Search Suggest

QUAN NIỆM CỦA NGUYỄN KHẢI VỀ "NẾP NHÀ" TRONG "HÀ NỘI TRONG MẮT TÔI" (phần 2)


PHẦN 2: NẾP NHÀ VÀ VIỆC GÌN GIỮ CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG
Nếp nhà trong tập Hà Nội trong mắt tôi chính là những giá trị văn hóa truyền thống của đất kinh kì được các thể hệ gia đình gìn giữ, trân trọng. Đó trước hết là văn hóa ứng xử nền nã, thanh lịch giữa người với người. Bà cụ trong truyện ngắn “Nếp nhà” luôn tự hào: “Trong nhà này, ba đời này, không một ai biết tới câu mày, câu tao.”[1]. Cái nếp ứng xử nền nã, thanh lịch ấy không phải là thứ ngày một ngày hai có được, càng không phải là “món quà tặng bất ngờ”, đó là thành quả của một quá trình giáo dục lâu dài và bền bỉ. Bà cụ quan niệm: “thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cung không phải là lâu, nhưng có một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời”[2]. Đối với bà, nếp nhà chính là “một cách sống, một quan niệm sống”, “ở trong tay mình nhưng nhận ra nó, có ý thức vun trồng nó hoàn toàn không dễ”.
Mặt khác, nếp nhà, chính là lối sống, cách sinh hoạt mang đậm dấu ấn văn hóa của người Hà Nội.  Cô Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội có cuộc sống ung dung, tự tại, giữ được cốt cách, bản lĩnh của người Hà Nội dù trải qua nhiều biện động thăng trầm, do cô ý thức rất rõ về bản thân và thời cuộc. Cô và gia đình ở lại Hà Nội suốt những năm tháng chống Pháp vì không thể xa Hà Nội. Cô luôn tự hào với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, tự hào là Một người Hà Nội, có trách nhiệm giữ gìn nếp sống của người Hà Nội, dù có những lúc bị hiểu lầm đó là lối sống tư sản, “một cách sống tư sản nhưng lại không bóc lột ai cả”. Cô luôn tìm cách dạy dỗ con cháu giữ lấy niềm tự hào ấy, “chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng”. Ngay cả trong nhưng năm chiến tranh, cô vẫn giữ thói quen họp mặt bạn bè hàng tháng, ăn mặc sang trọng, kiểu cách khác ngày thường. “Rồi cửa trong mở, bà chủ xuất hiện trước…, lược giắt hoa trầm cài hột lấp lánh,… áo nhung, áo da, đeo ngọc đeo dây đi lại uyển chuyển. Ngày thường các bà mặc áo bông ngắn, quần thâm, đi dép đi guốc, vuông khăn tơi tớp buộc cổ hay bịt đầu, là các cô Lọ Lem của mỗi ngày”. Chính cách sống ấy đã làm sống lại nét sinh hoạt giao tiếp sang trọng, đẹp đẽ như truyền thống kinh kì. Sau bao nhiêu biên thiên của lịch sử, phòng khách, cũng như cô Hiền, vẫn mang vẻ cổ kính, lịch lãm, quý phái và tinh tế của Hà Nội, “suốt mấy chục năm không hề thay đổi”: Tấm bình phong bằng gỗ chạm, bộ salon gụ, sập gụ, tủ chùa, lọ men Thúy Hồng, lư hương đời Hán, liên hấp sâm Giang Tây… Đó là những cổ vật quý giá của chủ nhân, thể hiện cốt cách văn hóa của chủ nhân. Căn phòng khách như biểu tượng cho con người có thế giới thanh sạch, luôn bình tâm trước mọi đổi thay. Và con người, chủ nhân của không gian ấy, cũng mang một giá trị không phai nhòa của một thời vàng son. Dù tuổi tác đã cao, dù thời gian để sống không còn nhiều, cô vẫn níu giữ những nét đẹp truyền thống, vấn giữ thú chơi hoa thủy tiên cầu kì, trang nhã. “Cô đang lau đánh một cái bát thủy tiên men đỏ… Bên ngoài trời rét, mây  mưa lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo không làm ướt, lại nhìn một bà lão lau đánh cái bát thủy tiên thấy Tết quá, thấy Hà Nội quá”. Cô cho rằng, “thời nào cũng có một giai tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn cho mọi giá trị”. Có lẽ, những người như cô Hiền là thuộc giai tầng thượng lưu đang giữ lại ít nhiều vẻ đẹp hoa lệ, vàng son, trang nhã, thanh lịch truyền thống của Hà Nội.
Trong Hà Nội trong mắt tôi, nếp nhà thường gắn với những người phụ nữ có vẻ đẹp trí tuệ sắc sảo, họ chính là những người thấu hiểu nhất giá trị của nếp nhà, và chính là những người gìn giữ nếp nhà. Khác với hình tượng người phụ nữ Việt Nam truyền thống thường gắn với các phẩm chất đức hạnh như hy sinh, tảo tần, thương chồng thương con, chung thủy, nghĩa tình…, một số hình tượng người phụ nữ của Nguyễn Khải trong tập Hà Nội trong mắt tôi được khai thác đậm nét dưới phương diện trí tuệ. Những người phụ nữ như cô Hiền, hay bà cụ trong Nếp nhà đều là những người có trí tuệ hơn người, tỉnh táo và lý trí trước thời cuộc, có cốt cách văn hóa. Họ có bản lĩnh kiên cường, và thay thế vị trí của người đàn ông, họ mới chính là trụ cột của gia đình, là người nội tướng chèo chống, lèo lái gia đình giữa vòng xoáy xã hội. Vẻ đẹp nữ tính ở đây có sự sáng tạo, mới mẻ, không còn đơn thuần là vẻ đẹp phẩm chất, đức hạnh, mà nổi bật lên chính là vẻ đẹp của trí tuệ, của bản lĩnh sống.
Trí tuệ sắc sảo giúp họ có cách cư xử khéo léo, uyển chuyển trong cuộc sống, để gia đình được êm ấm, thuận hòa. Bà cụ trong “Nếp nhà” trong cuộc sống với dâu, rể rất tế nhị, tinh tế, nên được cả con dâu và con rể quý mến. Người con dâu cả của bà vốn là con gái Hàng Bộ, đỗ đại học, kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Thế nhưng hai người phụ nữ ấy sống trong một gia đình rất thuận hòa. Bởi lẽ, bà cụ đối xử với con dâu rất khéo léo, chân tình. Theo bà: “Đúng là tôi có phần chịu nó, nhưng nó cũng phải có phần chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa”. Con dâu đối với bà là “vàng trời cho”, bà chiều và quý trọng con dâu thật lòng nên cả hai cô con dâu ai cũng cởi mở, gắn bó với bà. Muốn giúp đỡ gia đình con gái, mà sợ con rể ngại, bà rất khéo léo và cũng rất thẳng thắn, thấu tình, đạt lý: “Trong cái nhà của tôi có một phòng dành cho vợ anh. Của vợ anh tức là của anh. Cũng như mọi thứ của anh tức là của vợ anh. Lẽ nào không phải”. Đạo lý “của chồng công vợ” hiển nhiên, thuyết phục. Thậm chí, bà cụ còn cho thấy sự tính toán sâu xa của mình khi làm trước chúc thư, để lại một cẩm nang để con cái bà ứng xử sau khi ba mất, không làm mất hòa khí gia đình. Việc viết chúc thư được bà làm công khai, nghiêm túc, công bằng, họp các con lại nói rõ ràng, “sau buổi học, bà cụ phân công cho con gái lớn viết lại chúc thư làm sáu bản, viết tay không đánh máy, cả sáu người đều kí, mỗi người giữ một bản, có giá trị trước pháp luật”. Bà làm như vậy, là vì muốn giữ gìn gia pháp. Bởi vì: “Con người ta ai cũng có phần thiện phần ác, muốn dưỡng thiện diệt ác thì trong nhà phải có gia pháp, ngoài xã hội phải có luật pháp. Trong gia pháp có phần truyền thống và danh dự của dòng họ, có phần đạo đức của người trên và nghĩa vụ với kẻ dưới. Gia pháp cũng là theo thời mà điều chỉnh, quá ngược với thời thế thì con cháu khó theo, quá xu mị thời thế thì bỏ mất gốc rễ”.
Với cô Hiền trong Một người Hà Nội, trí tuệ sắc sảo thể hiện ở một đầu óc thực tế, biết nhìn xa trông rộng, khôn ngoan và tự chủ, “đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến đàm tiếu của thiên hạ”. Về hôn nhân, thời trẻ cô giao du nhiều loại người, nhưng cô chọn bạn trăm năm lại là một ông giáo cấm tiểu học, hiền lành chăm chỉ, làm mọi người kinh ngạc. Cô Hiền vượt qua thói thường, không tham danh, lợi, nghiêm túc với chuyệ hôn nhân, đặt trách nhiệm gia đình lên trên mọi vui thú khác. Về việc sinh con, cô sinh năm đứa con, nói với chồng: “Từ nay chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi rồi, nếu ông và tôi sống đến sáu chục thì con út hai mươi, có thể tự lập được, khỏi phải sống bám vào các anh chị”. Cô nhận thức rõ trách nhiệm của cha mẹ không phải chỉ là sinh con mà là việc giáo dục cho con một nhân cách, một tương lai không lệ thuộc. Về quản lý gia đình, cô luôn chủ động, tự tin, vì hiểu vai trò của người làm vợ, làm mẹ. Cô phê bình thói bắt nạt vợ quá đáng của người cháu, cô bảo  “người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chẳng ra sao”. Quả là tư tưởng tiến bộ, quan niệm bình đẳng nam nữ ấy xuất phát từ thiên chức của người phụ nữ. Trong việc dạy con, cô dạy con từ khi con nhỏ và dạy những cái nhỏ nhất: “cách ngồi, cách cầm bát, cầm đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn”. Cô xem đấy là văn hóa sống, văn hóa của người Hà Nội. Cô cương quyết nhưng cũng có lúc mềm mỏng: “Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ”. Cái chuẩn trong nguyên tắc xử thế của cô là lòng tự trọng. Lòng tự trọng không cho phép con người sống hèn nhát, ích kỷ.
Trí tuệ sắc sảo ấy đã giúp những người phụ nữ Hà Nội chèo chống gia đình mình, giữ gia đình mình bình yên khỏi những biến động của lịch sử.  Bà cụ trong Nếp nhà, khi những năm 56 bị đánh thuế kho vô lý, chồng bà thì sợ phiền, vốn nhát, vui vẻ bằng lòng, nhưng bà nhất định không đồng ý. Nguyễn Khải nhận xét: “Bà bướng bỉnh đến nguy hiểm, ai cũng sợ nhưng bà cứ thản nhiên: “Lý của mình đúng, việc gì phải sợ”. Quả nhiên lý lẽ của bà chiến thắng. Chính bởi vì, bà có một lối sống thanh sạch, nên có thể ngẩng cao đầu mà sống, không sợ hãi bất kì điều gì. “Bà luôn luôn đúng vì bà rất tỉnh táo trong mọi mối quan hệ, chỉ nhận những gì đáng có, có quyền được có, tuyệt đối không để bị dụ về tiền bạc cũng như về tìn cảm”.
Cô Hiền trong Một người Hà Nội, cũng nhờ trí tuệ ấy mà giữ cho gia đình mình được bình yên, dù rằng có người điều tiếng gia đình cô có lối sống tư sản. Cô kiếm sống bằng nghề hoa giấy để nuôi cả gia đình. Đó là một cái nghề không thể làm giàu, nhưng đủ sống, và thể hiện cốt cách thanh lịch, quý phái của người làm nghề. Cô khôn khéo bán một căn nhà để người ta không sung công cái nhà do lao động của vợ chồng bà làm nên. Cô kịp thời ngăn cản chồng mua máy in, thích nghi với chính sách chế độ bấy giờ, khôn ngoan để không trở thành “tư sản”. Ở cô Hiền, sáng lên là một bản lĩnh tính toán khôn khéo, thông minh, tháo vát, vừa thức thời vừa phù hợp với nếp nhà.
Gắn với hình tượng người phụ nữ trí tuệ, sắc sảo là chủ đề sự lựa chọn. Cuộc sống thời kì đổi mới vốn phức tạp, cuộc đời thì đa sự, con người thì đa đoan. Các giá trị va chạm nhau dữ dội. Con người như những hạt cát bị đẩy vào vòng xoáy xã hội, đứng trước muôn vàn ngã rẽ và muôn vàn sự lựa chọn. Hình tượng con người trong văn học thời kì này là con người tìm đường, tìm một giá trị sống, tìm một câu trả lời cho sự tồn tại của mình. Họ tìm đường bằng cách đưa ra sự lựa chọn và chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Họ bước vào cuộc đời, lựa chọn một hướng đi như đánh cuộc với chính số phận, và phải đến cuối đời họ mới biết được thành, bại, được, mất, từ đó rút ra được bài học về chân giá trị. Mỗi cuộc đời là một cuộc thử nghiệm để đi tìm chân lý. Mỗi sự lựa chọn nói lên rất nhiều về nhân cách con người. Với các nhân vật nữ trí tuệ, mỗi sự lựa chọn là một phép thử để trí tuệ của họ được tỏa sáng.
Bà cụ trong Nếp nhà đưa ra một sự lựa chọn mà nhiều người có thể ngỡ ngàng: sở hữu “một ngôi nhà đẹp, một cửa hàng tuyệt vời ngay giữa đại lộ trung tâm trông thẳng ra hồ Hoàn Kiếm”, có người trả giá triệu đô, nhưng bà nhất định không bán. Bà từ bỏ một món lợi khổng lồ để giữ lấy nguyên tắc sống của mình, sống thanh bạch, lương thiện, bình yên. Các con bà vẫn đi làm cho nhà nước, ở những vị trí yên ổn, thiện lương. Đó là nguyên tắc sống bất di bất dịch bao lâu nay của gia đình bà: “Sống thẳng thắn, sống lương thiện và sống theo pháp luật hiện hành”. Cái lẽ sống biết mình biết ta, an phận, chỉ nhận những gì đúng là của mình giúp con người tỉnh táo trước thời cuộc, tránh xa cám dỗ, giữ vững những phẩm chất tốt đẹp của tâm hồn. Tác giả nhận xét: “Ở cái nhà này, theo tôi biết, chưa bao giờ họ mua vé số. Cũng không thờ cúng ông thần bà thánh nào, ngoại trừ ngày giỗ để anh em con cháu gặp nhau. Họ không cầu gặp may mắn, không săn đón may mắn. Họ chỉ nhận những cái đáng nhận. Bà cụ vẫn đi lễ các chùa miếu đền phủ với bạn bè nhưng bà không khấn. Bà cũng chưa từng xem bói, xem tướng, xin xăm”[3]. Phương châm sống đó, rõ ràng, còn giúp con người có một cuộc sống chủ động, độc lập, tích cực lao động và thụ hưởng thành quả chính đáng do bàn tay  mình làm ra. Khi đó, con người có thể thanh thản và hạnh phúc.
Cô Hiền trong Một người Hà Nội cũng phải đưa một sự lựa chọn không hề dễ dàng: đồng ý cho con trai của mình nhập ngũ, cả hai người con. Sự lựa chọn ấy, bên ngoài có vẻ thản nhiên, không quằn quại đau đớn, không bi lụy xót thương như những cuộc chia ly thường thấy. Nhưng người mẹ nhìn con mình lao vào cuộc chiến, có thể mất mạng bất kì lúc nào, ai có thể bình tâm? Cô nói: “tao đau đớn mà bằng lòng vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Câu nói tưởng thản nhiên, nhưng bên trong là sự giằng xe âm thầm giữa tình yêu con và tình yêu nước, giữa nỗi lo âu thường thấy của người mẹ và ý thức danh dự của con. Cô cũng chấp thuận cho người em Dũng muốn tiếp bước anh: “bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Lòng tự trọng, chính là giá trị mà cô Hiền lựa chọn. Đối với cô, lòng tự trọng giúp con người sống đàng hoàng, sống chân chính. Thiếu đi nó, con người sống không còn ý nghĩa. Lòng tự trọng khiến con người nhận ra trách nhiệm của mình với quê hương, với đất nước. Đó là trách nhiệm thiêng liêng cao quý mà cũng đơn sơ, gần gũi. Tình yêu nước đến từ những hành động cụ thể nhất, đến từ những sự hy sinh của những con người bình dị nhất trong đời sống. Từ sự lựa chọn ấy, cô Hiền hiện lên cao quý biết bao: “Tao cũng muốn sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vủi lẻ thì có hay hớm gì”. Đó là quan niệm sống thật đẹp, sống cho mình cũng là sống cho người, sống là phải đặt mình vào giữa mọi người.
Những trí tuệ ấy, những tâm hồn ấy, đã thành công trong việc gìn giữ nếp nhà, gìn giữ hạnh phúc gia đình, đồng thời cũng chính trí tuệ ấy đã giúp họ tri nhận cuộc sống theo dòng thời gian để rút ra được những triết lý thâm thúy, thấm thía. Bà cụ trong Nếp nhà sở dĩ từ chối cho thuê hay bán căn nhà triệu đô kia, chẳng qua vì bà đã nhìn ra được mặt trái của đồng tiền. Trong một lần tiếp xúc, bà có thể nhận ra ngay, ai là người giàu lương thiện, ai là kẻ giàu bất lương. Bởi vì, theo bà: “Bọn họ khinh người rể của lắm. Họ không tin một ai cả, càng không tin có lòng tốt ở đời. Họ chỉ tin có tiền. Tiền là quân của họ. Một đội quân giặc cướp, sẵn sàng tàn phá tất cả, tiêu diệt tất cả để đạt được cái đích phù phiếm của chủ nó[4]. Trong thời kì đổi mới, các giá trị sống đối chọi mãnh liệt, mọi thứ còn mờ mờ ảo ảo chưa định hình, bà, một người “biết quý trọng đồng tiền từ trẻ đến già” bỗng thấy sợ tiền. Vì tiền có độc, “bàn tay thương vợ, bàn tay thương con, bàn tay nắm bàn tay bạn bè đếm mãi tiền nhiễm độc lúc nào cũng không hay, sẽ không còn là bàn tay của người nữa”. Trước lí lẽ ấy, người đọc không khỏi thán phục trước một tầm nhìn sâu sắc, một sự hiểu biết thâm trầm, nhân hậu. Trong lẽ sống của bà cụ, làm sao để giữ được nhân cách con người, làm sao để được bình yên, hạnh phúc, hòa thuận, yêu thương lẫn nhau, là một niềm trăn trở được bà cụ chuẩn bị kĩ lưỡng từng bước để bảo vệ, gìn giữ.
Cô Hiền, trong sự tính toán vượt đến “cái tầm không thể biết”, đã giúp người cháu hiểu ra về sự trường tồn của nét đẹp văn hóa Hà Nội, cũng là sự bền vững của các giá trị sống tốt đẹp trong dòng luân chuyển không ngừng đổi thay của thời gian. Khi người cháu có những nhận xét không tốt đẹp về những người Hà Nội không được văn hóa, cô Hiền nghĩ đến cây si cổ thụ trước đền Ngọc Sơn, cây si bị sét đánh bật gốc nhưng được chính quyền và người dân trồng lại, dần hồi sinh. Cây si chính là biểu tượng cho sự hữu hạn của sự vật giữa dòng chảy vô hạn trường tồn của vũ trụ. Cây si biểu tượng cho nét đẹp cổ kính, thiêng liêng, cho sức sống của Hà Nội trải qua nhiều thăng trầm biến cố dữ dội nhưng vẫn trường tồn, nhờ ý thức bảo vệ của con người khắc phục tính hữu hạn của vạn vật. Cây si nối liền quá khứ với hiện tại, là hóa thân của linh hồn Hà Nội, là niềm tin của con người Hà Nội vào những giá trị bất diệt. Vì vậy, nhân vật tôi đã có một so sánh thật đẹp: “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của hà Nội rơi xuống chìm vào lớp đất cổ”. Hạt bụi vàng là hình ảnh một sự vật nhỏ bé, khiên nhường mà cao đẹp, quý báu. Nhiều hạt bụi vàng như thế tạo nên ánh “sáng chói” cho đất kinh kỳ. Điều đó đã thành bản sắc Hà Nội, thành truyền thống của người Hà Nội nghìn năm văn hiến. Nó cũng là biểu tượng cho người Hà Nội bình dị mà lớn lao, hữu hạn về thân xác mà vô hạn về tâm hồn. Đây là một hình ảnh so sánh đặc sắc, thể hiện sự khái quát nghệ thuật cao, trong đó có sự đối lập mà thống nhất giữa thân phận và giá trị, biểu hiện được mối gắn bó giữa cá nhân với cộng đồng, chứa đựng niềm trân trọng và tự hào của tác giả. Hình ảnh ấy giúp Nguyễn Khải cô đúc toàn bộ tác phẩm vào một chi tiết nhỏ nhưng giàu ý nghĩa biểu tượng, gây ấn tượng sâu đậm với người đọc.
Thương hải tang điền, cuộc đời dâu bể, lẽ đổi thay là không thể tránh khỏi. Trước biến động của lịch sử, con người như những hạt cát li ti bị cuốn trong cơn bão thời đại. Có người gục ngã. Có người bơ vơ. Trong cuộc đời mỗi con người và cả lịch sử nhân loại, cái tính biến đổi tất yếu đến nghiệt ngã. Để đứng vững, con người cần có trí tuệ vững vàng để bình thản chấp nhận điều tất yếu như một chức phận, và sống không tiếc nuối, không xót xa vì những phù du đã qua. Đó là bà cụ Mặm trong Người của ngày xưa. Triết lý đổi thay của cụ Mặm như thế này: “Tôi nghiệm ra cứ dăm ba chục năm hay năm bảy chục năm lại có một lần thay thời đổi thế để chia lại của cải và danh vị trong thiên hạ, để có dịp đền ơn trả oán cho thuận với lẽ chuyển vận bù trừ của trời đất. Tôi ngày nhỏ ở với bố chỉ có cái váy đụp, bây giờ về già sống với con cháu lại được mặc cái quần lành tức là phúc đức nhiều rồi.”[5] Chính triết lý ấy giúp bà bình yên sống, thanh thản đến hơi thở cuối cùng. Cũng trong cuộc thương hải tang điền ấy, bà mẹ chồng của cô Hiền trong Tiền không có được cái vững vàng ấy. Bà hóa điên khi tất cả tài sản tiêu tan. Trở thành một người mất trí. Ngày ngày lang thang nhặt lá rác về, tưởng rằng đó là bọc tiền người ta quỵt mình đòi lại được. Thực tại phũ phàng va đập dữ dội khiến con người co ro tự giam mình trong cõi vô thức với những ám ảnh lặp đi lặp lại đến đau lòng.
Tóm lại, khi xây dựng hình ảnh những người phụ nữ trí tuệ, những bà nội tướng gánh vác gia đình, nhóm lửa, giữ lửa, truyền lửa, gìn giữ nếp nhà, Nguyễn Khải đã đề cập đến mối quan hệ giữa con người và nếp nhà. Nếp nhà không phải là cái gì trừu tượng, khó hiểu, mà trước hết nó chính là con người, là nhân cách con người, là cách ứng xử tốt đẹp giữa người với người. Nếp nhà sinh ra từ con người, gìn giữ bởi con người, là di sản văn hóa thừa kế bởi con người. Trong quá trình xây dựng, gìn giữ nếp nhà, ở các nhân vật phụ nữ của Nguyễn Khải đều có điểm chung. Thứ nhất, họ rất coi trọng mối quan hệ giữa các người thân trong gia đình. Họ tìm mọi cách để mọi người trong gia đình được sống thuận hòa, dễ chịu, có trước có sau, yêu thương lẫn nhau. Họ trăn trở về vấn đề nhân cách con người, về lối sống, về cách ứng xử, về lẽ làm người. Thứ hai, họ luôn mang một niềm trăn trở về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giữa gia đình và xã hội. Làm sao để gia đình hòa hợp trong xã hội, làm sao để mỗi thành viên trong gia đình có thể cảm thấy thanh thản khi đặt mình trong mối quan hệ với với đồng bào, đồng loại. Trong mối quan hệ ấy, họ cố gắng tri nhận những lẽ biến đổi của xã hội, họ cảnh giác với các ngụy giá trị có thể làm tha hóa nhân cách con người, giữ từng thành viên trong gia đình không bị phơi nhiễm những thói hư tật xấu phát sinh trong quá trình va chạm giá trị của lịch sử. Như vậy, nếp nhà và mỗi thành viên trong gia đình có quan hệ biện chứng. Nếp nhà do con người tạo ra, do con người vun đắp và gìn giữ. Ngược lại, nhờ có nếp nhà, con người có một chỗ dựa về tinh thần để giữ vững nhân cách của mình. Nếp nhà trở thành truyền thống văn hóa, nó đòi hỏi được gìn giữ, đồng thời nó giáo dục các thế hệ, nó vun đắp cho gia đình – tế bào của xã hội, nó là điều kiện để xây dựng một xã hội ổn định, văn minh, phát triển.



[1] Nguyễn Khải, Hà Nội trong mắt tôi, NXB Trẻ, trang 9
[2] Nguyễn Khải, sđd, trang 9
[3] Nguyễn Khải, sđd trang 10
[4]Nguyễn Khải, sđd, trang 11
[5] Nguyễn Khải, sđd, trang 61.

Đăng nhận xét