Search Suggest

Thuyết minh về cái nón lá



I.                   Mở bài
-Có thể chọn một trong các tình huống sau:
Tình huống 1: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi lựa chọn đại sứ du lịch để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới, có thí sinh áo dài, cồng chiêng, và nón lá tham gia. Sau đây là phần tự giới thiệu của thí sinh nón lá:
Tình huống 2: Báo Văn hóa phỏng vấn gương mặt tiêu biểu đóng góp cho du lịch Việt Nam, sau đây mời các bạn cùng gặp gỡ anh nón lá, nhân vật đặc biệt xuất hiện cùng chị áo dài trong các sự kiện ngoại giao quan trọng của nước ta.
Tình huống 3: Ngày nay, theo dòng chảy của văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta, rất nhiều loại mũ, nón thời trang ra đời và được mọi người ưa chuộng, với đủ loại mẫu mã, màu sắc hiện đại, thời thượng. Thế nhưng, chiếc nón lá bình dị, gần gũi, mang đậm bản sắc dân tộc vẫn giữ được vị trí của mình trong lòng người Việt, chúng ta hãy thử nghe nón lá tâm sự về mình.
II.                Thân bài
Học sinh thay đổi xưng hô cho phù hợp với tình huống lựa chọn ở mở bài, đảm bảo những ý sau trong bài viết:
1.Nguồn gốc
-Nón lá đã có từ rất xa xưa. Nón lá đã được chạm khắc trên trống đồng Ngọc Lũ,Trống Đồng Đông Sơn, trên thạp đồng Đào Thịnh từ 2500-3000 năm về trước công nguyên. Người Việt cổ từ xưa đã biết lấy lá buộc lại làm vật che mưa, nắng. Ngày xưa nón được sử dụng rất rộng rãi.
2. Cấu tạo
-Nón thường được đan bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá nón, lá buông, rơm, tre, lá cối, lá hồ, lá du quy diệp chuyên làm nón ....Nón có thể có hoặc không có dây đeo làm bằng vải mềm hoặc nhung, lụa để giữ trên cổ.
-Nón thường có hình chóp nhọn hay hơi tù, tuy vẫn có một số loại nón rộng bản và làm phẳng đỉnh. Lá nón được xếp trên một cái khung gồm các nan tre nhỏ uốn thành hình vòng cung, được ghim lại bằng sợi chỉ, hoặc các loại sợi tơ tằm,... giữ cho lá với khung bền chắc.
3.Chủng loại
Nón dấu :  là nón có chóp nhọn, loại nón này dành cho các chú lính thú thời xa xưa
 
* Nón gò găng hay nón ngựa: sản xuất ở Bình Định làm bằng lá dứa đội khi cưỡi ngựa, hình dạng giống như các loại nón khác, riêng phần chóp nón làm bằng kim loại có khắc hoa văn.

* Nón rơm : Nón làm bằng cộng rơm ép cứng 

* Nón quai thao : Nón làm bằng lá cọ hoặc lá gồi, có hình dạng giống như tai nấm, có quai đeo, đỉnh bằng, đường kính 70–80 cm, vành 10–12 cm. Giữa lòng non là một vòng tròn đan bằng nan gọi là khua để đặt chặt lên đầu người đội, giữ vị trí nón không bị lệch.Quai thao làm bằng 1-8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Ngày nay, loại nón này đặc biệt thường chỉ được đội trong các dịp biểu diễn nghệ thuật hoặc hát quan họ ở Bắc Ninh.

* Nón gõ : Nón gõ làm bằng tre ghép cho lính hồi xưa
 
* Nón lá sen: cũng gọi là nón liên diệp, vành nón rộng, mềm mại giống như lá sen.

* Nón thúng: thứ nón lá tròn bầu giống cái thúng. 

* Nón bài thơ : loại nón này có xuất xứ ở Huế, đây là loại nón lá trắng,  mỏng  khi nghiêng nón ra nắng ta thấy ẩn hiện bóng hình thắng cảnh Huế hoặc một vài câu thơ văn. Nghề làm nón lá nổi tiếng ở Huế từ lâu nhưng làm nón bài thơ thì chỉ khoảng từ sau năm 1959. Người dân Tây Hồ luôn tự hào quê mình là nơi xuất xứ của nón bài thơ xứ Huế. Chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ. Đó là vào khoảng năm 1959-1960, ông Bùi Quang Bặc - một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ, bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón.
4.Cách làm
a/ Chọn lá, sấy lá, ủi lá:

Để làm được một chiếc nón lá đẹp, người làm nón phải tỉ mỉ từ khâu chọn lá, phơi lá, chọn chỉ đến độ tinh xảo trong từng đường kim mũi chỉ. Lá có thể dùng lá dừa hoặc lá cọ.

- Lá dừa: để có được lá dừa làm nón phải mua từ trong Nam. Lá chuyển về chỉ là lá thô. Để lá có độ bền về thời gian cũng như màu sắc phải chọn lọc, phân loại lá và đem xử lí qua lưu huỳnh. Dẫu chọn lá có công phu nhưng nón làm bằng lá dừa vẫn không thể tinh xảo và đẹp bằng nón làm bằng lá cọ.

- Lá cọ: làm nón bằng lá cọ phải công phu hơn, lá phải non vừa độ, gân lá phải xanh, màu lá phải trắng xanh. Nếu lá trắng và gân lá cũng trắng thì lá đã già làm nón không đẹp. Một chiếc nón đạt tiêu chuẩn phải có màu trắng xanh với những gân lá vẫn còn màu xanh nhẹ, mặt lá phải bóng, khi nón đan lên phải nổi những gân lá màu xanh đẹp mắt. Để đạt được tiêu chuẩn ấy thì phải tuân thủ đúng qui trình. Sấy khô phải đúng kĩ thuật, sấy trên bếp than (không phơi nắng). Sau đó lại phải phơi sương tiếp từ 2 đến 4 giờ cho lá mềm. Rồi dùng một búi vải và một miếng gang đặt trên bếp than có độ nóng vừa phải để ủi sao cho từng chiếc lá được phẳng. Mỗi chiếc lá đều được chọn lựa kĩ càng và cắt với cùng độ dài là 50cm (lá cọ).
b/ Chuốt vành, lên khung lá, xếp nón:
Với cây mác sắt, người thợ làm nón (thường là đàn ông làm ở khâu này) chuốt từng nan tre sao cho tròn đều và có đường kính rất nhỏ, thường chỉ nhỉnh hơn đường kính que tăm một chút. Sau đó uốn những nan tre này thành những vòng tròn thật tròn đều và bóng bẩy từ nhỏ đến lớn. Mỗi cái nón sẽ cần 16 nan tre uốn thành vòng tròn này đặt từ nhỏ đến lớn vào một cái khung bằng gỗ có hình chóp. Sau đó người thợ sẽ xếp lá lên khung, người xếp lá phải khéo và đều tay không để các phiến lá chồng lên nhau hay xô lệch.
c/ Chằm nón (may nón):
Sau khi xếp lá cho đều và ngay ngắn lên vành, người ta bắt đầu chằm nón. Nón được chằm bằng sợi nilông dẻo, dai, săn chắc và phải có màu trắng trong suốt. Các lá nón không được xộc xệch, đường kim mũi chỉ phải đều tăm tắp. Khi nón đã chằm hoàn tất người ta đính thêm vào chớp nón một cái “xoài” được làm bằng chỉ bóng láng để làm duyên cho chiếc nón. Sau đó mới phủ lên nón lớp dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để nón vừa đẹp vừa bền. Ở vòng tròn lớn bằng nan tre dưới đáy hình chóp, khoảng nan thứ ba và thứ tư, người thợ sẽ dùng chỉ kết đối xứng hai bên để buộc quai.
5.Cách bảo quản
Tránh để vật nặng đè lên nón làm bẹp, móp, hỏng mất dáng nón. Ngoài ra, có thể bôi thêm lớp dầu bóng (loại chuyên dụng) hoặc bọc một lớp ni lông ở mặt ngoài nón, để nón được bền hơn.
6.Công dụng, ý nghĩa
-Công dụng chính của chiếc nón chính là để che mưa, che nắng cho con người.
-Nón lá quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến bạn bè thế giới. Các ngôi sao quốc tế khi đến Việt Nam họ cũng rất hứng thú với chiếc nón lá, như nhóm nhạc Super Junior nổi tiếng của Hàn Quốc, ca sĩ Jennifer Lopez, hay gần đây hơn là nam tài tử Vin Diesel của loạt phim Fast and Furious, cũng rất hào hứng đội nón lá Việt Nam khi trả lời phỏng vấn báo chí. Hình ảnh các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam, mặc áo dài, đội nón lá thật đẹp, thể hiện ấm áp tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.
-Nón lá đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, đã đi vào thơ ca, nghệ thuật:
“Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che”
(Đỗ Trung Quân)
Nón lá áo tơi ra quán chợ
Trơ vơ trên bến nước sông đầy

(Nguyễn Bính)


III.             Kết bài  (Học sinh tự làm, tương ứng với mở bài)

Đăng nhận xét