Search Suggest

[CẢM HỨNG SỐNG] ÁO LỤA HÀ ĐÔNG



“ Chúng ta muốn hòa bình, hoàn toàn hòa bình và chẳng gì hơn ngoài hòa bình , và thậm chí nếu chúng ta có phải chiến đấu một cuộc chiến đẫm máu nhất, chúng ta cũng sẽ đạt nó.”
Thế hệ trẻ chúng tôi đang sống trong một thế giới hòa bình nhưng đã có ai tự hỏi : “Hòa bình là gì ?” hay chưa? Phải chăng có ai từng nghĩ rằng đằng sau những năm tháng độc lập, tự do như hôm nay phải trả giá bằng xương máu và nỗi đau của nhiều người đổ xuống trên đất mẹ? Dường như khái niệm chiến tranh và hòa bình chỉ hiện hữu trong suy nghĩ của nhiều người trẻ cùng thế hệ của tôi thông qua các tiết học lịch sử, các tác phẩm văn học hay qua lời kể của người thân. Tôi cũng không phải là người ngoại lệ đến khi được tiếp xúc với bộ phim “Áo lụa Hà Đông” – một bộ phim để lại nhiều ảnh hưởng đến tính cách và cách suy nghĩ của một đứa trẻ vừa vào lớp Hai là tôi cách đây gần mười năm về trước. Mọi âm thanh , tiếng cười, nói và ngay cả tiếng gào thét, khóc lóc của nhân vật như tồn đọng mãi trong kí ức tôi như ngày đầu tôi được thưởng thức bộ phim này. Nhờ vào tác phẩm, tôi đã học được cách trân trọng những gì mình đang có và tiếp thêm động lực phấn đấu thực hiện ước mơ của mình.

“Áo lụa Hà Đông” là một tác phẩm điện ảnh chiến tranh , tâm lí và tình cảm Việt Nam dài hơn hai tiếng. Tác phẩm lấy bối cảnh trong những năm 1954 , dưới sự đàn áp hỗn loạn của thực dân Pháp, đôi vợ chồng Dần và Gù tất tả dắt díu nhau vào Nam, mong tìm được nơi có một tương lai sáng hơn để họ có thể sống yên ổn bên nhau. Tài sản quý giá nhất hai người mang theo là chiếc áo dài bằng lụa Hà Đông mà Gù lấy làm quà cưới Dần. Đó chính là chiếc áo quấn quanh người chú bé Gù khi người ta tìm thấy chú nằm trơ trọi dưới gốc cây đa đầu làng. Nhưng do đói khổ, lại vừa đúng lúc Dần hạ sinh đứa con đầu lòng, hai vợ chồng đành phải dừng chân tại Hội An. Từ đó, họ gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai.

Có thể khi đọc đến đây, nhiều người sẽ lại ngán ngẩm và không mong đợi một tác phẩm kèm chủ đề chiến tranh và những con người trong sạch với tấm lòng cao thượng “ giấy rách phải giữ lấy lề” quen thuộc trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Nhưng “Áo lụa Hà Đông” lại không như vậy.Với nét đẹp tiềm ẩn và hình ảnh gây chấn động tâm lí người xem đã khiến tác phẩm như có sức sống mãnh liệt theo thời gian.
Nhân vật trung tâm của bộ phim là Dần - vốn là một người ở nhưng đã theo tiếng gọi tình yêu trốn đi cùng Gù để tránh khỏi thân phận nô lệ thấp kém. Cả cuộc đời chị như là những trang sách bi thương giữa chiến tranh loạn lạc. Dừng chân tại đất Hội An một ít lâu, gia đình chị tăng thêm nhân khẩu đến sáu người. Dù nghèo khó nhưng cái căn nhà rách nát ấy vẫn tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Cuộc sống êm đềm cứ lặng lẽ trôi đi cho đến khi hai đứa con gái lớn của chị trưởng thành cần một chiếc áo dài đến trường như các bạn. Hai vợ chồng Dần làm việc quần quật cả ngày lo hai bữa ăn của sáu người còn chưa đủ , giờ lại vào mùa nước lớn , việc cào hến càng khó khăn hơn , gia đình họ phải ăn cháo loãng qua ngày , giờ lại phải lo tấm áo đi học cho hai đứa trẻ .

Bước vào bước đường cùng, chị phải nhận đi làm vú nuôi . Nhưng bi kịch cho chị , sữa của chị không phải để nuôi lớn một đứa trẻ mà là nguồn dinh dưỡng cho một ông già người Hoa tuổi sắp gần đất xa trời. Mỗi sáng, Dần lại đến làm công việc vú nuôi quái dị của mình, cởi áo, đưa bầu vú qua một ô nhỏ trên bức tường gỗ, phía bên kia, cụ già thất thập cổ lai hy, mồm móm mém chỉ còn vài chiếc răng, đưa miệng bú dòng sữa vốn dành cho con thơ. Hình ảnh đẹp này đã tạo ấn tượng rất mạnh cho tôi về một người mẹ giàu đức hy sinh, chấp nhận đánh đổi mọi đau đớn và tủi nhục vì một tương lai được cắp sách đến trường của đàn con .Công việc ấy vẫn tiếp tục mãi đến khi chàng Gù phát hiện. Chàng nổi cơn giận dữ mà quát mắng, đánh chị vì làm mất danh dự trước nếp sống “đói cho sạch , rách cho thơm” mà gia đình chị luôn đề cao. Trước khung cảnh ấy, lời nói dứt khoát của chị như một điểm nhấn về hình ảnh của một người mẹ Việt Nam điển hình :

_Bây giờ có phải làm đĩ để nuôi chúng ăn học nên người, em cũng không tiếc gì phần em.

Qua câu nói trên , chắc hẳn hầu như ai cũng như tôi từng đặt câu hỏi: “ Tại sao chị Dần lại có thể hi sinh to lớn như vậy ?” Đơn giản là vì chị cũng chỉ là một người mẹ, một người mà có thể chấp nhận bỏ lại những niềm vui và sở thích thời thanh xuân để có thể dành hết tình cảm và những thứ tốt đẹp nhất cho những người con của mình. Mẹ tôi cũng vậy. Mẹ tôi là một người mạnh mẽ, thích sự tự do và yêu những chuyến đi.Tôi từng được nhiều người kể về thời thanh xuân của mẹ, mẹ tôi như một con ngựa hoang bất trị luôn muốn khám phá thế giới dù trên con đường đến đích lại đầy gai nhọn, nhưng cũng vì chị em chúng tôi , mẹ đã từ bỏ những thú vui ấy mà dành hết sự quan tâm, lo lắng và sự yêu thương cho những đứa con bé nhỏ của bà. Dù đôi khi tôi lại cảm thấy tức giận vì những câu nói, lời nhận xét về những lỗi lầm hay những yêu cầu mẹ đưa ra cho bản thân tôi nhưng đến khi tôi được xem đến phân đoạn này, tôi mới chợt nhận ra rằng cái được gọi là chờ mong và hi vọng mà những người mẹ trong chờ ở con mình không phải vì tiền bạc hay là sự báo hiếu mà cái họ mong muốn chính là con cái họ có thể đứng vững trên đôi chân và sống đúng bản thân mình dù con đường vẫn còn nhiều chông gai phía trước.

Bước đến bước đường cùng, chị phải mang chiếc áo dài đính hôn của hai vợ chồng nhờ người cắt và miệt mài khâu thành chiếc áo dài mơ ước cho hai chị em Hội An và Ngô đến trường. Với Dần, chiếc áo dài là biểu tượng của sự chịu đựng vô bờ bến. Của những tấm lòng rộng lượng của người phụ nữ Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, dù cho chiến tranh bom đạn, có tàn phá thế nào đi nữa. Áo dài phụ nữ Việt Nam vẫn tồn tại và vẫn giữ được vẻ đẹp của nó, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, không phải là làn da trắng hay má đỏ môi hồng mà phải nhìn qua những tà áo dài thướt tha, dịu dàng thể hiện lên một tâm hồn trong sạch và tính nết đoan trang của nó. Nên khi hai cô con gái lớn của chị mặc chung chiếc áo ấy đến trường, chúng luôn nghĩ mình đang mặc một báu vật của gia đình. Và cũng từ trong chiếc áo ấy, cô bé Hội An đã viết bài luận về áo lụa Hà Đông, về hành trình của nó.

Bài văn của em trong veo như chính chiếc áo lụa trắng đã bị bom Mỹ cắt ngang. Bom đạn đã tước mất cuộc đời chưa vào tuổi thanh xuân của Hội An. Chiếc áo dài ấy đã thấm máu Hội An, thấm biết bao nước mắt của mẹ Dần, bố Gù và những đứa em thơ. Hình ảnh chị Dần vừa vội lật từng cái chiếu xem mặt nạn nhân vừa cầu mong An không phải là người nằm xuống thật xót xa . Mọi hy vọng mong manh của chị dường như đang chết dần đi cho đến khi nhìn thấy khuôn mặt thân thuộc ấy, chị vội vã ôm con vào lòng mà khóc và gào thét .

Nhưng mọi chuyện lại không dừng ở đó, trong một lần đi cào hến trong mưa lớn, vì muốn vớt vài cành củi để bán lấy tiền may áo dài cho Ngô, Dần đã bị dòng nước lũ cuốn đi. Lũ cuốn chị đi xa mãi như một cơn lốc xoáy cuốn đi cuộc đời tăm tối của Dần – một cuộc đời chưa từng hưởng một giây phút hạnh phúc trọn vẹn.

Đặc biệt ,hình ảnh Ngô - người con thứ hai của Dần treo chiếc áo dài vào cành cây, giương cao khi hòa vào dòng người chạy về phía không có tiếng súng chính là hình ảnh tạo ấn tượng đẹp nhất, bất tử nhất của “áo lụa Hà Đông”. Qua đó , tôi như chợt nhận ra, thì ra trong hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm nhất , con người vẫn không ngừng nuôi hy vọng về một tương lai sẽ khác dù rất mong manh .

Tác phẩm kết thúc với hình ảnh đất nước hòa bình năm 1975, hình ảnh mà An đã hỏi bố trước đó: "Bố ơi, hòa bình có đẹp không hả bố?". Thế nhưng em không sống được đến khi được thấy được hòa bình…

Sau khi xem hết tác phẩm , một câu hỏi được đặt ra trong tôi cách đây hơn mười năm về trước: “ Tại sao con người lại phải đổ máu, tại sao An phải ngã xuống hay vì sao chị Dần lại bị dòng nước cuốn đi mà không bao giờ quay trở lại? ” .Càng lớn, tôi lại đưa ra rất nhiều ý kiến trong suy nghĩ nhưng điểm chung duy nhất đó chính là chiến tranh tàn khốc. Chiến tranh nổ ra để giành sự thuận lợi về nhiều mặt giữa hai bên, chiến tranh chỉ có một chân lí “ kẻ thắng làm vua, kẻ thua làm giặc” nên hai bên đều không nhường nhịn nhau, không từ bỏ một thủ đoạn nào để chiến thắng. Nhưng một khi chiến tranh nổ ra thì chắc chắn chỉ có đau thương, những con người tội nghiệp như gia đình chị Dần bất đắc dĩ bị cuốn vào vòng xoay tăm tối. Như “ năm điều Phật dạy về tội ác chiến tranh” từng viết: “Chiến tranh sẽ đi liền với cái chết, xé toạc những bầu trời yên bình, nảy sinh rạn nứt trong các mối quan hệ, làm cản trở con đường phát triển của đất nước và sự trừng phạt khốc liệt cho những kẻ gây ra chiến tranh .” Chiến tranh khiến nhiều gia đình phải li tán , trẻ em không được cắp sách đến trường , bị tước bỏ cơ hội được sống và khát khao. Điều đó quả là độc ác, theo tôi, trẻ em cần được yêu thương , chăm sóc , giáo dục và sống đúng với độ tuổi của chúng nó. Trẻ em cũng cần có một gia đình để nương tựa và trở về.Tác phẩm trên đã thể hiện rõ một tấn bi kịch “ những con người sống mà chưa từng được chứng kiến thế giới hòa bình ”. Với câu hỏi ngây thơ của An khi hỏi bố: “ Bố ơi , hòa bình có đẹp không bố ?” và câu trả lời của chàng Gù: “Bố chưa từng thấy hòa bình, chắc hòa bình cũng đẹp như con vậy” làm dấy lên nỗi chua xót tột cùng trong bản thân tôi. Tôi là một đứa trẻ rất may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong một thế giới hòa bình nên tôi không thể hiểu hết được nỗi đau tột cùng của con người trong thời kì loạn lạc ấy. Vậy mà trong suy nghĩ của tôi trước đây, việc thế giới hòa bình là một chuyện rất hiển nhiên, bình thường nhưng đối với những con người kia, hòa bình là một thứ rất xa xỉ mà cả đời họ cũng chưa từng được thấy một lần.Tác phẩm như một bức tranh sống động , đầy tình người và nước mắt rất xứng đáng là một tác phẩm mà mọi con người Việt Nam cần xem.

Qua cách chuyển đổi cảnh tài tình , “Áo lụa Hà Đông” như một luồng gió hiện thực thổi vào tâm hồn tôi. Với tình yêu bao la của chị Dần đối với những đứa con của chị làm tôi càng ngày xem trọng người mẹ của mình . Mẹ của tôi không hoàn hảo, bà không phải là một người phụ nữ dịu dàng , luôn tỏ ra nghiêm khắc với chị em tôi nhưng bà vẫn sẵn sàng lắng nghe những câu chuyện nhỏ nhặt xảy ra trong cuộc sống thường nhật hay tôn trọng những ý kiến của bản thân chúng tôi. Mẹ của các bạn cũng vậy. Dù cách diễn đạt tình cảm tuy khác nhau nhưng tôi chắc chắn không người mẹ nào lại không thương con mình. Mặc khác, tác phẩm đã tạo cho tôi niềm yêu vào cuộc sống này- một thế giới hòa bình không bom đạn, nó giúp tôi học cách trân trọng những gì mà tôi đang có và luôn hi vọng vào tương lai rồi mọi chuyện sẽ khác. Xem “Áo lụa Hà Đông” để hiểu được tại sao Ralph Waldo Emerson đã từng viết như thế này :

“Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh.”

Hùng Huệ Lan 

Lớp 11.4

(Trường THTH ĐHSP niên khóa 2016 - 2019)

***
Bài viết trong khuôn khổ hoạt động "Tác phẩm nghệ thuật truyền cho em cảm hứng sống". Đây là hoạt động kết nối trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật với kinh nghiệm sống của học sinh, qua đó đưa giờ Văn gần hơn với đời sống.

Đăng nhận xét