Search Suggest

Vận dụng lí thuyết tự sự học vào nghiên cứu hình thái thể loại tiểu thuyết


Hiện nay, tự sự học đã trở thành lĩnh vực nghiên cứu được quan tâm rộng khắp trên thế giới với những tên tuổi lớn: Shklovski, B.Tomashevski, Tz. Todorov, G. Genette, Chatman, G. Prince, Rimon-Kenan, H. Whiter…. Từ khi ra đời đến nay, tự sự học không ngừng đổi mới, phát triển, cung cấp những công cụ, phương pháp quan trọng để nghiên cứu văn học. Tự sự học phát triển qua hai thời kì (thời kì kinh điển và hậu kinh điển). Tự sự học kinh điển tập trung vào nghiên cứu cấu trúc của truyện và diễn ngôn tự sự, mối quan hệ giữa các sự kiện tạo nên truyện (tập trung vào sự kiện, nhân vật, cách kể, ngôi kể, giọng điệu, điểm nhìn, thời gian, không gian, tình huống, mô hình tự sự…). Tự sự học kinh điển đã cung cấp hệ thống khái niệm, phương pháp để không chỉ khai thác các giá trị của tác phẩm cụ thể mà còn đi sâu nhận thức hình thái kết cấu, quy luật vận động, sáng tác, phương thức biểu đạt và đặc trưng thẩm mĩ của thể loại tự sự. Thế nhưng, tự sự học kinh điển lại coi văn bản tác phẩm là một hệ thống tự thân khép kín, không có liên hệ với bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa. Tự sự học hậu kinh điển có thái độ mở và vận dụng nhiều phương pháp để nghiên cứu văn học, trong khi phân tích văn bản tác phẩm đã chú ý đến độc giả và tác động của hoàn cảnh lịch sử, tiếp thu một cách có ý thức phương pháp, góc độ phê bình, phân tích của những trường phái lí luận phê bình, của các nghệ thuật khác, mở rộng cách nhìn đối với tự sự học, ở một góc độ nhất định, nó đã khắc phục được hạn chế của bản thân.

Như vậy, tự sự học chứa đựng tiềm năng phong phú trong việc nghiên cứu văn học. Dương Tinh Ánh, nữ giáo sư văn học Đại học Sư phạm Trùng Khánh và Học viện Tân Văn đã vận dụng khá thành công lí thuyết tự sự học vào nghiên cứu thể loại tiểu thuyết qua công trình Hình thái thể loại tiểu thuyết Trung Quốc và phương Tây. Tác giả đã xuất phát từ phương thức tự sự và thể thức ngôn ngữ để tiến hành nghiên cứu thể loại tiểu thuyết. Đối với nghiên cứu phương thức tự sự, tác giả chủ yếu tiếp thu tự sự học kinh điển phương Tây (tiêu biểu là G.Genette), chú ý phương pháp lí luận thời gian tự sự, góc độ tự sự; khi nghiên cứu thể thức ngôn ngữ, tác giả chú ý đến phương pháp phân tích lời nhân vật và lời trần thuật. Khắc phục hạn chế của tự sự học kinh điển, tác giả đã vận dụng những gợi ý của tự sự học hậu kinh điển để nghiên cứu tiểu thuyết, chỉ ra mối liên hệ sâu sắc giữa văn bản và văn hóa lịch sử, phân tích hệ thống kí hiệu biểu đạt ý nghĩa như thế nào đồng thời làm rõ nội hàm văn hóa và hiệu quả thẩm mĩ do hệ thống kí hiệu đó biểu đạt. Vận dụng lí thuyết tự sự học, tác giả quan niệm rằng thể loại được cấu tạo bởi ba tầng: mô hình ngôn ngữ; phong cách thể loại và phong cách tác giả của tác phẩm văn học; phương thức tồn tại của văn hóa. Thể loại vừa là kết quả chế ước của văn hóa, vừa là kết quả của việc phát huy tài năng sáng tạo của nhà văn.
Trên cơ sở lí thuyết tự sự học, Dương Tinh Ánh đã khái quát bản chất của tiểu thuyết, chỉ ra hình thái đồng đại, hình thái bản thể, kết cấu tương đối cố định của nó. Từ vấn đề quan hệ giữa trần thuật và cốt truyện, không gian và thời gian có thể chỉ ra đặc trưng của tiểu thuyết. Đây cũng là một hướng nghiên cứu thể loại thú vị.
Đặc trưng hàng đầu của tiểu thuyết là sự thống nhất giữa nhân vật, cốt truyện và hoàn cảnh. Trong tiểu thuyết, không thể không có cốt truyện, cho dù hiện nay có xu hướng nhạt hóa cốt truyện thì cũng không đồng nghĩa với việc không cần, không có cốt truyện, vì tác phẩm vẫn tồn tại sự kiện, chỉ là không nhất thiết phải có mối quan hệ nhân quả mà thôi. Trong tiểu thuyết cũng không thể không có nhân vật. Xu hướng nhạt hóa tính cách hay không có tính cách cũng không đồng nhất với việc không miêu tả con người, mà chỉ là chuyển từ miêu tả bên ngoài sang miêu tả bên trong. Tự sự học kinh điển đã rất chú ý đến vấn đề cấu trúc của truyện, mối quan hệ giữa các sự kiện.
Trần thuật trở thành đặc trưng bản thể của tiểu thuyết, bao gồm phương thức biểu đạt thông tin và phương thức vận dụng ngôn ngữ. Nếu cốt truyện không phải là yếu tố riêng của tiểu thuyết thì trần thuật là một yếu tố đặc thù của nó. Trong kịch và các loại hình nghệ thuật tạo hình không có trần thuật. Chính trần thuật đã khiến những tác phẩm có cùng một cốt truyện có thể trở nên khác nhau và những đoạn trần thuật đậm chất trữ tình rất khó chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Từ góc độ hình thức mà nói, tiểu thuyết chính là lịch sử thiên biến vạn hóa của phương thức trần thuật. Văn bản tiểu thuyết là câu chuyện được kể hay chính bản thân hành vi kể sẽ thể hiện quá trình phát triển từ giản đơn đến phức tạp của phương thức trần thuật. Càng ngày, giới nghiên cứu càng quan tâm đến vấn đề trần thuật.
Trong tự sự học kinh điển, tiêu biểu là G.Genette, vấn đề thời gian trong tác phẩm rất được quan tâm. Ông đã đề cập đến: thời gian không trùng khít, thời gian trùng khít, thời gian trần thuật không tương ứng với thời gian sự kiện, trần thuật tỉnh lược hoặc bỏ qua thời gian sự kiện; trần thuật theo trật tự thời gian vật lí, trần thuật không theo trình tự thời gian, trần thuật đơn tính, trần thuật trùng phức, trần thuật tổng hợp… Xuất phát từ cơ sở lí luận đó, Dương Tinh Ánh khẳng định tiểu thuyết mang bản chất thời gian, nó lấy kí hiệu mang tính thời gian làm phương tiện (ngôn ngữ) và lấy văn bản thời gian làm nội hàm (cốt truyện). Sự miêu tả trong tiểu thuyết thực ra là sự miêu tả – trần thuật, không phải là trình hiện lên trên mặt phẳng hay hình khối mà là triển khai trong dòng thời gian.
Khi nghiên cứu bản chất của tiểu thuyết, tác giả cũng chú ý đến vấn đề không gian. Bản chất của hình thái không gian trong tiểu thuyết thực chất là sự xử lí thời gian, thông qua miêu tả sự bài trí nhằm khắc phục tính tuần tự của kí hiệu ngôn ngữ và quá trình sự kiện, tạo nên không gian ba chiều. Sự chuyển dịch liên tục của không gian cũng thể hiện tiến trình thời gian.
Hình thái cụ thể của tiểu thuyết nằm ở văn bản, thông qua phương thức trần thuật và thể thức ngôn ngữ của văn bản mà hiện ra. Kế thừa sâu sắc lí thuyết tự sự học, Dương Tinh Ánh đã lí giải văn bản tự sự xuất phát từ mô hình tự sự và phương pháp, biện pháp cụ thể kiến tạo mô hình đó. Tác giả đã khái quát trần thuật của tiểu thuyết xưa nay thành các mô hình chủ yếu: mô hình cốt truyện – tính cách, tâm lí – tinh thần, ẩn ý – tượng trưng, thi tình – ý cảnh. Mỗi mô hình trần thuật thực ra là do việc nghiêng sang dùng một loại thủ pháp, phương pháp cụ thể nào đó. Ngoài ra, tác giả cũng chú ý đến vấn đề góc độ trần thuật bao gồm điểm nhìn trần thuật và lời văn trần thuật.
Khi nghiên cứu thể loại tiểu thuyết, không thể không nghiên cứu ngôn ngữ. Kết cấu trần thuật, ý đồ trần thuật thể hiện ở câu, đoạn, chương, cho nên, khi phân tích kết cấu trần thuật của văn bản là phân tích lời văn trần thuật của tác phẩm, vì thế, trên bề mặt, kết cấu trần thuật tương ứng với kết cấu ngôn ngữ. Nghiên cứu thể loại cũng phải nghiên cứu đặc trưng ngữ âm, từ vựng, cú pháp, cách viết, phương tiện liên kết, chú ý đến lời nhân vật và lời trần thuật (lời dẫn trực tiếp, lời dẫn gián tiếp, lời dẫn trực tiếp tự do, lời dẫn gián tiếp tự do; các loại hình ngôn ngữ). Không những thế, tác giả còn chú ý đến sự thay đổi thẩm mĩ của ngôn ngữ trong văn bản tiểu thuyết, xem sự thay đổi này nảy sinh như thế nào, nghiên cứu cái gì thì sẽ thấy được điều đó. Tác giả đã xuất phát từ ngữ nghĩa, ngữ dụng, thủ pháp, ngữ pháp, ngữ cảnh và chỉ ra những kiểu thay đổi thẩm mĩ: phụ gia ý nghĩa, phá vỡ quy tắc ngữ pháp, vận dụng biện pháp tu từ, khai thác tính tự chỉ của kí hiệu ngôn ngữ…
Thể loại tiểu thuyết không chỉ có hình thái đồng đại mà còn có hình thái lịch đại. Dựa trên sự biến đổi của những đặc điểm bản thể, chúng ta có thể thấy được xu hướng vận động, phát triển của hình thái tiểu thuyết từ manh nha đến trưởng thành, sau đó ổn định tương đối rồi lại biến đổi đa dạng trong mối quan hệ với văn hóa xã hội. Vận dụng Tự sự học hậu kinh điển, tác giả đã làm cho hình thái thể loại tiểu thuyết hiện lên một cách toàn diện. Dương Tinh Ánh đã căn cứ vào sự vận động biến đổi của phương thức trần thuật để chỉ ra sự vận động của hình thái thể loại tiểu thuyết. Chẳng hạn, ở phương Tây từ trung thế kỉ đến thế kỉ 18, tiểu thuyết chuyển từ chú trọng cốt truyện sang khắc họa nhân vật, miêu tả tình tiết, hoàn cảnh. Đến thế kỉ 19, với Đôtxtôiepxki, không gian trần thuật được khai phá, người trần thuật biết hết vị phá vỡ, sử dụng điểm nhìn đa chiều, chuyển từ miêu tả bên ngoài sang miêu tả bên trong nhân vật… Vấn đề không gian trong tiểu thuyết đã được quan tâm từ xưa nhưng phải đến chủ nghĩa hậu hiện đại mới xuất hiện vấn đề không gian hóa trần thuật, xáo trộn, xen kẽ các loại không gian (chuyển từ miêu tả tuần tự sang lắp ghép, phiến đoạn) nhằm thể hiện sự phức tạp đa chiều của cuộc sống và biểu hiện chỉnh thể thống nhất. Mặc dù có nét tương đồng, nhưng do nảy sinh trong những điều kiện lịch sử, văn hóa xã hội khác nhau, nên hình thái lịch đại của tiểu thuyết Trung Quốc và phương Tây vẫn có những nét khác biệt, khác biệt không chỉ ở cội nguồn lịch sử thể loại tiểu thuyết mà còn cả trong quá trình hình thành, kiến tạo thể loại.
Như vậy, công trình Hình thái thể loại tiểu thuyết Trung Quốc và phương Tây của Dương Tinh Ánh đã cho thấy một kinh nghiệm trong việc vận dụng lí thuyết tự sự học vào nghiên cứu thể loại tiểu thuyết. Tự sự học là một chuyên ngành nghiên cứu văn học đang không ngừng vận động, mở rộng phát triển, vì thế, khi vận dụng, phải sàng lọc, kết hợp những ưu điểm của nó trong suốt quá trình lịch sử thì mới có thể có thành tựu. Trong công trình này, tác giả đã ứng dụng lí thuyết về mô hình tự sự để khái quát mô hình trần thuật của tiểu thuyết một cách khá thuyết phục, đồng thời, theo tác giả, sự vận động, phát triển của các mô hình tự sự là một cơ sở quan trọng chỉ ra sự vận động phát triển của tiểu thuyết, cơ sở chỉ ra hình thái lịch đại của nó.
Khi chúng ta cầm một văn bản tiểu thuyết trên tay, nếu như chúng ta chỉ dựa vào trực cảm thẩm mĩ của mình thì chúng ta thoải mái ngao du trong thế giới hình tượng, nhưng nếu như chúng ta bình luận những ưu nhược của nó thì tất yếu phải phân tích nội hàm thẩm mĩ, đồng thời phải phân tích hình thái thể loại. Hình thái cụ thể của văn bản tiểu thuyết thể hiện ở văn bản, thông qua phương thức tự sự và thể thức ngôn ngữ mà hiện ra. Phân tích cách trần thuật của văn bản tiểu thuyết, có thể xuất phát từ mô hình tự sự và thủ pháp cụ thể của việc kiến tạo mô hình, mô hình chủ yếu của trần thuật trong tiểu thuyết gồm: mô hình cốt truyện – tính cách, mô hình tâm lí – tinh thần, mô hình cảm giác – ý tượng, mô hình ẩn – ý tượng trưng, mô hình thi tình – ý cảnh.(…)
           Mô hình cốt truyện – tính cách
Trong mô hình này, khuynh hướng tình cảm thẩm mĩ và hiện thực khách quan có sự tương ứng, lấy thế giới nghệ thuật hư cấu để biểu đạt thể nghiệm đối với thế giới hiện thực. Vì thế, bất kể là sự kiện hay là nhân vật đều dựa vào việc và người trong thế giới hiện thực khách quan, lấy quan hệ nhân quả của sự kiện và quan hệ nhân quả của hành động nhân vật để phản ánh tính quy luật của thế giới hiện thực. Do đó, cốt truyện của tiểu thuyết thể hiện quan hệ nhân quả của sự kiện và lịch sử tính cánh nhân vật (vì hành động nhân vật quyết định tính cách nhân vật). Mô hình này nghiêng sang khắc họa sự li kì gấp khúc của cốt truyện và tính cách nhân vật. Tác phẩm tự sự xa xưa chú trọng biểu hiện tính truyền kì của cốt truyện. Trần thuật của tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết tình cảm, tiểu thuyết võ hiệp đều dựa vào tình tiết li kì hấp dẫn chứ không tập trung vào việc khắc họa tâm lí nhân vật để từ đó phản ánh tính chất, quy luật của cuộc sống, thức dậy sự phản tỉnh trong lòng người đọc. Trong tác phẩm thuộc những loại hình này, cốt truyện trở thành hạt nhân, thành mục đích của sáng tác, nhân vật chỉ là hoặc chủ yếu là công cụ trang sức, dẫn dắt tình tiết của truyện, mục đích thẩm mĩ của tác phẩm là thông qua sự sắp xếp tình tiết lúc căng lúc chùng, biến hóa phong phú làm thỏa mãn tâm lí hiếu kì đối với sự kiện li kì hấp dẫn. Tình tiết càng li kì, càng mang lại hứng thú thẩm mĩ, loại mĩ cảm này chuyển hóa thành tâm thế vui vẻ, thanh thản, thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi vui vẻ của độc giả, đúng như Kim Thánh Thán đã từng nói: “không nguy hiểm thì không vui, càng nguy hiểm càng vui”.  Cho nên, nhân vật của loại tác phẩm này thường được mô hình hóa, bối cảnh xã hội cũng thường được làm mờ đi yếu tố thực. Thế nhưng, trong tiểu thuyết Trung Quốc từ thế kỉ 17, phương Tây từ thế kỉ 18 trở về sau, việc khắc họa tính cách nhân vật trở thành hạt nhân, thành tiêu chí đánh giá sự phát triển của tiểu thuyết, đã thay thế tính li kì của bản thân sự kiện. Đây là loại mô hình rất điển hình trong tiểu thuyết của chủ nghĩa hiện thực, sự kiến tạo của nó được dựa trên 3 nhân tố cốt truyện, tính cách, hoàn cảnh, xu hướng thẩm mĩ của nó trải qua quá trình chuyển hóa từ cốt truyện, nhân vật, hoàn cảnh đến cốt truyện, tính cách, hoàn cảnh điển hình. Phương thức tự sự của nó chuyển hóa từ trần thuật đơn nhất từ ngôi thứ 3 biết hết sang trần thuật nhiều điểm nhìn hoặc sự đan xen của các loại điểm nhìn: trần thuật từ ngôi thứ nhất, từ ngôi thứ 3 không biết hết, ngôi thứ 3 biết hết, chuyển hóa từ trần thuật theo trật tự thời gian sang trần thuật theo nhiều loại thời gian: trần thuật đảo lộn trật tự thời gian, trần thuật tuần tự…
Điều mà mô hình tự sự này chú trọng và phản ánh là sự quy định của quy luật khách quan của sự phát triển xã hội đới với sự kiện và tính cách, thường giảm bớt sự khám phá thế giới nội tâm nhân vật, đặc biệt là tiềm thức; lược bỏ những nhân tố ngẫu nhiên, và chính vì thế mà làm mất đi sự sinh động của bản thân cuộc sống. Những tác phẩm thuộc mô hình này thường chú trọng sự phát triển tuyến tính trong việc phản ánh hiện thực, trong khi đó bản thân cuộc sống là một hình lập thể, vô cùng phong phú, phức tạp. Trong cuộc sống, có khi có những nhân tố ngẫu nhiên có thể cải biến quá trình sự kiện hoặc vận mệnh con người, có khi có rất nhiều yếu tố mơ hồ hỗn độn, rất khó nói ra một cách rõ ràng, đúng sai rất khó phán đoán. Mô hình cốt truyện – tính cách đã khuôn đúc hóa cuộc sống, làm cho nó trở nên tĩnh, làm mất đi tính nhiều mặt của cuộc sống. Đặc biệt là tiểu thuyết bạch thoại cổ điển Trung Quốc, do xuất phát từ nghệ thuật thuyết sách, nên càng chú trọng tuyến tính, chú trọng khắc họa cốt truyện và nhân vật, hoàn cảnh bị lược đi rất nhiều. Nhưng cùng với sự đa dạng hóa quan niệm về giá trị, cách nhìn về cuộc sống, ảnh hưởng của triết học phi lí hiện đại, của quan niệm văn học hiện đại, sự thay đổi quan niệm trần thuật của tiểu thuyết mà mô hình tự sự mới cũng xuất hiện. Do đó, mô hình cốt truyện – tính cách cũng có sự thay đổi nhất định.
          Mô hình tâm lí – tinh thần
Đại biểu mở đầu và điển hình của mô hình này là tiểu thuyết dòng ý thức ở phương Tây hiện đại. Dưới sự chỉ đường của triết học, tâm lí học hiện đại phương Tây, đặc biệt là  William James 1842—1910, nhà triết học, tâm lí học người Mĩ đã đề xuất hoạt động ý thức là một “dòng ý thức”, phi lí tính, phi logic; Freud với phát hiện về tiềm thức, vô thức… Vì thế, trong trần thuật thường lấy sự thâm nhập vào huyễn tưởng, ảo giác, liên tưởng, giấc mơ, hồi ức… để biểu đạt dòng ý thức và vô thức hỗn loạn… Tiểu thuyết dòng ý thức phương Tây thường biểu hiện sự xung đột giữa tiềm thức và bản năng con người, những điều đó được biểu hiện trên hoạt động tâm lí ở bình diện ý thức và vô cùng phức tạp, suy nghĩ không rõ ràng… tất cả làm hiện lên thế giới tâm lí phức tạp của nhân vật, khiến cho hình tượng nhân vật chuyển từ hoàn toàn dựa vào quan hệ nhân quả khách quan bên ngoài sang xây dựng dựa trên sự vận động của dòng ý thức trong thế giới nội tâm, tiêu biểu là tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất của M.Prust. Liên quan đến phương thức kết cấu này là sự thay đổi ngôn ngữ trần thuật. chuyển từ ngôn ngữ trần thuật tầng bậc bằng phẳng sang ngôn ngữ trần thuật có tính nhảy vọt, nhấn mạnh sắc thái cảm xúc, tinh thần, tiết tấu tình cảm, thậm chí là ngôn ngữ tản mạn phi logic để biểu đạt sự hỗn độn, nhảy cóc của dòng ý thức.
           Mô hình cảm giác – tượng trưng
Lấy tượng trưng để biểu hiện cảm giác trực quan đối với sự vật, chú trọng hoàn cảnh, giản lược tình tiết cốt truyện là đặc trưng văn bản của tiểu thuyết chủ nghĩa cảm giác mới Nhật Bản. Tuy tác phẩm vẫn có khung tình tiết nhưng nhà văn chú trọng khắc họa không phải là mối quan hệ nhân quả của sự kiện, mà là cảm giác trực quan. Chiến tranh thế giới thứ nhất, cơn địa chấn Quan Đông và thắng lợi của cách mạng tháng 10 Nga đã đẩy xã hội Nhật Bản vào xung đột kịch liệt, điều đó tạo ra cảm giác bất an cho con người, tạo nên tâm lí tiêu cực, tuyệt vọng, từ đó mà theo đuổi hưởng thụ kích thích giác quan, theo đuổi những thứ phi hiện thực trong cuộc sống hàng ngày. Điều này phản ánh vào văn học tạo thành xu hướng hoài nghi, đi ngược lại truyền thống cũ. Trào lưu văn nghệ hiện đại chủ nghĩa Âu Mĩ lan cung cấp phương pháp luận cho các nhà văn Nhật Bản. Nét mới trong nghệ thuật của phái Cảm giác mới thể hiện ở: nắm bắt biểu tượng sự vật một cách trực quan, vận dụng phương thức biểu đạt cảm tính, vận dụng từ ngữ tân kì hoa mĩ, khắc họa sự tinh tế, phức tạp của tâm lí, biểu hiện cảm giác của con người trong khoảnh khắc thời gian. Trường phái cảm giác mới vận dụng thủ pháp tượng trưng và ám thị, thông qua cảm giác để biểu thị quan hệ giữa người với người và biểu hiện giá trị cuộc sống. Họ vô cùng coi trọng miêu tả cảm giác chủ quan. Trong sáng tác của họ, cảm giác mới là nhân vật chính, biểu đạt sự tạo thành ý tượng cảm giác mới là mục tiêu của văn bản, trần thuật văn bản thực chất là dựa vào cảm giác – ý tượng để kiến tạo, lược bớt trần thuật tình tiết.
              Mô hình ẩn ý – tượng trưng
Tượng trưng là lấy hình tượng cụ thể riêng biệt để biểu hiện hoặc ám thị một quan niệm, triết lí, tình cảm. Trong lĩnh vực tiểu thuyết, hình tượng riêng biệt hoặc hệ thống hình tượng trong văn bản một bộ tiểu thuyết có thể là tượng trưng cho một quan niệm, một triết lí. Ví dụ như tác phẩm Bảo thành của F.Kafka, Bảo Thành không bao giờ tới được tượng trưng cho ranh giới tồn tại của con người. Cũng có thể lấy ý tượng đặc thù để tổ chức hệ thống hình tượng tiểu thuyết, nhưng bản thân ý tượng cũng là tượng trưng cho ý niệm, triết lí hoặc tình cảm. Ví dụ như Cao lương đỏ của Mạc Ngôn, cao lương đỏ là tượng trưng cho sinh mệnh dũng mãnh, đầy sức sống của những bậc tiền bối. Tượng trưng trở thành trung tâm của hệ thống hình tượng, sự kiện, thành sợi dây tổ chức sự kiện, hình tượng, tượng trưng có ẩn ý phong phú. Mô hình trần thuật này cũng lại phân thành “tượng trưng chỉnh thể”, tượng trưng ý tượng”, tượng trưng tinh thần”.
Tượng trưng chỉnh thể chỉ tác phẩm trở thành một quan niệm lớn, bao trùm một triết lí, sự miêu tả nhân vật, sự kiện của nó bị quy định, dẫn dắt bởi quan niệm, triết lí đó. Ví dụ tác phẩm Bảo thành, Thẩm phán của F.Kafka, sự kiện của tác phẩm tập trung để tạo nên một tượng trưng thống nhất, không nhất định phải có sự tương ứng với hiện thực cuộc sống, mà thường có ẩn ý siêu thời gian, siêu không gian. Còn có một kiểu tượng trưng chỉnh thể khác, ẩn ý của nó có được do hệ thống hình tượng biểu hiện ra, ví dụ như Vi thành của Tiền Trung Thư, Hồ điệp của Vương Mông…Sự gặp gỡ của những con người trong Vi thành tượng trưng cho trạng thái tù túng, phức tạp của cuộc sống và hôn nhân. Tượng trưng của Hồ điệp là câu chuyện Trang Chu nằm mơ thấy mình hóa bướm, không biết Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu.
Tượng trưng ý tượng, tác phẩm có một ý tượng xuyên suốt làm tượng trưng, ý tượng này thấm vào hệ thống hình tượng của tác phẩm, dẫn dắt tổ chức kết cấu nhân vật, sự kiện, ví dụ như Cao lương đỏ của Mạc Ngôn, Bức tường của Vương An Ức. Trong Bức tường, bức tường đã phân khu dân cư thành 2 thế giới, những người sống ở trung khu 501 bên trái bức tường là những giáo sư, bác sĩ, nhà tư bản, nhạc sĩ, diễn viên, trong khu đó thường tràn ngậm hương thơm và đủ loại âm nhạc. Những người sống ở khu 499, bên phải bức tường là những công nhân, thợ cắt tóc, người hát rong, cán bộ khu dân cư, trẻ con thường chạy lung tung, người lớn thường cãi nhau. Bức tường trở thành tượng trưng cho sự ngăn cách giữa hai thế giới. Bức tường chỉ dẫn cho trần thuật, đem ghép cảnh sống ở hai bên bức tường lại tạo nên thế đối sách gay gắt, kịch liệt…
Tượng trưng tinh thần, ý tượng mang tính tượng trưng trong tiểu thuyết không phải hướng tới hàm nghĩa triết lí hay quan niệm mà nằm ở khơi gợi, thức dậy tình cảm, hoặc ý tưởng nào đó. Ví dụ tương đối điển hình là Chiếc diều giấy của Vương Mông. Trần thuật của văn bản này giống như tản ra để nhìn thấu, những phiến đoạn về cuộc sống, công việc, bạn trai của Phạm Tố Tố được tổ chức lại một cách rời rạc, diều giấy là tượng trưng cho tuổi ấu thơ và sức sống thanh xuân thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện liên tục trong thế giới nội tâm nhân vật, cuối cùng khiến Phạm Tố Tố thoát ra ra khỏi sự mệt mỏi chán chường, thức dậy tinh thần phấn đấu vươn lên.
         Thi tình – ý cảnh
Còn có một loại tiểu thuyết được tản văn hóa, giàu chất thơ, thậm chí là có ý cảnh. Sở dĩ gọi là tản văn hóa là vì tác phẩm không có tình tiết hoàn chỉnh hoặc là không lấy việc thể hiện quan hệ nhân quả của sự kiện làm mục đích, mà là hướng tới việc miêu tả nhân tình thế thái và phong tục tập quán một cách đầy chất thơ, đầy ngụ ý, thậm chí còn tạo ra ý cảnh mênh mang, sâu thẳm vượt lên trên sự vật bên ngoài. Điều mà loại tác phẩm này kế thừa là truyền thống văn hóa cổ đại Trung Quốc: cách viết đầy hàm ý của thơ ca, tiểu phẩm văn xuôi, tiểu thuyết ghi chép…Cách viết phóng khoáng tùy theo ý tứ, cảm xúc như nước chảy mây bay, vì thế mà sự tinh tế, giản lược là đặc điểm nổi bật trong trần thuật của loại tiểu thuyết này, ví dụ như Biên thành của Thẩm Tùng Văn…
Loại tiểu thuyết này tuy cũng có một khung trần thuật sơ lược được tạo nên từ sự kết hợp giữa phiến đoạn sự kiện và phác họa về nhân vật, nhưng trọng điểm không phải là tổ chức tình tiết và xây dựng hình tượng nhân vật, chỉ là mượn phiến đoạn sự kiện và phác họa về nhân vật để vẽ ra bức tranh phong tục vì thế mà miêu tả hoàn cảnh trở thành mục đích và trọng điểm, hơn nữa, những hoàn cảnh này thường đậm chất thơ.
Điều mà loại tiểu thuyết này tập trung vào là mở rộng đến cực độ tính thơ của ngôn ngữ văn học, nhà văn viết tiểu thuyết giống như viết tản văn, viết thơ, vẻ đẹp hình thức ngôn ngữ được bộc lộ đến tận độ. Ngôn ngữ được trau chuốt tinh tế mà đậm chất thơ đã tạo nên tình điệu, không khí, thế giới riêng cho tác phẩm.
Sự phân chia mô hình tự sự trên chỉ là tương đối. Các phương pháp trần thuật của các mô hình thường giao nhau, việc chia ra thành các mô hình tự sự như vậy chỉ là dựa trên phương diện chủ đạo mà nói, chứ không phải là tuyệt đối, ví dụ như mô hình Cảm giác – ý tượng và mô hình ẩn ý – tượng trưng thường đều cần cách miêu tả ý tượng, chỉ là một bên nghiêng sang lấy cảm giác, một bên nghiêng sang lấy tượng trưng để tổ chức trần thuật… Có thể nói, mô hình tự sự của tiểu thuyết là hình thái nghệ thuật luôn vận động, phát triển, không khép kín.
Đỗ Văn Hiểu
(Bài viết đã in trong Tự sự học tập 2, Nxb Nxb Đại học Sư phạm, 2008)
Tài liệu tham khảo
  1. Dương Tinh Ánh: Hình thái thể loại tiểu thuyết Trung Quốc và phương Tây (Nxb KHXH Trung Quốc, 2005) (杨星映著:《中西小说文体形态》, 中国社会科学出版社, 2005)

إرسال تعليق