Search Suggest

ĐIỂM ĐẾN CỦA CUỘC ĐỜI” VÀ CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI TÌM GƯƠNG MẶT CÁI CHẾT




“Điểm đến cuộc đời – đồng hành với người cận tử và những bài học cho cuộc sống” (Đặng Hoàng Giang), cuốn sách đã khiến lòng mình chùng xuống. Bởi tác giả đã dũng cảm đề cập đến vấn đề mà ai trong chúng ta cũng muốn quên đi: cái chết.

Mình luôn tin rằng, người ta đau đớn trước cái chết của một ai đó vì hai lí do. Trước nhất, vì không thể chấp nhận được cuộc sinh ly tử biệt vĩnh viễn. Thứ hai, vì ngay khoảnh khắc đối diện với cái chết của đồng loại, họ nhìn thấy bản thể cái chết trong chính mình. Cuốn sách được ra đời dưới nỗi ám ảnh của tác giả từ cái chết của một người bạn. Ý niệm về cái chết – sự hủy hoại từng giờ từng phút diễn ra trong chính mỗi người, đã ám ảnh tác giả, và thôi thúc ông bước vào cuộc hành trình với ba bệnh nhân ung thư, những người đang đối mặt hàng ngày hàng giờ với sự sống và cái chết.

Trong vai trò một người bạn, một người đồng hành, một người kể chuyện, Đặng Hoàng Giang đã kể lại câu chuyện sự sống cái chết của Hà, một người mẹ đã mất đứa con trai bởi căn bệnh ung thư, câu chuyện của Liên, cô sinh viên vừa chật vật với nỗi đau tan rã từng phần cơ thể vừa hoàn thành đồ án tốt nghiệp, và Vân, với ước nguyện chân thành được hiến giác mạc. Cuốn sách là những trang viết chân tình, thấu cảm, có sức lay động và ám ảnh lớn.

Điều mình thích ở cuốn sách, là tác giả đã vẽ ra một bức tranh chân thực, dù nghiệt ngã, về cuộc hành trình đau đớn khó có thể tưởng tượng của những bệnh nhân ung thư và gia đình họ. Trong đó, tác giả đã đặt ra được những vấn đề có tính bản chất. Như vấn đề đạo đức của cái chết: Đạo đức cho người chết hay đạo đức cho người sống? Liệu có phải là đạo đức không khi bắt người bệnh chịu vô vàn hình thức chữa trị đau đớn (dù biết không hiệu quả), chỉ để người sống thanh thản? Và liệu rằng trợ tử nhân đạo, có phải là đạo đức? Những vẫn đề gây tranh cãi một lần nữa được đặt trở lại, bởi góc nhìn của những người trong cuộc, những con người từng ngày từng giờ đau đớn quằn quại nhìn thể xác mình tan rã, những con người không thể chịu nổi cuộc sống mà phải thầm ước: “Giá mình chết đi”.

Tác giả đã cho chúng ta thấy một sự thật khác về những bệnh nhân ung thư “bác sĩ trả về”, những con người “bị bỏ quên” chật vật quằn quại những tháng ngày cuối cùng ở những vùng quê xa xôi. Chật vật với cơn đau và quằn quại trong sự thiếu thốn morphines. Sự thiếu thốn về morphines là một thực trạng đáng buồn ở Việt Nam, do chính sách, do nhận thức và vô số rào cản khác. Trong cơn cùng quẫn, bệnh nhân và người nhà thậm chí phải tìm đến thuốc chợ đen với giá hai trăm ngàn một ống thuốc, gấp hai mươi lần giá mua ở tiệm thuốc.

Tác giả cũng đề cập thích đáng đến vấn đề hiến tạng và những rào cản định kiến cản trở hành động giàu ý nghĩa nhân văn này. Một bên là niềm tin cố hữu về việc “chết phải toàn thây”, và bên kia là nghĩa cử đẹp tiếp nối sự sống cho người khác, vẫn đang là một gánh nặng tinh thần đối với những người có ý định hiến tạng. Vấn đề này được tác giả giải quyết thỏa đáng dưới góc độ khoa học và tôn giáo.

Theo mình, đây là một cuốn sách đáng đọc. Và còn cần thêm những cuốn sách nữa viết về cái chết. Bởi học về sự chết chính là học về sự sống. Tuy vậy, có lẽ cần khai thác dưới góc nhìn khác đi. Ngay từ lời giới thiệu, tác giả đặt ra hai mục đích: đối diện với cái chết và vượt qua nó. Nhưng dưới góc nhìn của cuốn sách, có lẽ tác giả chỉ đạt được mục đích đầu tiên.

Có lẽ viết dưới nỗi ảm ảnh khơi ra từ cái chết của người bạn, nên tác phẩm mang một không khí rất nặng nề. Đôi chỗ, cái nặng nề được tô đậm bởi thủ pháp của tác giả. Như tiếng nhạc Trịnh từ nhà hàng xóm vọng sang như xát muối vào nỗi cô đơn tuyệt vọng tận cùng của Liên. Như tiếng rên xiết quằn quại qua điện thoại của Vân. Những chi tiết, theo mình, là quá riêng tư và ngoài việc tô đậm vào nỗi đau, mà nỗi đau là thứ mà cuốn sách này đã quá đủ, thì sự tồn tại của những chi tiết này khá thừa thãi. Cảm giác như, tác giả đang phóng chiếu chính nỗi hoang mang, bối rối và đau đớn của mình vào nhân vật, và dưới một cách lựa chọn chi tiết, tô đậm chi tiết như vậy, tác phẩm hiện ra như thể cuốn tiểu thuyết hư cấu nào đó với những bi kịch được “gia công” qua lăng kính thủ pháp. Cách viết đó làm giảm chất thực cho cuốn sách. Điều đó tạo cho mình cảm giác ngăn cách với nhân vật, dẫu rằng vẫn cảm thấy xúc động khi đọc.

Mà nói về cái chết, cuốn sách nói gì với ta về cái chết? Mình nghĩ không nhiều. Mọi nỗi đau, nếu có, đều gợi lên từ việc nhân vật chống chọi và chịu đựng với căn bệnh ung thư, tức là với chính sự sống đang ngày một lụi tàn để đi về cái chết. Cuốn sách có nói về cách các nhân vật cuối cùng làm thế nào để học cách than thản đón nhận cái chết, và cách người thân của họ tiếp tục sống, nhưng dường như điều đó là chưa đủ. Mình đồng cảm với nỗ lực của tác giả, tô đậm cái chết để người ta biết cách sống, nhưng có lẽ cách làm như thế là chưa thuyết phục. Vì nỗi ám ảnh về cái chết quá lớn.

Cuối cuốn sách, nỗi ám ảnh đó hiện hình day dứt và ám ảnh hơn bao giờ hết:

“Tôi thấy Thần Chết đứng tựa cửa sổ, tối có thể với tay ra và chạm vào nó. Nó ở đó, mỉm cười thân thiện. “Hãy thưởng thức những giây phút này đi”, dường như nó thầm nói với tôi. “Hãy yêu thương nhau đi”. Bố mẹ ngươi sẽ đi trước, nhưng thực ra cũng không biết được đâu. Ta ngẫu hứng, ta không có kế hoạch”.

Tác giả đã tạc tượng cái chết như một con ngáo ộp. Nỗi ám ảnh và đau đớn mà cái chết mang lại vẫn bao trùm. Người đọc, dưới sự sợ hãi và ám ảnh ấy, được khuyên răn hãy trân trọng cuộc sống. Nhưng liệu rằng điều đó là có thể?

Như cách truyền thông vẫn làm, người ta thường hay dạy về cái chết bằng cách tạc tượng những con ngáo ộp hoặc dựng lên tượng đài của những vị thánh. “Hãy nhìn những con người đau đớn quằn quại sống không bằng chết kia đi, để thấy đời mình thật may mắn”. “Hãy nhìn những tấm gương vượt qua nghịch cảnh kia đi, tại sao mình lành lặn thế này mà lại để đời lãng phí”. Không khó để bắt gặp công thức này trên truyền thông. Chỉ có điều, tạo ra những tượng đài, là vô nghĩa. Người ta chiêm bái tượng đài, rồi nhanh chóng quay lưng đi. Cũng như khoảnh khắc cảm động phút chốc rồi cũng tan biến, người ta dễ dàng trở về guồng quay cuộc sống và sống như thể mình không bao giờ chết. Phải nhận chân cái chết từ chính bản thể của mình. Ta sống. Ta hít thở. Ta yêu thương. Ta đau buồn. Ta chết. Chết cũng là một phần của sự sống này, là một phần của chính bạn. Cũng như hiện hữu, tồn tại, dâng hiến…, chết cũng định nghĩa bạn giữa cõi đời này.

Đối với mình, cuốn sách để lại những ấn tượng nặng nề. Mình đã nằm mơ thấy ác mộng về cái chết sau khi đọc cuốn sách. Nhưng bởi lẽ ta đang sống trong một thực tại mà chẳng ai có thể trải nghiệm cái chết mà vẫn có thể chia sẻ về nó, cho nên mọi góc nhìn đều có giá trị giúp ta hiểu hơn về cái chết. Có lẽ nên nhìn những cảm giác đau thương ám ảnh mà cuốn sách mang lại dưới góc độ “sự thanh tẩy” – giống như những vở kịch Hy Lạp La Mã cổ đại, tạo ra cảm giác sợ hãi xót thương và rồi “thanh tẩy” cảm giác sợ hãi và xót thương trong người thưởng thức.

Về cuốn sách của Đặng Hoàng Giang, đến đây là hết. Phần sau mình sẽ giới thiệu cho các bạn những góc nhìn khác nữa về cái chết, như một cách “thanh tẩy” ấn tượng xót xa và sợ hãi (nếu có) trong bạn. Để không mất thời gian của bạn, mình sẽ tóm tắt thật gọn và dẫn ra những nguồn tham khảo nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn.

1)   Vũ hội carnaval và tiếng cười chiến thắng cái chết:

Cảm quan carnaval bắt nguồn từ những vũ hội giả trang thời kỳ trung cổ và phục hưng châu Âu. Dưới lớp mặt nạ, con người vứt bỏ danh tính cá nhân để cảm nhận mình là một phần lớn lao hơn của cái toàn thể vĩ đại – thân xác toàn dân. Một mình, ta thấy mình nhỏ bé và hữu hạn, dễ dàng bị cái chết bất tử. Nhưng nếu cảm thấy mình là một phần của cái toàn thể, ta sẽ thấy dòng máu cha, ông, tổ tiên nhân loại chảy tràn trong huyết quản của mình từ ngàn xưa và còn tiến diễn tái sinh liên tục ở những thế hệ sau nữa. Thân xác toàn dân là cái lớn lao bất tử. Chính vì thế trong lễ hội giả trang, người ta không sợ cái chết, mà họ dùng tiếng cười để chiến thắng cái chết. Họ tạo ra những đám rước với hình hài những con ngáo ộp, thần chết được tạo hình hài hước. Lửa carnaval rực cháy và tiếng cười carnaval bay lên trong đêm trường trung cổ…

Bạn có thể cảm nhận điều này rõ hơn trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” (Mikhail Bulgakov).

2)    Người Nhật và mỹ học của cái chết:

Văn hóa Nhật Bản xoay quanh một chữ Mỹ. Người Nhật tìm thấy cái đẹp ngay cả trong những sự hủy diệt tàn khốc, ngay cả trong sự mỏng manh hư vô như cánh hoa anh đào. Chính trong tâm thức ấy mà người dân xử sở Phù Tang tìm thấy mỹ học của cái chết. Có lẽ hay hơn cả là để bạn cảm nhận trực tiếp điều này, thông qua bộ phim Okuribito (tên tiếng Anh “Departure”, tên Tiếng Việt “Người tiễn đưa”). Bộ phim đã được nộp để tham gia đề cử giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất.

3)    Triết học Ấn Độ - cái chết là một phần sự sống:

Cội nguồn triết học Ấn Độ đến từ những Áo Nghĩa Thư (upanishad), được ghi lại bởi những hiền giả thiền trong rừng sâu khi họ chứng ngộ được bản chất cuộc sống. Trên quan điểm “nhất nguyên thế giới”, họ đã chỉ ra cho chúng ta một chân lý rằng cái chết và sự sống vốn là một. Trong cuốn sách “Sự sống sau cái chết và gánh nặng chứng minh” (Depak Chopra), triết lý này được diễn giải trong ẩn dụ tuyệt đẹp về điệu luân vũ bất tận giữa sự sống và cái chết.

4)    Tử thư Tây Tạng – bản đồ thế giới sau cái chết:

Người Tây Tạng không quan niệm có điểm tận cùng của vũ trụ. Vũ trụ là một sự chuyển tiếp. Khái niệm trung tâm mà Phật giáo Tây Tạng sử dụng là “bardo” (thân trung ấm) – có nghĩa là giai đoạn chuyển tiếp. Cuộc đời mà ta đang sống cũng là một giai đoạn chuyển tiếp. Cái chết cũng là một giai đoạn chuyển tiếp trước khi tâm bản nhiên (không phải “linh hồn” như cách hiểu của phương Tây) bắt đầu kiếp sống mới của nó, và lại chết, và lại tiếp tục cuộc hành trình mới, cứ thế… Trong nhân sinh quan đó, cái chết là một cuộc sửa soạn để bước vào một hành trình mới. “Tử thư Tây Tạng”  được viết ra bởi các thiền sư Tây Tạng, chứa những tri thức sâu xa được lưu truyền, có vai trò như một bản đồ hướng dẫn người chết ở thế giới bên kia. “Chết an lạc” là một niềm hạnh phúc, và cuốn sách về cái chết hướng dẫn người ta làm thế nào để chết an lạc.

Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn vấn đề này trong cuốn “Tạng thư sống chết” của thiền sư Sogyal Rinpoche. Là “Tạng thư sống chết” chứ không phải “Tử thư Tây Tạng”, bởi theo thiền sư, biết cách chết cũng chính là lúc ta biết cách sống.

Tôi đã định viết thật ngắn, trong khoảng chưa đến 1000 chữ. Trên Facebook, người ta chỉ mất 4 giây để quyết định có đọc một bài viết nào đó hay không, và không đủ kiên nhẫn với một bài viết dài hơn 2000 chữ như thế này. Bạn thân mến, nếu bạn đủ kiên nhẫn đọc đến đây, có lẽ bạn cũng như tôi, đã phải trăn trở nhiều về câu hỏi: Cái chết là gì? Tại sao con người ta phải chết?

Cách đây hơn một năm, tôi đi thăm cô giáo cũ của tôi lần cuối cùng, khoảng ba ngày sau cô mất. Sau một thời gian rất lâu không gặp, tôi bước vào phòng bệnh khoa Ung Bướu bệnh viện Chợ Rẫy, mắt dáo dác nhìn khắp những thân thể gầy yếu mỏng manh đau đớn vì bệnh tật. Trong tâm trí, tôi cố tìm cô giáo của tôi, một người hoạt bát, xinh đẹp, tài giỏi, hài hước – một người để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi và ảnh hưởng một phần đến cách tôi đứng lớp sau này. Con trai cô cũng là bạn học của tôi, lúc đó mới nói:

“Mày nhìn đi đâu vậy Duy, mẹ tao đây nè”.

Cô nằm ngay trước mặt tôi, trên giường bệnh gần nhất. Tôi không biết phải nói gì khác, vì sự tàn nhẫn của bệnh tật và có lẽ cả cái chết, là một thực tại khủng khiếp và khó có thể chấp nhận được.

Thuở nhỏ, tôi vẫn nhớ mẹ dắt tay tôi đi trên con ngõ hẹp ở vùng Giáp Lục nhà tôi, chỉ vào quan tài người ta khuân ra khỏi nhà hàng xóm và bảo rằng: “Đây là quan tài. Quan tài là chỗ người chết sẽ nằm ở đó. Chết tức là sẽ không bao giờ trở lại nữa”. Tôi vẫn nhớ một đêm bác cả đến nhà gọi ngoài cổng, đêm đó ông ngoại mất. Tôi vẫn nhớ tôi bé tí mặc áo tang chạy long ton theo bố mẹ trong đám tang bà nội đi dọc con đường Lý Thường Kiệt từ bệnh viện Thống Nhất, về đâu, tôi không nhớ nữa.

Ý niệm về cái chết quả thực là một cái gì khó chấp nhận, đúng không? Ngay cả khi ta còn thơ bé hay ta đã lớn đến nhường này và có trí khôn đến nhường này. Cũng như Đặng Hoàng Giang, tôi đã phải tìm kiếm tri thức để hóa giải những vướng mắc trong tâm trí mình. Những cuốn sách, bộ phim tôi giới thiệu cho bạn ở phần trước, chính là quá trình trải nghiệm ấy. Có những bộ phim những cuốn sách tôi đã đọc từ trước, nhưng rõ ràng những trải nghiệm ấy như một định mệnh để sau cùng có được câu trả lời.

Và bây giờ, tôi ở đây, lòng không còn cố chấp nữa. Câu trả lời của tôi nằm ngay trong văn hóa người Việt, trong kho tàng tri thức tâm linh của ông bà ta. May mắn cho tôi đã sinh ra và lớn lên ở một đất nước tâm linh, nơi phần âm luôn tồn tại bên cạnh phần dương, nơi người ta sống trong tâm thức hướng về thế giới của những người đã khuất. Tôi yêu bàn thờ gia tiên, khi tôi thắp nén nhang hướng về tổ tiên như nhìn thấy cuộc đời biết bao thế hệ trong làn khói nghi ngút. Tôi nhận ra dòng máu tổ tiên bao đời vẫn chảy trong mình, trong đời mình là biết bao cuộc đời cha ông đi trước. Con người sinh ra trong thế giới này vừa là một sinh thể độc lập đầy bản sắc, vừa là sự tiếp nối thiêng liêng huyết thống vượt qua không gian và thời gian. Con người do đó, độc lập nhưng không cô độc.

Có vẻ như trong truyền thống vài ngàn năm văn hóa của mình, người Việt Nam đã để lại cho con cháu câu trả lời về cái chết và cách đối mặt với cái chết. Tôi yêu cách người lớn dạy trẻ nhỏ gặp đám tang phải dừng lại cúi đầu, như một cách thành kính tiễn đưa một con người vào cuộc hành trình mới của họ. Tôi yêu cách người Việt cúng vong linh vào rằm Tháng bảy như một cách an ủi nhưng linh hồn bơ vơ vất vưởng. Tôi yêu cách người ta thả đèn hoa đăng trên dòng sông Hương, để tiễn đưa các linh hồn.

Ở một đất nước tâm linh và giàu truyền thống văn hóa, người ta dạy con cháu mình sống tử tế với người sống, và sống tử tế với người chết. Bởi biết cách chết, chính là biết cách sống. Đối với tôi, đạo đức của cái chết, chính là như vậy.

Bạn thân mến, hãy trân trọng sự sống này, vì đó là món quà vô giá bạn được ban tặng giữa vũ trụ này. Nhưng hãy hiểu sứ mệnh của cái chết.

Lá úa tàn rụng về cội, nhưng cây đời thì mãi xanh tươi. Từng khoảnh khắc, vũ trụ lại xoay vần trong giai điệu bất tận của nó, sự sống nắm tay cái chết trong điệu luân vũ vĩnh hằng…

Trần Lê Duy


Đăng nhận xét