Search Suggest

TRÒ CHƠI: CUỘC ĐUA KÌ THÚ (dạy Tác gia Nguyễn Đình Chiểu)



LUẬT CHƠI

-Giáo viên chuẩn bị một đường đua (vẽ trên bảng, in trên giấy). Đường đua là các con số được đánh số bắt đầu từ 1.
-Giáo viên chuẩn bị hệ thống câu hỏi và lá thăm cho số câu hỏi.
-Lớp chia làm 4 đội chơi, mỗi đội chơi sẽ được trao cho một biểu tượng đại diện trên đường đua (giáo viên có thể sử dụng nam châm màu khác nhau).
-Học sinh đổ xúc xắc và bốc thăm câu hỏi:
++ Nếu trả lời đúng: Bước số bước = số trên xúc xắc
++ Nếu trả lời sai: Lùi số bước = số trên xúc xắc – 2 bước (nhỏ hơn hoặc bằng 0 thì đứng yên tại chỗ).
++ Đội nào về đích trước thì chiến thắng.
++ Trong trường hợp hết câu hỏi mà chưa đội nào về đích, đội tiến xa nhất sẽ là đội chiến thắng.

MỘT VÀI LƯU Ý

Đường đua nên thiết kế ở mức độ vừa phải tránh để học sinh nản. Khoảng 30 bước trở xuống là hợp lý.

Trò chơi nên diễn ra trong tối đa 45 phút.

Hệ thống câu hỏi tối đa khoảng 20 câu. Mức độ câu hỏi vừa phải: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân tích tổng hợp, so sánh. Đáp án câu hỏi nên ngắn gọn và chính xác.

NÂNG CẤP TRÒ CHƠI

Có thể tăng độ khó của trò chơi bằng cách tăng số lượng câu hỏi và độ khó câu hỏi. Nhưng thời gian trò chơi không được quá dài và độ khó phải trong tầm trả lời của học sinh.

Để tăng kịch tính, giáo viên có thể cài đặt các mệnh lệnh vào màn chơi. Ví dụ:

+Ở một số ô trên đường đua giáo viên cài “chướng ngại vật” (phải đứng yên 1 bước, phải lùi 3 bước…) hoặc “phần thưởng” (Tiến thêm…)
+Giáo viên có thể kết hợp với hình thức bốc thăm B-W-A-D (Xem trò B-W-A-D tại đây). Đổi từ đơn vị điểm sang đơn vị bước đi.

HÌNH ẢNH TIẾT HỌC


HỆ THỐNG CÂU HỎI



1.Trình bày 2 biến cố lớn trong cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu. Nêu ngắn gọn ảnh hưởng của những biến cố đó đến sự nghiệp sáng tác của ông.

2. Giải thích quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu qua 2 câu thơ sau:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

3. Quan niệm về “đạo” của Nguyễn Đình Chiểu có gì khác với Nho giáo? (Nêu ra 1 nét)

4. Qua 2 câu thơ sau, giải thích quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu về cái đẹp trong văn chương:

“Văn chương ai chẳng muốn nghe
Phun châu nhả ngọc báu khoe tinh thần”

5. Kể tên 5 nhân vật chính diện trong “Truyện Lục Vân Tiên”.

6. Thể loại của “Truyện Lục Vân Tiên” là gì? Thể loại đó ảnh hưởng thế nào đến việc tiếp nhận tác phẩm này ở Nam Bộ?
7. Tai sao nói: Nhân vật Lục Vân Tiên là bưc chân dung tự họa của Nguyễn Đình Chiểu?

8.  Cách xây dựng nhân vật LVT giống cách xây dựng nhân vật của thể loại nào trong văn học dân gian?

9. Qua “Truyện LVT”, NĐC quan niệm thế nào về một thế giới lý tưởng?

10. Qua hình tượng nv LVT trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, Nguyễn Đình Chiểu quan niệm thế nào về người anh hùng lý tưởng (nêu 2 ý).

11. Tại sao nói: Trong tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên”, nhân dân đã mượn khái niệm Nho giáo để diễn đạt quan niệm của mình về đạo lý? (Gợi ý: về chữ trung, về các mối quan hệ cha –con, chồng-vợ, tình yêu, về việc nghĩa, về cách ứng xử cùa nhà Nho…)

12. Kết cấu hệ thống nhân vật trong “Truyện Lục Vân Tiên” có gì đặc biệt so với những truyện thơ Nôm khác?

13. Trong “Ngư tiều y thuật vấn đáp”, Đồ Chiểu sáng tạo ra hình tượng tên vua bán nước Thạch Kính Đường để trút khinh miệt, căm hờn. Phải chăng đến thời kì này NĐC đã không còn theo quan niệm “trung quân ái quốc” của Nho giáo truyền thống?

14. Nêu 3 nội dung của chủ nghĩa yêu nước trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

15. Tại sao nói: đến Nguyễn Đình Chiểu thì thể văn tế đã bước từ địa hạt một thể văn dùng trong đời sống sang địa hạt văn chương?

16. Trình bày hiểu biết của anh/chị về thể văn tế (nêu 3 ý).

17. Trình bày ngắn gọn sự phát triển về tư tưởng nhân dân qua 3 tác phẩm: Nam quốc sơn hà – Bình Ngô Đại Cáo – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

18. Lần đầu tiên trong lịch sử Vh, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng nên bức tượng đài bi tráng về người nghĩa sĩ nông dân. Hãy chứng minh.

19. Tiếng khóc trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” có gì đặc biệt? (nêu 3 đặc điểm).

20. Trình bày hiểu biết của anh(chị) về quan niệm “Sống trọng nghĩa, chết đúng đắn” của người Việt Nam cuối thể kỉ XIX.

21. Quan niệm “sống trọng nghĩa, chết đúng đắn” ảnh hưởng thế nào đến hình tượng người nghĩa sĩ nông dân? (nêu 2 ý).

22. Trình bày ngắn gọn nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ sau:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay”.

23. Trình bày ngắn gọn “Lẽ ghét thương” của ông Quán trong “Truyện Lục Vân Tiên”. Qua “lẽ ghét thương” đó, nhà thơ NĐC gửi gắm tư tưởng gì?

24. Tại sao đến ngày nay, chúng ta vẫn cần học thơ văn Nguyễn Đình Chiểu?

25. Trình bày tâm sự của NĐC trong 2 câu thơ:

“Chừng nào thánh đế ân soi thấu
Một trận mưa rửa núi sông”
26. Điền từ vào chỗ trống:

“Trai thời_________ ___________ làm đầu
Gái thời __________ ___________ làm câu trau mình.

27. Trình bày ngắn gọn biểu hiện giá trị nhân đạo trong “Truyện Lục Vân Tiên”.

28. Cụm từ “Kiến nghĩa bất vi” trong đoạn thơ sau bắt nguồn từ đâu? Nó có ý nghĩa gì?
“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

29. Hình tượng người anh hùng Lục Vân Tiên có gì giống và khác với người anh hùng Từ Hải? (tìm 2 điểm giống, 2 điểm khác)


30. Mối tình Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga là mối tình trong khuôn khổ lễ giáo phong kiến, hay vượt qua khuôn khổ lễ giáo phong kiến? Hãy lí giải.

إرسال تعليق