị tước đoạt quyền làm người của Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã khái quát được những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội thời đại của mình. Đó là mâu thuẫn giữa tầng lớp địa chủ và người nông dân trong xã hội phong kiến. Từ ấy giúp ta nhận ra: chính những tên địa chủ độc ác, tàn bạo như Bá Kiến là nguyên nhân trực tiếp gây nên bi kịch cho cuộc đời Chí Phèo – những người nông dân hiền lành, chất phác. Do đó, chừng nào vẫn còn những kẻ như Bá Kiến thì sẽ có chừng ấy thằng Chí Phèo phải chết đi để bảo vệ nhân tính. Đồng thời, từ bi kịch, nỗi đau riêng của cuộc đời Chí Phèo “giọt nước mắt” đã hóa thành tiếng hát vô biên lan tỏa và làm rung động trái tim khiến con người ta không ngừng trăn trở. Trước hết, tiếng hát ấy là lời ca êm ái giúp xoa dịu thương đau nơi tâm hồn những người nông dân giống như Chí Phèo, những con người rơi vào bi kịch tha hóa, bi kịch đánh mất đi bản thân mình. Tiếng hát ấy còn đặt ra câu hỏi cho nhân loại trong muôn thời đại: làm thế nào để không còn những con người phải sống, chịu đựng bi kịch như Chí Phèo và nếu vẫn còn tồn tại những kẻ như thế liệu sẽ có bao nhiêu vòng tay đón họ hòa nhập lại với xã hội, sẽ có bao nhiêu bát cháo hành của Thị Nở đưa con người ta trở về với ngưỡng cửa của sự sống? Tiếng hát ấy tha thiết cất lên là để con người nhận thức được bi kịch của con người, giúp ta thay đổi cách nhìn về những con người như Chí Phéo đang tồn tại xung quanh mình. Thấu hiểu sâu sắc nỗi đau và nguyên nhân gây ra nỗi đau, “tiếng hát vô biên” vang lên như một sự thúc giục con người cần phải thay đổi, cần chung tay xây dựng nên một thế giới lý tưởng hơn, nơi những tên Bá Kiến phải bị vạch trần, lên án và những con người lương thiện như Chí Phèo cần được bảo vệ, được mở đường để trở về với tính người. Khi ấy, lời ca tuyệt vọng sẽ trở thành lời ca đẹp nhất, có sức mạnh diệt trừ cái ác và mang ánh sáng vào trái tim con người.

Song, nhận định của Đặng Tiến đã để lại những bài học cho quá trình sáng tác và tiếp nhận tác phẩm. Nhà văn cần là người biết sáng tạo cái đẹp, phát hiện ra vẻ đẹp trong nỗi thống khổ của con người và lấy đó làm chất liệu cho sáng tác của mình. Bởi nhu cầu của bạn đọc khi đến với văn chương nghệ thuật là nhu cầu thưởng thức cái đẹp. Nhà văn cần đi sâu vào nỗi đau của nhân loại, cần “rung động tận đáy tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ” (Đặng Thái Mai). Chỉ khi cõi lòng nhà văn hòa vào cõi lòng chung của nhân loại, tác phẩm của anh mới tạo nên sức đồng cảm quảng đại, mới trở thành “Thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới xấu xa, giả dối, vừa làm tâm hồn người đọc trở nên trong sạch hơn, phong phú hơn” (Thạch Lam). Đồng thời, tác phẩm văn học phải là một chỉnh thể thống nhất giữa nội dung và hình thức “nội dung phải là nội dung của hình thức, hình thức phải là hình thức của nội dung”. Bất kỳ một nội dung nào cũng cần có một hình thức phù hợp nhất định để bộc lộ rõ ràng, đầy đủ bản chất. Vì vậy, người nghệ sĩ không chỉ chú trọng về mặt nội dung mà còn phải chú trọng về mặt hình thức, phải biết hài hòa cả hai lại để tạo ra những tác phẩm để đời có giá trị. Bên cạnh đó, quá trình tiếp nhận đòi hỏi bạn đọc phải thật sự nghiêm túc, cần rộng mở tâm hồn mình để lĩnh hội trọn vẹn những thông điệp của nhà văn, nhất là thông điệp về “vẻ đẹp của dòng nước mắt”. Bạn đọc cũng cần hòa mình vào trong những buồn vui của nhân vật để có thể cảm nhận sâu sắc những giá trị thẩm mỹ mà nhà văn đã kiến tạo một cách công phu. Quan trọng hơn, khi sống cùng với các nhân vật trong tác phẩm, ta cũng sẽ nhận ra chính bản thân mình trên trang giấy của các nhà văn.

Tóm lại, quan niệm về nghệ thuật của Đặng Tiến là một quan niệm hoàn toàn đúng đắn, đã được làm sáng tỏ qua tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. “Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên” âu cũng chính là sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của văn chương nghệ thuật, giúp cải tạo hiện thực cuộc sống và con người trở nên tốt đẹp hơn.

NGUYỄN NGUYÊN THU HÀ
HỌC SINH LỚP 11 CV TRƯỜNG THTH ĐHSP


#camnhanvanchuong_blogchuyenvan
#baiviethocsinh_blogchuyenvan

إرسال تعليق