Search Suggest

HAI VẠN DẶM DƯỚI ĐÁY BIỂN: HAI VẠN DẶM TRÊN HÀNH TRÌNH ƯỚC MƠ

Thuyền trưởn Nemo

Có nhiều lí do để một ai đó yêu thích Jules Verne , một vốn hiểu biết sâu sắc và uyên bác về địa lý, lịch sử, một trí tưởng tượng tuyệt vời và kì thú, một người kể chuyện hóm hỉnh và cuốn hút. Riêng tôi, tôi thích Jules Verne  và những tác phẩm khoa học viễn tưởng, bởi vì mỗi tác phẩm là một hành trình ước mơ.

Văn học là tấm gương phản ánh đời sống, từ thuở hồng hoang, con người đã gửi gắm vào văn học những ước vọng cao cả nhất của mình. Mỗi một công cụ lao động mới được ra đời, lịch sử tiến hóa của nhân loại lại lật sang một trang mới. Hàng ngàn năm, con người đã đi từ những bước chập chững đến những bước phát triển mau lẹ, vũ bão. Từ thời kì đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đến cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật của thế kỉ XIX,XX và hiện tại là thời kì của công nghệ thông tin - mỗi một công cụ lao động mới ra đời, con người lại bước thêm một bước để có được một đời sống văn minh hơn, tiện nghi hơn, (có lẽ) hạnh phúc hơn. Sự phát triển ấy gắn với ngưỡng vọng muôn thuở nhất của nhân loại: khát vọng hạnh phúc.

Ngay từ thuở bình mình của văn học, văn học dân gian cũng đã truyền tải những ước vọng về hạnh phúc như thế, thông qua những chi tiết kì ảo. Chiếc đũa phép của bà tiên, đôi giày vạn dặm, chiếc bút thần biến tranh vẽ thành đồ vật, cỗ xay muối không bao giờ vơi cạn, viên ngọc quý giúp con người nghe thấy được tiếng nói của loài vật, chiếc chổi bay của bà phù thủy, chiếc thảm thần giúp con người chu du muôn nơi, tấm khăn trải bàn kì lạ có thể dọn ra bữa ăn thịnh soạn… Tất cả những phép màu ấy đều truyền tải tâm tư, nguyện vọng của con người: mong muốn có một thứ công cụ lao động giúp cuộc sống đỡ chật vật, vất vả.

Phép màu kì ảo của văn học dân gian ra đời từ mâu thuẫn giữa khát khao lí giải thực tại và hạn chế trong việc chiếm lĩnh, tri nhận thực tại của người xưa. Những chi tiết kì ảo của văn học dân gian mang đậm tính chất hoang đường. Nhưng bước vào địa hạt của văn học khoa học viễn tưởng, ước vọng xa xưa nhất của con người đã được thể hiện theo cách khác: Phi thường nhưng không hoang đường - đó đều là những tiên báo (dựa trên cơ sở hiện thực) của những nhà nghệ sĩ thiên tài có cái nhìn xa, rộng, với trí tưởng tượng linh hoạt, tư duy sắc bén và vốn hiểu biết phong phú. Từ phép màu của văn học dân gian đến khoa học viễn tưởng, đó là con đường đi từ nhận thức trực quan cảm tính mang đậm màu sắc duy tâm đến nhận thức lý tính mang đậm tính chất tiên báo trên cơ sở hiểu biết khách quan hiện thực cuộc sống.




Những sáng tác của Jules Verne , người được xem là cha đẻ của thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, cũng mang những tiên báo kì thú như thế.


Chúng ta thử điểm lại một vài “lời tiên tri” của ông:

Năm 1865, ông sáng tác “Từ trái đất đến mặt trăng” với ý tưởng đưa con người chinh phục mặt trăng thông qua một khẩu súng thần công. 1969, thế giới có Neil Amstrong người đàn ông đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Những ý tưởng trong tác phẩm của Jules Verne  trên thực tế đã trở thành gợi ý cho một vài công nghệ của NASA.

1889, trong tác phẩm 2889, Jules đã miêu tả một hình thức mới của báo chí truyền thông:“Thay vì cầm một tờ giấy chi chít chữ để ngấu nghiến cập nhật thông tin trong ngày thì sẽ có người đọc bản tin cho bạn vào mỗi buổi sáng”.  1920, thế giới có bản tin phát thanh đầu tiên. Và tới 1947, bản tin truyền hình đầu tiên lên sóng với bài phát biểu của tổn thống Nixon.

Cũng trong tác phẩm 2889, Jules Verne  đã đưa ra khái niệm “phonotelephote”:  Hình ảnh được chuyển đi nhờ vào những chiếc gương vô cùng nhạy được nối với nhau qua dây điện, người này trông thấy được người kia bất chấp khoảng cách”. Bạn có thấy ngờ ngợ điều gì không? Chính xác, đó là công nghệ Videocall, một phát minh gắn với sự phát triển của internet, và mới chỉ phổ biến ở Việt Nam ta trong một vài năm trở lại đây.

Trong “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, một trong những tác phẩm thành công nhất của JulesVern, ông cũng đã thể hiện một tầm nhìn khoáng đạt đến kinh ngạc.

Chiếc tàu ngầm Nautilus với công nghệ siêu việt đã vượt xa khỏi sự tưởng tượng và khoa học kĩ thuật đương thời, thậm chí đến thời đại của chúng ta đó vẫn là một cái đích nằm ở tương lai. Chiếc tàu ngầm nhanh nhất thế giới hiện nay được cho là tàu ngầm Seabird của Mỹ (nguồn:kyluc.vn) với vận tốc 40 km/h, vẫn thua xa tốc độ 50 hải lý/h (tương đương 100km/h) của Nautilus. Nautilus có thể lặn xuống ở bất kì độ sâu nào, chiếc tàu ngầm sâu nhất thế giới hiện nay thuộc về Trung Quốc, với khả năng lận sâu khoảng 5000 m. Nhưng như chính Jules Verne trong lá thư viết cho cha mình đã từng nói: “Tất cả những gì con người hình dung ra được thì họ sẽ tìm được cách thực hiện”, Nautilus là một ước mơ, nhưng không phải là một ước mơ hoang đường, lịch sử  phát triển của công nghệ tàu ngầm có thể bảo chứng cho tương lai hứa hẹn đó.

Cái nhìn tiên báo của Jules Verne trong “Hai vạn dặm dưới đáy biển” còn tài tình ở chỗ, ông đã nhìn thấy trước được tiềm năng của năng lượng điện.  Máy phát điện đầu tiên được chế tạo vào năm 1832 bởi Faraday. Thời kì “Hai vạn dặm dưới đáy biển” ra đời, điện năng chưa phải là năng lượng phổ biến. Còn ngày nay, nói đến vai trò của điện năng trong đời sống, chắc hẳn không có gì cần phải nói thêm.

Bên cạnh việc truyền tải ngưỡng vọng hạnh phúc của con người, các tác phẩm của Jules Vern, đặc biệt là “Hai vạn dặm dưới đáy biển” còn chạm đến khát vọng sâu kín nhất của con người: sự thèm khát những điều mới mẻ, khao khát mạo hiểm dấn thân vào những cuộc phiêu lưu, trí tò mò không bao giờ thỏa về thế giới, về vũ trụ - Khao khát bứt phá khỏi mọi giới hạn của con người - khao khát tự do!

Sự tồn tại của con người luôn bị trói buộc bởi nhiều giới hạn: giới hạn không gian, giới hạn thời gian, giới hạn bởi hoàn cảnh của bản thân, giới hạn bởi điều kiện khách quan của lịch sử, giới hạn bởi năng lực chiếm lĩnh cuộc sống của bản thân, của toàn nhân loại… Con người tồn tại, bị giới hạn trong không gian và thời gian, không gian sống lúc nào cũng là nơi này, thời gian sống lúc nào cũng là bây giờ, mà cuộc đời thì bao la, vũ trụ thì vô hạn, làm sao có thể giải quyết bài toán đó để sống nhiều hơn, sống phong phú hơn, tích lũy được nhiều nhất trong giới hạn tưởng như không thể vượt qua được? Lời giải cho bài toán nan giải đó là đâu? Là văn học! Văn học giúp con người vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, ở hiện tại nhưng vẫn có thể chứng kiến một cuộc đối thoại ở quá khứ, ngồi trong nhà vẫn có thể thưởng lãm được mọi cảnh đẹp trên thế gian, thậm chí đến những vùng đất chưa một ai đặt chân tới, sống cuộc sống của mình, nhưng đồng thời sống thêm cuộc sống của các nhân vật trong tác phẩm. Văn học giúp con người sống nhiều hơn, trải nhiệm nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn, sống nhiều cuộc đời trong một cuộc đời mình đang có.




Giờ thì mời bạn bước lên con tàu Nautilus huyền thoại để cùng Jules Verne và các nhân vật bắt đầu cuộc hành trình: Hành trình của ước vọng vượt qua mọi giới hạn.

Đó là cuộc hành trình khiến ta mở mang tầm mắt,biết bao địa danh thay phiên nhau trải ra trước mắt ta. Eo biển Torress, đường ngầm Arabia quần đảo Hy Lạp, vũng biển Sargasso, mũi Horn, Amazone, dòng biển Gulf Stream, vực thẳm Mai stream - những vùng đất mà chỉ cái tên thôi cũng kích thích đam mê khám phá. Ta sẽ được lặn sâu xuống đáy biển để chiêm ngưỡng những kì quan hùng vĩ, sẽ được trải nghiệm sự hùng tráng của thiên nhiên trong cơn bão biển, sẽ được bay bổng nơi những cánh đồng băng nam cực phản chiếu cực quang huyền ảo.

Một chút nguy hiểm sẽ làm cho chuyến hành trình thêm thú vị: những đàn cá nhà táng khổng lồ trong trận chiến đẫm máu với tàu Nautilus, những con bạch tuộc hung dữ thân mềm đạn điện không thể tiêu diệt với những xúc tu quấn quanh thân tàu, những cuộc xung đột trên biển, và cả những cái chết… tất cả làm nên sức hấp dẫn nghẹt thở của cuộc hành trình. Trong con người luôn tồn tại một thứ bản năng đầy cảm dỗ đẩy họ vào nguy hiểm, ở nơi tận cùng nguy hiểm và trong tận cùng sỡ hãi, đâu đó vẫn phảng phất một niềm hưng phấn - có phải vậy chăng nên dù biển cả sâu thẳm và đầy cạm bẫy, vẫn biết bao nhiêu người hăng say lao vào chinh phục, để đạt được ước mơ và để chiến thắng những giới hạn - như chữ đề trên tảng phiêu nham trong trang văn của Pautopsky?

Trong chuyến thám hiểm ấy, cũng không thiếu những phút giây trái tim ta như bị bóp nghẹn: cảnh một con cá voi mẹ nằm chết trên mặt biển, bên cạnh là con của nó, mặt biển thì lênh láng máu sau một trận chiến khốc liệt; cảnh một thủy thủ trong đoàn của Nemo bị bạch tuộc lôi đi, và dù họ sử dụng thứ ngôn ngữ riêng quy ước với nhau, nhưng cận kề cái chết anh ta lại thốt lên lời kêu cứu bằng tiếng mẹ đẻ; cảnh một con tàu chìm dần chìm dần xuống lòng biển cho đến khi hoàn toàn mất hút trong màn đêm thăm thẳm của biển sâu… những ấn tượng đó chỉ thoáng qua trong tích tắc, nhưng lại có sức ám ảnh mãnh liệt đến vậy. Trong khát khao chinh phục những thử thách, cái ta nhận được chính là một trái tim giàu lòng trắc ẩn đã qua tôi luyện, đó là tình thương đối với cuộc sống, và đó cũng là cái thổn thức khi nhận ra sự mong manh của đời sống giữa cái vô tận vô biên của vũ trụ.

Trong chuyến hành trình vòng quanh thế giới kì thú này, JulesVerne còn dắt tay ta bước vào một cuộc hành trình khác, cuộc hành trình khám phá tâm hồn của con người. Ông đã xây dựng nên nhân vật thuyền trường Nemo - nhân vật phản anh hùng (antihero) đầy bí ẩn và mâu thuẫn khiến ta luôn tò mo, khiến ta mong muốn tìm hiểu, khao khát tìm hiểu. Chỉ cái tên của người đàn ông ấy cũng đã là cả một sự bí hiểm. Nemo trong tiếng latin có nghĩa là “no name” - không ai cả.  Đó là con người gần như không thể đoán định: Ông có thể bảo vệ đàn ca voi khỏi lũ thợ săn vì giết hại con vật chỉ để tiêu khiển là một việc không hay ho gì, nhưng ngay sau đó có thể mở một cuộc tàn sát đẫm máu với lũ cá nhà táng. Con người sắt đá ra lệnh đánh đắm cả một chiến thuyền, sau đó lại lặng đi trước tấm hình có một người phụ nữ và hai đứa trẻ, và khóc. Toàn bộ câu chuyện là những thắc mắc không ngừng của nhân vật chính  - cũng là thắc mắc của độc giả về Nemo, Jules Verne đã nhử chúng ta bằng những manh mối - những đoạn miêu tả về Nemo, và khi ta cảm thấy gần chạm đến đích thì ta khựng lại bàng hoàng, lớp màn sương bí mật càng lúc càng mở rộng hơn, mơ hồ hơn, không sao giải đáp được. Nemo là ai? Tại sao ông ta hành động như vậy? Mục đích của ông ta là gì? Tại sao ông ta khóc? Người đàn bà và hai đứa trẻ trên thuyền là ai? Ông ta có liên hệ gì đến con tàu “Báo thù”? Tất cả những câu hỏi ấy cứ xoáy sâu khiến ta không yên, thôi thúc ta đọc đến tận cùng tác phẩm. Ta hy vọng cuối tác phẩm, tất cả sẽ được giải đáp. Nhưng không, kết thúc tác phẩm vẫn mãi là một làn sương, tất cả những thông tin về Nemo chỉ là câu hỏi để ngỏ.

JulesVerne là một nhà văn khoa học viễn tưởng, việc ông xây dựng nhân vật chủ yếu qua hành động và ngôn ngữ, chứ không qua miêu tả tâm lý, là một việc dễ hiểu. Nhưng cách miêu tả đó trong việc xây dựng hình tượng nhân vật thuyền trưởng Nemo, có lẽ vẫn còn dụng ý khác. Trong hành trình khám phá một con người ngoài đời sống, có bao giờ ta có thể thâm nhập vào đối tượng như ta là chính họ, để nghe được trực tiếp diễn biến tâm lý của họ đâu? Ta cũng chỉ có thể phán đoán họ qua hành động, qua lời nói, qua nét mặt - cũng y như quá trình ta tìm hiểu Nemo - một nhân vật có sức hút mãnh liệt đối với bất kì ai. Chính vì điều đó khiến cho hành trình khám phá một con người cũng gay cấn và khắc nghiệt y như một cuộc hành trình trên biển vòng quanh thế giối. Cũng chính vì lẽ đó, con người trở thành những tiểu vũ trụ khép kín, mãi mãi cô đơn, mãi mãi rơi vào bi kịch không hiểu biết lẫn nhau.

Đến đây, Jules Verne dường như đã chạm vào ước mơ khác của đời sống con người: Ước mơ thấu hiểu người khác, và ước mơ được người khác thấu hiểu.

Và thật may mắn, nhờ có trái tim, ta vẫn, dù cho không thể lý giải, nhưng vẫn có thể cảm nhận một con người, như khi ta để cho hình ảnh cuối cùng của Nemo ám ảnh tâm trí mình. Một người đàn ông với tiếng phong cầm, với lời nói cuối cùng “Thế là đủ, tất cả thế là đủ”, và rồi người đàn ông vĩ đại ấy cùng còn tàu huyền thoại của ông ta dần mất hút trong vực thẳm Mainstream - “Cái rốn của đại Tây Dương”. Con người vĩ đại dần mất hút trước hùng vĩ của thiên nhiên, và dù ta có thể không bao giờ lí giải được tại sao mình lại choáng ngợp trước tầm vóc của Nemo, cũng như tại sao ta thấy Nemo thật vĩ đại và cao cả, nhu thế có lẽ là cũng đủ, vì trái tim luôn có những lí lẽ của riêng mình.

Những trang sách cuối cùng đóng lại, cuộc hành trình sẽ mãi mãi lôi cuốn bạn đọc, với sức hút như một lỗ đen vũ trụ, cám dỗ mọi tâm hồn khát khao khám phá, khát khao chinh phục. Cuộc hành trình của các nhân vật chính đã hết, nhưng cuộc hành trình thật sự của đời sống mới bắt đầu. Từ những trải nghiệm kia, từ những xúc cảm kia, từ những ấn tượng mà tác phẩm Jules Verne mang lại sau cuộc hành trình, biết đâu một ước mơ mới đã được gieo mầm.

Chừng nào nhân loại còn ngưỡng vọng đến một tương lai đầy hứa hẹn, chừng nào những kì quan thiên nhiên còn có sức hấp dẫn với con người, chừng nào con người còn không nguôi nỗi tò mò về vũ trụ bao la rộng lớn, thì người ta sẽ còn yêu thích Jules và say mê các tác phẩm của ông, bởi ước mơ chính là động lực của cuộc sống.




TRẦN LÊ DUY
Like

Đăng nhận xét