Search Suggest

Loạt bài về Thương Mại Quốc Tế - Bài 1: Incoterms 2010

     Bài viết không phải dưới dạng học thuật, ngôn ngữ bình thường như đang trò chuyện với bạn bè. Và mình chủ ý viết như vậy để bài viết về kinh tế đỡ nhàm chán và khô cứng.

   Incoterms 2010 - Bộ tập quán về                      thương mại quốc tế
Điểm phân biệt sinh viên ngoại thương và sinh viên trường khác khi học về thương mại quốc tế là: INcoterms và thanh toán L/C.Hiểu được cặn kẽ, đến khi làm hợp đồng sẽ ít sơ hở và bạn hoàn toàn có thể tham mưu được cho sếp của bạn. Đây là bộ các tập quán thương mại quốc tế do phòng thương mại quốc tế ICC phát hành thường là 10 năm cập nhật một lần để phù hợp hơn với tình hình phát triển của thương mại quốc tế. Nó chỉ quy định các điều kiện về cơ sở giao hàng và không hơn. Đừng cố bổ sung thêm điều kiện hay thuật ngữ khi sử dụng nó nếu bạn không muốn bị thằng đối tác từ chối thanh toán một cách trắng trợn luôn. Công ty bạn thì nhỏ như con muỗi, làm sao chi phí cho một chuyến bay sang Canada và một vụ kiện chỉ về lô hàng giá chỉ có 200.000 USD nhưng kéo dài gần 1 năm được? Cho nên đã dùng thì nên dùng chính xác luôn và gọi tên nó đúng quy định quốc tế áp dụng. Tuy nhiên, nó thường đi sau sự phát triển thực tế của thương mại quốc tế cho nên khi sử dụng bộ tập quán này, bạn cần phải thật cẩn thận nếu không rất có thể bạn sẽ không nhận được tiền hoặc bị ngân hàng từ chối thanh toán do liên quan đến phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại quốc tế L/C (Đọc thêm UCP600 nếu bạn có thời gian rảnh). Tôi sẽ viết về phương thức thanh toán thư tín dụng này sau. Bây giờ là một số lưu ý nếu bạn thi cuối kỳ môn này.
 Trên lớp giáo viên hẳn sẽ nói với bạn rằng cần đọc từ A 1/B1 đến A10/ B10. Nhưng thực tế rằng kiểu đọc đó sẽ làm bạn bị rối và chẳng thể nhớ nổi. Thay vì thế hãy học những thứ khô cứng một cách đầy sáng tạo.
Làm sao để có thể nhớ được các điều kiện giao hàng? Theo tôi nghĩ thì cách học của bạn sẽ quyết định điều này. Tốt nhất là nên học theo hướng sắp xếp các điều kiện của Incoterms theo thứ tự tăng dần trách nhiệm của người bán hoặc người mua vì đi thi cô giáo cũng hỏi như vậy. Tôi thì ưa thích việc viết theo thứ tự tăng dần trách nhiệm của người bán. Sau đây là trình bày tóm tắt về 10 điều kiện cơ bản của các điều kiện này. Nếu muốn được 9 thì chưa đủ nhưng được 8 thì học thế này là thừa vì việc bạn hiểu và trình bày quan điểm của mình trôi chảy quan trọng việc đọc thuộc cả bộ tập quán, cho nên để tiết kiệm thời gian, tôi xin được trình bày như sau:
1. EXW (Ex-works) (Chú ý là đọc cả cách ghi của nó trong hợp đồng và trong L/C nhé): Giao hàng tại xưởng. Nghĩa vụ thấp nhất dành cho người bán. Ví dụ, tôi có lô hàng. Tôi chẳng phải chịu bất cứ chi phí nào từ xin giấy phép xuất khẩu đến thuê phương tiện hay mua bảo hiểm cho hàng hóa. Chỉ việc giao hàng tại xưởng hoặc tại 1 điểm quy định thuận tiện cho 2 bên giao dịch. Sau khi học luật thì tôi thấy rằng để đảm bảo thanh toán hãy tiến hành kiểm hàng và xin xác nhận của đại diện bên mua luôn. Sẽ ít phát sinh tranh chấp và L/C được thanh toán ngay cho người bán.
2. Nhóm F:
a. FCA: (Free Carrier): Giao hàng cho người chuyên chở. Người bán không chịu thêm nghĩa vụ nào kể từ khi hàng hóa được đặt lên xe của thằng chuyên chở được công ty thằng mua ủy quyền đến. Chú ý rằng nếu hàng hóa có vấn đề thì thằng chuyên chở không chịu trách nhiệm nào cả. Tranh chấp phát sinh ở chỗ này đây. Cho nên hãy xin xác nhận đã nhận hàng đầy đủ của thằng chuyên chở và lưu lại thông tin tình trạng hàng hóa đầy đủ để chứng minh rằng hàng hóa chất lượng đúng như hợp đồng.
b. FAS: (Free Alongside): Giao hàng dọc mạn tàu. Đứng trên cương vị thằng bán lô hàng A như trên, giờ tôi giờ phải tự thuê phương tiện để chở hàng và xếp dọc mạn tàu. Sau khi xếp hàng dọc mạn tàu thì hết nghĩa vụ.
Chú ý rằng FAS có thể khiến người bán phát sinh thêm nhiều loại chi phí do hàng hóa nếu không được chuyển đi ngay sẽ phải thuê kho bãi của cảng. Tốn thêm chi phí.
c. FOB: (Free On Board): Đi thi mình gặp câu về FOB nên giờ ký ức về nó vẫn khá tươi đẹp. Người bán miễn trách cho đến khi hàng hóa được đặt ổn định, an toàn trên tàu.
Chú ý: Khi sử dụng điều kiện FOB thì nên nhớ rằng bạn có thêm nghĩa vụ làm thủ tục và chịu chi phí thông quan xuất khẩu ở cảng đi nữa.
FOB 2000 quy định là người bán hết nghĩa vụ đến khi hàng hóa được cần cẩu chuyển qua lan can tàu. Tại sao người ta phải thay đổi. Thứ nhất, nếu hàng hóa rơi khỏi móc mà chính tại vị trí lan can thì trách nhiệm thuộc về ai khi mà một nửa container qua lan can tàu và một nửa chưa qua lan can. Đã từng có rất nhiều tranh chấp liên quan đến điều kiện này trong 10 năm qua. Thứ 2: Hàng hóa bị hư hại khi được xếp lên tàu thì ai chịu trách nhiệm. lại phát sinh tranh chấp ở chỗ này. Cho nên những luật sư hàng đầu trên thế giới làm việc cho ICC mới quyết định thay đổi là hàng hóa được đặt trên sàn tàu.
3. Nhóm C: Người bán sẽ lo thêm chi phí chuyên chở bằng đường biển và chi phí về bảo hiểm trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
a. CFR (Cost and Freight): FOB + F (frieght) Tiền hàng + cước phí thuê tàu. Nó quá rõ ràng để có thể giải thích thêm. Bạn chịu chi phí: thuê phương tiện chở hàng đến cảng, tự thuê tàu, tự làm thủ tục thông quan xuất khẩu và hết nghĩa vụ khi hàng hóa được đặt an toàn và nguyên vẹn trên boong tàu. Điểm chuyển giao rủi ro: Sàn tàu, điểm chuyển giao chi phí:: Cảng đích.
Lặp lại lần cuối: Hãy đọc cách ghi trong hợp đồng của điều kiện này trong bộ tập quán có viết rõ đấy.
b. CIF (Cost Insurance and Freight) Thực ra đọc cái tên tiếng Anh cũng hiểu nó gồm cái gì rồi phải không. CIF = CFR+ I (bảo hiểm). Điều kiện giống hệt CFR và bạn phải mua thêm bảo hiểm khi hàng hóa đến cảng đích. Điểm chuyển giao rủi ro và chi phí đều là khi hàng hóa cập cảng đích là xong. Sinh viên ngoại thương ra trường thường biết đến với cái khẩu hiệu lúc nào cũng treo trước ngực một cách tưởng tượng: Mua FOB bán CIF. Tại sao lại nên bán CIF và mua theo giá FOB thay vì ngược lại như truyền thống. Thứ nhất, đội tàu của ta đã phát triển. Thứ 2: bạn chủ động hơn trong việc gom hàng, không chịu nhiều ràng buộc về thời gian tàu đi nên giảm được rủi ro. Thứ 3, tạo nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia vì tất cả chi phí này đều được thằng mua thanh toán sau trong hợp đồng nên bạn yên tâm là không phải bạn trích tiền từ lợi nhuận bán lô hàng đó. Do đó, để thể hiện lòng yêu nước của một thanh niên nghiêm túc, và để tạo thêm công ăn việc làm cho quốc gia, hãy tìm cách để đảm nhận vai trò lớn hơn trong giao nhận hàng hóa. Nó cũng giúp bảo đảm cán cân thanh toán cho đất nước do thu được thêm ngoại tệ. Chúng ta có quy định tài chính rất thú vị trên tầm vĩ mô: Mọi giao dịch trong lãnh thổ Việt Nam phải được thanh toán bằng VND. Chú ý ghi trong hợp đồng Xuất Khẩu Tại Chỗ cho cẩn thận không lại ra hầu tòa mà không hiểu em làm sai chuyện gì. Tất nhiên, đối tác có thể thanh toán bằng Đô la rồi bạn đổi ra tiền Việt sau nhưng nếu là Xuất khẩu tại chỗ thì trong hợp đồng hãy ghi giá B VND trước còn thằng kia nó thanh toán bằng đô cũng được. Đến lúc này thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý trên lãnh thổ Việt Nam và được nhà nước bảo kê quyền lợi nhé.
Chú ý 2: I là bảo hiểm và bạn phải mua bảo hiểm tối thiểu là 110% giá trị lô hàng. ờ. Cái bảo hiểm trong ngoại thương này rất thú vị và công việc thì rất là tiềm năng luôn.Rồi tôi sẽ có một bài viết hoàn chính về lĩnh vực bảo hiểm trong ngoại thương. Nó hay vô cùng. Còn tại sao là thấp nhất phải là 110% giá trị lô hàng. Cái dôi ra 10% đó là các chi phí tìm đối tác, đàm phán, ký kết, giao nhận, vận tải... để có thương vụ đó. Cho nên bảo hiểm nó bù đắp thêm cả chi phí này nữa. Tất nhiên, giá của bảo hiểm không phải là 110% giá trị lô hàng đâu. Công ty bảo hiểm sẽ thanh toán số tiền 110% giá trị lô hàng nếu hàng của bạn rơi xuống biển nuôi cá. Thằng bảo hiểm này quá thú vị đến nỗi tôi phải dành đến 2 tuần đề tập hợp đủ các thể loại tài liệu về nó.
Chú ý 3: Người ta cũng dùng CIF khi thằng mua nằm sâu trong nội địa và muốn mình chuyển hàng cho nó.
c. CPT: Carriage Paid to : Cước phí trả tới. Cái này ít dùng do khá phiền phức cho thằng bán khi phải thuê phương tiện chở đến nơi cho thằng mua nếu thằng mua nằm ở châu lục khác chẳng hạn. Cho nên nó ít dùng hơn CIF.
CPT= CIF + F (Cước phí vận chuyển từ cảng đến tận nơi giao hẹn của thằng mua hàng. Thằng bán tăng thêm chút nghĩa vụ).
d. CIP : Cost and Insurance Paid to: Cước phí + bảo hiểm trả tới.
CIP = CPT + I (Bảo hiểm trên đất thằng khác kể từ khi hàng cập bến đích đến khi hàng hóa giao tận tay trên đất thằng mua).
Chú ý:
+trách nhiệm thằng bán tăng dần như sau: CFR -> CIF -> CIP -> CPT
+ CIP và CPT áp dụng được với vận tải đường bộ, đường thủy, đường hàng không và vận tải đa phương thức (MTO)
4. Nhóm D:
a. DAT: Delivery at Terminal
Khi hàng hóa được dỡ ra khỏi phương tiện vận tải đến cảng quy định. Người bán chịu rủi ro đến khi thằng mua đến lấy hàng và xác nhận: “ờ, tao nhận được hàng rồi” (Nói chơi thôi) trong một văn bản cụ thể nào đó.
Phân biệt tí chút: Nếu người mua muốn chịu chi phí thông quan nhập khẩu và rủi ro thì nên dùng DAP.
Nếu bên mua muốn người bán làm thủ tục thông quan nhập khẩu, rủi ro, trả thuế, chi phí liên quan đến nhập khẩu khác thì nên dùng DDP.
b. DAP: Delivery at Place: Giao hàng tại nơi đến. người bán chịu mọi rủi ro, chi phí đến khi hàng được bốc ra khỏi phương tiện vận chuyển dưới sự định đoạt của người mua.
c. DDP: Giao hàng đã thông quan, nhập khẩu. Người mua có nghĩa vụ cao nhất và chịu rủi ro cao nhất.
. Phạm vi điều chỉnh của Incoterms. Dính một tẹo đến luật thương mại quốc tế đây này.
- Incoterms chỉ cung cấp một bộ quy tắc quốc tế giải thích những điều kiện thương mại trong ngoại thương nhằm tránh các vụ kiện tụng do các bên không hiểu nhau. Ví dụ, cùng một điều kiện FOB nhưng ở Mỹ và ở Pháp có 2 cách hiểu khác nhau và có quy định cũng khác nhau. Cho nên khi ghi vào hợp đồng là phải ghi rõ: theo điều kiện FOB cảng nào đó +Incoterms 2010......
- Nó phân chia quyền và nghĩa vụ các bên khi giao nhận hàng hóa. Nghe có vẻ đơn giản nhưng hầu hết kiện tụng đều do những yếu tố hiểu sai lệch các điểm cơ bản đó.
- Nó chỉ là để tham khảo và được các luật sư hàng đầu thế giới khuyến khích sử dụng chứ không ép buộc.
- Quy định về điểm chuyển giao rủi ro khác với chuyển quyền sở hữu. Hãy lưu ý khi làm hợp đồng với khách.
- Bạn có thể thay đổi chút ít về điều kiện giao hàng và chi phí nhưng phải chú thích rõ ràng và điều này thì không được khuyến khích bởi nó dễ dẫn đến tranh chấp và khó xác định giá trị pháp lý rõ ràng. Cái gì rõ ràng, dễ áp dụng thì nên dùng. Tranh chấp là điều không ai muốn, nên hãy quy định thống nhất, rõ ràng, đơn giản và hạn chế bổ sung.
....... Còn gì nữa nhỉ? Nếu có câu hỏi thì bình luận bên dưới nhé.
Chủ đề tiếp theo: Thư tín dụng (L/C).

Đăng nhận xét