Search Suggest

DẤU ẤN THỊ THÀNH TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH TRƯỚC 1945



                                                                            
I. MỞ ĐẦU
Đầu thế kỉ 20 khi va chạm với nền văn hóa phương Tây, thành thị ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ và để lại dấu ấn khá đậm nét trong sáng tác văn học giai đoạn này. Trong văn học Việt Nam vẫn chưa hình thành một dòng văn học thành thị thực sự, tức là chưa có một dòng văn học mà người viết về thành thị được sinh ra và lớn lên ở thành thị, với những trải nghiệm của người thành phố. Đa số nhà văn, nhà thơ Việt Nam viết về thành thị bằng trải nghiệm nông thôn, vì thế, thành thị chủ yếu hiện lên trong tư cách “kẻ khác” với không ít những thiên kiến.
Nhận định ngắn gọn của Hoài Thanh “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê ẩn náu trong lòng ta”[1] đã trở thành định hướng cho hầu hết nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính. “Nguyễn Bính – chân quê” đã trở thành định danh dành riêng cho ông và có lẽ vì thế mà ít người chú ý đến vấn đề thành thị trong thơ ông. Vấn đề thành thị chủ yếu được điểm qua khi nghiên cứu về “cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Bính”. Năm 2010 trên trang tienphong.vn Hoài Nam công bố bài Có một Nguyễn Bính thị thành đã điểm qua một số nét tâm trạng của nhân vật trữ tình trong thơ ông khi đối diện với thành phố, mang lại gợi mở quý báu cho nghiên cứu vấn đề thành thị trong thơ Nguyễn Bính.
Bài viết này hướng tới tìm hiểu những biểu hiện của thành thị trong cảm nhận của Nguyễn Bính, kiến giải vấn đề từ tiểu sử, gia đình nhà thơ, bối cảnh văn hóa xã hội truyền thống và đương thời.
II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
            Đầu thế kỉ 20, sự xâm nhập của văn hóa phương Tây theo bước chân thực dân đã thúc đẩy thành thị phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Sự hiện diện của thành phố mang tính hiện đại thời kì đó đã tác động nhiều chiều đến tâm lí người dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức. Có những người coi thành thị là chốn phồn hoa, văn minh, thanh lịch; có người lại thấy đó là chốn lai căng, tha hóa, cạm bẫy… Từ đó dẫn đến những phản ứng tâm lí khác nhau, có người dấn thân vào chốn phồn hoa, có người lại tìm về với miền yên ả, về những miền quê, hoài niệm “ngày xưa”. So với “nông thôn”, thành thị trong thơ Nguyễn Bính có tần số xuất hiện không nhiều, nhưng nó lại thể hiện rất rõ biến động của thời đại khắc in trong một bộ phận trí thức.
1. Thành thị - “Mộng huy hoàng”
            Mặc dù rất ít khi trực tiếp nói đến sức cám dỗ của thành thị, nhưng trong thơ ông, thành thị vẫn hiện lên với sức hấp dẫn ngấm ngầm. Nhân vật trữ tình trong thơ từng hăm hở bước vào không gian thị thành:  “Rồi men tráng lệ châu thành ấy/ Từ đấy in thêm một bóng người/ Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng/ Giầu lòng tin tưởng bước tương lai”(Lá thư về Bắc). Ở không gian đó có những gì khiến nhân vật trữ tình phải “Bỏ lại vườn cảm bỏ mái gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành”(Hoa với rượu)? Trong thơ Nguyễn Bính, thành thị chỉ được nhắc đến như một ý niệm rất mơ hồ: “Rộn những phồn hoa”(Lá thư về Bắc), “Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng”(Sao chẳng về đây). Thành thị gắn với giấc mơ thay đổi cuộc sống, dù nhà thơ chỉ thoảng nhắc đến: “Gia đình thiên cả lên thành thị/ Buôn bán loanh quanh bỏ cấy cày”(Giời mưa ở Huế). Đây là một chi tiết có thật trong cuộc đời Nguyễn Bính, nhưng nó phản ánh thực tế biến động ở Việt Nam khi thành thị phát triển mạnh mẽ, không ít người rời bỏ quê nhà tìm đến thành thị với ước mơ thay đổi cuộc sống, mà trước hết là cuộc sống vật chất. “Giấc mơ thành thị” đã trở thành giấc mơ phổ biến của những người ở nông thôn khi thành phố phát triển. Nó gắn với sự day dứt về cái nghèo hiện có và mơ ước giàu sang. Giấc mơ về sự giàu sang được gửi gắm kín đáo trong những câu chuyện tình yêu, hôn lễ, đón rước. Chẳng hạn như bài Quan trạng: “Quan Trạng đi bốn lọng vàng/Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm/Mọi người hớn hở ra xem/Chỉ duy có một cô em chạnh buồn./Từ ngày cô chửa thành hôn,/Từ ngày anh khoá hãy còn hàn vi./Thế rồi vua mở khoa thi,/Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng”. Giấc mơ đó có nét giống với niềm day dứt: “Có những mâm cau phủ lụa điều/ Đi vào trong gió lạnh hiu hiu/ Những xe hoa cưới, sao mà đẹp!/ Cửa kính huy hoàng vạt áo thêu…./ Châu ngọc làm sao hái được nhiều/ Tôi là thi sĩ của thương yêu/ Lấy đâu xe cưới ngời hoa trắng/ Với những mâm cau phủ lụa điều”(Một trời quan tái). Nỗi niềm trong bài Quan trạng là nỗi niềm tiếc nuối của cô gái, còn nỗi niềm trong bài Một trời quan tái lại là nỗi niềm day dứt buồn bã bất lực của người con trai về sự nghèo túng của mình. “Phồn hoa” là ý niệm khá sâu đậm trong thơ Nguyễn Bính khi nói về thành thị, ý niệm này bắt nối với ý niệm về thành thị - kinh kì trong truyền thống, nó cũng là suy nghĩ của không ít người hồi đó. Thạch Lam cũng từng ghi lại ý niệm về chốn thành thị “lấp lánh ánh sáng và rộn rã âm thanh” khác với sự tù túng tĩnh lặng ở vùng quê (Hai đứa trẻ).
            Ấn tượng khá đậm của thành thị không chỉ với Nguyễn Bính mà với nhiều nhà văn thời đầu thế kỉ 20 là hình ảnh cô gái tân thời. Hình ảnh này trở thành biểu tượng cho sự đổi mới, đối lập với hình ảnh những cô gái truyền thống ở nông thôn. Phụ nữ tân thời nhàn nhã ngồi trên ghế xích đu đọc sách cũng từng là hình ảnh trong mơ của nhà văn Điền trong Giăng sáng của Nam Cao. Là “thi sĩ của thương yêu”, Nguyễn Bính cũng dành không ít sự quan tâm đến hình ảnh từng trở thành trung tâm diễn ngôn về đấu tranh giữa cũ và mới, diễn ngôn giải phóng phụ nữ đương thời. Trong bài Chân quê, sức cám dỗ, sức hấp dẫn của thị thành, của cái mới, của “tân thời” được hiện hình rõ nét “Hôm qua em đi tỉnh về/ Đợi em ở mãi con đê đầu làng/ Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi”. Cô gái đã đổi thay ít nhất là trong cách ăn mặc khi từ thành thị trở về, cho thấy sức cám dỗ không nhỏ của thành thị đối với họ. Thiếu nữ tân thời từng là hình ảnh đẹp, hình ảnh trong mơ của nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính đã trực tiếp khắc họa nét đẹp “tân thời” của thiếu nữ kinh thành Huế: “Những nàng thiếu nữ sông Hương/ Da thơm là phấn môi hường là son/ Tựu trường san sát chân thon/ Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời/ Gió thu cứ mãi trêu ngươi/ Đôi thân áo mỏng tơi bời bay lên/ Dịu dàng đôi ngón tay tiên/Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường” (Tựu trường). Bài thơ thiên sang miêu tả từ làn da, nét môi, chân thon, ngón tay với son, với áo, với nón và cử chỉ “giữ hờ mép áo”. Thiên sang đặc tả cũng chính là nhấn mạnh sự quan sát, sự cảm nhận của nhân vật trữ tình. Với “thi sĩ của thương yêu” dường như hình ảnh cô gái tân thời là trung tâm của thành thị:  “Cả kinh thành có những ai?/Cả kinh thành có một người mắt nhung!…../Đêm qua buồn quá tôi say/ Đã mơ một giấc mơ đầy mắt nhung!” (Mắt nhung). Trên các phương tiện truyền thông hiện nay, hình ảnh những cô gái xinh đẹp cũng được khắc họa như là biểu tượng cho sự hấp dẫn của thành phố[2].
            Có thể thấy “phồn hoa” dường như là một ý niệm xuất hiện trong tâm thức của con người ngay từ khi thành thị ra đời. Và khi “thành thị” trở thành không gian đối lập với “nông thôn” thì ước mơ thay đổi không gian từ nông thôn lên thành thị chưa bao giờ vơi cạn. Chuyện những trí thức nghèo muốn bước chân vào giới thượng lưu thành thị ở phương Tây thế kỉ 19; chuyện những người như anh giáo Thứ trong Sống mòn của Nam Cao muốn tìm cuộc sống mới ở thành thị; hay ở Trung Quốc hình thành cả một “trào lưu” “Bắc phiêu” – những người ở nơi khác đến thủ đô Bắc Kinh mưu sinh… là minh chứng rất rõ cho sức cám dỗ của thành thị. Ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ 20, thành thị hiện đại xuất hiện và phát triển nhanh khiến không ít người muốn tìm đến thị thành với giấc “mộng phồn hoa”, và cũng chính giấc mộng đó đã kéo theo không ít hệ lụy tinh thần khi va đập với thực tế. Mọi người đều chung một giấc mộng phồn hoa, nhưng những hệ quả của sự va đập với thực tế in hằn trong tâm tư mỗi người thì có thể lại rất khác nhau. Với cá nhân mỗi người cũng vậy, giấc mộng đó chỉ có một nhưng những chấn động, những day dứt trong sự va đập với hiện thực thị thành lại rất đa dạng. Có lẽ vì thế mà khi viết về thành thị, Nguyễn Bính dành nhiều trang viết về sự va chạm với thực tế chốn đô thành.              
2. Thành thị - chốn lưu lạc
            Trong thơ Nguyễn Bính in hằn một mâu thuẫn lớn, đó là nhân vật trữ tình từng hăm hở bước vào chốn phồn hoa; nhưng lại không thể thích ứng được với nơi ấy, lúc nào cũng cảm giác nơi ấy không thuộc về mình; tuy cảm nhận nơi ấy không thuộc về mình nhưng vẫn không rời nơi ấy được. Chính vì thế, những trang thơ viết về thành thị của Nguyễn Bính hầu hết là những trang đượm buồn, nhuốm đầy biệt li tang tóc, đầy cảm giác lạc loài.
Đến nay, hình ảnh con tàu và sân ga không còn xa lạ với chúng ta, nhưng những năm đầu thế kỉ 20, khi lần đầu tiên đường tàu được xây dựng ở Việt Nam, thì con tàu và sân ga lại hiện diện như một sự kiện lớn, trở thành thứ làm thay đổi, nếu không muốn nói là làm đảo lộn cuộc sống vốn ở trạng thái tĩnh ở các vùng nông thôn. Dù đây không phải là biểu tượng của thành thị, nhưng nó gắn với văn minh hiện dại, là phương tiện giao nối giữa các vùng miền, trong đó có giao nối giữa nông thôn và thành thị. Không phải ngẫu nhiên mà Thạch Lam chú trọng khắc họa tâm trạng mong ngóng chuyến tàu đêm kết nối vùng quê tăm tối với Hà Nội “lấp lánh ánh sáng và rộn rã âm thanh”. Nguyễn Bính đã tập trung khắc họa sân ga gắn với các cuộc chia lìa, chia lìa giữa những người bạn, giữa vợ và chồng, giữa những người yêu nhau, giữa mẹ và con, giữa một người với quê hương gia đình mình: “Những cuộc chia lìa khởi tự đây/Cây đàn sum họp đứt từng dây/Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc/Lần lượt theo nhau suốt tối ngày” (Những bóng người trên sân ga). Trong chuỗi những cuộc ra đi đó, có không ít người hướng tới thành thị.
            Mang theo “mộng phồn hoa”, nhưng khi đến chỉ thấy sự ngột ngạt: “Hà Nội cơ hồ loạn tiếng ve/ Nắng dâng làm lụt cả trưa hè” (Nhớ người trong nắng); ở đó chỉ có bụi bặm đa đoan: “Hồn cô cát bụi kinh thành/ Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe”(Tình tôi); ở đó chỉ có sự tàn phai: “Lá úa kinh thành rơi ngập đất” (Một trời quan tái); ở đó không có mùa xuân: “Giữa nơi thành thị gió mưa phai/ Chết dần từng nấc, rồi mai mốt/ Chết cả mùa xuất, chết cả đời/…/ Kinh kì bụi quá xuân không đến” (Sao chẳng về đây); ở đó tràn ngập màu tang tóc: “Tôi thấy quanh tôi và tất cả/ Kinh thành Hà Nội chít khăn xô”(Viếng hồn trinh nữ). Nhân vật trữ tình không tìm thấy niềm vui, không tìm thấy sự sẻ chia, không tìm sự bình yên trong tâm hồn khi ở thành thị. Thành thị “phồn hoa” còn luôn nhắc nhở những người tìm cơ hội nơi thành thị về thân phận “tha hương” của mình: “Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên,/Đêm đêm quán trọ thức thi đèn/Làm thơ mang bán cho thiên hạ,/Thiên hạ đem thơ đọ với tiền”. Bước từ truyền thống thơ văn là thú chơi thanh cao, viết để tặng nhau, để thù tác sang thời kì thơ văn trở thành một loại hàng hóa, các nhà thơ khó có thể thích ứng ngay được. Đó là sự chuyển đổi lớn trong xã hội, cũng là cú sốc tinh thần của văn sĩ. Chuyện cơm áo gạo tiền trở thành nỗi ám ảnh của không ít văn sĩ thời bấy giờ. Xuân Diệu từng viết: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt,/Cơm áo không đùa với khách thơ”, các nhân vật văn sĩ trong sáng tác của Nam Cao cũng cay đắng với chuyện áo cơm (Đời thừa, Giang sáng, Sống mòn). Cho nên, thành thị phồn hoa lại trở thành thứ gợi nhắc nỗi ám ảnh, sự tự ti trong những người ôm “mộng phồn hoa”: “Châu ngọc làm sao hái được nhiều/ Tôi là thi sĩ của thương yêu/ Lấy đâu xe cưới ngời hoa trắng/ Với những mâm cau phủ lụa điều” (Một trời quan tái).
3. Tìm về nông thôn
            Trong thơ Nguyễn Bính, tâm lí tìm về nông thôn như một hệ quả tất yếu khi vỡ “mộng phồn hoa”, “sực tỉnh sầu đô thi”. Theo lẽ thông thường, người ta chỉ khao khát những gì hiện tại mình không có. Khi ở nông thôn thì mơ về phồn hoa, khi ở chốn phồn hoa thấy thiếu vắng nhiều thứ quan trọng cho đời sống tinh thần của mình thì luôn khao khát tìm về. Trong văn học Việt Nam, phần lớn các nhà văn nhìn thành thị bằng trải nghiệm nông thôn, vì thế, thành thị trở thành “kẻ khác”, ý niệm về thành thị là “ý niệm về kẻ khác”. Những gì không thể chấp nhận được ở “kẻ khác” đều do họ lấy thước đo từ trải nghiệm nông thôn của mình. Vì thế, trong thơ Nguyễn Bính, khi “sực tỉnh sầu đô thị”, khi cảm thấy bơ vơ lạc loài ở chốn thành thị thì nhân vật trữ tình thường tiếc nuối, dằn vặt vì đã bỏ lại quê nhà những điều quý giá mà họ không thể tìm thấy ở thị thành. Điều nhân vật trữ tình thèm khát nhất trong chốn bơ vơ là thèm khát tình người, trước hết là tình cảm gia đình, sự sẻ chia an ủi. Nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính luôn dằn vặt day dứt, tự trách bản thân vì đã “Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh. Tôi đi dan díu với kinh thành” (Hoa với rượu); “Không còn ai nữa? để hoa đầy vườn” (Anh về quê cũ). Bỏ lại tất cả như vậy để dấn thân vào chốn thị thành, nhưng cái thu được chỉ là “Lẽo đẽo đi trong gió bụi đời/ Gian nan vất vả quá anh ơi/ Lắm khi thấy thiếu lời an ủi/ Nhưng kiếm đâu ra dẫu một lời” (Lá thư về Bắc). Thấy thiếu trong hiện tại thị thành và mơ về ngày xưa nông thôn chính là đã lấy những trải nghiệm ở nông thôn làm tiêu chuẩn, và cũng do lấy những trải nghiệm đó làm tiêu chuẩn nên mới không thể hòa nhập được với chốn thị thành. Lấy chuẩn về không gian sống thoáng đãng yên ả nên mới thấy thành thị ngột ngạt “loạn tiếng ve”; lấy chuẩn về không gian sống trong lành hòa với thiên nhiên nên mới không thể thích ứng được với thành thị “cát bụi”; lấy chuẩn là cuộc sống chan hòa tình cảm nên thấy lẻ loi chốn thị thành… Nguyễn Bính viết nhiều bài thơ day dứt về thân lưu lạc muốn trở về với gia đình, quê hương, với nông thôn, nơi ấy có những thứ đã lắng đọng trong tâm hồn, kí ức, tiềm thức. Bài thơ Sao chẳng về đây đã khắc họa sâu đậm nỗi day dứt tìm về đó: “Sao chẳng về đây múc nước sông/ Tới cho những luống có hoa trồng/ Xuân sang hoa nụ rồi hoa nở/ Phô nhụy vàng hây với cánh nhung” .
            Có thể nói, Nguyễn Bính viết về thành thị từ điểm nhìn nông thôn và viết về nông thôn sau khi đã dấn thân vào thành thị nhưng không tìm được sự hòa hợp. Nếu chỉ gắn Nguyễn Bính với “chân quê” thì chưa đủ, và nếu nói “ông như người lái đò qua lại giữa hai bờ nông thôn và thành thị” cũng chưa lột tả hết được vấn đề ám ảnh nhất trong thơ Nguyễn Bính. Nguyễn Bính có thực sự chối bỏ cái mới như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét khi phân tích bài thơ Chân quêkhông? Nhiều người khẳng định Nguyễn Bính muốn giữ nét “chân quê” căn cứ vào câu: “Nào dâu cái yếm lụa sồi/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?/ Nào dâu cái áo tứ thân/ Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen? Nói ra sợ mất lòng em/ Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”. Thực ra Nguyễn Bính không kì thị với những thứ “tân thời”. Điều mà bài Chân quê muốn chối bỏ là sự không phù hợp, không hòa hợp chứ không phải dấu ấn thị thành nhuốm trên cô gái. Điều mà nhân vật trữ tình trong bài thơ đó theo đuổi là “Hoa chanh nở giữa vườn chanh”. Cô gái đi tỉnh về mang theo hơi hướng thị thành đã không còn là “hoa chanh nở giữa vườn chanh” nữa, “khăn nhung quần lĩnh”, “áo cài khuy bấm”  không phù hợp với không gian “con đê đầu làng”, không phù hợp với hoàn cảnh “thầy u mình với chúng mình chân quê”, và rất có thể, nhân vật trữ tình cảm thấy mình không theo kịp sự đổi mới đó nên muốn kéo cô gái trở về với “áo lụa sồi, khăn mỏ quạ”.
III. KẾT LUẬN
            Trong thơ Nguyễn Bính có một con người xuất phát từ nông thôn hăm hở bước vào không gian thành thị với giấc “mộng phồn hoa” nhưng cuối cùng lại luôn khắc khoải nhớ về nơi mình đã rời xa, khắc khoải muốn trở về nhưng chỉ là trở về trong tâm tưởng. Thành thị có sức cám dỗ mãnh liệt đối với mọi người, nhưng riêng với tầng lớp văn nghệ sĩ, đặc biệt là những người có trải nghiệm nông thôn sâu sắc thì thành thị luôn là nơi họ có thể đặt chân đến nhưng không thể hòa hợp. Mảng thơ “chân quê” của Nguyễn Bính có lẽ cũng nên tiếp cận từ trạng thái tâm lí đó để thấy nó như là một điểm tựa tâm lí, một sự kháng cự trước những gì mà thành thị gây ra.
                                                                                                            
                                                                                                Dương Nội, tháng 5 năm 2018
                                                                                                            Đỗ Văn Hiểu
Nguồn: Tạp chí Lí luận phê bình văn học nghệ thuật, số 6 - 2018, tr 67-71
  (Ảnh:  https://news.zing.vn ) 
Tài liệu tham khảo:
  1. Vũ Quốc Ái…(sưu tầm, tuyển chọn): Tuyển tập Nguyễn Bính. Nxb Văn học, 1986
  2. Nguyễn Bính: Xuân tha hương. Sở văn hóa- thông tin Hà Nam Ninh, 1989
  3. Nguyễn Bính: Hương cố nhân, Nxb Văn nghệ tp Hồ Chí Minh, 1999
  4. Nguyễn Bính: Tâm hồn tôi. Nxb Hội nhà văn, 2016
  5. Hoài Nam: Có một Nguyễn Bính thị thành , tienphong.vn, 2010
  6. Hoài Thanh, Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam. Nxb Văn học, 2000





[1]Hoài Thanh, Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, 2000, tr343
[2]Xin xem: Đoàn Quốc Minh: Sức cám dỗ của nữ tính và văn hóa đại chúng, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, 2008 (Bản tiếng Trung)

Đăng nhận xét