Search Suggest

[DẠNG BÀI LLVH] "CHIẾN LƯỢC" TRIỂN KHAI DẪN CHỨNG





Trong các bài viết nghị luận văn học của mình, đã bao giờ bạn gặp tình trạng:

+ Bài viết 5 tờ giấy thi nhưng điểm lại không cao bằng một bài viết 3 tờ giấy thi?

+ Bạn nghĩ rằng mình đã ghi rất đầy đủ chi tiết những kiến thức thầy cô dạy, nhưng cuối cùng vẫn không được đánh giá cao?

 “Viết dài là viết hay”, “thuộc bài là điểm tốt” -  Đó là những lầm tưởng vô cùng tai hại. Bởi một bài văn hay bao giờ cũng là một chỉnh thể kết nối hữu cơ giữa từng phần, từng đoạn trong bài viết, nó đòi hỏi tính hợp lý, tính liên kết. Phần triển khai dẫn chứng trong bài viết cũng không ngoại lệ.

Vậy, đã đến lúc chúng ta vứt bỏ quan niệm cũ kĩ sai lầm ấy, và hình thành cho mình những “chiến lược” hiệu quả để triển khai dẫn chứng.

1.    Đọc đề và xác định phạm vi dẫn chứng

Một đề văn bao giờ cũng phải có hai thông tin cơ bản: Yêu cầu đề bài (vấn đề cần bàn luận là gì? Những thao tác lập luận cần triển khai là gì) và phạm vi dẫn chứng. Để triển khai tốt dẫn chứng, trước nhất phải đọc kĩ đề bài để xác định được phạm vi dẫn chứng cần triển khai. Một số tiêu chí xác định phạm vi dẫn chứng có thể là:

STT
Tiêu chí
Trả lời cho câu hỏi
1
Kết cấu tác phẩm
Đề yêu cầu bàn về toàn bộ tác phẩm, hay một phần, một yếu tố cụ thể của tác phẩm?
2
Số lượng tác phẩm
Đề yêu cầu bàn về một tác phẩm hay nhiều tác phẩm
3
Giai đoạn văn học
Đề yêu cầu bàn về giai đoạn văn học nào? (dân gian, trung đại, hiện đại…)
4.
Nền văn học
Đề yêu cầu bàn về văn học Việt Nam hay văn học nước ngoài?
5.
Thể loại văn học
Đề yêu cầu bàn về thể loại văn học nào? (thơ, truyện, kịch…)?
6.
Đề tài, chủ đề
Đề có yêu cầu bàn về những tác phẩm thuộc đề tài cụ thể (đất nước, người phụ nữ, người nông dân…) hay không?
7
Tác giả
Đề có yêu cầu bàn về những tác phẩm của tác giả cụ thể hay không?

Mỗi đề khác nhau sẽ có những cách yêu cầu phạm vi dẫn chứng khác nhau. Những yếu tố nào không thể hiện cụ thể trên đề, thì có thể hiểu là chọn thế nào cũng được.

Trong trường hợp đề không nói gì về phạm vi dẫn chứng, thì có nghĩa là người viết được tùy chọn phạm vi dẫn chứng. Trong trường hợp này, việc chọn dẫn chứng cần bao quát các tiêu chí trên đây thì sẽ tốt hơn. Ví dụ: vừa có dẫn chứng thơ vừa có dẫn chứng truyện, vừa có dẫn chứng văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại; vừa có dẫn chứng văn học Việt Nam và văn học nước ngoài… Người viết cần cân nhắc yêu cầu đề bài và thời gian làm bài thực tế để xác định chọn dẫn chứng và triển khai dẫn chứng nông, sâu cho phù hợp. Cũng không nhất thiết phải triển dẫn chứng theo toàn bộ các tiêu chí đã nêu ở trên.

Không phải lúc nào các tiêu chí trên cũng thể hiện trực tiếp trong câu mệnh lệnh. Một số trường hợp, phạm vi dẫn chứng được gợi ra ở phần dẫn dắt hoặc trong ngữ liệu mà đề cung cấp. Ví dụ với đề bài sau:

Đề bài:
 “Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc đời sống”(Tô Hoài)
Anh (chị) hãy bình luận về ý kiến trên.

Với đề trên, rõ ràng câu mệnh lệnh không nói gì nhiều, nhưng ta phải hiểu phạm vi dẫn chứng đó là các tác phẩm truyện ngắn, điều này gợi ra từ câu nhận định mà đề cung cấp.

Cũng tương tự như vậy, với một đề bài khác:

Đề bài:
Bàn về đặc trưng của thơ, Lamáctin -  nhà thơ Pháp – tâm sự: Thế nào là thơ? Đó không phải chỉ là một nghệ thuật, đó là sự giải thoát của lòng tôi.
Anh/chị hãy bình luận về ý kiến trên.

Trong đề trên, phạm vi dẫn chứng phải là những tác phẩm thuộc thể loại thơ. Điều này được gợi ra trong cụm từ “Bàn về đặc trưng của thơ”.

Việc đọc kĩ đề và xác định phạm vi dẫn chứng rất quan trọng. Trước nhất nó cho người viết một cái nhìn tổng quát về yêu cầu đề để chọn được dẫn chứng đúng. Nếu bài viết triển khai dẫn chứng nằm ngoài phạm vi đề yêu cầu, thì coi như lạc đề, mọi nỗ lực sau đó coi như đổ sông đổ bể.

Bên cạnh đó, việc xác định phạm vi dẫn chứng cũng giúp người đọc hình dung tổng thể về những dẫn chứng mình sẽ triển khai trong bài viết. Cụ thể, có thể dễ dàng xác định dẫn chứng bắt buộcdẫn chứng mở rộng. Dẫn chứng bắt buộc là dẫn chứng đề yêu cầu, cần phải giải quyết thỏa đáng. Dẫn chứng mở rộng là dẫn chứng thêm, người viết sử dụng để so sánh, đối chiếu, liên hệ với dẫn chứng bắt buộc để làm sáng rõ hơn vấn đề, tạo ra cái nhìn trên diện rộng cho vấn đề nghị luận mà mình triển khai. Đương nhiên, cần phải lưu ý sự hợp lý giữa hai loại dẫn chứng này. Dẫn chứng bắt buộc bao giờ cũng phải là trọng tâm, phải triển khai nhiều hơn, sâu hơn, kĩ hơn dẫn chứng mở rộng.

2.    Hai tiêu chí chọn dẫn chứng

Sau khi xác định phạm vi dẫn chứng, câu hỏi đặt ra sẽ là “Làm thế nào để chọn được dẫn chứng cho phù hợp?”. Có hai căn cứ quan trọng cần xét đến:

1)   Yêu cầu đề bài: Những dẫn chứng nào sẽ làm bật lên được các vấn đề mà đề yêu cầu bàn luận?
2)   Kết cấu tác phẩm: Những dẫn chứng nào sẽ làm bật lên được nét đặc sắc, những vấn đề trọng tâm, đặc trưng của từng tác phẩm?

Dẫn chứng tốt là dẫn chứng đảm bảo được cả hai yêu cầu trên.


Với dạng bài lí luận văn học, việc phân tích dẫn chứng không phải để làm bật lên cái hay, cái đẹp của tác phẩm, mà quan trọng hơn là phải làm rõ được vấn đề đề bài yêu cầu. Cho nên, trong suốt quá trình chọn dẫn chứng và triển khai dẫnc hứng, yêu cầu đề bài luôn phải được đặt lên hàng đầu, bởi đó chính là kim chỉ nam, là cái đích cuối cùng mà bài viết hướng đến.

Bên cạnh đó, người viết cũng cần nắm tổng thể từng tác phẩm để có thể chọn dẫn chứng cho phù hợp nhất. Để làm rõ vấn đề nghị luận, thì ta sẽ chọn tác phẩm nào, chi tiết nào trong tác phẩm, và sẽ triển khai dẫn chứng như thế nào? Những câu hỏi như vậy cần được cân nhắc đến trong quá trình chọn dẫn chứng. Để giải quyết được những câu hỏi này, nhất thiết chúng ta phải nắm được kết cấu tác phẩm, với mỗi tác phẩm phải biết được dẫn chứng nào là cụ thể, tiêu biểu, dẫn chứng nào là quan trọng có thể làm toát lên được những giá trị cốt lõi của tác phẩm.

Thế nào là chi tiết quan trọng, tiêu biểu? Câu trả lời có tính chất tương đối. Bởi lẽ quá trình tiếp nhận văn học có tính chủ động, sáng tạo, mỗi người đọc sẽ cảm thấy ấn tượng, thích thú với những khía cạnh khác nhau của tác phẩm. Tuy vậy, về mặt cấu trúc tác phẩm (tức cách sắp xếp các yếu tố của tác phẩm), vẫn có những phần, những đoạn nổi bật hơn cả mà nhiều người khi đọc đều nhận thấy và chấp nhận đó là yếu tố tiêu biểu.

Ví dụ với tác phẩm “Chí Phèo”, hẳn nhiên không khó để nhận ra yếu tố trọng tâm của tác phẩm chính là nhân vật Chí Phèo (có thể căn cứ vào nhan đề, vào cách kết cấu tác phẩm xoay quanh nhân vật, vai trò của nhân vật với cốt truyện, các nhân vật phụ đều xoay quanh Chí Phèo…). Với Chí Phèo, hai nội dung tiêu biểu nổi lên là: bi kịch tha hóa và bi kịch bị tước đoạt quyền làm người. Trong đó, bi kịch bị tước đoạt quyền làm người trọng tâm hơn, nổi bật hơn bởi đó là hệ quả của bi kịch tha hóa, nó là đỉnh điểm của tấn bi kịch, nó đẩy nỗi đau của Chí Phèo đến cao trào để cuối cùng giải quyết bằng “cái chết mở ra ý nghĩa sống”.

Trong bi kịch bị tước đoạt quyền làm người, nổi bật là quá trình thức tỉnh và quá trình bị cự tuyệt. Cả hai quá trình này, Nam Cao đều chú ý vào việc miêu tả trình tự diễn biến tâm lý nhân vật qua từng chặng có mối quan hệ nhân quả, có tính chất biện chứng (“phép biện chứng tâm hồn”). Như vậy, khi khai thác quá trình thức tỉnh hay quá trình bị cự tuyệt, ta đều phải chọn được những chi tiết tâm lý đắt giá, đặc sắc, giàu sức gợi, nói được nhiều điều về nhân vật Chí Phèo.

Ở cấp độ chi tiết, khi phân tích nhân vật Chí Phèo có thể chú ý đến một số chi tiết quan trọng: tiếng chửi, những âm thanh cuộc sống buổi sáng hôm sau, bát cháo hành, giọt nước mắt, cái chết của Chí Phèo.

Một ví dụ khác, bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử. Ta có thể dễ dàng nhận ra mạch cảm xúc của bài thơ chia lìa, đứt đoạn. Khổ 1: cảnh bình minh thôn vĩ tươi đẹp, thoáng chút dự cảm chia lìa. Khổ 2: cảnh sông nước tan tác, chia lìa. Khổ 3: Cảnh cõi mộng hư ảo. Nếu chỉ xem “Đây thôn Vĩ Dạ” là bài thơ tả cảnh thôn Vĩ, xứ Huế thông thường, thì ta chỉ nhìn thấy bề mặt của bàn thơ là ba bức tranh tưởng như không liên kết gì với nhau. Nhưng nếu đi vào mạch ngầm cảm xúc của bài thơ, ta sẽ thấy kết cấu bài thơ đi từ thực đến ảo rồi đến mộng. Đi từ quá khứ tươi đẹp mộng mơ đến thực tại phiêu tán chia lìa, và dừng lại ở tương lai bất định với đầy những câu hỏi hoài nghi, tuyệt vọng. Nắm được cấu trúc đó, ta sẽ dễ dàng hơn để chọn dẫn chứng phân tích tác phẩm. Nếu muốn làm bật lên tình yêu cuộc sống thiết tha đến khắc khoải của thi nhân, ta chọn khổ 1. Nếu muốn làm bật lên dự cảm phiêu tán, chia lìa, ta chọn khổ 2. Còn nếu muốn làm bật lên đặc trưng trường Thơ loạn, thì khổ 3 là thích hợp nhất. Cũng tương tự như vậy, ở mỗi khổ ta phải biết trọng tâm của khổ thơ rơi vào hình ảnh nào, từ ngữ nào, biện pháp nghệ thuật nào, để từ những “hạt bụi vàng” ấy mà ta khái quát lên tinh thần, giá trị của toàn bộ tác phẩm, từ đó có một sơ sở vững chắc để củng cố lập luận của mình.

Việc nắm được những yếu tố nổi bật, những nội dung trọng tâm của từng tác phẩm sẽ giúp chúng ta chủ động và linh hoạt hơn trong việc chọn dẫn chứng. Để làm được điều đó, ta cần trước hết đọc toàn văn tác phẩm (chứ không phải chỉ là đoạn trích như sách giáo khoa). Kế đến, ta cần đặt tác phẩm trong mối liên hệ với các tác phẩm khác có mối liên hệ chặt chẽ với nó (cùng chủ đề, cùng đề tài, cùng thời kì văn học, cùng tác giả, cùng nhóm tác phẩm…). Ví dụ khi phân tích bài thơ “Thu điếu” (Nguyễn Khuyến) thì cần đặt vào trong tổng thể ba bài thơ thu (Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm) để thấy được sự tương đồng trong cách miêu tả cảnh thu và tình thu, từ đó thấy được hồn thu trong thơ Nguyễn Khuyến và bầu tâm sự thầm kín của thi nhân trước thời cuộc.

Như vậy, việc chúng ta cần làm là đọc lại một lượt tất cả các tác phẩm trong chương trình thi, và làm thao tác thống kê. Với mỗi tác phẩm, những nội dung nào là trọng tâm? Với nội dung trọng tâm đó, chi tiết nào là tiêu biểu nhất? Với mỗi chi tiết, ta sẽ khai thác thế nào cho đặc sắc? Sau khi có một bản thống kê, ta đã có vốn liếng kha khá để ứng biến, xoay chuyển linh hoạt cho các đề bài khác nhau.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là ta phụ thuộc một cách máy móc vào những ý trọng tâm, những điều nhiều người thừa nhận. Các bài viết học sinh giỏi vẫn luôn khuyến khích những sáng tạo, những góc nhìn riêng. Có những điểm, những góc nhìn ít người chú ý đến, nhưng nếu khai thác khéo léo thì lại có hiệu quả thuyết phục lớn. Ví dụ như tác phẩm “Hai đứa trẻ”, thường người ta sẽ nói về bức tranh phố huyện, số phận những con người nơi phố huyện, sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, chi tiết đoàn tàu… nhưng cũng đã có người tinh tế và phát hiện ra một yếu tố ẩn dưới tất cả các chi tiết trên, nối kết các chi tiết ấy lại và làm nên cái hồn của tác phẩm: đôi mắt của Liên. Tại sao tác phẩm lại nhìn từ đôi mắt của Liên mà không phải của người khác? Đôi  mắt ấy khởi đầu từ cảnh chiều tàn, đến khi bóng tối ngập tràn, bừng sáng trong khoảnh khắc khi đoàn tàu đi qua rồi lại ẩn chìm vào đêm đen tĩnh mịch, ẩn sâu trong đôi mắt ấy là một thế giới tâm hồn, mở ra vô vàn các tầng thông điệp khác nhau. Đó là một điểm sáng độc đáo mà ta có thể khai thác.

3.    Xác định “điểm nhìn” để triển khai dẫn chứng

Sau khi đã chọn được dẫn chứng phù hợp, thì một việc nữa cần cân nhắc, đó là ta sẽ đứng ở “điểm nhìn” nào để triển khai dẫn chứng. Như chúng ta đã biết, có bốn yếu tố hình thành nên đời sống văn học: hiện thực, nhà văn, tác phẩm, bạn đọc. Các chủ đề lí luận văn học dạy trong chương trình phổ thông hiện hành đều xoay quanh bốn trục này. Trong đó, trục “hiện thực” (bao gồm các yếu tố thời đại) được dùng như một căn cứ đối chiếu để lý giải tác phẩm. Còn yếu tố “nhà văn”, “tác phẩm”, “bạn đọc” chính là những góc nhìn để ta triển khai dẫn chứng.



Tất nhiên, đơn vị mà ta làm việc trực tiếp vẫn là tác phẩm. Ta vẫn phải phân tích tác phẩm để làm rõ yêu cầu đề bài. Nhưng đứng ở vị trí nào để phân tích tác phẩm cũng rất quan trọng, nó quyết định xem ta sẽ xây dựng hệ thống luận điểm bài viết như thế nào, sẽ triển khai và bình dẫn chứng ra sai.
Nhìn qua trục “tác phẩm”, ta đào sâu vào phân tích các chi tiết, các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm, từ các yếu tố đó ta có cơ sở để lập luận, làm rõ vấn đề nghị luận.

Nhìn qua trục “nhà văn”, chủ yếu ta đi vào quá trình nhà văn cấu thành lên tác phẩm, chú ý đến vấn đề cái tâm, cái tài, chú ý đến các dấu hiệu phong cách của nhà văn.

Ví dụ với đề bài:

“Tác giả tôi không sống trên ngọn hải đăng tỏa ánh sáng trong sạch, phát hiện ra cái dơ bẩn ở quanh mình, để rồi khi sáng ngời lên vì trong sạch, anh ta lên tiếng chửi mắng cái dơ bẩn ấy. Tác giả tôi sống trên đất đã làm nên anh ta, đau nỗi đau của đất đã làm nên anh ta.” (Heinrich Boll, trích “Những vấn đề với tình anh em”, Tiểu luận chính trị)
Nhận định trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa tác giả và hiện thực cuộc sống? Hãy phân tích một vài câu thơ tiêu biểu trong bài thơ “Tiến sĩ giấy” (Nguyễn Khuyến) và “Vịnh khoa thi hương” (Trần Tế Xương) để làm rõ nhận định trên.

Thì rõ ràng, việc phân tích tác phẩm không quan trọng bằng việc chỉ ra các tác giả đã đứng ở vị trí nào để quan sát hiện thực phản ánh trong tác phẩm, từ đó người viết mới có cơ sở để khái quát về “mối quan hệ giữa tác giả và hiện thực cuộc sống”.

Nhìn qua trục “bạn đọc”, chủ yếu ta đi vào quá trình bạn đọc đọc, cảm nhận, đánh giá, tiếp nhận tác phẩm. Ở đây, ta có thể phân tích các văn bản tiếp nhận (lời bình của độc giả, các tác phẩm sáng tác để đáp lại tác phẩm trước đó), hoặc có thể đi sâu vào trình bày những suy nghĩ, cảm nhận, ấn tượng, trăn trở của chính mình với tư cách là một chủ thể tiếp nhận.

Ví dụ với đề bài:

 “Đọc thơ, có người đọc như nhà thực vật
Đọc mùa quả, hoa chói mắt
Có người như nhà địa chất
Đọc cái gì ở ngầm sâu trong đất
Đọc cái mạch ngầm văn bản phía sau”
(Chế Lan Viên, Đọc thơ mạch ngầm văn bản)
Anh chị hiểu thế nào là đọc thơ theo kiểu nhà thực vật và nhà địa chất như Chế Lan Viên đề cập trong đoạn thơ trên? Bằng kinh nghiệm đọc thơ của mình, hãy làm sáng tỏ điều anh/chị hiểu.

Thì người viết cần đặt mình ở vị trí người tiếp nhận, cụ thể là người đọc thơ, qua việc lý giải quá trình đọc thơ của bản thân để từ đó có cơ sở lập luận về việc “đọc thơ như nhà thực vật” và “đọc thơ như nhà địa chất”. Như vậy, trọng tâm của việc phân tích không phải là đào sâu cho thấy cái hay, cái đẹp của tác phẩm (nằm trong tác phẩm), mà quan trọng hơn, là phải làm bật lên được quá trình người đọc đọc, chiêm nghiệm, suy nghĩ, cảm nhận… những cái hay, cái đẹp đó (nằm trong tâm trí người đọc).

Như vậy, điểm lại những chủ đề lí luận văn học thường gặp, có thể thấy chúng sẽ được triển khai dưới những góc nhìn sau:


CHỦ ĐỀ
GÓC NHÌN CHỦ YẾU
1
Đặc trưng của văn học
Tác phẩm
2
Chức năng văn học
Tác phẩm
3
Nhà văn và quá trình sáng tác
Nhà văn
4
Ngôn từ nghệ thuật
Tác phẩm
5
Đặc trưng thể loại (thơ, truyện, kịch)
Tác phẩm
6
Tiếp nhận văn học
Người đọc

Tóm lại, trong khâu đọc đề, người viết cần chú ý đến mệnh của đề. Căn cứ vào các từ khóa: “bằng hiểu biết về tác giả”, “bằng trải nghiệm đọc của mình”, “bằng hiểu biết và trải nghiệm đọc văn chương”… Những từ khóa mệnh lệnh là những chỉ dẫn quan trọng để chọn góc nhìn triển khai dẫn chứng, quyết định hệ thống luận điểm của bài viết.

4.    Tư duy về dẫn chứng như những sơ đồ


Khâu cuối cùng trước khi bắt tay vào viết bài, đó là ta phải hình dung trong đầu một đường dây logic để triển khai hệ thống ý. Sai lầm nghiêm trọng nhất đó là ta vẫn cứ hình dung bài văn là một sự chắp ghép của những ý văn hay, những đoạn văn hay. Điều đó dẫn đến tình trạng ta học thuộc nhiều đoạn, nhiều chương và cứ thế chép lại trong trí nhớ, làm cho tổng thể bài văn bị rối loạn, các giọng văn, các ý đập nhau chan chát.

Ta phải nhìn vào bề sâu của hệ thống ý, để nhận ra đó không phải là việc chắp vá cơ học, mà từ ý này sang ý khác, từ câu này sang câu khác đều có mối liên hệ bên trong, ý này dẫn đến ý kia, ý sau củng cố cho ý trước, tất cả các ý đều phải hướng về luận đề (vấn đề nghị luận đề yêu cầu). Ta không hình dung bài văn của mình như những trang giấy đầy chữ, mà trước hết phải nhìn như một sơ đồ mà tất cả các ý đều có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Đó là một sơ đồ các ý trả lời cho hệ thống câu hỏi như sau:

a.     Vấn đề nghị luận là gì?
b.    Phạm vi dẫn chứng đến đâu?
c.     Chọn tác phẩm nào là phù hợp nhất?
d.    Chọn chi tiết/ nhóm chi tiết nào là đắt giá nhất?
e.     Triển khai dẫn chứng thế nào để làm bật lên vấn đề nghị luận?


Việc sắp xếp các ý theo trình tự các câu hỏi trên sẽ cho ta một đường dây lập luận chặt chẽ kết nối hệ thống các ý.

Ví dụ với đề văn:

“Văn học là nhân học” (M. Gorki)
Bằng hiểu biết của em về các tác phẩm văn học hiện đại trong chương trình Ngữ văn 9, hãy bàn luận về nhận định trên.

Trong đầu người viết phải hình thành một sơ đồ triển khai ý như sau:

CÂU HỎI
Ý TRIỂN KHAI
a.Vấn đề nghị luận là gì?
“Văn học là nhân học” – Văn học giúp ta hiểu hơn về giá trị, bản chất của con người.
b.Phạm vi dẫn chứng?
Tác phẩm văn học hiện đại trong chương trình Ngữ văn 9
c.Chọn tác phẩm nào phù hợp?
Bất kì tác phẩm nào cũng thể hiện đặc trưng trên. Cho nên ta chọn tác phẩm mà mình hứng thú nhất, gây nhiều ấn tượng nhất. Ví dụ: “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê)
d.Chọn chi tiết nào?
+Trọng tâm của “Những ngôi sao xa xôi” chính là nhân vật Phương Định.
+Nổi bật lên là tâm trạng Phương Định trong cảnh phá bom và cảnh cơn mưa đá.
+Với cảnh phá bom, một số chi tiết quan trọng: không gian tĩnh lặng, tiếng kim đồng hồ, chi tiết xẻng chạm vào vỏ quả bom, chi tiết vỏ quả bom nóng.
+Với cảnh cơn mưa đá, trọng tâm là chuỗi hồi ức và hoài niệm của Phương Định.
e. Triển khai dẫn chứng thế nào để làm bật lên vấn đề nghị luận?

Ví dụ chọn diễn biến tâm tạng Phương Định trong cảnh phá bom, thì đây là một hướng có thể triển khai.
+chi tiết tiếng kim đồng hồ
+chi tiết vỏ quả bom nóng
BÌNH DẪN CHỨNG:
èSự dũng cảm, gan dạ của Phương Định
èChính tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước đã tiếp thêm động lực để Phương Định vượt qua tất cả
BÁM ĐỀ:
Qua hình tượng Phương Định trong cảnh phá bom, LMK đã đặt ra những câu hỏi chạm đến bản chất của con người:
+Cái chết đáng sợ, nhưng vì những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng cho con người sức mạnh vượt qua tất cả.
+Con người có thể chết về thể xác, nhưng từ cái chết ấy mở ra vô vàn sự sống: sự sống của đồng đội, của đất nước,c ủa độc lập, tự do è Con người sẽ sống mãi trong những giá trị vĩnh hằng ấy.
è “Văn học là nhân học”, bởi qua những tác phẩm văn học ta hiểu thêm về những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người, thấu hiểu khát vọng muôn đời vươn đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ.


Mỗi hệ thống ý là một sơ đồ như vậy. Các hệ thống ý khác nhau, các dẫn chứng khác nhau lại kết nối với nhau thành một hệ sơ đồ lớn hơn. Nhờ vậy, bài viết chặt chẽ và thuyết phục.

Kết lại, qua bài viết này, có lẽ các bạn cũng nhận ra, viết thực ra là một quá trình tư duy, và bài văn chính là là sản phẩm của quá trình tư duy ấy. Để ra được sản phẩm cuối cùng, người viết phải trải qua rất nhiều quá trình sàng lọc kiến thức, chọn lọc hướng đi và sắp xếp hệ thống ý sao cho hợp lý. Chính vì vậy, viết như thế nào cho rõ ràng để người đọc có thể hiểu những điều mình muốn truyền tải cũng là một nghệ thuật. Trên cái nền chặt chẽ ấy, ta mới có thể để cảm xúc của mình bay bổng, để mạch văn chảy tràn khơi gợi cảm xúc. Nếu thiếu đi cái trình tự ấy, tất cả văn chương chảy tràn lay láng đều trôi tuột vào vô nghĩa, bởi người đọc không thể hiểu được nội dung của nó. Chính vì vậy, trước khi bắt đầu viết, nhất định hãy vạch ra cho mình một “chiến lược” triển khai dẫn chứng hiệu quả, bạn nhé.
THẦY DUY
(BLOG CHUYÊN VĂN)


TÓM TẮT BÀI VIẾT:
CHIẾN LƯỢC TRIỂN KHAI DẪN CHỨNG

1.    Đọc đề và xác định phạm vi dẫn chứng:
Chọn dẫn chứng cần đúng phạm vi dẫn chứng, cần đa dạng, soi chiếu nhiều khía cạnh vấn đề. Cần xác định rõ dẫn chứng bắt buộc và dẫn chứng mở rộng.
2.    Hai tiêu chí chọn dẫn chứng:
Là yêu cầu đề bài và kết cấu tác phẩm. Cần đọc trọn vẹn tác phẩm và đặt tác phẩm trong mối liên hệ với các tác phẩm liên quan để nắm được trọng tâm của từng tác phẩm.
3.    Xác định “điểm nhìn” để triển khai dẫn chứng:
Tùy vào đề mà đứng ở vị trí “tác phẩm”, “tác giả” hay “bạn đọc” để soi chiếu, phân tích dẫn chứng.
4.    Tư duy về dẫn chứng như những sơ đồ:
Viết là quá trình tư duy, bài văn là sản phẩm của quá trình tư duy nên cần hình dung mối liên hệ bên trong giữa các ý. Trong đầu người viết cần có hình dung về sơ đồ hệ thống ý để triển khai bài viết cho mạch lạc.





Đăng nhận xét