Search Suggest

[BÀI VIẾT] SUY NGHĨ VỀ LỜI ĐÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI KHÁC

 



🌿Suy nghĩ về lời đánh giá của người
khác



Đề: Trong cuốn
sách tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi biết những gì?, tác giả Lâm Tĩnh và Vương
Khải Toàn đưa ra lời khuyên: "Lấy đánh giá của người khác làm tấm gương để
soi mình là phương pháp tốt nhất để hoàn thiện chính mình".



Còn trong tác phẩm
Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu, tác giả Rando Kim cho rằng: "Lối sống
bị ràng buộc bởi cái nhìn của người khác là lối sống nô lệ cho ánh mắt người đời".



Anh chị đồng tình
với quan điểm nào trong hai quan điểm trên? Hãy viết bài văn trình bày câu trả
lời của anh/chị





BÀI
LÀM





Từ khi sinh ra, chúng ta
đã cộng sinh  với rất nhiều cuộc đời
khác, dù ít hay nhiều những người xung quanh luôn ảnh hưởng đến ta. Nhưng có
bao giờ bạn đứng giữa ngã rẽ, mắc kẹt với những ý kiến, những đánh giá từ người
khác ? Trong cuốn sách “Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi biết những gì?” tác giả
Lâm Tĩnh và Vương Khải đã nhận định “Lấy đánh giá của người khác làm tấm gương
để soi mình là phương pháp tốt nhất để hoàn thiện chính mình”. Nhưng Rando Kim
lại khác, ông cho rằng “Lối sống bị ràng buộc bởi cái nhìn của người khác là lối
sống nô lệ cho ánh mắt người đời”. Vậy đâu mới là hướng đi đúng đắn cho ta?



Cả hai nhận định trên đều
xuất phát từ “lấy đánh giá của người khác”, “cái nhìn của người khác” tức là yếu
tố khách quan, những nhận xét, góp ý từ những người xung quanh. Song, với nhận
định đầu tiên, yếu tố khách quan ấy lại được dùng làm “tấm gương soi mình” - đối
chiếu, thấy được những mặt tích cực, tiêu cực của mình để chủ động khắc phục
còn với ý kiến thứ hai lại được xem là “nô lệ cho ánh mắt người đời”- chỉ làm
theo người khác, không có ý kiến của bản thân mình, dựa dẫm vào cái nhìn của
người khác, con người trở nên thụ động trong chính cuộc sống của mình. Thoạt
nhìn hai ý kiến trên có vẻ trái chiều, tương phản nhưng thực chất lại bổ sung
cho nhau, đứng trước cái nhìn, đánh giá của người khác cần suy xét nhiều góc độ
để cân bằng, tiếp thu những điều cần thiết.



   Những đánh giá khách quan sẽ là tấm gương tốt
để chúng ta soi mình, bởi không ai là hoàn hảo. Chúng ta chỉ là một, nhưng vấn
đề trong cuộc sống lại là vô tận, không thể bao quát tất cả, chính vì thế mà
con người vẫn luôn tồn tại những khiếm khuyết, mặt hạn chế. Nhìn thấy cái tốt,
cái đẹp của mình thì đơn giản nhưng không dễ dàng để tự mình nhìn ra, thừa nhận
cái chưa tốt của mình, Trung Hoa có thành ngữ "Trung ngôn nghịch nhĩ"
tức có nghĩa nói thẳng trái tai, nhưng những lời có vẻ khó nghe sẽ giúp ta tỉnh
táo, không sống trong mộng tưởng, Ông Robin S. Sharma có nói một câu "đời
sống là một tấm gương, nó không cho mình cái mình muốn, mà nó cho cái là chính
mình" chỉ khi biết mình là ai, thực sự hiểu được ưu nhược của mình khi đó
ta mới thực sự làm chủ được cuộc sống, lẽ ấy mà Lâm Tĩnh và Vương Khải cho rằng
những đánh giá từ người xung quanh ta có vai trò như tấm gương, là phương pháp
tốt nhất phản ánh rõ nét bản thân mình để hoàn thiện. Trong xã hội ngày càng
phát triển, yêu cầu cũng dần trở nên khắt khe hơn, để nắm bắt được thị hiếu người
tiêu dùng, một doanh nghiệp lớn như Viettel đã tổ chức chương trình 5 năm liền
“Lắng nghe để phát triển” họ tiếp thu những phản hồi, đánh giá của khách hàng để
cải thiện chất lượng, đưa ra những sản phẩm tối ưu hơn, không để mình bị tuột lại
phía sau, mỗi lần tiếp thu một chút, cái nhìn của ta được mở rộng, sâu sắc hơn.
Bên cạnh đó, những đánh giá khách quan, đánh giá tốt cũng làm cho bản thân thêm
tự tin và có động lực, tiếp thêm sự hào hứng cho người khác để họ biết mình
đang đi đúng hướng và duy trì, tiếp tục hoàn thiện chính mình. Dễ nhìn thấy
trong thực tế học sinh có thể học chưa giỏi nhưng qua những nhận xét và khen ngợi
của thầy cô sẽ làm cho học sinh đó cảm giác được ghi nhận và quan tâm, góp phần
thúc đẩy học sinh thêm cố gắng và nỗ lực.



Song, ta chỉ có một cuộc
đời, nếu chỉ mãi nghe theo người khác sẽ vô cùng hoài phí. Sẽ ra sao khi mình
không còn là mình ? Chỉ là công cụ, ràng buộc bởi người khác ? Ấy là một kiếp sống
như Rando Kim nói "nô lệ cho ánh mắt người đời" đầy tăm tối. Ta thường
đắm chìm trong suy nghĩ cách làm hài lòng mọi người mà quên mất rằng ta cũng có
cuộc đời riêng phải sống, nghe những đánh giá từ mọi người nhưng cũng không có
nghĩa là hy sinh bản thân mình, cả những ý kiến, cá tính riêng của bản thân
cũng cần được lắng nghe, trong cuốn sách "999 lá thư gửi cho chính
mình" của Miêu Công Tử, bức thư thứ 670 có câu rằng "Vì sự phán xét của
người khác mà chúng ta mài mòn biết bao sự sắc sảo, gạt bỏ cá tính của bản
thân; thời gian càng lâu , chúng ta càng không rõ cuối cùng sinh mệnh này sống
cho bản thân hay diễn cho người khác xem" có những chuyện nằm trong khả
năng của bản thân vẫn nên tự mình suy xét, thực hiện, đừng bỏ qua chính kiến của
mình. Người khác không biết điều gì là tốt nhất cho bạn, chỉ có thể góp ý không
thể quyết định, chỉ có bạn mới được điều gì tốt cho mình để phát triển, hoàn
thiện bản thân, điều đó có nghĩa bạn phải học hỏi từ chính những quyết  định của mình, không thể một mai bạn nói rằng
"Tôi thành ra như vậy là lỗi của người đó" "Tôi không có trách
nhiệm gì trong việc này", điều đó chẳng chứng minh được gì ngoài việc
chính bạn đang không có trách nhiệm với cuộc sống của mình, bạn chỉ là "nô
lệ cho ánh mắt người đời" thuận theo đánh giá, ý kiến của người khác rồi
cũng chẳng hiểu được giá trị của bản thân. Những gì người khác cho là đúng, nhận
xét là đúng nhưng lại chưa chắc đúng với bản thân bạn, có lẽ nếu thuận theo ý
kiến và đánh giá của người khác thì hôm nay chúng ta đã chẳng có thầy Nguyễn Ngọc
Ký - một nhà giáo ưu tú của Việt Nam, vượt lên trên những ánh nhìn bàn tán,
không chấp nhận làm "nô lệ cho ánh mắt người đời" dù bị liệt hai tay
nhưng nhận ra đôi chân mình cũng có thể viết được, thầy đã không ngừng nỗ lực
vươn lên, hoàn thiện mình theo hướng rất riêng hay như hoa hậu H'Hen Niê tại cuộc
thi hoa hậu hoàn vũ quốc tế năm 2018 cô đã chia sẻ rằng, có thể cô đã kết hôn từ
14 tuổi nhưng không cô đã chọn giáo dục, vượt qua những tục lệ, vượt qua những
thành kiến của người khác, một người phụ nữ Ê đê đã khiến cho đất nước Việt Nam
tự hào, tỏa sáng ở đấu trường quốc tế, đừng giới hạn bản thân mình trong cái
nhìn của người khác vì ta còn có thể hơn thế. Cuộc sống không phải toán học,
không có định nghĩa chắc chắn, càng không phải bản vẽ mẫu buộc bạn phải noi
theo, đừng là "nô lệ cho ánh mắt người đời" bởi bạn chỉ sống một lần
!



Trong cuộc sống, cả nhận
định của Lâm Tĩnh, Vương Khải và nhận định của Rando Kim không tách rời mà bổ
sung, hỗ trợ cho nhau, cuộc sống sẽ không hoàn thiện khi thiếu một trong hai điều
ấy. Nếu ta mãi chỉ biết lấy đánh giá của người khác làm tấm gương soi mà không
biết tự đánh giá mình, dần dần ta sẽ dễ lệ thuộc vào người khác, không có đánh
giá của họ ta cũng không chủ động nhìn nhận bản thân mình. Hoặc nếu ta chỉ chăm
chăm vào cách sống của ta, tự xem nó là hoàn mĩ, chẳng cần ai góp ý, dần dần nó
sẽ tạo nên cú trượt dài, không nhìn thấy được bản thân mình còn gì hạn chế để
khắc phục. Chỉ khi biết hài hòa yếu tố khách quan và giá trị của bản thân, khi ấy
việc hoàn thiện mình sẽ không còn nhiều trở ngại.



Bước vào thế kỉ 21, một
thế kỉ thật lạ! khi mà người ta rất dễ buông lời áp đặt, buông những đánh giá,
suy nghĩ của mình vào người khác. Họ lợi dụng sự tự ti của đối phương "Tớ
nhận xét thật lòng nhé" "Tớ chỉ muốn tốt cho cậu thôi mà" và thế
là những lời rất tiêu cực được thốt ra dưới lốt là muốn góp ý giúp hoàn thiện bản
thân đối phương hơn. Hiện tượng "Body shaming" - miệt thị ngoại hình
đã khiến rất nhiều người bị tổn thương, không những không giúp được người khác
mà còn giam cầm họ trong suy nghĩ tiêu cực, trước khi đánh giá người khác cần
phải đặt bản thân vào vị trí của họ để đưa ra những góp ý hữu ích, khi ấy đánh
giá của bạn mới là “tấm gương”, “phương pháp tốt nhất để hoàn thiện”. Một số bạn
trẻ ngày nay sử dụng mạng xã hội và dần đắm chìm trong nó, một ngày bắt đầu bằng
kiểm tra lượt like, một ngày kết thúc bằng đọc những bình luận, những đánh giá
trong những bài viết, bức ảnh về mình, mọi sự vui buồn đều được quyết định bởi
lời khen chê ấy. Người trẻ ngày càng dựa dẫm vào cái nhìn của người khác, xem
những đánh giá từ những người không quen biết mà lại ngỡ đó là “tấm gương”, là
phương pháp tốt nhất để “hoàn thiện mình”. "Ta không được chọn nơi mình
sinh ra nhưng được lựa chọn cách mình sẽ sống"(Khuyết danh) nhận những
đánh giá không chọn lọc đã vô tình biến bạn thành “nô lệ” trong cái nhìn của
người khác, vô tình tước đi cái quyền lựa chọn cách sống của mình mà không hay
biết. Đừng sống cho người khác nhìn và đừng nhìn người khác mà sống.



Nhìn lại bản thân mình,
tôi khát khao một bản thân rực rỡ, khát khao là chính mình, có lẽ cuộc sống đơn
giản là không ngừng học hỏi, tiếp thu điều mới - những điều thực sự cần, những
đánh giá thực sự hữu ích để hoàn thiện bản thân, hoàn thiện ước mơ, chứ không
phải chạy theo con điểm và giá trị quan của người khác. Nhìn thấy hướng đi đúng
đắn, tôi sẽ soi chiếu mình hợp lý, sống cuộc đời thật hạnh phúc, toàn vẹn.



Lời nhận định của Lâm
Tĩnh, Vương Khải và Rando Kim đã mở ra những khía cạnh thực tiễn, đầy thú vị,
khiến chúng ta bừng tỉnh, nhìn lại cách sống của mình. Cần đan cài, chọn lọc những
đánh giá phù hợp để tiếp thu, biến mình trở nên tốt hơn, cũng không quên chính
kiến của mình, không tự giam cầm, biến mình thành “nô lệ cho ánh mắt người đời”.
Ngẫm lại, bạn đã thực sự cân bằng những đánh giá từ gười khác hay chưa?



🌿TRẦN THỊ TUYẾT VY



LỚP 11CV TRƯỜNG
THTH ĐHSP



NIÊN KHÓA 2020 -
2023



#baiviethocsinh_blogchuyenvan



#nghiluanxahoi_blogchuyenvan

إرسال تعليق