Search Suggest

Phân tích các nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguồn gốc nào là quan trọng nhất quyết định bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh

Phân tích các nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguồn gốc nào là quan trọng nhất quyết định bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh

1. Khái niệm Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
2. Nguồn gốc Tư tưởng Hồ Chí Minh
2.1. Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam
- Chủ nghĩa yêu nước và ý chí bất khuất, tự lực tự cường
+ Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành động lực, sức mạnh truyền thống, đạo lý làm người, niềm tự hào và là nhân tố hàng đầu trong bảng giá trị tinh thần của con người Việt Nam.
+ Chủ nghĩa yêu nước chính là động lực chi phối mọi suy nghĩ, hành động của Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.
- Tinh thần cộng đồng, đoàn kết, ý thức dân chủ xuất hiện, được nuôi dưỡng trong quá trình dựng nước, giữ nước và trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc.   
- Truyền thống cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong chiến đấu, không ngừng mở cửa đón nhận tinh hoa văn hoá của nhân loại để bảo tồn và phát triển đất nước.
Trước 1911, gia đình, quê hương, đất nước đã chuẩn bị đầy đủ hành trang yêu nước để Người ra đi tìm đường cứu nước.
2.2. Tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây
* Phương Đông
- Nho giáo
+  Nho giáo khi vào nước ta đã được Việt hóa thành nho giáo Việt Nam thể hiện những giá trị về lòng yêu nước, thương dân.
+ Hồ Chí Minh tiếp thu những mặt tích cực trong học thuyết của nho giáo: tinh thần “nhân nghĩa”, đề cao “trung - hiếu”. Lý tưởng về một xã hội bình trị, một thế giới đại đồng. Đề cao văn hoá, lễ giáo, tạo ra tinh thần hiếu học…
+  Bên cạnh những yếu tố tích cực trên Hồ Chí Minh còn phê phán, bác bỏ những yếu tố tiêu cực như phân chia đẳng cấp, coi khinh lao động chân tay, tư tưởng trọng nam khinh nữ…
Hồ Chí Minh là một hiện thân của bậc quân tử, đấng trượng phu trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
- Hồ Chí Minh tiếp thu những mặt tích cực nhất trong học thuyết của phật giáo:
+ Phật giáo là tư tưởng vị tha, bình đẳng, từ bi, bác ái.
+ Phật giáo cũng đề cao nếp sống đạo đức, trong sạch, chăm làm điều thiện, coi trọng lao động.
+ Phật giáo vào Việt Nam kết hợp với chủ nghĩa yêu nước sống gắn bó với dân, hoà vào cộng đồng chống kẻ thù chung của dân tộc là chủ nghĩa thực dân.
- Người cũng đã tìm thấy ở “Chủ nghĩa tam dân” (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) của Tôn Trung Sơn những điều phù hợp với điều kiện của cách mạng nước ta là Tư tưởng dân chủ tiến bộ.
Hồ Chí Minh là nhà mác-xít tỉnh táo và sáng suốt, biết khai thác những yếu tố tích cực của tư tưởng văn hoá phương Đông để phục vụ cho sự nghiệp của cách mạng Việt Nam.
* Văn hoá phương Tây: 
- Tư tưởng tự do, bình đẳng bác ái của cuộc cách mạng tư sản
    Ngay từ lúc còn học ở nhà trường Hồ Chí Minh đã được làm quen với nền văn hóa Pháp. Người đã từng biết đến khẩu hiệu “Tự do- Bình đẳng- Bác ái”.
-  Tư tưởng dân chủ trong cách mạng tư sản với quyền dân tộc, quyền con người và tư tưởng Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Đây là những tư tưởng tiến bộ trong tinh hoa văn hóa phương Tây đã tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ, hành động và tư tưởng của Hồ Chí Minh.
- Tư tưởng dân chủ của các nhà khai sáng như: Vônte, Môngtétxkiơ, Rútxô…
- Học thuyết của thiên chúa giáo: Hồ Chí Minh còn tiếp thu tư tưởng của Thiên Chúa giáo trong quá trình hình thành tư tưởng của mình, tiêu biểu nhất là lòng bác ái, đức hy sinh.
Hồ Chí Minh tiếp thu có chọn lọc tư tưởng văn hoá Đông-Tây để phục vụ cho cách mạng Việt Nam. Người dẫn lời của Lênin: “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại[1].
2.3 Chủ nghĩa Mác - Lênin
-  Chủ nghĩa Mác – Lênin chính là điều kiện khách quan trực tiếp hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Học thuyết giúp cho Hồ Chí Minh có được thế giới quan, phương pháp luận biện chứng để tìm ra con đường cho cách mạng Việt Nam.
-  Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận Mác – Lênin với một trí tuệ thiên tài với quan điểm lý luận gắn liền với thực tiễn, Người đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận này trong điều kiện xã hội Việt Nam là một xã hội thuộc địa nửa phong kiến.
2.4. Trí tuệ và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh
- Hồ Chí Minh là người có tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, có ý chí quyết tâm của một người yêu nước, có lý tưởng hoài bão lớn, bản lĩnh kiên định, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời cho dân tộc độc lập, tự do hạnh phúc cho nhân dân.
- Tài năng trí tuệ mà biểu hiện trước hết là ở sự kiên trì học tập, tiếp thu vốn tri thức phong phú của dân tộc và nhân loại.
   - Đó là năng lực hoạt động thực tiễn phong phú của Hồ Chí Minh.
Trong các nguồn gốc lý luận thì nguồn gốc chủ nghĩa Mác-Lênin là quan trọng nhất, quyết định bước ngoặt cách mạng và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Giữa nguồn gốc lý luận với nhân tố chủ quan thì không thể xác định yếu tố nào quan trọng hơn, bởi thiếu một trong hai nội dung đó sẽ không có tư tưởng Hồ Chí Minh.
* Vai trò của chủ nghĩa Mác–Lênin đối với sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp, quyết định bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh, là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tư tưởng của Người góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác-Lênin ở thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập, tự do.
Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với chúng ta… là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội…”.
Sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin ở Hồ Chí Minh nổi lên một số điểm đáng chú ý:
Một là, khi ra đi tìm đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã có một vốn học vấn chắc chắn, một năng lực trí tuệ sắc sảo, Người đã phân tích, tổng kết các phong trào yêu nước Việt Nam chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; Người tự hoàn thiện vốn văn hoá, vốn chính trị, vốn sống thực tiễn phong phú, nhờ đó Bác đã tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin như một lẽ tự nhiên “tất yếu khách quan và hợp với quy luật”. Chủ nghĩa Mác-Lênin là bộ phận văn hoá đặc sắc nhất của nhân loại: tinh tuý nhất, cách mạng nhất, triệt để nhất và khoa học nhất
Hai là, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin là tìm con đường giải phóng cho dân tộc, tức là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn Việt Nam chứ không phải từ nhu cầu tư duy. Người hồi tưởng lần đầu tiếp xúc với chủ nghĩa Lênin, “khi ấy ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang đứng trước đông đảo quần chúng: hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”.
Ba là, Người vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin theo phương pháp mác-xít và theo tinh thần phương Đông, không sách vở, không kinh viện, không tìm kết luận có sẵn mà tự tìm ra giải pháp riêng, cụ thể cho cách mạng Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở chủ yếu nhất hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ:
- Quyết định bản chất thế giới quan khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Quyết định phương pháp hành động biện chứng của Hồ Chí Minh.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam, là tư tưởng Việt Nam thời hiện đại. Hồ Chí Minh là người đầu tiên đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho “CNXH đặc sắc Việt Nam”.



Đăng nhận xét