Search Suggest

“XUÂN QUỲNH MỘT NỬA CUỘC ĐỜI TÔI” – TỪ NỖI ĐAU TÌNH YÊU VẪN HÁT…







“Trời đày em xuống trần gian để sống cho người khác, như người trồng cây, cây đơm hoa kết trái thì trời gọi em về, để lại cho đời hoa thơm và trái ngọt. 

Còn tôi, trời đã trừng phạt tôi, cho tôi sống để tôi phải chứng kiến cái chết và nhìn nắm xương tàn của Quỳnh! 

Quỳnh đã ra đi thật rồi! Người tôi thương nhất, người hiểu tôi nhất chẳng còn thì cuộc sống của tôi từ nay còn ý nghĩa gì? Người ta bảo thời gian sẽ chữa lành các vết thương lòng, nhưng với tôi, thời gian chỉ làm cho vết thương càng thêm rỉ máu. Bởi vì Xuân Quỳnh đã là một nửa cuộc đời tôi”

 (Trích hồi ký của nhà giáo Đông Mai, chị gái nữ sĩ Xuân Quỳnh)

Xuất bản lần đầu tiên năm 1993, 6 năm sau tai nạn cướp đi của văn đàn Việt Nam cặp đôi tài hoa Lưu Quang Vũ – xuân Quỳnh, tái bản năm 2008, kỉ niệm 20 năm ngày mất của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ,“Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi” luôn luôn là cuốn hồi ký mình yêu thích nhất.

Với người yêu thơ Xuân Quỳnh, cuốn sách là một mảnh đời chân thực và xót xa, một miền kí ức thân thương diệu vợi vẫn còn lưu dấu trong những vần thơ của chị. Với mình, cuốn hồi ký đã chạm vào trái tim mình, bởi tất cả sự hồn hậu yêu quý và tất cả nỗi đau đớn xót xa không thể chữa lành của nhà giáo Đông Mai, khi viết về người em gái mà mình yêu thương nhất. Mình đọc cuốn hồi kí trước khi đọc thơ Xuân Quỳnh, mình đến với thơ Xuân Quỳnh trước hết qua tất cả niềm yêu và niềm đau của Đông Mai.

Bài viết này ghi lại những cảm nhận vụn vặt của mình về cuốn hồi ký này.

1.

Lần theo cuộc đời Xuân Quỳnh từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, cuốn sách không chỉ vẽ nên một chân dung văn học, mà còn khắc họa cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc. Với những người ở hậu thế như mình, những sự kiện lịch sử như chiến thắng Điện Biên Phủ, hay sự kiện ta kí kết hiệp ước Geneve với Pháp chỉ đơn giản là những con số, là ngày tháng năm, là một vài dòng tóm gọn trong sách giáo khoa. Nhưng với những người sống trong khoảnh khắc biến động ấy, thì đó là cả cuộc đời. Lịch sử được chép lại bằng bút mực và lịch sử được chép lại bằng cuộc đời, dường như giữa chúng luôn có một khoảng cách nào đó.
 “Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước chia làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, miền Nam tạm thời địch kiểm soát, chờ 2 năm tổ chức tổng tuyển cử để tổ chức đất nước. Lúc ấy, cha con tôi cũng như nhiều người đương thời cứ tin là đúng thời hạn, đất nước sẽ hòa bình thống nhất! Nhưng rồi 3 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm. Cuộc chiến đấu khốc liệt cho sự thống nhất đất nước đã kèo dài ngoài sức tưởng tượng của con người. Thế là tin tắc bặt tăm giữa cha con tôi!”

Lời hứa cha con Nam Bắc gặp mặt, thay vì hai năm đã kéo dài thành hai mươi năm. Một gia đình chỉ trong phút chốc biệt ly chia cắt hai mươi năm trời. Con người quá bé nhỏ trong vòng xoáy lịch sử, tưởng như những hạt bụi li ti cuồng quay trong cơn bão thời cuộc. Những tháng ngày gian truân đau đớn nhất của Tổ quốc cắt ngang qua từng gia đình tạo thành những đứt gãy tưởng chừng như không thể ngờ được.

Khi lịch sử được kể lại bằng chuyện đời, khi các mộc thời gian hiện hình qua lăng kính của mất mát và của những nỗi đau, ta mới thấy hết sự nhỏ bé hữu hạn của con người giữa tất cả biến thiên thăng trầm của đất nước.

2.

“Người nắm lấy chân tôi rồi khóc nức nở, dặn tôi: Mợ chết, con phải thương Quỳnh. Tội nghiệp em lắm con ạ! Trí óc non nớt tuổi thơ của tôi đâu biết gì đến cái chết, đến nỗi đau của người mẹ sắp phải lìa con, lúc thì tôi vâng dạ, lúc thì tôi giãy nảy lên: “Con chả chịu đâu. Quỳnh hư lắm, hay khóc nhè, hay lấy đồ chơi của con!”. Rồi lại hỏi:

 -Thế mợ chết, mợ thành gì?Có thành ma không?- Mợ thành đất.

- Nếu thành ma, mợ đừng về dọa con nhé! 

Tôi không thấy mẹ tôi trả lời, chỉ thấy tiếng sụt sùi và những giọt nước mắt nóng ấm rơi xuống bàn chân bé nhỏ của tôi”.


Mình đọc ở đâu đó rằng, những vết thương tuổi nhỏ sẽ theo ta đến hết cuộc đời. Những mất mát, những đau thương, những kí ức khắc sâu như một thứ di sản cuộc đời trao tặng, như một vết cứa không lành sẹo, và cứ thế, ta mang theo trong suốt cuộc đời mình…

Từng giọt nước mắt thuở nhỏ, ta mang theo thấm ướt trang thơ.

Không có bằng chứng cụ thể, nhưng mình luôn cảm thấy dường như những mất mát thuở nhỏ, nhất là nỗi đau mất mẹ đã ám vào thơ Xuân Quỳnh nỗi bất an và những dự cảm mất mát, để thấy thời gian dài rộng nhưng rồi cũng trôi qua tay như “mây vẫn bay về xa”, để thấy tình yêu dù sâu đậm mà “lời yêu mỏng manh như màu khói”.

Yêu thương đời Quỳnh, chị gửi gắm vào hình tượng bàn tay:

“Bàn tay em, gia tài bé nhỏ,
Em trao anh cùng với cuộc đời em.”

Bàn tay em, di sản của yêu thương, di sản của cuộc đời, có gì?

Là kí ức tuổi thơ em lấp lánh như đom đóm trên dòng sông hoài niệm:

“Bàn tay em ngón chẳng thon dài,
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả.
Em đánh chắt, chơi thuyền thuở nhỏ,
Hái rau dền, rau rệu nấu canh,
Tập vá may, tết tóc một mình,”

Là đau đớn một đời em không quên:

Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.

Là cả bao yêu thương em vun đắp:

Đường tít tắp, không gian như bể,
Anh chờ em, cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồn gìn giữ.
Trời mưa lạnh, tay em khép cửa,
Em phơi mền, vá áo cho anh.
Tay cắm hoa, tay để treo tranh,
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.
Năm tháng đi qua, mái đầu cực nhọc,
Tay em dừng trên vầng trán lo âu.
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngã.

“Quê hương và gia đình”, “Tuổi thơ bất hạnh”, “Cái thuở ban đầu”, “Những năm tháng không yên”, “Hạnh phúc nhọc nhằn”, “Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi”, từng chương sách mở ra từng khoảnh khắc trong cuộc đời Xuân Quỳnh. Dẫu là vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau, hay thăng trầm dâu bể, người đọc vẫn nhận ra thế giới thơ của Xuân Quỳnh luôn mở ra từ cánh cửa của mái ấm gia đình. Từ gia đình mà nhìn ra Tổ quốc, từ “trăm con sóng nhỏ” mà nhìn ra “biển lớn tình yêu”, từ tiếng gà tra của một xóm nhỏ mà tìm về tình yêu đất nước. Thế giới quan ấy được dựng nên từ những người mà Xuân Quỳnh yêu thương nhất: Các con, Vũ, chị gái, mẹ, bố và bà. Chính trong những phút giây yêu thương, săn sóc và hy sinh vun vén cho mái ấm gia đình mà hồn thơ Xuân Quỳnh cất tiếng. Một hồn thơ cho đi biết bao nhiêu cũng không bao giờ là đủ.

3.

Có người nói với mình rằng, đến cuối cuộc đời, dường như Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đang bước vào hai quỹ đạo dần xa rời nhau.

Tầm vóc của Lưu Quang Vũ càng lúc càng lớn lao vĩ đại, vươn đến những triết lý nhân sinh sâu xa nhân bản.

Còn Xuân Quỳnh, vẫn khiêm nhường yêu thương vun đắp mái ấm thơ từ những điều nhỏ nhặt vụn vặt hằng ngày.

Có thể đúng, có thể không. Vụ tai nạn định mệnh năm 1988 khiến chúng ta mãi mãi không bao giờ biết được câu trả lời cho những nghi vấn ấy.

Nhưng mình không nghĩ đến một lúc nào đó, sự minh triết của Lưu Quang Vũ sẽ đẩy nhà văn ra khỏi Xuân Quỳnh. Bởi như một quy luật, người phụ nữ từ mái ấm của gia đình mà tìm về sự minh triết của chính họ. Như bà Hiền trong “Một người Hà Nội”, từ điểm tựa là nếp nhà để nhìn ra nhân tình thế thái, để nhìn ra vận nước vần xoay, để nhìn ra lẽ sống- chết ở đời, và đến khi về già, đã vượt qua những cái hữu hình mà nghiệm lấy cái chân lý siêu hình của vũ trụ qua hình ảnh cây si cổ thụ. Người phụ nữ trong bản năng yêu thương săn sóc và ban tặng sự sống, vun vén hạnh phúc gia đình như một cái gì rất tự nhiên và rất thiêng liêng. Để rồi từ những mảnh ghép vụn vặt hàng ngày từ bữa ăn giấc ngủ mà họ nhìn ra dòng chảy thiêng liêng minh triết ngàn đời của sự sống. Từ đôi bàn tay bé nhỏ chai sần, họ mở ra những tầng sâu ý nghĩa của cuộc đời này.

Mình luôn nghĩ rằng trong từng đó yêu thương và trong từng đó lo âu, thơ Xuân Quỳnh gõ vào trái tim ta những điều bí mật chẳng bao giờ nói hết được.

05. 09. 2018
TRẦN LÊ DUY






Đăng nhận xét