Search Suggest

Về kết thúc của truyện thơ dân gian "Tiễn dặn người yêu"




Nhìn chung cốt truyện của các sáng tác văn học dân gian khá đơn giản, thường tổ chức thành từng motif nhất định. Kết thúc của các tác phẩm chính là phần gửi gắm tư tưởng, tình cảm của tập thể nhân dân. Qua cách sắp đặt số phận của nhân vật, qua cách kết thúc có hậu hay không có hậu, mà nhân dân lưu giữ, truyền đạt những kinh nghiệm, tư tưởng của mình cho thế hệ sau. Truyện thơ các dân tộc thiểu số thường có hai kết thúc, một là kết thúc đau khổ, bi kịch, bế tắc (chiếm đa số) và những kết thúc có hậu (chiếm số lượng ít hơn). Nếu các kết thúc bi kịch là tiếng nói tố cáo xã hội sâu sắc, thì kết thúc có hậu chính là ước mơ công lý và hạnh phúc của nhân dân.

Truyện thơ Xống chụ xon xao của dân tộc Thái là một chuyện thơ có kết thúc có hậu.
Sau khi bị nhà chồng trả về mẹ đẻ, “em yêu” lại tiếp tục bị gia đình mẹ đẻ mang ra chợ bán, vô tình lại bán cho người tình xưa với giá ba nắm lá dong. Thế nhưng thời gian trôi qua biết bao dâu bể, “em yêu” đã trở nên xơ xác, tàn tạ, không còn là cô gái xinh đẹp trẻ trung năm xưa, nên “anh yêu” đã không nhận ra người tình của mình. Một lần trong lúc nhớ người tình, “em yêu” lấy chiếc đàn môi bằng đồng – vật đính ước năm xưa của hai người ra thổi, nghe tiếng đàn anh yêu nhận ra người xưa, quyết định trả vợ về nhà mẹ đẻ, để nối lại xuyên xưa.

Ở đây ta bắt gặp motif vật đính ước quen thuộc trong các truyện cổ dân gian. Truyện cổ dân gian các dân tộc trên thế giới vốn quen thuộc với hình tượng những đồ vật có tính chất ước hẹn để nhân vật chính tìm thấy nhau, nối tiếp lại hạnh phúc. Có thể kể đến các vật đính ước như chiếc giày lọ lem, chiếc hài của Tấm, đĩa trầu têm cánh phượng của cô Tấm khi ở nhà bà lão bán nước… Các vật đính ước này thường có hai điểm chung: Thứ nhất, nó là vật thể hiện đặc trưng của chủ nhân, và chỉ tồn tại duy nhất thuộc về người đó (chiếc giày cô bé lọ lem, chiếc hài của Tấm, trầu têm cánh phượng của Tấm), và thứ hai, nó là vật dụng gần gũi với đời sống của nhân dân các dân tộc, gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của họ.


Chiếc đàn môi trong tác phẩm cũng có những tính chất tương tự. Nó là vật đính ước của chàng trai và cô gái, tiếng đàn môi thể hiện tại hoa của cô gái. Chính vì thế mà ngay khi cô gái cất tiếng kèn, chàng trai đã nhận ra ngay:
“-“Đôi ta yêu nhau còn gửi vật tn
Đàn môi đồng anh gửi em đây thay mặt…”.
Em rút đàn môi em gẩy
“Bạn tình ơi còn nhớ hay quên?”
Chồng yêu em mới nói:
-“Kẻ khó sao đàn môi thánh thót
Người nghèo hèn sao réo rắt đàn đồng?
Sao ngân rung như tiếng đàn người cũ
Sao thoảng chừng như giọng nhớ người thương?”
Đàn môi là một nhạc khí phổ biến của các dân tộc vùng Tây Bắc, nhưng để thổi hay loại nhạc cụ này phải trải qua khổ luyện và phải có tài năng. Không chỉ là tài năng, mà còn là tấm lòng, là yêu thương, là kỉ niệm, từng ấy yếu tố kết tinh trong tiếng đàn để biến nó thành tiếng đàn độc nhất – giống như chiếc giày lọ lem chỉ vừa với duy nhất bàn chân của chủ nhân – để người yêu nhận ra người yêu, để hạnh phúc trở về với hạnh phúc, để giúp nhân vật chính vượt qua thử thách cuối cùng để cùng nhau đi đến kết thúc hạnh phúc, thể hiện ước mơ công lý của nhân dân. Đó cũng là niềm tin của nhân dân vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời, mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Tính tập thể là tính chất quan trọng của văn học dân gian. Các sản phẩm của văn học dân gian đều là sản phẩm của nhân dân, cho nên tất yếu sẽ gắn bó với đời sống của nhân dân, mang đậm tính dân tộc.  Các hình tượng đồ vật trong các truyện cổ dân gian luôn có tính chất dân tộc đậm nét: đó là những đồ vật đặc trưng cho từng dân tộc, gắn bó với đời sống của từng dân tộc. Sự biến thân của các hình tượng đồ vật sự vật trong văn học dân gian cuối cùng cũng quay trở về thành những hình ảnh gần gũi nhất, bình dị nhất của nhân dân, quay trở về với tấm lòng và tư tưởng của nhân dân. Ví như cô Tấm, trong sự biến thân của mình, từ chim vàng anh, cây xoan đào, đến khung cửi, và cuối cùng là quả thị trong bàn tay bà lão tốt bụng, lương thiện, cũng là quá trình vận động biến thân về với nhân dân. Chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, không gian của nó là ở đâu? Chính là ở nơi cung vàng điện ngọc, gắn với nhà vua. Chính trong nơi ấy nhân vật chính mới không được yên ổn, mới bị cái ác truy diệt. Cuối cùng, trong hình hài trái thị được nhân dân bảo bọc, cô Tấm đã gặp lại nhà vua và tìm về hạnh phúc, thưởng thiện, phạt ác theo đạo lý của nhân dân. Như vậy ta thấy, chỉ khi biến thành cây thị mọc ở nơi thôn dã, chỉ khi rụng vào tay bà lão bán nước lương thiện, đại diện cho nhân dân lương thiện, thì cô Tấm mới được bảo vệ, mới có sức mạnh để chiến thắng cái ác. Đây chính là tư tưởng hướng về nhân dân, đạo lý là ở nhân dân, sức mạnh là ở nhân dân, tấm lòng là ở nhân dân.

Chiếc đàn môi của dân tộc Thái trong kết thúc truyện Xống chụ xon xao cũng có cái ý vị như thế. Chiếc đàn môi đã có từ rất lâu, đó là một nét văn hóa  truyền thống đầy chất thơ của người dân tộc vùng Tây Bắc. Họ thổi đàn môi trong những ngày lễ hội. Họ thổi đàn môi để giao duyên, đối đáp. Họ thổi đàn môi để tỏ tình, để giãi bày tâm tư. Đàn môi là vật gắn với niềm vui, gắn với hạnh phúc, là gắn liền với đời sống tinh thần con người, là người lắng nghe những tâm sự, là ông tơ bà nguyệt nối liền yêu thương. Ở Tây Bắc những ngày xuân, các đôi trai gái sẽ thổi đàn môi đối đáp để bày tỏ tình cảm, từ đó hiểu nhau và tiến xa hơn.

Thật cảm động làm sao! Tình yêu con người nảy sinh từ tiếng đàn môi ấy, nay lại cũng vì tiếng đàn mà hồi sinh!

Tiếng đàn môi xuất hiện trong tác phẩm khiến cho truyện thơ mang đậm phong vị của núi rừng Tây Bắc, phảng phất ý vị tâm hồn người Thái mơ mộng, dạt dào yêu thương! Dấu ấn văn hóa đặc trưng đó chính là một sức hấp dẫn khó có thể cưỡng lại của các tác phẩm văn học.

Kết thúc theo hướng đoàn viên là kết thúc có hậu – ít ra là có hậu so với những kết thúc truyện thơ mà đôi tình nhân phải chết. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn trước số phận của người vợ cả của anh yêu. Liệu rằng trả người vợ cả về nhà mẹ đẻ để nối lại duyên xưa, có thật sự là cái kết hạnh phúc? Chúng ta đều đồng ý rằng: Không thể có một hạnh phúc trọn vẹn nếu hạnh phúc đó xây dựng trên đau khổ của người khác.

Rõ ràng người vợ cả đã van nài để được ở lại, dù là vợ lẽ cũng cam lòng:
“Đừng giũ em như giũ chỉ
Đừng vứt em như khách vứt tàu dong!
Xin giã gạo đổi chày
Xin phơi thóc đỡ tay
Anh đã có kiềng, xin làm gạch cạnh
Anh gặp lại người yêu, em xin được làm vỡ lẽ!
Xin được làm vỡ lẽ đỡ đầu roi
Con đòi đỡ chuôi kiếm
Làm đầy tớ gánhc ám
Làm đứa ở gánh rượu
Làm kẻ hầu múc nước rửa chân cho vợ anh
Sầy thóc xin ăn nhờ
Dầu phận thiếp nằm rùa cũng cam!”

Trước những lời lẽ thống thiết ấy, thử hỏi sắt đá thế nào mà có thể không mủi lòng? Thế nhưng cái sắt đá của “anh yêu” cũng có lí do của nó. Để ý kĩ, lời van xin của người vợ cả có thống thiết, nhưng lại hạ mình thái quá. Vốn danh nghiã là vợ, thế mà giờ xin làm vợ lẽ, tự nguyện làm lụng phục vụ vợ anh, tự nguyện nhận đòn roi, ăn thì ăn nhờ, và cuối cùng nhận mình là “đầy tớ”, “kẻ hầu”! Con người ấy trở ở lại làm kẻ hầu, thì có thể hạnh phúc được không?

Nếu tinh ý, ta sẽ nhận thấy cái cảnh mà người vợ cả cam chịu để được ở lại, cũng ê chề đau khổ không kém gì hoàn cảnh của “em yêu năm xưa”.

Em yêu năm xưa cũng nhận những đòn đau đớn, người vợ cả giờ đây cũng “xin là vỡ lẽ đỡ đầu roi”.

Em yêu năm xưa cô độc trong chính nhà chồng, làm quần quật với biết bao tủi nhục, người vợ cả giờ đây cũng “xin giã gạo đổi chày/ xin phơi thóc đỡ tay”, “làm đầy tớ gánh cám/làm đứa ở gánh rượu”.

Em yêu năm xưa đến cái ăn, cái mặc cũng cực nhục, vậy mà nay người vợ cả “sẩy cơm xin ăn nhờ” – ê chề biết nhường nào?

Dường như ở số phận hai người phụ nữ ấy có sự chiếu ứng trong nhau, điều này cũng hợp lý, bởi họ cùng sống trong một xã hội, đó là xã hội của những hủ tục, đó là xã hội coi trọng đồng tiền, chẳng trách số phận của họ cũng có những bất hạnh chung. Nguyễn Du chẳng phải đã từng cất lên tiếng xé lòng:

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung?”
Sự khác biệt giữa hai số phận ấy, đó là đối với em yêu, cái khổ là chuyện đã rồi, là chuyện của thì quá khứ. Còn đối với người vợ cả, cái khổ là thì tương lai, hơn nữa lại là những gì cô ta mong muốn.

Ở vị trí của anh yêu, liệu rằng anh có nhẫn tâm chấp nhận người vợ cả phải chịu những cực nhục đó, bởi anh đã quá hiểu nó khổ thế nào, nó nhục thế nào những tháng ngày năm xưa anh chăm sóc em yêu ở nhà chồng em yêu.

Như vậy, bề ngoài tưởng lạnh lùng, tưởng hạnh phúc xây dựng trên bất hạnh của cô vợ cả, nhưng thực chất kết thúc ở đây, ngoài ý nghĩa hạnh phúc đoàn viên của đôi nhân vật chính, nó còn có ý nghĩa giải phóng con người, cụ thể là người phụ nữ, khỏi những hà khắc đau đớn do xã hội của những phong tục cổ hủ mang lại.

Nếu em yêu về nhà mẹ đẻ trong đòn roi, đánh đập, thì người vợ cả trở về nhà mẹ đẻ rất trang trọng, đường hoàng:
“Chồng em sắp của và mười hai tấm khăn
Đồ đạc trong nhà chia đều hai phần
Chia ngựa, chia cả yên lẫn nhạc
Đã thương nhau, lụa là vải vóc chia đôi
Áo mặc vào người xẻ nửa”
“Trông ra thấy hoa đào cài búi tóc
Mặt gối thêu hoa chợ
Tà ảo mổ đuôi cá
Khăn piêu đen thấp thoáng tỏa đuôi voi
Người đi rồi chẳng bao giờ còn quay lại”
Và cô cũng tìm được tình yêu đích thực của mình, có cuộc sống hạnh phúc:
“Còn như phận người vợ bỏ
Trở về nhà cũ mẹ cha
Lấy được chồng êm ấm thuận hòa
Sau cũng được quyền to chức lớn”
Như vậy kết thúc quả là rất có hậu. Nó có hậu không chỉ vì các nhân vật được đoàn viên, hạnh phúc, mà nó có hậu còn vì nó đã truyền đạt được thông điệp phản phong mạnh mẽ, cất lên tiếng nói đòi quyền tự do cá nhân, đòi quyền hạnh phúc cho con ngườimột cách quyết liệt. Có thể sẽ không sai khi cho rằng, kết thúc này chính là chiến thắng của khát vọng hạnh phúc, của ước mơ công lý trước những thế lực xã hội hà khắc, cổ hủ chà đạp lên con người.

Đăng nhận xét